Làng nông nghiệp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Vùng Tây Bắc

Tăng cường tiếng nói và năng lực của những nhóm nông dân dễ bị tổn thương là nền tảng để lồng ghép, ứng phó hiêu quả với (BĐKH). Nhằm cải thiên đời sống, đảm bảo an toàn môi trường và nâng cao vai trò người dân trong phát triển kinh tế xã hội, Làng nông nghiêp ứng phó với biến đổi khí hậu (NNƯPVBĐKH) là mô hình nông nghiêp thông minh (CSA), vận dụng kỹ thuật thích hợp để đưa vào sản xuất.

Những mô hình sau gần 3 năm thử nghiệm ở 6 huyện thuộc 2 tỉnh Sơn La và Lai Châu đã mang lại những thay đổi quan trọng ở vùng khó khăn trước tác động của BĐKH. Bài viết tổng hợp những nét nổi bật của dự án thực hiện trên địa bàn của tỉnh Sơn La.

nong-nghiep-1-1678238663.jpg

Bản đồ tỉnh Sơn La

1. Về mô hình làng NNƯPVBĐKH ở tỉnh Sơn La

Là tỉnh thuộc vùng miền núi Tây Bắc, có diện tích tự nhiên 14.125 km² (4,27% tổng diện tích cả nước) với độ cao trung bình 600m, Sơn La chia thành 3 vùng sinh thái; 3/4 diện tích là đồi núi và cao nguyên, đất đai màu mỡ, thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây lâu năm. Tỉnh có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Do địa hình bị chia cắt nên đã hình thành nhiều tiểu vùng khí hậu, cho phép phát triển một nền sản xuất nông - lâm nghiệp đa dạng. Những năm gần đây, nhiệt độ hàng năm có xu hướng tăng hơn 20 năm trước từ 0,5°C - 0,6°C, cùng với khô hạn kéo dài nên khó tăng vụ. Ngoài ra, sương muối, mưa đá, lũ quét cũng là nhân tố gây bất lợi cho sản xuất.

Từ thực tiễn địa phương, các mô hình làng NNƯPVBĐKH đã được xây dựng trên các vùng sinh thái khác nhau để phát triển chăn nuôi bò thịt hợp vệ sinh, nông lâm kết hợp với thâm canh lúa cải tiến (SRI) và trồng xoài kết hợp với lúa thâm canh. Mô hình chăn nuôi bò thịt hợp vệ sinh được thử nghiệm ở Bản Phé A, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu; Nông lâm kết hợp với trồng lúa SRI thực hiện tại Bản Nà Si, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn và phát triển trồng xoài với thâm canh lúa SRI ở bản Nà Khái, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu.

nong-nghiep-2-1678238663.jpg

Nông dân vùng cao Tây Bắc tìm cách giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Ảnh: Nguyễn Vinh

1.1. Những mô hình nông nghiệp thích ứng

1.1.1. Tại bản Phé A, việc triển khai dự án bao gồm xây dựng mô hình nuôi bò thịt sinh sản và 4 mô hình phụ là ủ phân, ủ thức ăn chăn nuôi, trồng cỏ và nuôi bò đực giống chuẩn. 

Để cải tạo đàn bò dé nhỏ, nhóm nông dân tiên phong đã bắt đầu bằng mua bò đực Badmam về lai giống, tạo đàn bò có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh cải tạo giống đã thay đổi kỹ thuật nhằm thay đổi cách chăn nuôi của cộng đồng. Đáp ứng nhu cầu thức ăn, ngoài cỏ trồng trên nương và chuối quanh nhà; nhóm tiên phong đã thực hiện chuyển đổi diện tích trồng lúa 1 vụ, năng suất thấp sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Nhằm hạn chế khó khăn về thức ăn chăn nuôi trong mùa đông, nhóm cũng đã triển khai ủ thức ăn xanh. Liên quan tới phân thải, nhóm đã di dời chuồng trại ra khỏi gầm sản nhà và thực hiện ủ phân với chế phẩm sinh học, bằng những mô hình tác động qua lại và hỗ trợ lẫn nhau.

