Khuyến nông Hà Nội: 30 năm hình thành và phát triển

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội có chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện công tác khuyến nông trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Tính đến năm 2022, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm có: Ban Giám đốc, 06 phòng chuyên môn (gồm: Phòng Tổ chức hành chính, phòng Kế hoạch tài chính, phòng Khuyến nông chăn nuôi thủy sản, phòng Khuyến nông trồng trọt, phòng Thông tin tuyên truyền và XTTM và phòng Quản lý Quỹ khuyến nông), 22 đơn vị trực thuộc (gồm 02 Trạm, Trại sản xuất và 20 Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã và Trạm KN các quận ven đô).

Trên con đường hình thành và phát triển, hoạt động Khuyến nông Hà Nội được thực hiện theo định hướng, mục tiêu phát triển nông nghiệp của Trung ương, tỉnh, thành phố và của ngành. Với 2 mốc giai đoạn quan trọng, đó là: Giai đoạn trước khi hợp nhất địa giới hành chính Thành phố Hà Nội (mới) theo Nghị quyết 15 của Quốc hội (từ 1993 - 2008) và giai đoạn từ khi hợp nhất đến nay.

Công tác Khuyến nông giai đoạn 1993 - 2008

Ngày 02/3/1993, Nghị định số 13/1993/NĐ-CP của Chính phủ ra đời đánh dấu sự hình thành hệ thống khuyến nông trên cả nước. Theo đó, trước khi hợp nhất thành Trung tâm Khuyến nông Hà Nội hiện nay thì Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ) và Trung tâm Khuyến nông Hà Tây được thành lập, đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu theo các Nghị định của Chính phủ về khuyến nông (Nghị định số 13/1993/NĐ-CP, Nghị định số 56/2005/NĐ-CP ngày 26/4/2005) và theo chủ trương, định hướng của thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Tây.

Đối với Trung tâm Khuyến nông Hà Tây

Giai đoạn này, đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, khẳng định được vai trò quan trọng là người bạn đồng hành với nhà nông, thúc đẩy tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần xóa đói giảm nghèo và góp phần tạo nên những thành tựu to lớn của nền nông nghiệp tỉnh Hà Tây. Trung tâm đã tập trung xây dựng các mô hình trình diễn theo hướng trọng tâm, trọng điểm để làm cơ sở cho nông dân tham quan học tập, trong đó nổi bật là chương trình “Sản xuất giống lúa nhân dân”, sind hóa đàn bò và nạc hóa đàn lợn.

Khắc phục sử dụng giống lúa kém chất lượng, chương trình “Sản xuất giống lúa nhân dân” được Trung tâm Khuyến nông Hà Tây triển khai trong 10 năm (từ năm 1997 - 2006) là một trong những điểm sáng thời điểm đó. Chương trình đã tạo ra hàng vạn tấn giống đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng đưa vào sản xuất, đáp ứng trên 80% lượng giống cấp 1 cho sản xuất đại trà trong tỉnh, góp phần tăng năng suất lúa từ 41,5 tạ/ha năm 1997 lên 60,5 tạ/ha năm 2006. Chương trình đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, đóng góp một phần đáng kể vào việc thực hiện mục tiêu một triệu tấn lương thực của tỉnh đề ra. Nhờ đó đã tham mưu cho tỉnh Hà Tây ban hành chính sách hỗ trợ chương trình“Sản xuất giống lúa nhân dân” để nhân rộng quy mô trên địa bàn tỉnh.

Chương trình sind hóa đàn bò hỗ trợ phối giống bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo và lai tạo bằng cách phối giống trực tiếp giữa bò đực lai với đàn bò cái của địa phương. Từ năm 1997 đến năm 2002, thông qua mô hình khuyến nông đã góp phần cải tạo đàn bò vàng của địa phương, đưa đàn bò lai sind của tỉnh Hà Tây chiếm 70% tổng đàn vào năm 2002. Chương trình đã góp phần nâng cao chất lượng đàn bò, cải tạo, nâng tầm vóc đàn bò cái nền, là cơ sở để chọn tạo đàn nái nền cho chương trình phát triển bò sữa, bò thịt của tỉnh.

