Sinh ra và lớn lên tại Phú Xuyên (Hà Nội) với nhiều năm liền gắn bó với mảnh đất vùng đồng chiêm trũng, anh Phạm Ngọc Tuân, trú tại thôn Phong Triều, xã Nam Triều đã luôn trăn trở khi diện tích đất trũng trồng lúa theo phương thức 1 lúa 1 cá tại địa phương chưa hiệu quả, đồng thời chưa giải quyết được việc làm cho người nông dân.
Sau dồn điền đổi thửa (năm 2012), vùng ruộng trũng cho thu hoạch bập bõm, khiến thu nhập của người dân cũng bấp bênh. Trước tình cảnh đó, lãnh đạo xã Nam Triều đã đi tìm hiểu, thăm các mô hình nông nghiệp mới tại nhiều địa phương khu vực phía Bắc. Mục tiêu được đặt ra là phải tìm được mô hình mới đáp ứng được 2 tiêu chí: Hiệu quả hơn cấy 2 vụ lúa; đầu ra sản phẩm có doanh nghiệp liên kết bao tiêu. Mà trên hết, phải bảo đảm đó là mô hình nông nghiệp xanh, bền vững, giúp xây dựng môi trường sinh thái nông thôn trong lành.
Qua quá trình nghiên cứu, năm 2018, ông Tuân nảy ra ý định biến diện tích trồng lúa kém hiệu quả của bà con thành đầm sen, cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, giống sen truyền thống, bản địa đã bị thoái hóa, năng suất chất lượng kém.
Vì vậy, anh bỏ công đi tìm hiểu những mô hình trồng sen kết hợp nuôi cá ở một số địa phương tại Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình… và biết được đến một số mô hình trồng sen Nhật lấy hạt, cho năng suất cao nên đi tìm hiểu để về trồng tại quê mình.
Cuối năm 2019, sản phẩm từ giống sen của Nhật Bản đã được đưa vào sản xuất, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nhật Bản. “Người cần đất, đất cần người”, cơ duyên đưa đẩy, đến năm 2020 mô hình trồng sen này đã hình thành trên những cánh đồng trũng kém hiệu quả ở Nam Triều. Anh Tuân và nhiều người dân nhiệt tình tham gia ngay từ những ngày đầu, bởi mô hình bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên liên kết.
Sen thu hoạch đến đâu được một doanh nghiệp xuất khẩu tại Hưng Yên thu mua ngay tại ruộng đến đó với giá từ 40-50.000 đồng/kg hạt sen tươi.
Từ đây thương hiệu sen Nam Triều của anh Phạm Ngọc Tuân nổi tiếng và sản phẩm sen Sen não sấy khô Nam Triều đã được chứng nhận OCOP 3 sao của thành phố Hà Nội. Mô hình trồng sen Nhật Bản trên diện tích kém hiệu quả tại địa phương không chỉ mở ra cho anh Tuân mà còn cả hướng đi mới cho vùng đất trũng này.
Bình thường khi nhắc tới Phú Xuyên, người ta hay nghĩ tới mô hình lúa, cá, vịt nổi tiếng một thời nhưng không thể đi theo lối mòn mãi khi thị trường, môi trường xã hội mỗi ngày một đổi thay. Những hộ kinh doanh như anh Phạm Ngọc Tuân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng và đổi mới sáng tạo trong sản xuất đã góp phần thay đổi diện mạo Nông thôn mới.
Anh Phạm Ngọc Tuân, cho biết: “Giống sen (Vĩ liên), được Nhật Bản phối hợp với Việt Nam lai tạo. Thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm. Sau khi thu hoạch, sen được thu mua để ăn tươi, làm bánh tẻ, sen chè, sen não (xuất khẩu). Quá trình chăm sóc sen hoàn toàn dùng phân hữu cơ, vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay hóa chất trên đồng ruộng nên môi trường sinh thái làng quê trong lành, sạch đẹp”.
Anh Tuân bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới sẽ được chính quyền quan tâm, tạo điều kiện để mở rộng mô hình. Đây là cơ sở để xây dựng thêm các khu sơ chế, chế biến và đóng gói, tạo thêm việc làm cho lao động, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
TRANG THÔNG TIN CÓ SỰ PHỐI HỢP CỦA CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN HÀ NỘI