Mô hình trồng cỏ và ủ thức ăn phục vụ tốt cho phát triển chăn nuôi. Phân thải chăn nuôi được ủ dùng để bón lại cho trồng cỏ và cây trồng khác. Chu trình hữu cơ khép kín đã góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

1.1.2. Mô hình nông nghiệp thông minh, nông lâm kết hợp trên dịa bàn bản Nà Si xã Hát Lót là một mô hình tổng hợp. Theo dó, xoài đã được nhân giống, trồng theo kiểu nông lâm kết hợp và định hướng phát triển theo tiêu chuẩn VietGap. Xoài và nhãn là cây trồng chính, được ghép thành hàng; cỏ được trồng xen giữa các hàng cây và định hướng theo tiêu chuẩn VietGap. Ngoài mô hình chính, những mô hình phụ bao gồm nuôi bò nhốt chuồng, ủ phân, ủ thức ăn chăn nuôi và cấy lúa theo phương pháp thâm canh cải tiến (SRI). Theo cách làm được người dân đồng tình thực hiện, lượng khí CO2 phát thải trong sản xuất nông nghiệp đã giảm đáng kể. Bên cạnh đó, việc trồng xen cỏ và định hướng sản xuất cây ăn quả đã khắc phục dần hạn hán do BĐKH và giảm được lượng phân cũng như thuốc hóa học bón cho cây ăn quả.

1.1.3. Đối với mô hình phát triển trồng xoài kết hợp với thâm canh lúa cải tiến ở bản Nà Khái, xã Sập Vạt. Từ thực trạng và giải pháp giảm thiểu cũng như thích ứng với BĐKH trong sản xuất, dựa trên những cây trồng tiềm năng mà cộng đồng thôn bản đề xuất, dự án đã triển khai mô hình nông nghiệp thông minh gồm 5 thành phần với mô hình chính là trồng xoài tròn theo phương thức nông lâm kết hợp và các mô hình phụ gồm nuôi bò, ủ thức ăn chăn nuôi, ủ phân và trồng lúa theo phương thức thâm canh cải tiến. Mô hình xoài trồng theo phương thức nông lâm kết hợp cung cấp cỏ tươi cho chăn nuôi và để thực hiện ủ thức ăn dự trữ trong mùa đông. Mô hình ủ phân  ngoài giải quyết vấn đề chất thải chăn nuôi và các phế phẩm khác như rơm rạ, đã cung cấp một lượng lớn phân hữu cơ cho trồng xoài và lúa. Rơm rạ từ cây lúa cũng là đầu vào cho ủ thức ăn chăn nuôi. 

1.2. Hoạt động của các nhóm nông dân trên địa bàn thử nghiệm

Nhóm nông dân thích ứng giữ vai trò tiên phong trong triển khai hoạt động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng. Thông qua hoạt động của những nhóm này, dự án đã hình thành các tổ liên kết tiêu thụ nông sản. Nhiều hộ gia đình đã cùng liên kết sản xuất, thống nhất giá bán, khắc phục được tình trạng thương lái ép giá. Bên cạnh đó, các nhóm nông dân thích ứng cũng đã chia sẻ về các đầu mối tiêu thụ để thành viên chủ động liên hệ, giới thiệu bán sản phẩm của gia đình. Ngoài việc bán bò, dê cho thương lái, nhiều nhóm nông dân cũng đã chủ động liên kết trực tiếp thịt bò, dê bán tại chợ hoặc ven đường lộ, sau đó chia nhau tiền lời. Các nhóm cũng chia sẻ những hình thức bán hàng mới như quảng cáo qua Facebook, Zalo hoặc liên hệ trực tiếp với lò mổ để bán hàng mà không cần qua thương lái.

Trong hoạt động cộng đồng, do nhóm nông dân thích ứng bao gồm cả thành viên của Ban quản lý thôn bản nên việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội được trao đổi rộng với nhiều thành viện tham gia. Từ thực tế sản xuất, nhiều nhóm nông dân đã thực hiện thành công việc vận động UBND xã cho chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ năng suất thấp sang trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Đề xuất di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà ở đã tác động tích cực đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Qua đó, nhiều xã đã tổ chức tuyên truyền, vận động đẩy nhanh di dời chuồng trại ra khỏi gầm sàn nhà để đảm bảo vệ sinh môi trường thôn, bản.