Chương trình nạc hóa đàn lợn được thực hiện tốt. Chương trình đã hỗ trợ tinh lợn ngoại để phối giống cho đàn lợn, góp phần nâng cao chất lượng thịt, đưa đàn lợn có tỷ lệ nạc cao chiếm 75% tổng đàn. Hiệu quả chăn nuôi đã được khẳng định tạo nên một phong trào phát triển chăn nuôi lợn quy mô lớn trong toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng tới công tác thông tin tuyên truyền để tuyên truyền chủ trương của Đảng và Nhà nước, những cơ chế chính sách trong phát triển nông nghiệp của tỉnh, những điển hình tiên tiến trong sản xuất cho nông dân học tập. Tổ chức các phiên chợ, hội chợ, hội thi, hội thảo, tạo điều kiện cho nông dân trong tỉnh có cơ hội tiếp xúc với thị trường, TBKT mới. Thường xuyên đào tạo nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ trong hệ thống. Huấn luyện truyền nghề cho nông dân để tổ chức sản xuất có hiệu quả.

Đối với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ)

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (cũ) trong giai đoạn này đã triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn, tập trung vào mũi nhọn 3 cây (Rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, các loại hoa chất lượng cao) - 3 con (Lợn hướng nạc, bò sữa, bò thịt và các loại thủy đặc sản) - 2 ngành nghề trọng điểm (bảo quản, chế biến nông sản và ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp bền vững) theo định hướng của Thành phố và Ngành. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, thực hiện đề tài, dự án Khuyến nông, quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ Khuyến nông Thành phố góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngoại thành Hà Nội, tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo, tăng thu nhập cho người lao động; ổn định đời sống nông dân, nông thôn, xây dựng tình làng nghĩa xóm; là cầu nối trong mối liên doanh liên kết trong sản xuất - chế biến nông sản, góp phần thúc đẩy sản xuất hàng hóa theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển sản xuất theo hướng bền vững; tạo đà cho việc tăng trưởng kinh tế của ngành nông nghiệp Thủ đô hàng năm từ 2 - 5%.

Công tác Khuyến nông giai đoạn 2009 đến nay

Sau khi hợp nhất đã đặt dấu mốc lịch sử, mở ra nhiều tiềm năng, cơ hội để công tác khuyến nông của Hà Nội phát triển. Bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của thành phố, của ngành, các nghị định của Chính phủ về khuyến nông, công tác khuyến nông đã xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình khuyến nông trọng điểm nhằm tập trung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chiến lược của ngành, của địa phương trong từng năm, từng giai đoạn. Trong giai đoạn này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tập trung triển khai các nhiệm vụ, trong đó công tác xây dựng mô hình hướng vào việc nâng cao năng suất, chất lượng để phát triển sản xuất theo hướng bền vững, xóa đói giảm nghèo góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đồng thời, công tác đào tạo, thông tin tuyên truyền tập trung về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống cây, giống con chất lượng; phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông góp phần thực hiện tốt tiêu chí số 10 và 13 trong bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, cùng ngành Nông nghiệp vượt chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Hà Nội. Các nhiệm vụ khuyến nông triển khai đã khẳng định Trung tâm Khuyến nông Hà Nội có vai trò nòng cốt, góp phần thực hiện những chỉ tiêu chung của ngành nông nghiệp.

Một số kết quả cụ thể đạt được như sau:

Công tác xây dựng mô hình trình diễn khuyến nông

* Lĩnh vực trồng trọt:

Tập trung xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP; các mô hình trình diễn giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu; mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.v.v.. Cơ bản các mô hình đều cho kết quả tốt vừa đem lại hiệu quả cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với nông nghiệp đô thị. Tiêu biểu là các mô hình: Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa (gieo mạ khay, cấy máy), ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất cây trồng cạn (máy làm đất đa năng, hệ thống tưới nước tiết kiệm), mô hình nhà lạnh bảo quản nông sản, mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghiệp ứng dụng CNC; Các mô hình khuyến nông đô thị, canh tác thông minh như: sản xuất rau mầm, trồng rau, hoa trong nhà màng và ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm, Các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP như: sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất rau, quả theo VietGap, hữu cơ: Các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ như: sản xuất khoai tây vụ đông, sản xuất cây dược liệu; Các mô hình trình diễn giống mới năng suất, chất lượng thích ứng với biến đổi khí hậu như: sản xuất nho hạ đen, hoa sen cao sản, trình diễn giống lúa mới, ngô lai giống mới, ngô biến đổi gen…

