GS - VS Đào Thế Tuấn: Nhà tri thức lớn của nông nghiệp, nông thôn

GS.Đào Thế Tuấn, một trí thức tài hoa, một đảng viên yêu nước từ thuở ấu thơ, khi có giặc thì cầm súng bảo vệ Tổ quốc, khi hòa bình thì nghiên cứu canh nông nuôi sống con người; một cán bộ lãnh đạo không màng đến quyền lợi cá nhân, trong nhà tài sản quý nhất chỉ là sách vở; một nhà khoa học say mê với kiến thức, luôn chăm lo đào tạo cho thế hệ tương lai. Nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh của GS-VS Đào Thế Tuấn (4/7/1931 - 4/7/2023), xin giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Bộ, nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam.

GS,VS Đào Thế Tuấn sinh ngày 4/7/1931 tại TP Huế. Nguyên quán của ông: Khúc Thủy (nay thuộc xã Cự Khê), Thanh Oai, Hà Nội. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức nổi tiếng cả về trí tuệ và tinh thần yêu nước. Cha ông, cụ Đào Duy Anh, một trong số ít nhân vật Việt Nam được bộ từ điển Larousse ghi danh với tư cách là một nhà bách khoa toàn thư của thời hiện đại. Mẹ ông, bà Trần Như Mân, một nhà giáo và hoạt động xã hội. Gia đình ông là chỗ thân tín của nhà chí sỹ Phan Bội Châu. Chẳng vậy mà khi GS. Đào Thế Tuấn ra đời, cụ Phan đã tiên đoán tương lai của ông không chỉ sẽ theo được mà còn làm rạng rỡ thêm truyền thống gia đình qua bài thơ:

Hai mươi lăm triệu giống dòng ta,
Hôm trước nghe thêm một tiếng oa,
Mừng chị em mình vừa đáng mẹ,
Mong thằng bé nọ khéo in cha.
Gió đưa nam tới sen đầy hột,
Trời khiến thu về quế nở hoa.
Sinh tụ mười năm mong thế mãi,
Ấy nhà là nước, nước là nhà.

1f8d693e-0df0-425b-8cf1-44a1b858fff4-1688727412.jpeg
GS-VS Đào Thế Tuấn

Tháng 8/1953, GS. Đào Thế Tuấn là một trong 49 người đầu tiên được chọn đi Liên Xô và học tại Trường Đại học Nông nghiệp Tashkent. Năm 1955, khi mới là sinh viên năm thứ ba, ông đã tham gia nghiên cứu khoa học và công trình nghiên cứu đầu tiên của ông là về cây trồng nhiệt đới ở Việt Nam. May mắn cho ông, thời gian đó ông được Giáo sư Belov, một người say mê thu thập tài nguyên di truyền và nghiên cứu nguồn gốc cây trồng hướng dẫn nên ông đã có điều kiện nghiên cứu và xuất bản bằng tiếng Nga cuốn sách đầu tiên về sinh thái và nguồn gốc cây lúa. Cuối năm thứ tư, ông về thực tập ở Trạm Nghiên cứu lúa Krasnodar (sau này là Viện Nghiên cứu lúa toàn liên bang), nghiên cứu về các giai đoạn phát triển của cây lúa dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Eryghin, một nhà sinh lý nổi tiếng của Liên Xô.

Luận văn tốt nghiệp của ông được hội đồng đánh giá cao, cho kéo dài 6 tháng để viết thành luận án Phó tiến sỹ (Tiến sỹ hiện nay) và ông đã bảo vệ thành công luận án vào năm 1958. Như vậy, chỉ trong 5 năm, ông vừa hoàn thành chương trình kỹ sư nông học, vừa bảo vệ thành công luận án tiến sỹ nông học. Ông là tiến sỹ đầu tiên của Việt Nam được Liên Xô đào tạo.

Cuối năm 1958, ông về nước và làm việc tại Học viện Nông lâm với tư cách là giảng viên môn sinh lý thực vật, đồng thời kiêm Trưởng phòng khoa học của Học viện.