Thông qua mô hình thâm canh cải tiến, nhiều xã đã mở rộng biện pháp canh tác lúa, đưa diện tích trồng lúa theo phương thức SRI thành chỉ tiêu trong kế hoạch sản xuất nông nghiệp của xã. Với việc đi tiên phong của các nhóm nông dân thích ứng, người dân trong các thôn, bản đã nhận thức được lợi ích và tích cực tham gia đóng góp xây dựng kế hoạch sản xuất của xã.

1.3. Hiệu quả mang lại của các giải pháp kỹ thuật

Phân tích hiệu quả trong những mô hình xây dựng của dự án, các nhà nghiển cứu nhận thấy:

1.3.1. Trong mô hình nuôi bò đực giống

Một bò giống Badman đã giúp tải tạo toàn bộ giống bò trong bản, giúp đàn bò phát triển nhanh với trọng lượng lớn. Bò đực giống không chỉ phối giống cho đàn bò của thành viên trong nhóm mà còn thực hiện dịch vụ phối giống cho các hộ trong cộng đồng. Với giá 200.000đ/1 lần phối giống, mỗi tháng 1 bò đực giống còn đem lại nguồn thu khoảng 4 triệu VNĐ. Ngoài cải tạo giống, nhờ rút ngắn thời gian nuôi và bò lai hấp thụ thức ăn tốt, đã giảm được lượng phân thải, qua đó góp phần tích cực vào cải thiện chất lượng môi trường.

1.3.2. Đối với mô hình chăn nuôi sinh sản và lấy thịt

Do Phé A là vùng trũng nhất của huyện Thuận Châu, đây là điểm thường xuyên bị ngập úng nên kỹ thuật chăn nuôi cũng được điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm này. Đàn bò đã phát triển tốt, tránh được dịch bệnh đối với một vùng thường xuyên ngập úng. 

Từ nguồn thức ăn dồi dào, việc nuôi dê cũng được quan tâm phát triển. Dê được phát triển theo hình thức tập thể nhưng giao cho hộ nuôi và có cơ chế chia sẻ lợi ích cụ thể giữa nhóm nông dân thích ứng và hộ chăn nuôi. Sau lứa nuôi đầu tiên, nhóm đã tái đầu tư với 40 con giao cho 10 hộ nuôi. Sau 1 năm nuôi, đàn dê đã bắt đầu sinh sản với số dê con tăng thêm được 18 con.

1.3.3. Về mô hình trồng cỏ 

Chăn nuôi rất cần có nguồn thức ăn chủ động, từ thực tế lúa 1 vụ thường xuyên bị ngập, trồng không cho thu hoạch, thành viên trong nhóm nông dân thích ứng đã vận động chính quyền xã cho phép chuyển đổi những diện tích đầt này sang trồng cỏ. Qua chuyển đổi, 6 ha được chuyển sang trồng cỏ, đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi 300 con bò hoặc 4.500 con dê.

1.3.4. Mô hình ủ phân

Với tập quán nuôi nhốt trâu bò, từ lâu phân gia súc đã được người dân tận dụng để bón trực tiếp cho cây trồng. Việc làm này đã gây hôi thối, ô nhiễm môi trường đồng thời cũng tạo một số bệnh cho gốc và rễ cây ăn quả. Với sự hỗ trợ của dự án, 10 hộ trong từng nhóm nông dân thích ứng đã thực hiện ủ phân thải chăn nuôi trước khi bón cho cây trồng. Theo định kỳ, sau 3 tháng, mỗi hộ gia đình thu được 1-2 tấn phân, nhờ đó đã xử lý triệt để vấn đề phân thải gây ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Bên cạnh đó, lượng phân ủ được dùng để bón cho cỏ và cây trồng khác đã giúp tiết kiệm được tới 50% lượng phân vô cơ thường dùng. Trên bản Nà Khải, 10 hộ trong nhóm dự án đã tiến hành thử nghiệm ủ phân tại gia đình. Lượng phân ủ được hàng năm của hộ giao động từ 2,5-3 tấn, được dùng để bón cho cây ăn quả, một phần để bón mía và lúa, giúp giảm được tới 35% lượng phân các hộ cần mua hàng năm. 

