Kinh tế - xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 và triển vọng của năm 2024

Là nền kinh mở với tỷ lệ giá trị xuất nhập khẩu trên GDP cao gấp gần 2 lần, sự phát triển của Việt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ những biến động của kinh tế thế giới. Vào đầu tháng 7, Tổng cục Thống kê đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, tổng sản phẩm xã hội (GDP) của Việt Nam vẫn gia tăng trên 6,4%, tiếp tục là điểm sáng của kinh tế khu vực và thế giới. Bài viết tổng hợp những nét nổi bật trong xu thế phát triển này.

I.Xu thế phát triển kinh tế toàn cầu năm 2023 và nửa đầu năm 2024

Năm 2023 tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, GDP cả năm chỉ đạt mức tăng từ 2,6 đến 3,2%. Bước vào năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục tăng trưởng nhưng không bùng nổ. Những tín hiệu bất lợi trong bối cảnh lạm phát cao, lãi suất tín dụng gia tăng, đầu tư giảm sút và xung đột địa chính trị leo thang khiến tiêu dùng cá nhân và chính phủ có nhiều suy giảm cùng với những biến động của đầu tư kinh doanh và cải thiên chuỗi cung ứng. Chính phủ nhiều nước đã tích cực hỗ trợ cho phát triển kinh tế, nhưng còn phân hóa giữa các quốc gia.

Sau những suy giảm của thương mại toàn cầu trong năm 2023 do lạm phát, thương mại hàng hoá và dịch vụ tăng trưởng theo những chiều hướng khác nhau, đầu năm 2024 thương mại toàn cầu bước đầu hồi phục. Tuy nhiên, nguy cơ phân mảnh của chính sách baỏ hộ và những rào cản thương mại đã làm GDP tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng bất lợi đến cả thương mại và đầu tư. Nhiều phân tích cho thấy, phân mảnh toàn cầu có thể dẫn đến GDP thực toàn cầu giảm 0,2% và lạm phát sẽ tăng thêm 0,8% trong năm 2024.

Trong nền kinh tế toàn cầu Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN là những đối tác quan trọng của Việt Nam. Trong khi Hoa Kỳ, EU Và Nhật Bản là những đối tác xuất khẩu lớn thì Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN lại là những đối tác nhập khẩu chính của nền kinh tế.

Theo kết quả của nhều nghiên cứu, triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 và những năm tiếp theo  chịu nhiều thách thức nhưng cũng mở ra những cơ hội phục hồi tích cực. Nhiều dự báo tin rằng, tăng trưởng toàn cầu năm 2024 sẽ đạt từ 2,4% đến 3,2%. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, EU được kỳ vọng sớm hôi phục, mặc dù tăng trưởng còn thấp. Theo W.B, kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng 2,5% trong năm 2024, Nhật Bản được dự báo tăng trưởng chậm lại, đạt 0,7% trong năm 2024 và lên 1% vào năm 2025.

picture1-1721353849.png

H.I. Toàn cầu hóa xu thế trong quan hệ quốc tế làm tăng sự phụ thuộc lẫn nhau  (Ảnh minh họa)

Đối với thị trường mới nổi và những nền kinh tế đang phát triển, các định chế tài chính toàn cầu dự báo, tăng trưởng ổn định ở mức tăng 4,0% trong cả năm 2024 và 2025. Riêng Ấn Độ và  Trung Quốc vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng chính, mặc dù còn phải đối mặt với những thách thức về bất động sản và những yếu tố hỗ trợ tăng trưởng như đầu tư công, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, những rủi ro tiềm ẩn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng như lạm phát cao, nợ công gia tăng, bất ổn địa chính trị leo thang và xu hướng phân mảnh và những căng thẳng trong thương mại toàn cầu.

II. Kinh tế xã hội Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu

2.1. Về phát triển kinh tế

Phân tích tình hình phát triển kinh tế Việt Nam gần đây, giới nghiên cứu nhận thấy: Tốc độ tăng  trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn của kinh tế toàn cầu. Tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm và Quý II/2024 được thể hiện trong hình II. Theo đó, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, là mức tăng trưởng cao trên thế giới. Trong giá trị tăng thêm của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28% và khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%.

kinh-te-xa-hoi-viet-nam-1-1721353849.png

H.II. Tình hình KT Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 gia tăng mạnh với mức tăng đạt 6,93% so với cùng kỳ những năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73% và khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%.