Trong thời gian này, với sự hướng dẫn của GS. Bùi Huy Đáp, ông đã khởi xướng một hướng nghiên cứu mới về sinh lý học của năng suất để xây dựng cơ sở khoa học cho thâm canh cây lúa. Các nghiên cứu về hiện tượng lốp đổ khi cấy dày và bón nhiều phân đạm cho thấy các giống lúa cổ truyền của Việt Nam không thể cho phép đạt năng suất cao vì cao cây, dễ đổ. Đây là các gợi ý cho công tác tạo giống thâm canh sau này.

Ngoài các nghiên cứu về đạm, GS. Đào Thế Tuấn cùng các đồng nghiệp cũng đã đề xuất phương pháp biến lân thành đạm qua việc bón lân cho bèo hoa dâu và điền thanh. Kết quả này đã được trình bày ở Hội nghị khoa học Bắc Kinh năm 1963 và xuất bản trong cuốn Phân supe lân và cách sử dụng (NXB. Nông thôn, 1962) và sách Các biện pháp nâng cao hiệu suất phân hoá học (NXB Nông thôn, Hà Nội, 1965). Cũng trong thời kỳ này, ông được cử làm Trưởng bộ môn sinh lý thực vật của Học viện Nông lâm kiêm Trưởng phòng khoa học.

Năm 1963, Học viện Nông lâm tách ra thành Viện Khoa học nông nghiệp và Trường Đại học Nông nghiệp, ông được phân công làm Trưởng ban trồng trọt kiêm Trưởng phòng sinh lý cây trồng của Viện. Ban này là tiền thân của các Viện Cây lương thực, cây công nghiệp, Viện Thổ nhưỡng nông hóa và Viện Bảo vệ thực vật sau này.

Bấy giờ bệnh vàng lụi (sau được xác định là bệnh Tungro) đang lan rộng ở miền Bắc, GS. Đào Thế Tuấn đã tổ chức nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học thuộc nhiều bộ môn để xác định nguyên nhân gây bệnh và phát hiện ra rằng vàng lụi không phải là một bệnh sinh lý mà là bệnh virus do rầy xanh đuôi đen là vectơ truyền bệnh. Tại thời điểm đó, ông và cộng sự đã chú ý tìm các giống kháng bệnh, đề xuất biện pháp canh tác phù hợp như bón kali, làm cỏ sục bùn để hạn chế bệnh. Kết quả nghiên cứu đã phát hiện các giống tẻ trắng Tây Bắc, 813, I1, A10 có khả năng kháng bệnh vàng lụi.

Sau này, thông qua các chuyên gia Indonesia, ông đã đưa được về hai giống có khả năng kháng bệnh cao là I1 và A10. Từ khi có hợp tác với IRRI, Philippines, ông cũng có công đưa giống lúa IR64 về phổ biến ở vùng Điện Biên để đến hôm nay, giống lúa này đã trở thành giống phổ biến và đặc sản với tên gọi mới là "Tám Điện Biên".

Phong trào 5 tấn/ha và việc phát triển vụ lúa xuân đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu cơ sở khoa học cho thâm canh. Do vậy, từ 1965 nhóm của GS. Đào Thế Tuấn bắt đầu nghiên cứu sinh lý của ruộng lúa năng suất cao với việc phân tích quá trình quang hợp, dinh dưỡng khoáng. Việc chuyển từ nghiên cứu cá thể sang nghiên cứu quần thể ruộng lúa là một bước phát triển mới của phương pháp tiếp cận hệ thống. Khi nghiên cứu ruộng lúa năng suất cao, cho thấy các giống lúa năng suất cao phải thấp cây, có lá gần thẳng đứng, cho phép thu được nhiều bông, bông dài, tỉ lệ lép thấp.