1.3.5. Mô hình ủ thức ăn chăn nuôi 

Khu vực thử nghiệm là nơi người dân đã nuôi nhốt gia súc từ lâu nên các hộ đã được tiếp cận kiến thức về ủ thức ăn chăn nuôi. Do lo ngại cho ăn thức ăn lên men, trâu bò bị đầy hơi nên việc phát triển chưa mở rộng khiến nguồn thức ăn chăn nuôi vào mùa đông thường khan hiếm và không chủ động. Đây là nguyên nhân dẫn tới đàn gia súc giảm sức chống chịu với rét đậm, rét hại. Từ thực tế trong vùng, dự án đã tập huấn lại kiến thức về ủ thức ăn, đồng thời hướng dẫn chi tiết cách sự dụng thức ăn ủ chua. Các hộ chăn nuôi trâu bò tham gia nhóm nông dân thích ứng đều thực hiện ủ thức ăn chăn nuôi. Với sự hỗ trợ của dự án, số đông nông dân đã được tập huấn kỹ thuật ủ thức ăn chăn nuôi từ cỏ tươi và thân ngô. Việc ủ thức ăn chăn nuôi chủ yếu là ủ thức ăn xanh từ ngọn mía, cỏ voi và cỏ VA06. Dự án đã hỗ trợ men vi sinh để 10 hộ thực hiện ủ thức ăn. Hàng năm các hộ ủ chua được từ 1,6 đến 2,4 tấn thức ăn lên men, đáp ứng nhu cầu thức ăn cho 7-10 con bò trong những tháng mùa đông. 10 hộ trong nhóm dự án ở bản Nà Khải đã tiên phong thử nghiệm mô hình ủ thức ăn này.

Ủ thức ăn không chỉ để dự trữ cho gia súc trong mùa đông mà còn được dùng để thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày cho đàn gia súc. Hàng năm các hộ ủ chua được từ 2,4 tấn đến 3,2 tấn thức ăn lên men, đáp ứng dủ nhu cầu cho 8 -10 con bò trong cả năm. Việc chủ động được cỏ giúp đàn bò trong bản gia tăng, trung bình tăng từ 1 đến 2 con/hộ, đồng thời còn giúp giảm được 01 nhân công chăm sóc đàn đại gia súc thường xuyên của mỗi gia đình.

1.3.6. Mô hình xoài nhãn xen trồng cỏ 

Với những diện tích xoài, nhãn được trồng từ trước, dự án chỉ tác động về kỹ thuật và hỗ trợ giống cỏ để cải tạo các diện tích này từ độc canh sang trồng xen canh. Đã có 10 hộ tham gia mô hình với tổng diện tích 6 ha ở bàn Nà Si, xã Hát Lót. Thực hiện trồng cây theo mô hình nông lâm kết hợp đã giúp giảm xói mòn đất, đồng thời tạo đủ lượng cỏ cho chăn nuôi trâu bò gia đình. Theo tính toán của nhiều hộ dân, 1 ha trồng xen cỏ có thể đủ lượng cần thiết để nuôi 10 - 15 con trâu, bò; còn năng suất của xoài và nhãn không bị sụt giảm. Nhờ giảm được chi phí thuốc diệt cỏ, công làm đất và phát cỏ chăm sóc, chi phí đầu tư giảm được từ 8% đến 10%.

Tại bản Nà Khái mô hình xoài tròn ghép mắt xen cỏ đã được triển khai trên diện tích 4,7 ha với 10 hộ tham gia. Theo đánh giá của các hộ dân, xoài ghép cây thấp dễ chăm sóc cũng như áp dụng các biện pháp kỹ thuật khi cây có quả. Trên cùng một diện tích, trồng xoài ghép cho năng suất cao, quả to, đều và đẹp mã hơn. Nhờ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể lên trên 30% và giá bán cao gấp 2-3 lần so với xoài lai. Bên cạnh đó, mô hình còn cho thu cỏ phục vụ chăn nuôi, giúp giảm xói mòn rửa trôi đất, giảm được lượng thuốc trừ cỏ; từ đó bảo vệ môi trường do đất được thường xuyên phủ xanh giúp giữ ấm thích ứng với vấn đề khô hạn ở các địa phương.

1.3.7. Mô hình cấy lúa theo phương thức SRI 

Với ưu điểm giảm được 60% chi phí về giống, 15% chi phí về phân bón, đồng thời giảm 20% lượng công chăm sóc và năng suất tăng 15%; mỗi ha lúa thâm canh SRI giúp tăng từ 15 đến 17 triệu VNĐ thu nhập so với trồng lúa thông thường.  

