Mỗi lần lên rừng là mỗi dịp về thăm Mẹ Thiên nhiên, thăm những người anh em cùng nòi giống Lạc Hồng. Vừa thăm, vừa miên man suy tư về câu nói người xưa: “Rừng vàng, Biển bạc”.
Một miền đại ngàn trải dài từ Hoàng Liên Sơn - Hà Giang phía Bắc, nối tiếp dãy Trường Sơn hùng vĩ và đến tận rừng ngập mặn Cà Mau cuối mũi đất phương Nam, chiếm 42 phần trăm diện tích đất nước.
Rừng ta đó, một màu xanh điểm xuyết các sắc màu đa dạng của những loài thực vật, động vật quý hiếm. Rừng ta đó, không gian sinh tồn, nơi cư ngụ, an trú của bà con các dân tộc thiểu số bao đời gắn bó, tạo nên tri thức và văn hoá bản địa vô giá.
Rừng ta đó, nơi mỗi ngọn núi, dòng suối ta qua còn lưu truyền vô tận những câu chuyện đậm chất huyền sử tự bao đời. Rừng ta đó, nơi tạo ra một ngành kinh tế quan trọng cho đất nước và sinh kế cho hàng triệu người thầm lặng nơi núi thẳm, đồi cao.
Với nguồn tài nguyên hữu hình và vô hình như vậy, nhưng vẫn còn những câu hỏi chưa có lời giải: Vì sao “rừng vàng” mà luôn canh cánh trăn trở: địa phương nào càng có nhiều rừng thì càng khó khăn?
Vì sao “rừng vàng” mà đời sống của những người giữ rừng vẫn gian khó, khiến nhiều người không thể tiếp tục gắn bó với rừng? Vì sao bao nhiêu quy định pháp luật liên quan đến rừng, nhưng việc thực thi còn bất cập với mục tiêu quản lý?
Vì sao các khu bảo tồn sinh quyển thế giới, các công viên địa chất toàn cầu, các vườn quốc gia đẹp đến ngỡ ngàng, nhưng chưa thu hút được nhiều người tìm đến? Mỗi câu hỏi cần được trả lời bằng sự đau đáu, bằng sự xúc cảm trước non sông gấm vóc, trước những con người gắn bó với rừng, không ngại ngần nơi “nước độc, rừng thiêng”.
Hãy chuyện trò với lực lượng kiểm lâm, những người bảo vệ rừng, những cộng đồng người dân tộc thiểu số đang sống dưới tán rừng, bên bìa rừng, để hiểu hơn về đời sống khó khăn của những người xem rừng là nhà, là quê hương.
Hãy ngước lên những cây tầng cao, hãy cúi nhìn những cây tầng thấp, quan sát kỹ những chùm dây leo tầm gửi, những mảng thực vật, những giọt sương mai lấp lánh đọng lại trên cỏ hoa dưới mặt đất, hãy cảm nhận, lắng nghe từng thanh âm “nhạc rừng”, để hiểu hơn về ngôn ngữ kỳ diệu, huyền bí của thiên nhiên, để vun đắp niềm đam mê và tình yêu với đại ngàn.
Hãy ngắm nhìn những mặt nước, những dòng suối, những ngọn thác trắng xoá trong làn sương mờ ảo để tìm kiếm những không gian giá trị từ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của rừng.
Hãy chiêm ngưỡng những điều vô hình từ rừng, thông qua những điều nhìn thấy được như cây cối, hoa lá và cảnh vật. Ai đó nói rằng: “Những gì đẹp nhất không nhìn thấy được bằng mắt, mà bằng trái tim”.
Tài nguyên rừng vô cùng phong phú và độc đáo, tất cả đều mang lại giá trị mới. Giá trị mới sẽ tạo nên sức sống mới cho cộng đồng sống gắn bó với rừng, để mỗi người chúng ta thấy yêu rừng hơn, yêu thiên nhiên, non sông gấm vóc và càng thêm yêu cuộc sống hơn.
Giá trị mới sẽ thu hút nhiều người đến khám phá vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, trải nghiệm đời sống của rừng, được hòa mình lắng nghe khúc hát của cỏ cây hoa lá, chim ca vượn hót, chiêm nghiệm bài học nhân sinh quan, thế giới quan.
Giá trị mới sẽ đánh thức nét đẹp văn hoá, tri thức bản địa ngàn đời của bà con dân tộc đôi khi đã bị lãng quên trong vòng xoáy của nhịp sống hối hả thời đại công nghiệp. Giá trị mới sẽ khơi gợi niềm đam mê và những điều tích cực nơi mỗi người.