Trong nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là bệ đỡ quan trọng để phát triển bền vững, ổn định vĩ mô và cải thiện đời sống dân cư. Lĩnh vực nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng cây trồng chủ yếu tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nuôi trồng thủy sản tăng khá. Giá trị tăng thêm của nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước,

Giá trị tăng thêm của nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với những năm trước, đã đóng góp 0,27% vào tỷ trọng giá trị tăng thêm của nền kinh tế; lâm nghiệp tăng 5,34% nhưng do tỷ trọng nhỏ nên chỉ đóng góp 0,03%; thủy hải sản tăng 3,76%, đóng góp 0,09%.

kinh-te-xa-hoi-viet-nam-2-1721353849.png

H.III.Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân toàn cầu (Ảnh Vn Economy)

Trong ngành công nghiệp và xây dựng, khu vực công nghiệp đã duy trì được đà tăng trưởng, nhiều sản phẩm chủ lực tăng khá, đáp ứng được nhu cầu đơn hàng mới của các doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,44% vào tỷ lệ gia tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ 8,67%, đóng góp 2,14 % vào mức tăng trưởng chung, riêng công nghiệp khai khoáng giảm 7,22%, làm giảm 0,24% mức đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Đáng lưu ý là, lĩnh vực xây dưng bước đầu hồi phục với tăng trưởng 7,34%, là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ của cả giai đoạn 2020-2024 và đóng góp 0,48% vào tỷ lệ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Về khu vực dịch vụ, xuất khẩu tăng cao theo xu hướng phục hồi tiêu dùng thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm của khu vực này, 6 tháng đầu năm 2024 gia tăng 6,64% (so với cùng kỳ năm trước), cao hơn mức tăng 1,18% và 5,06% của cùng kỳ những năm 2020 và năm 2021. Đóng góp của các lĩnh vực có tỷ trọng lớn vào tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế là bán buôn và bán lẻ tăng 7,34% (so với cùng kỳ năm trước), đóng góp 0,79%; vận tải, kho bãi tăng 11,02%, đóng góp 0,73%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 5,18%,

Trong cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng 36,44%; khu vực dịch vụ trên 43,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 8,6%.

Về sử dụng GDP 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,78% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 64,26% mức tăng trưởng chung; tích lũy tài sản tăng 6,72%, chiếm 35,15%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,89%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,95%, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 0,59%. vào tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Là nền kinh tế có độ mở cao, hoạt động xuất nhập khẩu Viêt Nam chịu ảnh hưởng bất lợi từ những biến động của thị trường thế giới. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 6/2024 vẫn đạt trên 33,0 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5/% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý là, khu vực kinh tế trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, nhưng chỉ chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3% nhưng chiếm tới 71,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 87,7%. đạt 166,79 tỷ USĐ.

Vào quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%); khu vực có vốn FDI đạt 112,71 tỷ USD (tăng 14,1%.) Trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm tư liệu sản xuất ước đạt 167,73 tỷ USD, chiếm 94%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt 54,3 tỷ USD và Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch 6 tháng đạt 67 tỷ USD.

Cán cân thương mại hàng hóa có xuất siêu. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024 xuất siêu 11,63 tỷ USD; nhưng đáng quan ngại là, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 12,35 tỷ USD; còn khu vực có vốn FDI lại xuất siêu 23,98 tỷ USD.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước đạt 11,25 tỷ, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, dịch vụ du lịch đạt 6 tỷ USD (chiếm 53,1% tổng kim ngạch), tăng 40,1% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ vận tải đạt 3 tỷ USD (chiếm 26,8%).

Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt 16,11 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, dịch vụ vận tải đạt 6,9 tỷ USD (chiếm 42,7% tổng kim ngạch), tăng 18,6%; dịch vụ du lịch đạt 4,9 tỷ USD (chiếm 30,4%), tăng 52,9%.

Về chỉ số giá tiêu dùng, giá vàng và đô la Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân trong quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước với mức lạm phát cơ bản tăng 2,75%.

Chỉ số giá vàng tháng 6/2024 giảm 2,64% so với tháng trước, nhưng tăng 29,51% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 giá vàng tăng 24,02%.

Giá giá đô la Mỹ tháng 6/2024 giảm 0,04% so với tháng trước; nhưng gia tăng 4,17% so với tháng 12/2023 và tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 6 tháng đầu năm 2024 giá trị đồng USD đã tăng 5,64%.

Đối với giá sản xuất, Chỉ số giá sản xuất quý II và 6 tháng đầu năm 2024 có xu hướng gia tăng, chỉ số giá sản xuất công nghiệp và giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, còn chỉ số giá sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và chỉ số giá dịch vụ tăng khá cao, trong khi chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa lại giảm theo xu hướng của thị trường thế giới.

2.2.Về tình hình xã hội

Được thể hiện rõ nét qua lao động và việc làm. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên cả nước trong quý II/2024 có 52,5 triệu người, tăng 217,3 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn so với cùng kỳ năm trước.

