Học giả Đào Duy Anh - Những ảnh hưởng trong lĩnh vực từ điển học

Đào Duy Anh là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nền khoa học xã hội - nhân văn hiện đại của Việt Nam. Ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, trong đó, lĩnh vực từ điển học là một trong những điểm sáng.

Học giả Đào Duy Anh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực từ điển học từ rất sớm. Ông đã hoàn thành và xuất bản hai bộ từ điển quan trọng: Hán - Việt từ điển (1932) và Pháp - Việt từ điển (1936). Những cuốn từ điển này không chỉ là những công cụ tra cứu cần thiết thời điểm bấy giờ mà còn chứa đựng những giải thích khoa học và tiến bộ, phản ánh quan điểm và trào lưu tư tưởng hiện đại. Từ điển Truyện Kiều ra đời từ sự kết hợp giữa việc nghiên cứu văn học và từ điển học. Cuốn từ điển này không chỉ là một tài liệu tra cứu thông thường mà còn là một công cụ quý giá giúp độc giả hiểu sâu hơn về tác phẩm văn học kinh điển của Nguyễn Du - Truyện Kiều.

Từ điển này giúp giải thích các từ ngữ, cụm từ và thành ngữ phức tạp trong Truyện Kiều, đồng thời cung cấp các ví dụ và ngữ cảnh để độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa và cách sử dụng của chúng.

z5391463654306-5ce1b862cd940ddb80f93495d55bca0e-1714298786.jpg
Quang cảnh Hội thảo Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Giáo sư Đào Duy Anh (1904 - 2024)

Đã có khá nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về hai cuốn từ điển xuất sắc, rất quan trọng của Đào Duy Anh là Hán - Việt từ điển và Pháp - Việt từ điển. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đi sâu vào giới thiệu những đặc điểm cơ bản của Từ điển Truyện Kiều - Một công trình rất có giá trị của ông nhưng chưa được giới nghiên cứu quan tâm nhiều.  

Dưới góc độ từ điển học, có thể nêu lên những đặc điểm nổi bật của cuốn từ điển này như sau.

Trước hết, có thể khẳng định đây là cuốn từ điển đầu tiên thuộc loại hình Từ điển tác phẩm, tác gia (Từ điển ngôn ngữ tác phẩm, tác gia) ở nước ta. Từ điển tác phẩm là loại hình từ điển thường thu thập và giải thích các từ ngữ của một tác phẩm nổi tiếng của một tác giả nổi tiếng. Trên thế giới, đã có một số cuốn từ điển rất nổi tiếng thuộc loại hình từ điển này, chẳng hạn như cuốn Từ điển Shakespeare của Alexander Schmidt thường được biết đến với tên "Shakespeare-Lexicon" hoặc "Shakespeare Lexicon and Quotation Dictionary", được xuất bản lần đầu vào năm 1902; rồi cuốn Từ điển Puskin của Vinogradov, xuất bản năm 1956 hay cuốn Thi kinh từ điển của Hướng Hy, xuất bản lần đầu vào năm 1915. Tuy nhiên, ở Việt Nam, trước cuốn Từ điển Truyện Kiều  của Đào Duy Anh, chưa có cuốn từ điển nào thuộc loại hình từ điển này. Vì vậy, có thể khẳng định sự ra đời của Từ điển Truyện Kiều đã mở ra một hướng mới trong lĩnh vực biên soạn loại hình từ điển  này ở Việt Nam.

Về cấu trúc bảng từ (hay còn được gọi là cấu trúc vĩ mô) của Từ điển Truyện Kiều, theo thống kê của chúng tôi, quyển từ điển này có tổng số 2321 đơn vị mục từ, trong đó từ đầu mục hầu hết là các từ đơn, tuy nhiên cũng có một số ít từ ghép hoặc cụm từ, thành ngữ được lấy làm từ đầu mục, ví dụ các từ đầu mục: Bốc rời, Bợm già, Cải nhiệm, Cặp sách, Cân đai, Chăn gối, Chính danh, Ngói tan, Ngô Lào, Cuội cung mây, Bỉ sắc tư phong, Bình nguyên quân, Quan âm các, Nạp thái vu quy, Tề chỉnh uy nghi, Tú khẩu ngậm tâm, Tư mã phượng cầu, Thưởng tướng khao binh. Các cụm từ và thành ngữ này là những đơn vị chỉ xuất hiện 1 lần trong Truyện Kiều và không thuộc vào một từ nào trong số các từ được đưa làm từ đầu mục. Đây là lí do để tác giả xếp các cụm từ và thành ngữ nêu trên thành một mục từ riêng trong từ điển, khác với cách sắp xếp các cụm từ và thành ngữ để ở trong từ đầu mục như nêu dưới đây.