Với việc hỗ trợ máy cấy, việc áp dụng SRI tại bản Nà Khải khá thuận lợi. Cả 10 hộ trong nhóm nông dân thích ứng đều tham gia thực hiện theo kỹ thuật này trên 6 ha, chiếm trên 90% tổng diện tích lúa của các hộ. Với ưu điểm giảm được chi phí về giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật đồng thời năng suất tăng cao. Mỗi ha lúa cấy theo SRI giúp tăng thêm từ 16 đến 20 triệu đồng thu nhập. Ngoài ra, làm theo phương pháp này thời gian đất ngập nước ít nên cũng giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm lượng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu hóa học.

nong-nghiep-3-1678238663.jpg

Canh tác lúa nếp cái hoa vàng theo phương pháp SRI tại, tỉnh Sơn La.

4. Những tác động thông qua dự án

4.1. Về nhận thức

Tỷ lệ % người hiểu về biến đổi khí hậu (BĐKH) là dấu hiệu nhận biết tri thức cộng đồng. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ này đạt 62% ở Bản Phé A huyện Thuận Châu, 71% ở Nà Si xã Hát Lót và 48% ở Bản Nà Khái huyện Yển Châu. Điều này thể hiện số đông người dân thôn bản đã nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề BĐKH tại địa phương.

4.2. Về cơ cấu cây trồng vật nuôi

Tại bản Phé A, cộng đồng dân cư có xu hướng chuyển dịch dần từ trồng trọt sang chăn nuôi bò, dê với diện tích canh tác lúa giảm để nhường đất cho trồng cỏ, chuối siêu đẻ làm thức ăn chăn nuôi. Kỹ thuật chăn nuôi cũng đã thay đổi, 80% người dân biết phối trộn thức ăn tinh, thức ăn tươi và khô, không còn tình trạng có gì cho ăn nấy. Số tự học hỏi làm theo chiếm tới 48% số hộ trong bản. Bên canh đó, người dân có thể dự đoán và nhận biết được các bệnh thông thường để chủ động phòng tránh, không để tình trạng gia súc chết mà không rõ nguyên nhân. Số hộ thực hiện ủ, dự trữ thức ăn chăn nuôi vào mùa đông cho gia súc tăng từ 2 hộ trước dự án lên 30 hộ, chiếm 70% số hộ trong bản. Số thực hiện di dời chuồng trại ra ngoài gầm sàn đạt 92% tăng 81% số hộ so vời trước dự án và số thực hiện ủ phân thải đạt 35%, tăng 32% so với trước dự án. 

Tại bản Nà Si, cơ cấu cây trồng vật nuôi thay đổi không đáng kể, nhưng định hướng sản xuất lại có sự chuyển dịch tích cực từ sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất sạch theo tiêu chuẩn Viet Gap. 36% số hộ trong bản thực hiện trồng xen cỏ trong mô hình cây ăn quả gia đình, tăng 29% so với trước dự án. Đối với kỹ thuật sản xuất, trên 50% số hộ học và làm theo mô hình trồng lúa SRI, đưa tỷ lệ này lên 45% so với trước dự án chỉ đạt 5%. 20 hộ đã thực hiện ủ thức ăn chăn nuôi, gia tăng cao so với trước dự án. Việc ủ phân từ chất thải chăn nuôi được 10% số hộ thực hiện tăng 8%. Vấn đề môi trường được cải thiện, chất thải chăn nuôi không còn bốc mùi như trước, rơm không còn bị đốt mà được trữ khô hoặc ủ làm thức ăn chăn nuôi trong mùa đông.

Ở bản Nà Khái, đã chuyển dịch từ cây nông nghiệp sang trồng cây ăn quả. Trong định hướng đã chuyển dịch từ sản xuất hàng hóa thông thường sang sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap. Về kỹ thuật canh tác, từ 4,7 ha xoài tròn ghép trồng theo hướng nông lâm kết hợp đã tăng lên thành 9 ha. Đối với trồng lúa theo quy trình SRI từ 6 ha ban đầu đã tăng lên 12,6 ha chiếm 90% diện tích lúa toàn bản. Số hộ thực hiện ủ thức ăn chăn nuôi gia súc đạt 70%, tăng 42%; 45% số hộ thực hiện ủ phân từ chất thải chăn nuôi, tăng 28% so với trước dự án. 

