Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 19

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.  

Kỳ 19.

Phó tướng Nái Sơn cưỡi ngựa màu đen đi đầu, Chủ tướng Phạm Thị Trâm cưỡi ngựa màu nâu đi trung quân dưới lá cờ vàng. Kế theo bộ binh là các xe lương thực, sắt thép, dụng cụ lò rèn như đe, búa, ống bễ. Đi hậu quân là phó tướng Quý Lan cưỡi ngựa trắng. Quân đi về hướng tây, sau đó rẽ theo đường thiên lý tiến về hướng nam. Cờ bay phấp phới, gió cuốn bụi mù mịt che kín cả đất trời.

Tổ Hoài Đức đem quân về Tây Châu nhưng nghĩa quân đã rút về Hoa Lư. Tổ Hoài Đức đem quân đuổi theo và bao vây động Hoa Lư. Quân Hán bao vây một tháng mà không vào được trong động, bốn bên vách đá sừng sững là bức tường thành thiên nhiên thật là kiên cố. Tổ Hoài Đức lệnh cho 1.000 lính:

-Trèo lên xem có lối nào vào được trong động không.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

1.000 tên lính trèo lên, một lát sau thì xác lần lượt rơi xuống, ngực và mặt cắm 2-3 mũi tên mà chết. Tổ Hoài Đức gầm lên:

-Ta thề sẽ vào được động Hoa Lư, băm xác chúng mày ra.

Một sáng một tên lính đem cho Tổ Hoài Đức một bức thư nhặt được do nghĩa quân bắn ra. Tổ Hoài Đức mở thư ra đọc, thư viết: “Nay lương thực nghĩa binh đã hết, ta xin mở cửa động đầu hàng nếu tướng quân tha mạng. Kính thư. Phạm Thị Trâm”.

Rồi không chờ trả lời, trên nóc của động, một lá cờ trắng thò ra, lát sau cửa động mở. Tổ Hoài Đức ra lệnh:

-Xông vào giết.

Quân Hán lần lượt xông vào động, khi 2 vạn quân Hán đã lọt hết vào trong động, đang hoa mắt vì bóng tối trong động như đêm không trông thấy gì thì cung tên và nỏ đã từ bốn bên trên nóc đá dội xuống, quân Hán đè lên nhau mà chết, giày đạp lên nhau hỗn loạn mà chết thêm. Tổ Hoài Đức quát:

-Rút ra ngoài mau, trúng kế rồi.

Nhưng cửa động tắc nghẽn vì lính tráng chen lấn nhau. Tổ Hoài Đức vào sau nên thoát ra ngoài đầu tiên. Trong động vẫn rít lên tiếng tên bay đá ném và tiếng kêu gào trước khi chết của quân Hán. Canh giờ sau chỉ 5.000 quân Hán thoát ra ngoài, 1,5 vạn quân bị tiêu diệt. Tổ Hoài Đức ra lệnh:

-Rút về Luy Lâu.

Tổ Hoài Đức đi đầu, tàn quân đi sau, dọc đường thêm 200 quân bị thương không được chữa chạy mà chết. Tổ Hoài Đức càng tức giận. Trong cuộc đời chinh chiến chưa bao giờ hắn bị phục kích trong một động và thất bại nhục nhã như vậy. Bụi cuốn mù trời càng làm đám quân bại trận thê thảm. Trận phục kích tiêu diệt kẻ đang chủ động bao vây nghĩa binh làm chấn động Giao chỉ, Cửu Chân. Ngày hôm sau Phạm Thị Trâm đem quân về lại Tây Châu. Vài ngày sau, nhận lời mời của nữ chúa Trưng Trắc, Phạm Thị Trâm nói:

-Nay để lại 1.000 quân cho phó tướng Quý Lan trấn giữ Tây Châu, còn ta và đại quân kéo về Mê Linh chuẩn bị cùng cả nước tấn công Luy Lâu bắt thằng giặc Tô Định tàn ác.

Toàn quân hô vang.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Rồi Phạm Thị Trâm đi tiên phong, Nái Sơn đi hậu quân đi về hướng tây, quân đi, cờ bay theo gió, bụi cuốn mù trời. Nghĩa binh Tây Châu bước sang trang mới của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.

*

*     *

Đang là mùa thu nên ban mai nắng chảy chan hòa xuống xuống trang viên Phượng Lâu[1]. Nắng tỏa xuống những rặng cây, soi qua kẽ lá, rơi những giọt li ti xuống những mái ngói màu đen bị phủ đầy lá vàng rời cành theo thời gian. Ngoài xa ba con sông Thao, Đà, Lô giao nhau tạo thành một dòng sông Cái màu đỏ cuồn cuộn chảy về đông. Gió thổi mang theo heo may lạnh se sắt. Vài đàn chim tung cánh bay về phương nam xa lắc tránh một mùa đông lạnh đang đến gần. Đây chính là trang viên của hào trưởng làm nghề thày thuốc Vũ Công Chất, phu nhân là Hoàng Thị Mầu, con gái của hai ông bà là Vũ Thị Thục, người con gái tài sắc vẹn toàn, giàu lòng nhân ái, được bánh tính toàn trang viên gọi là :"Nữ Tiên  hạ thế”. năm 18 tuổi Vũ Thị Thục sớm lập gia đình kết hôn với Phạm Danh Hưng, một hào trưởng ở Nam Chấn. Sớm nay nàng và chồng về thăm cha và thắp hương cho mẹ, bà Hoàng Thị Mầu mới qua đời được 49 ngày. Đến gần trưa có một tốp lính Hán gõ cửa. Quản gia ra mở cửa và hỏi:

-Các ông là ai?