Lao động có việc làm quý II/2024 ước tính 51,4 triệu người, tăng tăng 217,4 nghìn so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,06%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi lao động là 2,05%, tăng 0,05 % so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tỷ lệ thiếu việc làm ở thành thị là 1,37%, còn ở khu vực nông thôn là 2,49%.

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý II/2024 là 2,29%, trong đó khu vực thành thị là 2,71%; khu vực nông thôn là 2,01%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động 6 tháng đầu năm 2024 là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước, trong đó, khu vực thành thị ở mức 2,68% và ở nông thôn là 2%.

Thu nhập bình quân của người lao động quý II/2024 đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 490 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm thu nhập bình quân của lao động đạt 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đời sống dân cư và bảo đảm an sinh xã hội. Tình hình đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm 2024 được cải thiện rõ rệt. Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2024, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023. Việc bảo đảm an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành thực hiện kịp thời và hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm lãnh đạo các cấp từ Trung ương đến địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và nhà hảo tâm đã tổ chức nhiều chuyến thăm hỏi, động viên và tặng quà cho những đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 với tổng số tiền lên tới 11,7 nghìn tỷ đồng cho các hộ nghèo và cận nghèo; 16,5 nghìn tỷ đồngcho người có công và thân nhân người có công với cách mạng; hỗ trợ đột xuất, bất thường phát sinh tại địa phương gần 70,1 tỷ đồng. Ngoài ra, bảo hiểm xã hội đã cấp hơn 26,2 triệu thẻ BHYT cho các đối tượng được thụ hưởng. Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã hỗ trợ 21,3 nghìn tấn gạo cho người dân để cứu đói giáp hạt năm 2024.

Đối với hoạt động văn hóa, thể thao. Trong 6 tháng đầu năm 2024, các hoạt động văn hóa diễn ra sôi động trong cả nước, bên cạnh những lễ hội sôi nổi là các hoạt động kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước trong tháng Tư và chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ vào tháng Năm. Đối với thể thao thành tích cao, đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã tham dự vòng loại thứ 2 World Cup 2026 và đứng thứ 3 trong Bảng xếp hạng vòng loại khu vực Châu Á. Tính đến nay, thể thao Việt Nam đã giành được 12 tấm vé chính thức đến Olympic Paris năm 2024.

Về an sinh xã hội. Trong 6 tháng đầu năm cả nước đã xảy ra 12.353 vụ tai nạn giao thông, làm 5.343 người chết, 5.557 người bị thương và 3.995 người bị thương nhẹ. Bình quân 1 ngày, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 68 tai nạn giao thông, làm 30 người chết, 30 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ.

Trong 6 tháng đầu năm thiên tai đã làm 68 người chết và mất tích, 56 người bị thương; 28,1 nghìn ngôi nhà bị sập đổ và hư hỏng, 22,9 nghìn con gia súc bị chết, 36,8 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng, tổngg giá trị thiệt hại về tài sản lên tới 1.723,3 tỷ đồng, gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm 2023.

Về bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ. Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan chức năng phát hiện 12.650 vụ vi phạm môi trường, đã xử lý 11.418 vụ với tổng số tiền phạt là 156,5 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; cả nước đã xảy ra 2.231vụ cháy, nổ, làm 55 người chết và 52 người bị thương, thiệt hại ước tính tới 127,9 tỷ đồng, giảm 36,5% so với cùng kỳ năm  trước.

Có thể thấy, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ và những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%. Đây là mức tăng trưởng cao, thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế–xã hội

III. Triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 từ góc nhìn nghiên cứu

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trước những bất ổn của kinh tế toàn cầu và những khó khăn nội tại nhưng trong 6 tháng cuối năm 2024, sự phát triển kinh tế  Việt Nam vẫn  được kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước nhờ các yếu tố hỗ trợ đó là:Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong 6 tháng cuối năm; Ngành dịch vụ được thúc đẩy mạnh và xuất khẩu tiếp tục phục hồi tích cực; Chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn.

kinh-te-xa-hoi-viet-nam-3-1721353849.png

Kinh tế Việt Nam có những tín hiệu phục hồi (Ảnh consosukien.vn 2024)

Từ kết quả thựchiện trong năm 2023 và 6 thàng đầu năm 2024, nhiều dự báo của các định chế tài chính toàn cầu như W.B,IMF,UN và ADB lạc quan cho rằng, tăng trưởng Viêt Nam có thể đat 6% trong năm 2024 và lên 6,5% vào năm 2025.

Dựa vào phân tích dữ liệu quá khứ của 4 khu vực lớn trong nền kinh tế là khu vực
kinh tế thực, tài khoá, cân đối đối ngoại và chính sách tiền tệ, các nhà kinh tế cho rằng, mô hình lập trình tài chính của IMF cho phép phân tích và rút ra triển vọng dự báo những lĩnh vực chủ yếu của kinh tế vĩ mô. Kết quả phân tích theo xu hướng này cho thấy.