* Lĩnh vực chăn nuôi:

Khuyến nông Hà Nội tập trung ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về cải tạo giống, áp dụng các giống vật nuôi đạt năng suất, chất lượng cao. Chuyển đổi từ phương thức chăn nuôi phân tán, quảng canh sang chăn nuôi trang trại, gia trại thâm canh với quy mô phù hợp và quy mô lớn. Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về dinh dưỡng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh để tạo ra các sản phẩm an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, vừa không gây ô nhiễm môi trường, Khuyến nông Hà Nội tập trung vào các mô hình vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tiêu biểu là các mô hình: Mô hình sử dụng hệ thống làm mát trong chăn nuôi, sử dụng hệ thống cho ăn, uống tự động, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học và sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, mô hình chăn nuôi bò sinh sản, mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình chăn nuôi dê kiêm dụng sữa thịt...

* Lĩnh vực thủy sản:

Trong điều kiện môi trường ngày càng ô nhiễm, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội chú trọng các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản nhằm tạo ra sản phẩm an toàn, hạn chế dịch bệnh và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tiêu biểu là các mô hình: nuôi thủy sản áp dụng công nghệ “sông trong ao”, nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, nuôi cá - lúa góp phần giảm thiểu việc sử dụng các hóa chất trong chăm sóc lúa vì tận dụng triệt để được nguồn thức ăn tự nhiên trên ruộng lúa cho cá, chất thải của cá là nguồn phân bón hữu cơ cho lúa…

Từ kết quả tổng kết mô hình khuyến nông, một số địa phương đã tập trung chỉ đạo, định hướng liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phát huy lợi thế của từng địa phương.

Công tác thông tin tuyên truyền và xúc tiến thương mại

Trong giai đoạn này, hoạt động thông tin tuyên truyền luôn được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đẩy mạnh, phong phú về nội dung và chú trọng nâng cao chất lượng. Thông qua công tác tuyên truyền, nhiều gương cá nhân điển hình, tập thể làm tốt, nhiều kinh nghiệm hay của các địa phương trong vận động người dân tham gia, chung sức xây dựng nông thôn mới đã được phổ biến rộng rãi, tạo nên khí thế thi đua trong từng địa phương.

Ngoài tuyên truyền về các mô hình khuyến nông truyền thống như lúa, rau, cây ăn quả…, nội dung tuyên truyền giai đoạn này tập trung vào chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM, đẩy mạnh tuyên truyền chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp gắn với du lịch, trải nghiệm.

Hình thức tuyên truyền ngày càng đa dạng về hình thức, được thể hiện thông qua: báo in, internet, phát thanh, truyền hình, tư vấn trực tiếp, tham quan học tập, hội thi, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội chợ… nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, người dân, khuyến nông viên cơ sở của các địa phương nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và địa phương về nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Qua đó đã góp phần nhân rộng các mô hình khuyến nông có hiệu quả, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh về phát triển nông nghiệp bền vững, về sản xuất theo chuỗi giá trị, an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản an toàn.

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội được cấp phép thiết lập trang tin điện tử khuyennonghanoi.gov.vn. Hàng năm Trung tâm Khuyến nông Hà Nội duy trì, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, nội dung hình thức trên trang web khuyennonghanoi.gov.vn, cập nhật thường xuyên và đăng tải được 8.000 tin, bài, ảnh và video... Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của độc giả về mặt hình thức và sự tiện dụng khi khai thác thông tin trên website, năm 2018, trang web Khuyến nông Hà Nội đã được thay đổi giao diện và nâng cấp dung lượng. Với nội dung phong phú, đa dạng, trang web là địa chỉ tin cậy để cán bộ khuyến nông và nông dân khai thác thông tin phục vụ hoạt động khuyến nông và sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Đến nay lượng truy cập trang web đã đạt đến số lượng trên 114 triệu lượt người.

