Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa (Tiểu thuyết Lịch sử) - Kỳ 20

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc Tiểu thuyết lịch sử “Lục tỉnh Nam Kỳ khói lửa” của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.

Kỳ 20.

VI

Đầu mùa khô năm 1861, nắng chan hòa khắp nơi. Nắng như tơ trắng rải xuống tỉnh Định Tường và căn cứ Gò Công. Các con sông Tiền Giang, sông Vảm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây lấp lánh ánh bạc chảy nước về xuôi, phía đông sóng vẫn êm đềm ru nhạc. Nhưng miền Đông không bình yên. Tiếng súng xâm lược của quân Pháp vang khắp nơi, tiếng súng đánh trả của nghĩa quân cũng nổ khắp miền Đông. Chiến sự đã làn khắp ba tỉnh, Gia Định, Định Tường và Biên Hòa,

Tại một căn phòng của Tổng hành dinh ở Gò Công, Trương Công Định đang ngồi trù tính các trận đánh Pháp sắp tới. Trời nắng nhưng không oi bức, gió lùa qua vách che bằng lá dừa nước nên mát mẻ. Bên ngoài gió đưa vào các lá trâm bầu và đủ loại cây tạo nên bản nhạc xạc xào. Trương Công Định bê ly nước đang uống chợt có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, sau cuộc gặp nhau ở Gò Công, các tướng lĩnh về các địa phương đã tạo nên một thế trận đánh Pháp sôi nổi khắp miền Đông rồi ạ.

-Tốt quá, còn gì nữa không?

-Dạ hết rồi ạ.

-Có gì mới phải báo ngay.

-Dạ. Tuân lệnh chủ tướng.

-Cho anh lui.

-Dạ.

Lại có lính vào báo:

-Dạ, bẩm chủ tướng, có phái viên của triều đình tới ạ.

Trương Công Định đứng dậy sửa lại khăn áo đi ra ngoài đón tiếp, nhìn thì không phải ai xa lạ, đó là Khâm phái quân vụ Nguyễn Túc Trưng. Vốn là thấy tình hình ba tỉnh miền Đông nguy ngập, nhất là sau khi Đại Đồn Chí Hòa thất thủ, Tự Đức đã cử Nguyễn Túc Trưng và Hiệp Toán Quân vụ Thân Văn Nhiếp vào cứu vãn tình hình. Trương Công Định chắp tay vái:

-Kính chào ngài Khâm Phái quân vụ.

Nguyễn Túc Trưng cũng đáp lễ:

-Xin chào ngài Phó lãnh binh Gia Định.

-Không dám tôi chỉ là Phó Quản cơ thôi ạ.

Nguyễn Túc Trưng đáp:

-Tôi không nhầm đâu, ngài Trương Công Định tiếp chỉ.

Trương Công Định vội quỳ xuống, vài tùy tùng cũng quỳ theo. Nguyễn Túc Trưng lấy tấm lụa vàng ra đọc:

-“Phụng thiên thừa vận, hoàng đế chiếu viết, nay xét thấy Trương Công Định có công chống giặc Pháp, phong từ Phó Quản cơ lên Phó Lãnh binh Gia Định, có quyền chỉ huy tất cả các tướng lĩnh ba tỉnh miền Đông chống Pháp. Tự Đức năm thứ 14. Khâm thử”.

Nguyễn Túc Trưng trao chiếu chỉ, Trương Công Định nhận và lạy tạ:

-Tạ ơn hoàng thượng.

Rồi đứng lên, Trương Công Định dẫn Nguyễn Túc Trưng vào nhà. Trương Công Định gọi:

-Người đâu.

-Dạ, chủ tướng.

-Pha trà.

-Dạ.

Sau khi người lính đem trà lên, Trương Công Định dặn người lính:

-Chuẩn bị cơm rượu đem lên đây.

-Dạ, chủ tướng.

Sau bữa cơm, Nguyễn Túc Trưng nói:

-Pháp đang chuẩn bị tấn công đánh chiếm thành Biên Hòa, hoàng thượng sai ta và Hiệp Tán quân vụ Thân Văn Nhiếp đem 2 vạn quân vào chi viện cho nghĩa quân miền Đông. Tướng quân chuẩn bị khi nguy cấp thì liên kết với quân đội triều đình đánh Pháp.