Tăng trưởng mục tiêu 6,5% khó đạt trong năm 2024 bởi sự thu hẹp của khu vực công và cầu tiêu dùng yếu ở cả trong và ngoài nước sẽ tác động tới chi tiêu trong khu vực tư và tăng trưởng xuất khẩu. Mặt khác, tỷ giá còn chịu rủi ro gia tăng vào nửa cuối năm 2024 do lạm phát cao.

Với sự thận trọng, các nhà phân tích đã nhìn nhận theo những hướng phát triển khác nhau. Với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP cả năm 2024 đạt 5,85% khi lạm phát có thể giữ ở mức 4,5% với tỷ giá VND bình quân cả năm giảm 5-6% và giải ngân vốn đầu tư công phải đạt được mục tiêu đề ra cũng như đầu tư FDI không có biến động bất thường. Tuy mhiên, kịch bản này vẫn cần đạt được những đảm bảo về cán cân thanh toán có thặng dư ở mức tối thiểu 21 tỷ USD và  đầu tư của khu vực tư  cần  tăng 12% với mức tiêu dùng tăng trên 4,1% so với năm 2023.

Đối với kịch bản tăng trưởng 6.01% cần đảm bảo điều chỉnh chính sách để giảm chênh lệch lãi suất giữa đồng nội tệ và những ngoại tệ mạnh trên thị trường quốc tế, giảm chênh lệch về lãi suất thực giữa đồng VND và USD, tăng cấu phần xuất khẩu ròng đạt mức 24 tỷ USD và tăng đầu tư cả công lẫn tư nhờ vào cải thiện môi trường, đầu tư và kiểm soát tốt lạm phát. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, với cả 2 kịch bản này, nền kinh tế đều hoạt động dưới mức tiềm năng.

Thay cho lời kết

Trong một thế giới còn nhiều biến động, bằng quyết tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo các cấp, các ngành, sự đồng thuận và nỗ lực cao vượt khó của các doanh nghiệp và mọi người dân, đã giúp Việt Nam đạt được những thành công trong chuyển đổi nền kinh tế, trở thành quốc gia nămg động từ sau chủ trương đổi mới.

Từ thực trạng phát triển kinh tế xã hội, đất nước đang đứng trước những cơ hội mới để phát triển trong bối cảnh toàn cầu và tái định hình chuỗi cung ứng, tham gia sâu vào chuỗi cung toàn cầu sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn đầu tư quốc tế và phát triển nhiều ngành sản xuất mới, đặc biệt là điện tử và những ngành sản xuất xuất khẩu để nâng tầm vị thế quốc gia.

Ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cùng với chính sách ưu đãi, tạo thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nướcngoài (FDI) sẽ tạo thuận lợi để mở mang phát triển kinh tế số và các ngành công nghệ cao. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu và gia tăng nhu cầu nhập khẩu thời gian tơi sẽ tạo điều kiện để Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu. Các hiệp định thươngmại tự do (EVFTA, VKFTA, và RCEP) mở ra nhiều cơ hội để đa dạng hóa thị trường và củng cố vị thế đất nước trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cùng với những thuận lợi, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Cạnh tranh thu hút FDI ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải cải thiện môi trường đầu tư và thủ tục hành chính để thu hút hiệu quả các dự án công nghệ cao. Lạm phát cao và lãi suất gia tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát đồng bộ để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Thị trường lao động đang chịu nhiều thách thức, tỷ lệ thất nghiệp cao ở lao động trẻ, phụ nữ và trong khu vực phi chính thức tạo áp lực lớn đến an sinh xã hội, đòi hỏi phải được cải thiên. Thích ứng với công nghệ mới có nhiều khó khăn do thiếu kỹ năng và những rào cản gia nhập, đòi hỏi phải đầu tư vào giáo dục và đào tạo phù hợp với sự phát triển nhanh chóng của những công nghệ này. Biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai là những thách thức lớn; đòi hỏi phải có giải pháp ứng phó hiệu quả và đầu tư cơ sở hạ tầng bền vững. Sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài tạo nguy cơ giảm khả năng tự chủ, đòi hỏi phải đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển công nghệ trong nước. Ngoài ra, biến động kinh tế toàn cầu, bao gồm áp lực lạm phát và bất ổn địa chính trị có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, đòi hỏi phải có giải pháp quản lý rủi ro cẩn trọng.

Từ những vấn đề đặt ra rất cần có một chến lược thich ứng dài hạn trước những biến động của kinh tế toàn cầu./.