Khôi phục diện tích trồng cây ca cao tại vùng đất Cát Tiên (nay thuộc huyện Đạ Huoai)
Cây ca cao tuy không phải là cây trồng thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng, nhưng nhờ những ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng tại khu vực phía Nam của tỉnh Lâm Đồng, là nơi đang dần hình thành vùng nguyên liệu ca cao của tỉnh. Ngày trước tại thị trấn Phước Cát, huyện Cát Tiên rộ lên phong trào trồng cây ca cao, lúc này đa phần trái ca cao được người dân thu hái, bán tươi hoặc bán khô cho đại lý thu mua, một số gia đình chế biến các sản phẩm phụ kèm theo như rượu ca cao. Ngoài ra, khi trồng, chăm sóc cây ca cao bà con nông dân còn chưa nắm được kỹ thuật trồng và chăm sóc nên dẫn đến tình hình dịch bệnh trên diện rộng và không mang lại hiệu quả kinh tế, vì vậy bà con nông dân nơi đây không còn mặn mà với loại cây này.
Giữa lúc loay hoay không biết nên chuyển đổi sang loại cây trồng gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì hai cô gái trẻ Bế Thị Thu Huyền và Lương Thị Duyên trở về quê hương lập nghiệp, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và lợi thế thổ nhưỡng của địa phương, vào năm 2021 thành lập tổ hợp tác thanh niên chuyên thu mua và chế biến ca cao. Đến nay xây dựng nên Công ty TNHH Bản ca cao, chính sự nghiêm túc và tâm huyết với cây ca cao dần dần đã thay đổi suy nghĩ của bà con nơi đây có cách nhìn nhận khác để phát triển cây ca cao. Cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Nguyễn Văn Quyền ở tổ dân phố 7, thị trấn Cát Tiên nhận hợp đồng trồng ca cao cho tổ hợp tác từ những ngày đầu thành lập đến nay. Trước đây, gia đình ông Nguyễn Văn Quyền chỉ có 100 cây ca cao trồng xen trong vườn điều đến năm thứ 5 hiện cho năng suất khoảng 30 - 35 kg trái tươi/cây/năm.
Được sự hỗ trợ, hướng dẫn của chính quyền địa phương, sản phẩm bột ca cao nguyên chất và bột ca cao sữa của Bản Ca cao đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Từ đây, sản phẩm bột của Bản Ca cao được tham gia kết nối trong nhóm OCOP, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm sản phẩm địa phương Lâm Đồng tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Nông dân thử nghiệm hình thức tưới nhỏ giọt trên cây ca cao để tiết kiệm nguồn tài nguyên
Được biết, mô hình công nghệ tưới nhỏ giọt trên cây ca cao là nội dung của một đề tài khoa học lần đầu tiên được triển khai tại huyện Đạ Huoai từ tháng 10/2011 do Hội đồng Khoa học và Công nghệ huyện Đạ Huoai thông qua và Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai thực hiện. Qua thực hiện thử nghiệm, hình thức tưới nhỏ giọt trên cây ca cao ở Đạ Huoai đã mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ.
“Khi áp dụng tưới nhỏ giọt, cây ca cao được tưới và bón phân một cách đầy đủ và khoa học theo cách chia nhỏ lượng phân bón nhiều lần trong năm nên đã làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón, dẫn đến tăng năng suất cây trồng” - Phòng Nông nghiệp huyện Đạ Huoai rút ra kinh nghiệm. Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp Đạ Huoai còn cho biết: “Tại các mô hình tưới nhỏ giọt, các khâu làm cỏ, tủ gốc giữ ẩm, tỉa cành tạo tán, chi phí đầu tư phân bón và phòng trừ sâu bệnh so với vườn đối chứng (không tưới nhỏ giọt) không khác nhau nhiều nhưng ở vườn tưới nhỏ giọt, năng suất cây trồng đã tăng từ 20%-50%, lợi nhuận cũng theo đó tăng từ 25%-100%, tương đương 2-8 triệu đồng/0,5 ha/năm”. Cùng đó, tưới nhỏ giọt trên cây ca cao sẽ tiết kiệm được khoảng 52% lượng nước so với kiểu tưới truyền thống. Ngoài việc bảo vệ và tiết kiệm được nguồn tài nguyên nước, việc sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt còn có tác dụng hạn chế ô nhiễm môi trường do phân bón được sử dụng hợp lý thông qua hệ thống tưới, giảm thiểu tình trạng phân bón bị bay hơi và rửa trôi gây ô nhiễm môi trường; đồng thời, với lưu lượng nước tưới cực nhỏ của công nghệ tưới nhỏ giọt đã hạn chế đến mức thấp nhất hiện tượng xói mòn đất, hiện tượng rửa trôi và làm nghèo đất; từ đó góp phần đáng kể vào việc bảo vệ môi trường đất.
Kỳ vọng Liên kết xây dựng vùng nguyên liệu xuất khẩu Hàn Quốc
Cây ca cao, loại cây trồng gặp nhiều thăng trầm tại vùng đất Cát Tiên (nay thuộc huyện Đạ Huoai) đang bước vào một chu kỳ ổn định. Đó chính là nhờ sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất và người nông dân trồng ca cao địa phương.
Ông Trần Văn Chương, thôn Sơn Hải, xã Phước Cát 2, huyện Đạ Huoai đã có kinh nghiệm trồng ca cao từ năm 2009 với 100 cây ca cao đã 15 năm tuổi hiện đang cho thu hoạch ổn định 10 tấn/năm. Và, ông Trần Văn Chương đang trồng thêm 120 cây ca cao năm thứ 2. Chị Bế Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty chia sẻ, cây ca cao vốn là một loại cây được cư dân Cát Tiên trồng nhiều. Bản thân chị cũng như những bạn trẻ đồng hành trong Công ty Bản Cacao rất tha thiết với việc tìm ra hướng đi cho loại nông sản của quê hương. Năm 2021, Công ty TNHH Bản Cacao ra đời, với thành viên là những người trẻ và mục tiêu sản xuất, chế biến hạt ca cao. Qua gần bốn năm trằn trọc, băn khoăn từ đầu ra cho tới chất lượng sản phẩm, năm 2024, Bản Cacao đã mở ra được hướng mở đầu tiên: xuất khẩu ca cao sang Hàn Quốc. Và, doanh nghiệp trẻ của những người trẻ đã tìm được hướng đi cho hạt ca cao vùng đất Cát Tiên. Chị Bế Thị Thu Huyền thông tin, mùa khô là mùa thu hoạch cũng như chế biến ca cao ra các sản phẩm như socola, bột ca cao, bơ ca cao. Một tuần, Công ty Bản Cacao thu 2,5 tấn trái để đưa vào sản xuất. Đây cũng là một vấn đề cần được doanh nghiệp giải quyết triệt để nếu muốn ổn định đầu ra. Vì vậy, nếu đảm bảo chất lượng hạt cũng như chất lượng sản xuất, hạt ca cao Cát Tiên sẽ có cơ hội chiếm được ngách nhỏ trong thị trường Hàn Quốc. Công ty TNHH Bản Cacao cũng vừa xây dựng được sản phẩm OCOP bột ca cao và socola, đây cũng là cơ hội để ca cao Cát Tiên chinh phục thị trường nội địa, bên cạnh những thương hiệu sản phẩm ca cao có sẵn.
Ca cao tuy là loại cây trồng mới được đưa vào cơ cấu kinh tế nông nghiệp của địa phương nhưng đây là loại cây trồng nhanh chóng chứng tỏ hiệu quả kinh tế ở tỉnh Lâm Đồng.