4.3. Thay đổi về Kinh tế 

Thu nhập của người dân đã được nâng cao, tại bản Phé A thu nhập bình quân của người dân sau  triển khai dự án đạt mức 32 triệu đồng/năm. Trước dự án thu nhập bình quân đầu người ở bản Nà Si đạt 16 triệu /năm, sau dự án tăng lên 21 triệu/năm. Trong đó, tỷ lệ đóng góp của chăn nuôi trong thu nhập tăng nhanh, chiếm 52% trong cơ cấu, tăng 12% so với trước dự án. Tương tự, mức thu nhập của hộ nông dân ở bản Nà Khái cũng từ mức bình quân 37 triệu/hộ/năm, tăng lên 50 triệu/hộ/năm.

4.4. Thay đổi về Môi trường

Vấn đề môi trường tại bản Phé A đã được cải thiện rõ rệt, chất thải chăn nuôi không bốc mùi như trước, 80% rơm không bị đốt mà được trữ khô hoặc ủ làm thức ăn chăn nuôi trong mùa đông. Thông qua việc trồng lúa theo quy trình SRI trên diện tích 16 ha của 56% số hộ dân và việc ủ phân gia súc, lượng khí nhà kính (CH4 và  NH3) phát thải đã giảm được trên 10 tấn.

Ở bản Nà Si, nuôi nhốt bò, dê dưới gầm sàn đã giảm từ 98% số hộ xuống còn dưới 10%; 35% số hộ đã thực hiện ủ phân chăn nuôi, nhờ đó mùi hôi thối tại bản đã giảm đáng kể. Đáng chú ý là, 72% số hộ đã có những hành động thích ứng với vấn đề BĐKH thông qua chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi, từ trồng lúa bị ngập sang trồng cỏ chăn nuôi. Nhờ chuyển cơ cấu từ cấy lúa nước sang trồng cỏ và xử lý phân thải chăn nuôi, dự án thực hiện đã giảm được 5 tấn khí nhà kính. 

Tại bản Nà Khái, phân thải gây ô nhiễm môi trường đã giảm đáng kể. Lượng phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi và canh tác lúa nước cũng đã giảm sâu. Theo ước tính, lượng khí nhà kính phát thải phát thải giảm được 9,3 tấn.

4.5 Thay đổi về cơ cấu tổ chức xã hội thôn bản

Ngoài các tổ chức thành lập theo cơ chế của nhà nước, tại bản có thêm một đơn vị trung gian đại diện và truyển tải ý kiến cộng đồng tới các cấp quản lý. 85% người dân nhận thức được ý nghĩa của việc tham gia góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và nhìn nhận về vai trò của cộng đồng trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt, cách nhìn nhận của chính quyền đối trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đã chuyển biến theo hướng đề cao ý kiến từ dưới đi lên. Xây dựng kế hoạch hàng năm được chặt chẽ hơn, ý kiến người dân đã được lắng nghe và ghi nhận.

Thay cho lời kết

Ứng phó với BĐKH là vấn đề không chỉ Nhà nước quan tâm mà đã được các tổ chức phát triển thảo luận rộng rãi. Tiếp cận cảnh quan và xây dựng hệ thống quản trị tài nguyên thiên nhiên trong mô hình làng NNƯPVBĐKH ở vùng Tây Bắc bao gồm nhiều thành tố tương tác cơ bản. Đó là học hỏi thông qua hành động; sản xuất nông nghiệp thông minh; tiếp cận với thị trường cung ứng và tham gia lập kế hoạch, quy hoạch cần thiết của cộng đồng cư dân bản địa. Theo đó, xây dựng nhóm nông dân thích ứng để phối hợp các bên liên quan trong sản xuất và tiêu thụ nông sản được coi là giải pháp trọng tâm.

Dự án làng NNƯPVBĐKH với những kết luận rõ ràng đã góp phần tích cực vào tìm kiếm giải pháp nông nghiệp mới đem lại cho người dân sự chuyển mình thực sự trước những biến động của khí hậu. Hy vọng vấn đề rút ra từ dự án này sẽ là tài liệu tham khảo có ích trong nghiên cứu và thực hiện mục tiêu đựa phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ này ./.