Vậy là đã có chủ trương triển khai Đề án “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng”. Đây không chỉ là một bản đề án mang tính kỹ thuật thuần túy, mà là một cách tiếp cận mới hơn, một tầm nhìn rộng mở, xa hơn về các giá trị của tài nguyên rừng.
Tư duy về giá trị rừng đa dụng giúp hài hoà mối quan hệ giữa tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên con người, giữa tài nguyên hữu hình và tài nguyên vô hình, hướng đến sự phát triển bền vững.
Tầm nhìn mới tạo ra giá trị kinh tế mới. Trong không gian rừng, ngoài giá trị đến từ gỗ, còn có những loài sâm và thảo dược quý hiếm, những loài nấm có giá trị dinh dưỡng cao, còn có thể phát triển chăn nuôi, thuỷ sản dưới tán rừng.
Tính đa dạng không tạo ra sự xung đột, mà ngược lại tạo thêm sự cộng hưởng, phong phú cho rừng. Ngày nay, thế giới đã tìm đến các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, từ những khu rừng được quản lý bền vững.
Ngoài ra, giá trị kinh tế mới của rừng còn đến từ dịch vụ cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái, nguồn thu từ tín chỉ các-bon rừng.
Tầm nhìn mới mở ra cách tiếp cận đa giá trị từ sự tích hợp giữa khoa học công nghệ và khoa học xã hội. Cách tiếp cận tích hợp như vậy để có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn những giá trị từ rừng. Việc bảo tồn đa dạng sinh học với những “nguồn gen” động thực vật quý hiếm, và tri thức và văn hoá cộng đồng, cũng cần được lưu giữ và phát triển trong “một bảo tàng sống” là không gian rừng. Hơn hết, rừng còn là không gian tinh thần, tín ngưỡng và tâm linh của đời sống con người.
Không gian rừng đa dụng cần sự tận hiến, dấn thân mạnh mẽ hơn của các nhà khoa học, từ khoa học kỹ thuật đến khoa học xã hội nhân văn, các chuyên gia về dân tộc học.
Không gian rừng đa dụng còn là nơi rộng mở, khơi nguồn cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới để các viện, trường, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tìm đến nghiên cứu, đào tạo, huấn luyện, chuyển giao, lan toả tri thức đến các cộng đồng. Không gian rừng còn là nơi mang đến các giá trị kết tinh giữa tri thức bản địa, truyền thống văn hóa ngàn đời với tri thức hiện đại, tạo ra các giá trị mới.
Tầm nhìn mới khởi tạo cơ hội, tăng thêm nguồn lực. Nguồn lực từ những giá trị mới sẽ bổ sung thu nhập, cải thiện cuộc sống cho lực lượng kiểm lâm, ban quản lý rừng, lực lượng bảo vệ rừng, khi điều kiện ngân sách phải cân phân nhiều mục tiêu.
Nguồn lực được tạo ra sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho những con người ngày đêm vất vả băng rừng, vượt núi, lội qua suối sâu bất chấp hiểm nguy, cách biệt với gia đình. Nguồn lực được tạo ra sẽ tạo thêm cơ hội việc làm, sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống ven rừng.
Nguồn lực được tạo ra sẽ tái đầu tư cho nghiên cứu khoa học, cập nhật kiến thức, năng lực quản trị của các ban quản lý rừng, ứng dụng công nghệ trong bảo vệ, điều tra tài nguyên rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Nguồn lực được tạo ra từ chính cộng đồng doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ tài nguyên rừng.
Tầm nhìn mới thúc giục yêu cầu điều chỉnh, thay đổi thể chế. Rào cản pháp lý ít nhiều giới hạn không gian phát triển. Ngày nay, phát triển không chỉ dựa vào đơn ngành, đơn lĩnh vực, mà hướng tới tích hợp đa ngành, đa chức năng để đạt tới mục tiêu đa giá trị.
Muốn vậy, cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận, tạo ra hệ sinh thái con người, kết hợp hài hoà chức năng quản lý nhà nước và cơ chế cộng đồng đồng quản lý. Tính bền vững của rừng, suy cho cùng, quyết định bởi con người, trong khi, thể chế, chính sách cần được điều chỉnh để bắt nhịp với sự thay đổi.
“Câu thần chú”: “Phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng” hứa hẹn mở ra kho báu từ rừng. Và kho báu lớn nhất, không chỉ là nguồn lợi, là tài nguyên, mà hơn hết, chính là tư duy mở: cùng trân trọng, nâng niu, vun đắp từng giá trị của rừng, để rừng mãi lên xanh, tỏa bóng mát cho thế hệ mai sau.