Công tác xúc tiến thương mại trong giai đoạn này luôn được trung tâm Khuyến nông Hà Nội quan tâm và đẩy mạnh. Hàng năm đều tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Hà Nội tham gia hội chợ tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước; tổ chức các diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tổ chức Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất năm 2019 và lần thứ hai năm 2022 để nhằm tuyên truyền giới thiệu, quảng bá những sản phẩm nông sản và sản phẩm làng nghề Hà Nội, đặc biệt là các sản phẩm đã được chứng nhận OCOP đến với người tiêu dùng của Thủ đô và cả nước, thúc đẩy việc liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời giới thiệu mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái góp phần gìn giữ nghề truyền thống và duy trì đặc sản địa phương.

Công tác đào tạo, tập huấn

Trong giai đoạn này, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn với nhiều nội dung phong phú, đa dạng cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Công tác đào tạo tập huấn được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Từ 2008 đến nay đã tổ chức 3.952 lớp tập huấn thời vụ cho 216.000 lượt người là nông dân nhằm chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp về quy trình kỹ thuật nâng cao kiến thức, giúp nông dân tự tin trong sản xuất. Tham gia đào tạo 03 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với sự tham gia của 85 học viên. Tổ chức 337 lớp đào tạo ngắn hạn nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn cho 5.500 cán bộ ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông và cộng tác viên khuyến nông. Tổ chức 02 lớp tập huấn cho 27 học viên là cán bộ nông nghiệp của 2 tỉnh Viêng Chăn và Luông Pha Băng của nước CHDCND Lào. Tổ chức 55 lớp tập huấn xây dựng chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ nông sản cho 1.700 lượt học viên tham dự. Tổ chức 69 lớp tập huấn với các nội dung phổ biến kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, các chính sách nông nghiệp trọng tâm của ngành, về kỹ năng quản lý kiến thức thị trường, xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho các hộ sản xuất, mô hình trang trại…

Công tác triển khai, quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ Khuyến nông

Quỹ Khuyến nông Thành phố được thành lập theo Quyết định số 26/2002/QĐ-UB ngày 27/02/2002 của UBND Thành phố Hà Nội. Quỹ Khuyến nông hoạt động không nhằm mục đích lợi nhuận. Quỹ khuyến nông ra đời nhằm khuyến khích hỗ trợ cho các hộ nông dân, chủ trang trại vay vốn mở rộng và phát triển các mô hình Khuyến nông tiên tiến đã được chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao (trên địa bàn thành phố Hà Nội).

Trong hoạt động của hệ thống khuyến nông cả nước, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là đơn vị duy nhất có hoạt động Quỹ khuyến nông. Đây là điểm nhấn đặc biệt của khuyến nông thành phố. Nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu cho quỹ khi thành lập là 5 tỷ đồng và được cấp bổ sung hàng năm. Tính đến hết năm 2022, tổng nguồn kinh phí Quỹ khuyến nông là 213.011.742.899 đồng. Trong 20 năm hoạt động (2002 - 2022), Quỹ đã giải ngân cho 4.332 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 925,236.5 tỷ đồng trong đó: Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển sản xuất cho 4.011 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 796,685 tỷ đồng; Giải ngân nguồn vốn cho vay phát triển cơ giới hóa cho 321 lượt hộ vay vốn, với số vốn quay vòng là 128,551.5 tỷ đồng.

Hiệu quả trong công tác triển khai, quản lý, sử dụng và bảo toàn Quỹ Khuyến nông đó là tạo việc làm thường xuyên cho trên 10.000 lao động nông thôn với mức thu nhập từ 4.000.000đ - 5.000.000đ/người/tháng (tổng hợp theo số liệu báo cáo của các hộ vay vốn). Tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh bạn và tiến tới xuất khẩu. Giá trị sản phẩm của các phương án, dự án tăng từ 10 đến 30% so với khi chưa được vay vốn Quỹ Khuyến nông Thành phố.

Về hiệu quả xã hội, hoạt động của quỹ Khuyến nông đã góp phần khai thác các tiềm năng về đất đai, lao động, ngành nghề, tiềm năng về khoa học kỹ thuật; Thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại. Quỹ Khuyến nông đã góp phần nhân rộng các mô hình khuyến nông chuyển giao tiến bộ kỹ thuật có hiệu quả thành vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung. Góp phần giải quyết việc làm cho khoảng trên 10.000 lao động nông thôn, góp phần khai thác, sử dụng tiềm năng đất đai, mặt nước có hiệu quả, tăng thu nhập cho nông dân, tạo giá trị sản phẩm hàng hoá đạt từ 300 - 400 triệu đồng/ha canh tác/năm, những mô hình điểm đạt 400 - 500 triệu đồng/ha canh tác/năm.

