Nhiều nam giới sau tuổi 30 bắt đầu nhận thấy sự xuất hiện của các sợi tóc bạc ở vùng thái dương hoặc đỉnh đầu, đồng thời gặp các triệu chứng như giảm ham muốn, rối loạn cương và xuất tinh sớm. Mối tương quan đồng thời này làm dấy lên câu hỏi liệu có một cơ chế chung chi phối cả hai quá trình. Câu trả lời có thể nằm ở ba yếu tố nền tảng: vai trò của testosterone – hormone sinh dục chủ đạo ở nam giới, cơ chế stress oxy hóa và ảnh hưởng từ lối sống hiện đại đến sức khỏe toàn thân.

Tình trạng tóc bạc sớm xảy ra khi tế bào sắc tố melanin trong nang tóc ngừng sản xuất sắc tố, dẫn đến sự mất màu của sợi tóc. Stress oxy hóa là một trong những cơ chế chính gây ra hiện tượng này. Khi cơ thể mất cân bằng giữa các gốc tự do và hệ thống chống oxy hóa nội sinh, các gốc tự do sẽ tấn công DNA, protein và lipid trong tế bào, từ đó gây tổn thương và chết tế bào. Nghiên cứu của Arck và cộng sự (2006), công bố trên The FASEB Journal, đã chứng minh rằng stress oxy hóa có thể gây apoptosis (chết tế bào theo chương trình) ở melanocyte trong nang tóc, khiến tóc bạc ngay cả trước khi quá trình lão hóa tự nhiên xảy ra.
Ở một hướng khác, testosterone đóng vai trò quan trọng trong duy trì chức năng sinh lý, tâm trạng, khối lượng cơ và hoạt động của các tuyến phụ thuộc androgen, trong đó có nang tóc. Khi nồng độ testosterone giảm – do lão hóa, stress kéo dài hoặc rối loạn nội tiết – quá trình tái tạo tế bào và các chức năng sinh học liên quan đến tóc cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Nghiên cứu của Trueb (2003), công bố trên International Journal of Trichology, cho thấy cả testosterone và dẫn xuất DHT (dihydrotestosterone) đều tham gia điều hòa chu kỳ mọc tóc. Thiếu hụt hormone này có thể khiến tóc mỏng, yếu và dễ bạc hơn bình thường.
Theo TS.BS.CKII Trà Anh Duy, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health, yếu sinh lý không chỉ giới hạn trong rối loạn tình dục mà còn liên quan mật thiết đến sự suy giảm testosterone, stress mạn tính và rối loạn giấc ngủ – những yếu tố làm gia tăng stress oxy hóa và rối loạn hoạt động của các tế bào sắc tố. Ngoài ra, stress kéo dài còn có thể gây rối loạn trục nội tiết hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn (HPG axis), dẫn đến suy giảm sản xuất testosterone và ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp melanin.
Các yếu tố lối sống hiện đại như hút thuốc lá, thức khuya, làm việc căng thẳng kéo dài, thiếu vận động và chế độ dinh dưỡng nghèo nàn đều có thể làm trầm trọng thêm tình trạng này. Những yếu tố trên không chỉ gây suy giảm nội tiết mà còn kích thích sản sinh các gốc tự do, từ đó làm tăng tốc độ bạc tóc và làm suy yếu chức năng sinh lý.
Điển hình như trường hợp của anh N.M.T. (34 tuổi, nhân viên văn phòng), đến khám với tình trạng giảm ham muốn, xuất tinh sớm và tóc bạc hai bên thái dương. Xét nghiệm ghi nhận testosterone toàn phần ở mức thấp (10,8 nmol/L) và thiếu nhẹ vitamin B12. Sau 3 tháng thay đổi lối sống gồm điều chỉnh giấc ngủ, tập luyện đều đặn và bổ sung vi chất, testosterone cải thiện nhẹ, tốc độ bạc tóc chậm lại và chức năng sinh lý được cải thiện rõ rệt.
Một trường hợp khác là anh T.T.L. (41 tuổi, doanh nhân) than phiền mệt mỏi, mất ngủ, giảm ham muốn và bạc tóc toàn đầu. Xét nghiệm cho thấy testosterone tự do thấp, cortisol buổi sáng cao, thiếu kẽm và sắt. Việc can thiệp dinh dưỡng, thư giãn, kết hợp liệu pháp nội tiết giúp phục hồi dần chức năng sinh lý và ổn định tốc độ bạc tóc.
Bác sĩ Duy cho biết, đối với những trường hợp xuất hiện đồng thời tình trạng tóc bạc sớm và rối loạn chức năng sinh lý, các xét nghiệm nội tiết và vi chất đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán nguyên nhân. Cụ thể, nên định lượng testosterone toàn phần và tự do để đánh giá chức năng tuyến sinh dục, đo nồng độ LH và FSH để kiểm tra hoạt động của trục hạ đồi – tuyến yên – tinh hoàn.
Ngoài ra, cortisol buổi sáng là chỉ số phản ánh mức độ stress nội sinh; các vi chất như vitamin B12, acid folic, sắt, ferritin, kẽm và đồng cũng cần được đánh giá vì chúng tham gia vào quá trình tạo sắc tố và tổng hợp hormone sinh dục. Rối loạn tuyến giáp cũng là nguyên nhân tiềm ẩn gây bạc tóc sớm, do đó TSH và FT4 là hai chỉ số không nên bỏ qua.
Để ngăn ngừa cả tình trạng bạc tóc sớm và suy giảm chức năng sinh lý, theo bác sĩ Duy việc thay đổi lối sống là điều then chốt. Nam giới nên duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên, ưu tiên các bài tập kháng lực kết hợp với cardio nhẹ nhằm tăng lưu thông máu, cải thiện chuyển hóa và kích thích sản xuất testosterone nội sinh. Ngủ đủ 7–8 giờ mỗi đêm là yếu tố nền tảng giúp ổn định nội tiết và làm giảm stress oxy hóa. Chế độ ăn nên giàu kẽm (có trong hàu, hạt bí, thịt đỏ), đồng (gan, nấm), vitamin B12 (trứng, sữa), kết hợp thực phẩm chứa chất chống oxy hóa cao như việt quất, lựu và trà xanh để bảo vệ tế bào sắc tố khỏi tổn thương.