Về cấu trúc mục từ (hay còn gọi là cấu trúc vi mô), Từ điển truyện Kiều hàm chứa một lượng thông tin rất phong phú trong cấu trúc mục từ.  11 loại thông tin sau được đưa vào cấu trúc mục từ gồm:

1- thông tin về từ đầu mục,

 2- thông tin về số lần xuất hiện của từ đầu mục đó trong truyện (đặt trong ngoặc đơn),

3- thông tin về số thứ tự nghĩa của từ đầu mục (đối với các từ đầu mục là từ đa nghĩa, mỗi nghĩa được phân biện với nhau bằng chữ số Ả rập: 1, 2, 3, …),

4- thông tin về lời định nghĩa của từng nghĩa đối với từ đầu mục là từ đa nghĩa,

5- thông tin về số lần xuất hiện của từng nghĩa,

6- thông tin về câu ví dụ trích trong Truyện Kiều của từng nghĩa,

7 thông tin về số thứ tự của câu thơ trong truyện có chứa từ đầu mục ở từng nghĩa, 

8- thông tin về các tổ hợp của từ và các cụm từ cố định, các thành ngữ trong đó có từ đầu mục đứng ở đầu (đặt sau kí hiệu -//, in đậm),

9- thông tin về số lần xuất hiện của cụm từ hoặc thành ngữ đó trong truyện,

10 - thông tin về lời giải thích cho cụm từ hoặc thành ngữ,

11- thông tin về số thứ tự của câu thơ trong truyện có chứa cụm từ hoặc thành ngữ.    

Ở dạng phong phú nhất, một từ đầu mục hàm chứa 11 loại thông tin như nêu ở trên. 

Chẳng hạn, phân tích cụ thể cấu trúc mục từ của từ MỘT trong TỪ ĐIỂNTRUYỆN KIỀU, ta có thể biết được những điều sau qua câc thông tin hàm chứa trong mục từ này:

-  Đây là từ có số lần xuất hiện rất nhiều trong Từ điển Truyện Kiều: 307 lần; cũng là từ có số lần xuất hiện cao nhất trong số 2321 từ được đưa vào làm từ đầu mục. Các từ có số lần xuất hiện cao tiếp theo là ĐÃ - 265 lần, NGƯỜI - 214 lần, NÀNG - 199 lần, NÀY - 195 lần, CŨNG 181 lần,  LỜI - 167 lần, LÒNG - 162 lần, RẰNG 160 lần, …

- Đây là một từ đa nghĩa, gồm 6 nghĩa được sử dụng trong truyện Kiều.

+ Nghĩa thứ nhất là con số, với 196 lần xuất hiện, ví dụ như: Trải qua một cuộc bể dâu / Một trai con thứ rốt lòng, …; mục từ này cũng cho thấy được số thứ tự của 196 câu thơ có chứa từ MỘT với nghĩa này trong Truyện Kiều; chẳng hạn các câu số 3, 27, 28, 32, 34, 42, 78, ...

+ Nghĩa thứ hai: nghĩa như cũng một, 8 lần xuất hiện, ví dụ như: Cũng người một hội một thuyền đâu xa; mục từ này cũng cho thấy được số thứ tự của 8 câu thơ có chứa từ MỘT với nghĩa này trong Truyện Kiều; chẳng hạn các câu số 202, 812, 1381, ...

+ Nghĩa thứ ba: có nghĩa như phải cho được. Nghĩa này chỉ xuất hiện một lần ở câu thơ 2818: Còn tôi tôi một gặp nàng mới thôi.

+ Nghĩa thứ tư: Có nghĩa như cả, ví dụ: Một thì (câu 63), Một vùng (37 câu), chẳng hạn các câu thơ số 9: Một vùng cỏ áy bóng tà, các câu 144, 261 …

+ Nghĩa thứ 5: Có nghĩa như chỉ một; nghĩa này xuất hiện 47 lần trong 47 câu thơ, có ghi rõ số thứ tự từng câu trong Truyện Kiều. Ví dụ: Một mình lặng ngắm bóng nga (câu 177); các câu 186, 217, 242, 328, 375, …

+ Nghĩa thứ 6: Từ một trùng điệp có nghĩa chỉ hai hiện tượng xảy ra đồng thời hay liên tiếp; ý này xuất hiện 6 lần ở các câu thơ số 561, 1122, 1805, ví dụ: Ngại ngùng một bước một xa; hoặc chỉ tình hình càng thêm dần, ví dụ: Một lời là một; có khi trốn chữ một đầu, ví dụ: Tin nhà ngày một vắng tin (câu 1479), Ruột tằm ngày một héo hon (câu 2833).