Trên cơ sở các luận cứ khoa học nêu trên, ông đã chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình thâm canh tại Tân Hưng Hòa, Kiến Xương - Thái Bình, Đồng Tiến, Khoái Châu - Hưng Yên. Công trình nghiên cứu này đã đặt cơ sở cho việc thâm canh lúa đạt 10 tấn/ha vào những năm 70 của thế kỷ trước và được tổng kết trong cuốn Sinh lý của ruộng lúa năng suất cao.

Xác định giống là khâu đột phá, quyết định đến việc tăng năng suất lúa, từ năm 1970, GS. Đào Thế Tuấn đã tổ chức nghiên cứu cơ sở sinh lý của việc chọn giống năng suất cao, trong đó chọn giống lúa theo nguồn và sức chứa có vai trò quyết định. Theo hướng này, ngoài nghiên cứu chọn tạo giống cho vùng thâm canh, ông bắt đầu nghiên cứu cơ sở sinh lý của việc chọn giống chống chịu các điều kiện bất thuận như mặn, rét, hạn, ngập úng và kháng bệnh. Kết quả là nhóm nghiên cứu của ông đã chọn lọc và lai tạo được nhiều giống lúa mới như: giống lúa NN75-10 (X1) chịu bệnh bạc lá (cùng PGS. Tạ Minh Sơn); giống lúa cực ngắn CN2, cho phép làm vụ mùa sớm, mở rộng vụ đông; giống lúa CR203 chịu rầy nâu đầu tiên của nước ta (cùng PGS. Nguyễn Công Thuật chọn từ tập hợp dòng của IRRI). Ngoài ra còn có các giống lúa chịu phèn V14 và V15...

Ngoài lúa, nhóm của GS còn tạo được giống ngô số 6, giống S1 ngắn ngày và giống ngô nếp S2; các giống đậu tương AK02 và AK03 (cùng với GS. Trần Văn Lài). Cùng với giống, một số biện pháp thâm canh khác như chống rét cho mạ xuân, bón đón đòng cho lúa, bón đạm sâu để tránh mất đạm, trồng ngô bầu, trồng đậu tương đông không làm đất... cũng được nghiên cứu và đề xuất.

Năm 1967, GS. Đào Thế Tuấn được Bộ Nông nghiệp cử vào Nghệ An giúp tỉnh chỉ đạo sản xuất nông nghiệp. Tại đây, các ý tưởng về nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng giá trị sản xuất đã được manh nha và tổ chức nghiên cứu. Vấn đề này được ông tổng kết trong cuốn Bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý ở hợp tác xã (NXB. Nông thôn, 1969) và sau này là cuốn Cơ sở khoa học của việc xác định cơ cấu cây trồng hợp lý (NXB. Nông thôn, 1977). 

Từ năm 1978, bộ môn Sinh thái và Canh tác do GS. Đào Thế Tuấn thành lập đã tổ chức nghiên cứu hoạt động của hệ sinh thái nông nghiệp, triển khai việc nghiên cứu hệ thống canh tác của các vùng sinh thái khác nhau, nhất là các vùng sinh thái khó khăn như vùng chiêm trũng, vùng phèn mặn, vùng lúa nước trời thường gặp hạn. Tuy nhiên, khi nghiên cứu hệ thống nông nghiệp mà chỉ đề cập đến các thành phần tự nhiên và kỹ thuật thì không đầy đủ vì trong thực tế, các yếu tố về kinh tế - xã hội có ý nghĩa quyết định sự phát triển của hệ thống. Vì vậy, năm 1988, ông đã lập bộ môn Hệ thống nông nghiệp để kết hợp việc nghiên cứu kỹ thuật và kinh tế - xã hội, nghiên cứu về các thể chế nông thôn, nhất là thể chế kinh tế hộ nông dân. (Hiện nay bộ môn đã nâng cấp thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp).

Ông cũng là người khởi xướng và chủ trì hợp tác với Viện Khoa học nông nghiệp Pháp trong chương trình Hệ thống nông nghiệp lưu vực sông Hồng. Các kết quả nghiên cứu về lĩnh vực này đã được tổng kết trong cuốn Hệ sinh thái nông nghiệp (NXB. Khoa học Kỹ thuật, 1983) là sách giáo khoa đầu tiên về sinh thái học nông nghiệp.

