Trong 2 ngày 6 và 7/9, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) cùng các doanh nghiệp (DN) kinh doanh yến sào của tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với Sở NN-PTNT, các DN xuất khẩu yến sào trên địa bàn tỉnh để học hỏi kinh nghiệm, cũng như liên kết trong việc phát triển yến sào. Đây vừa là định hướng của cơ quan quản lý 2 tỉnh, cũng là nhu cầu thực tế của DN 2 địa phương.
Theo báo cáo, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 812 nhà yến, đây chính là các cơ sở tạo ra nguyên liệu đầu vào ổn định phục vụ cho việc xuất khẩu yến sào. Trong khi đó, tỉnh Đắk Lắk tuy phát triển nhà yến sau Khánh Hòa nhưng hiện có gần 2.000 nhà yến, phân bố khắp các huyện, thị xã, thành phố. Đắk Lắk được đánh giá có điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, phù hợp để phát triển vùng nuôi yến, tốc độ phát triển nhà yến nhanh, sản lượng tổ yến ổn định. Đặc biệt, nếu 2 địa phương có sự liên kết để phát triển vùng nguyên liệu thì ngành yến sào sẽ có những bước phát triển trong thời gian tới. DN của Khánh Hòa có kinh nghiệm trong phát triển thị trường quốc tế; DN của Đắk Lắk lại có thể cung cấp nguồn nguyên liệu đủ lớn nhằm phục vụ cho xuất khẩu.
Ông Phạm Văn Hậu - Chủ tịch Hội Yến sào Đắk Lắk cho rằng, sau một thời gian phát triển nóng, sản lượng tăng nhanh, cộng với kinh tế có phần khó khăn nên việc tiêu thụ các sản phẩm yến sào bắt đầu khó khăn, giá bán giảm. Việc tìm giải pháp mới, hướng đi mới, đặc biệt là đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ trở nên cần thiết. Các DN, nhà yến ở Đắk Lắk mong muốn được hợp tác với những DN xuất khẩu yến sào của Khánh Hòa, có như vậy mới đủ lực để giúp yến sào Việt Nam khẳng định được vị trí trên thị trường quốc tế.
Để ngành yến sào phát triển bền vững không chỉ sản xuất ra những sản phẩm tốt, có giá trị cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà cần kết nối, tạo ra chuỗi giá trị. Cụ thể, những người nuôi yến cần phải liên kết với các DN đầu ngành, tiên phong trong việc đẩy mạnh xuất khẩu yến sào và đặc biệt là đã ký được hợp đồng hợp tác với các cơ quan, DN ở Trung Quốc để xuất khẩu chính ngạch.
Bên cạnh đó, bà Trần Thanh Hải - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hải Yến Nha Trang cho biết, ngành yến sào Việt Nam đang có những bước tiến vô cùng khởi sắc khi xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Nhưng thị trường này có tính cạnh tranh và đào thải cao, các quốc gia trong khu vực cạnh tranh gắt gao vì xem đây là thị trường quan trọng. Mục tiêu của Hải Yến Nha Trang là xây dựng và phát triển thương hiệu yến sào Việt trên thị trường quốc tế, vì vậy cần tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thô đạt chất lượng và có chính sách bình ổn về giá để có thể phát triển lâu dài. Nếu được sự hỗ trợ từ UBND tỉnh, các DN, nhà yến của tỉnh Đắk Lắk, Hải Yến Nha Trang sẵn sàng liên kết để đưa sản phẩm yến sào xuất khẩu không chỉ thị trường Trung Quốc mà còn các nước khác trên thế giới.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk chia sẻ, vấn đề mở rộng thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm yến sào luôn được lãnh đạo các cấp, ngành, đặc biệt là DN lớn về yến sào quan tâm. Chính vì vậy, trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ tạo điều kiện nhằm hỗ trợ các DN yến sào của tỉnh có thể liên kết với các DN yến sào của Khánh Hòa có kinh nghiệm xuất khẩu. Sở NN-PTNT Đắk Lắk sẽ tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng đề án về phát triển yến sào. Đây chính là cơ sở pháp lý để DN yến sào của Đắk Lắk và Khánh Hòa có thể liên kết, hợp tác cùng phát triển.