- Đây là một từ xuất hiện trong rất nhiều các cụm từ và thành ngữ trong Truyện Kiều. Tất cả các cụm từ và thành ngữ loại này đều được tập hợp vào trongnội dung của mục từ MỘT, đặt sau kí hiệu -//, in đậm. Cụ thể, trong mục từ MỘT, sau kí hiệu -// có đưa 16 cụm từ: Một bề, Một chiều, Một chút, Một hai, Một hơi, Một lòng, Một mình, Một mực, Một niềm, Một tay, Một thác, Một thân, Một và, Một vài, Một vùng, Muôn một;  6 thành ngữ: Một cốt một đồng, Một đày một mỏng, Một giọt mưa rào, Một hội một thuyên, Một tỉnh mười mê, Một vực một trời; và 3 câu thơ Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Một ngày lạ thói sai nha, Một trời thu để riêng ai một người. Tất cả các cụm từ và thành ngữ,  này đều được giải thích ý nghĩa, cho thấy số lần xuất hiện và số thứ tự các câu thơ có cụm từ, thành ngữ đó trong Truyện Kiều; chẳng hạn: // Một bề (1) : Một chiều, một phia, một bên; có ý nghĩa không thể tự do lựa chọn được. Vd. Cớ sao chịu tốt một bề, 975; … Một cốt một đồng, 1162 : Một bên là bà cốt, một bên là ông đồng, đều là phường lửa bịp; Một hội một thuyền, 202 : Chỉ người cùng ở một hội, cùng đi một thuyền (có câu chữ Hán : Đồng  châu cộng tế), nên thương yêu giúp đỡ nhau, …

Với cách đưa các cụm từ và các thành ngữ có chứa từ đầu mục vào nội dung mục từ của từ đầu mục, kèm theo cách giải nghĩa và các thông tin giống như cách làm với từ đầu mục, có thể thấy cách sắp xếp của mục từ trong Từ điển Truyện Kiều là gần với cách sắp xếp kép (multiple) trong Từ điển học, phân biệt với cách sắp xếp đơn  (single).

Ngoài mục từ MỘT, rất nhiều các từ đầu mục khác cũng có các cụm từ và thành ngữ được đưa vào và giải thích trong mục từ đó. Chẳng hạn, mục từ ĂN có 7 cụm từ và 1 thành ngữ; mục từ BA có 17 cụm từ và 3 thành ngữ; mục từ ĐƯỜNG có 9 cụm từ và 4 thành ngữ; mục từ LÒNG có 24 cụm từ và 6 thành ngữ; mục từ TÌNH có 21 cụm từ và 4 thành ngữ; … Từ đó có thể thấy số lượng các từ ngữ được đưa vào giải nghĩa trong Từ điển Truyện Kiều lên đến hơn chục nghìn đơn vị, xuất phát từ 2321 đơn vị gốc. Để xác lập và giải thích được nghĩa của 2321 đơn vị gốc và khoảng hơn chục nghìn cụm từ và thành ngữ đó, đòi hỏi tác giả phải có một vốn hiểu biết rất sâu sắc về ngôn ngữ học, về từ điển học; có kiến thức uyên thâm về Hán học, văn học, lịch sử, văn hóa học , …có một sức làm việc bề bỉ, kiên trì, công phu.  Từ điển Truyện Kiều cho thấy ở Đào Duy Anh đã hội tụ được đầy đủ những điều kiện như vậy.

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh đã tạo ra một cơ sở vững chắc cho việc hiểu và tìm hiểu về Truyện Kiều, một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất của Việt Nam. Cuốn từ điển này không chỉ là một công trình tra cứu quý giá về Truyện Kiều mà còn là một phần không thể thiếu trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hóa của Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.            Đào Duy Anh, Từ điển truyện Kiều, Nxb Văn hóa Thông tin tái bản năm 2000.

2.            Trần Trọng Dương, Nguyễn Trãi Quốc âm từ điển, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2014.

3.            Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Thuần, Từ điển truyện Lục Vân Tiên, Nxb tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

4.            Phạm Hùng Việt (chủ biên), Lý luận, phương pháp luận Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam (một số vấn đề cơ bản), Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2011.