Từ đầu năm 1980, GS. Đào Thế Tuấn đã quan tâm đến tiếp cận hệ thống trong khoa học nông nghiệp. Từ việc nghiên cứu hệ thống ruộng lúa tiến đến nghiên cứu hệ thống cây trồng rồi hệ thống nông nghiệp. Để phát triển hướng nghiên cứu này, ông đã thành lập nhóm nghiên cứu sau này trở thành bộ môn Toán máy tính, đặt ở Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chuyên nghiên cứu về các mô hình phát triển nông nghiệp trong mối quan hệ với các mô hình kinh tế chung của cả nước.

Trên cơ sở các nghiên cứu về nông nghiệp của nước ngoài, GS. Đào Thế Tuấn đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng các đòn bẩy kinh tế trong việc tổ chức nghiên cứu khoa học và đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cũng như cải cách kinh tế của các nước, mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp. Năm 1987, ông viết tài liệu Cải cách kinh tế ở Trung Quốc được UBKHKTNN xuất bản và có đóng góp tích cực trong việc ra đời Nghị quyết 10 năm 1988.

Sau này, khi đã nghỉ điều hành rồi nghỉ hưu, GS. Đào Thế Tuấn vẫn miệt mài nghiên cứu các vấn đề kinh tế hộ, chuỗi giá trị, thể chế trong phát triển nông thôn... Với mong muốn tìm hướng cho nông thôn phát triển, ông đã đề xuất và lãnh đạo Hội Khoa học Phát triển nông thôn. Các kết quả nghiên cứu sau này của ông được xuất bản trong cuốn sách Kinh tế hộ nông dân (NXB. CTQG, 1997).

Ngoài tư cách là một nhà khoa học hàng đầu, GS. Đào Thế Tuấn cũng được tin tưởng giao nhiều trọng trách: Phó viện trưởng (1976) rồi Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam (1983). Năm 1990, ông đảm đương vai trò Phó chủ nhiệm Chương trình nghiên cứu về phát triển nông thôn KX-08.

GS. Đào Thế Tuấn còn là một đảng viên trung kiên với trên 60 năm tuổi Đảng. Ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư và năm 1985, được bầu làm thành viên nước ngoài của Viện hàn lâm Khoa học nông nghiệp Liên Xô, sau này là Viện hàn lâm Khoa học nông nghiệp Liên bang Nga. 

Với những cống hiến to lớn cho cuộc kháng chiến và cho nền khoa học nước nhà, GS. Đào Thế Tuấn đã được tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì. Năm 2000, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Năm 2005, ông nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ. Ngoài ra, ông còn nhận nhiều phần thưởng của Cộng hòa Pháp như: Huân chương Sĩ quan Công trạng Nông nghiệp, Sĩ quan Cành cọ Hàn lâm và Giải thưởng René Dumont.

GS.Đào Thế Tuấn, một trí thức tài hoa, một đảng viên yêu nước từ thuở ấu thơ, khi có giặc thì cầm súng bảo vệ Tổ quốc, khi hòa bình thì nghiên cứu canh nông nuôi sống con người; một cán bộ lãnh đạo không màng đến quyền lợi cá nhân, trong nhà tài sản quý nhất chỉ là sách vở; một nhà khoa học say mê với kiến thức, luôn chăm lo đào tạo cho thế hệ tương lai.

Mãi mãi sống với chúng ta giọng nói sang sảng của ông khi thẳng thắn, khảng khái tranh cãi về học thuật; mãi mãi còn đó nụ cười hóm hỉnh, dí dỏm của ông khi bàn bạc về lẽ đời; mãi mãi dáng vẻ ngơ ngác, cặm cụi tìm tòi của con người mà trí tuệ và lòng bao dung vượt qua những trăn trở đời thường. Chỉ có tương lai mới cho chúng ta biết đã mất gì khi mất đi Đào Thế Tuấn và cũng chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết mình được gì do ông để lại./.