Tên chỉ huy tốp lính đáp:

-Chúng ta đến gặp Vũ Công Chất và Phạm Danh Hưng.

-Xin mời vào.

Bọn lính vào sân. Ông Vũ Công Chất bước ra:

-Xin chào các quan, các quan cần gì?

Tên chỉ huy đáp:

-Chúng ta theo lệnh của quan Thái thú Tô Định mời ngài và Phạm Danh Hưng về Luy Lâu bàn công việc.

-Bàn việc gì vậy?

-Ta không biết.

Thái thú đã gọi thì không thể không đi. Ông Vũ Công Chất là một hào trưởng người Việt rất ghét Tô Định, phải gặp nhau là bất đắc dĩ. Hơn nữa quan hệ giữa gia đình ông và Tô Định không tốt đẹp gì. Trước kia Tô Định có ý muốn đón con gái ông là Vũ Thị Thục về Luy Lâu làm thiếp ông đã không nghe. Không biết nay con dã thú này định giở trò gì? Ông và con rể Phạm Danh Hưng cưỡi hai con ngựa cùng bọn lính về Luy Lâu. Vũ Thị Thục nhìn cha và chồng đi rất lo ngại định ngăn nhưng không được.

Mãi quá trưa sang chiều mà không thấy hai người về, Vũ Thị Thục lòng nóng như lửa đốt. Bỗng nhiên lọ lộc bình cắm hoa trên bàn thờ đột nhiên rơi xuống vỡ tan tành. Chợt ngoài cổng hai gia nhân giúp việc chạy vào khóc và nói:

-Bẩm phu nhân, không hay rồi, gia chủ và công tử bị Tô Định giết hại ở Luy Lâu rồi. Khoảng 2.000 lính đang tiến về Phượng Lâu để bắt phu nhân.

Thục Nương kinh hãi:

-Xem ra thằng Tô Định quyết bắt cho được ta. Bảo gia nhân trong nhà hãy trốn về quê mau, các anh cũng trốn đi.

Một nữ tì nói:

-Phu nhân đi đâu, nô tì xin đi theo tới đó.

-Không được muội hãy về quê nhanh lên.

Nữ tì và gia nhân vừa khóc vừa ra đi. Vừa khi đó quân Tô Định đã kéo đến cửa nhà. Nàng Thục lên một con ngựa nâu to lớn, tay cầm gươm xông ra. Những tên lính tràn vào cửa bị gươm lia chết gục, nhiều tên xúm lại quanh ngựa nàng Thục bị nàng lia gươm chết tiếp. Vó ngựa đã đưa nàng Thục xa dần bọn lính và chạy về hướng đông nam. Trời gần tối, vó ngựa đưa Thục nương đến một vùng gọi là Tiên La[2]. Giữa đồng bằng nhưng dân cư thưa thớt, cây cối mọc như rừng khắp nơi. Con đường nhỏ có một cây cầu qua sông gọi là sông Tiên Hưng cũng đầy cây lá dẫn tới một ngôi chùa. Nàng Thục đi đến gần ngôi chùa thì hoàng hôn đang đến, nắng chiều trở nên tím vàng vọt phía tây. Tiếng chuông chùa vang lên trong buổi hoàng hôn lan trong không gian buồn bã thê lương. Nàng Thục cho ngựa xuống bờ sông uống nước và dắt nó buộc vào một cây ven đường cho nó ăn lá cây. Nàng Thục bước lên 10 bậc gõ cửa, cửa mở, hiện ra một ni cô khoảng 40 tuổi. Thục Nương khoanh tay cúi đầu:

-Xin chào sư phụ, ta là khách nhỡ độ đường xin sư phụ cho trú nhờ một đêm.

Ni cô nhìn thấy một thiếu nữ mặc võ phục, hông mang kiếm, đẹp như tiên giáng thế, đoán là kiếm khách liền nói:

-Xin mời thí chủ vào.

Vào phòng ni cô mời Thục Nương ngồi và rót nước:

-Mời thí chủ dùng trà.

-Đa tạ sư phụ.

Rồi Thục Nương bê nước uống hết vì đi đường đang khát và mệt. Ni cô rót thêm một bát nữa. Ni cô biết là khách đi đường xa vừa mệt vừa đói liền nói:

-Chắc thí chủ đi đường xa chưa ăn gì, hãy chờ chút ăn tạm cơm chay với bần tăng vậy.

-Đa tạ sư phụ.

Sau bữa cơm hai người ngồi đàm đạo. Thục Nương thấy ni cô là người thực lòng và tốt, mới đem toàn bộ gia cảnh nói với ni cô. Ni cô thở dài và nói:

-Bần tăng cũng đã nghe đến sự tàn ác của Tô Định nhưng nay nghe chuyện của thí chủ quả là nó hơn lang sói.

Rồi ni cô bố trí phòng cho Thục Nương nghỉ tạm.

Sớm hôm sau sau bữa ăn sáng, Thục Nương nói:

-Đa tạ sư phụ đã giúp đỡ.

Ni cô hỏi:

-Bây giờ thí chủ định đi về đâu?

(Còn nữa)

CVL

 

[1] . Nay thuộc xã Viên Lâu, thành phố Việt Trì.

[2] . Nay là xã Đoan Hùng, Huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.