-Xin tuân lệnh ngài Khâm Phái Quân vụ. Tại hạ sẵn sàng chờ lệnh của ngài.

Nguyễn Túc Trưng nói:

-Bây giờ ta phải về quân doanh, tạm biệt tướng quân.

-Tạm biệt ngài Khâm Phái quân vụ.

Trương Công Định tiễn Nguyễn Túc Trưng ra tận đường lớn. Nguyễn Túc Trưng cùng hai người lính lên ba con ngựa đi về hành doanh.

Cuối tháng 12 năm 1861, Nam Kỳ bước vào mùa đông nhưng nắng vẫn rực rỡ tỏa xuống Gò Công. Trương Công Định đang ngồi bàn việc quân với Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị thì có lính do thám về báo:

-Có thư của Đốc binh Bùi Quang Diệu.

Trương Công Định cầm thư, bóc ra đọc. Đọc xong ông nói với Nguyễn Đình Chiểu và Phan Văn Trị:

-Thủ Lĩnh nghĩa quân Cần Giuộc là Đốc binh Bùi Quang Diệu mời chúng ta phối hợp đánh quân Pháp ở Cần Giuộc. Các vị tính thế nào?

Nguyễn Đình Chiểu nói:

-Cuộc Đại hội tháng vừa qua các thủ lĩnh đã có giao ước với nhau cùng đánh Pháp trong ba tỉnh miền Đông, ta phối hợp với quân của Đốc binh Diệu là đúng rồi.

Phan Văn Trị nói:

-Thầy Đồ Chiểu nói phải lắm.

Trương Công Định gọi:

-Người đâu.

-Dạ, chủ tướng.

-Cho mời tướng Nguyễn Nhựt Chi đến đây.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Một lát tướng Nguyễn Nhựt Chi bước vào:

-Xin chào chủ tướng, chào hai tiên sinh.

-Chào tướng quân.

Trương Công Định nói:

-Chào tướng quân, mời tướng quân ngồi dùng trà đi.

-Đa tạ chủ tướng.

Nguyễn Nhựt Chi uống trà xong đặt ly xuống bàn. Trương Công Định nói:

-Tướng quân điểm lấy 500 quân đến Cần Guộc cùng đánh Pháp với Đốc binh Bùi Quang Diệu ở đó. Đây là thư của Đốc binh Bùi Quang Diệu, còn gọi là Bùi Quang Là.

-Mạt tướng tuân lệnh.

Cơm trưa xong, Nguyễn Nhựt Chi điểm 500 quân với đầy đủ vũ khí đạn dược bí mật tiến về Cần Giuộc. Trong hành dinh của mình, Đốc binh Bùi Quang Diệu đang ngồi uống nước nóng lòng chờ tin tức của Gò Công, chợt có lính do thám về báo:

-Dạ bẩm tướng quân Trương Công Định phái phó tướng là Nguyễn Nhựt Chi đem 500 quân đến phối hợp đánh Pháp ạ.

-Cho mời tướng quân vào.

-Dạ.

Một lát Nguyễn Nhựt Chi bước vào:

-Xin chào Bùi tướng quân.

-Chào Nguyễn tướng quân, tướng quân ngồi dùng trà.

-Người đâu.

-Dạ.

-Chuẩn bị cơm rượu ngon cho ta 2 suất. Chuẩn bị cơm cho quân ta và thêm 500 suất cho quân của Gò Công, rõ chưa?

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Sau bữa cơm trưa, Bùi Quang Diệu và Phạm Nhựt Chi ngồi đối diện trên bàn chăm chú nghiên cứu sơ đồ đồn Pháp ở Cần Giuộc. Bùi Quang Diệu chỉ vào sơ đồ và nói:

-Đồn quân Pháp đóng ở chợ Trương Bình, Cần Giuộc, đồn xây bằng gạch kiên cố, có hàng rào kẽm gai, có hào sâu, dưới hào có cắm chông chà, ban đêm có lính tuần tra và lính gác. Trong đồn khoảng 500 tên lính Pháp và lính Việt. Bên dưới sông Cần Giuộc có tàu chiến nổ đại bác nếu đồn bị tấn công. Theo tướng quân ta phải đánh thế nào để tiêu diệt đồn mà ta đỡ thương vong vì đại bác và súng ống quân pháp rất lợi hại?

(Còn nữa)

CVL