Thực hiện các chương trình, đề án, dự án Khuyến nông

Giai đoạn từ 2009 đến nay, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác xây dựng và triển khai các đề tài, dự án như Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh Thành phố Hà Nội, giai đoạn 2012 - 2016; Đề án Phát triển cơ giới hóa nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2013 - 2016, định hướng đến năm 2020; Chương trình hỗ trợ tỉnh Luông Prabang - Lào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp giai đoạn 2014 - 2016, và một số đề tài khoa học như khảo nghiệm và xây dựng quy trình sản xuất hoa cát tường tại Hà Nội, đề tài Hoàn thiện quy trình gieo thẳng lúa theo hàng bằng dụng cụ kéo tay trên các chân đất và mùa vụ khác nhau ở địa bàn thành phố Hà Nội,...

Hoạt động Khuyến nông đô thị

Câu lạc bộ (CLB) Khuyến nông đô thị do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thành lập từ năm 2001, với mục đích xây dựng các thành viên trở thành những hạt nhân tiêu biểu về hoạt động khuyến nông đô thị, đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho chỉ đạo hoạt động khuyến nông đô thị của ngành khuyến nông. Trung tâm Khuyến nông Hà Nội là một trong ba đơn vị tham gia CLB ngay từ khi thành lập cùng Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư Thừa Thiên Huế và Trung tâm Khuyến nông Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay CLB có 27 thành viên và Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có 22 năm tham gia Câu lạc bộ. Với tư cách là chủ nhiệm Câu lạc bộ, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tổ chức các hoạt động học tập, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động khuyến nông phục vụ cho phát triển nông nghiệp đô thị bền vững bằng các hình thức: hội thảo giao ban, hội thảo chuyên đề, tham quan các mô hình khuyến nông có hiệu quả… tại các tỉnh, thành phố. Đóng góp tích cực trong hoạt động chung của Câu lạc bộ, cùng với các thành viên CLB luôn đi đầu trong các hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cải tiến các hình thức tuyên truyền, quảng bá các tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao giá trị gia tăng và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng an toàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhìn lại 30 năm, những thành tựu mà hôm nay công tác khuyến nông Hà Nội đã đạt được đang trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành nông nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn mới Hà Nội. Những nỗ lực phấn đấu của Khuyến nông Hà Nội trong suốt 30 năm qua góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển đổi thời vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tại Hà Nội phát triển, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng nông lâm thủy sản và giá trị GDP của ngành.

Từ kết quả hoạt động khuyến nông, cùng với các đơn vị đã tham mưu Sở Nông nghiệp & PTNT, tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đó là cơ chế hỗ trợ chương trình giống lúa nhân dân; Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2016; Nghị quyết số 17/2015/NQ-HĐND ngày 02/12/2015 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 04/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012; Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 04/12/2013 về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020; chính sách khuyến khích phát triển làng nghề thành phố Hà Nội; chính sách hỗ trợ đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn thành phố Hà Nội; Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐND ngày 08/7/2015 về một số chính sách thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết 10/2018/NQ-HĐND ngày 05/12/2018 về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố Hà Nội; Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐND ngày 7/7/2020 về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của HDDND thành phố.

Trải qua 30 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã luôn nỗ lực phấn đấu, vượt qua những khó khăn thử thách, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Với những đóng góp tích cực trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của Thủ đô, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và thành phố... Đây là niềm tự hào của mỗi cán bộ, viên chức và người lao động trong Trung tâm qua các thời kỳ, là động lực để tập thể Trung tâm vững bước đi lên trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của Thủ đô.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội sẽ tiếp tục bám sát định hướng của thành phố, của ngành để nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trên tất cả các lĩnh vực thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, tư vấn dịch vụ khuyến nông để xứng đáng là đầu tàu của khuyến nông cả nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong giai đoạn mới./.