Mỹ nhân hào kiệt - Anh hùng (Tiểu thuyết lịch sử) - Kỳ 22

Trân trọng giới thiệu tiếp với bạn đọc tác phẩm “Mỹ nhân  hào kiệt - Anh hùng” là Tập XII trong Bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam Diễn Nghĩa của PGS TS Cao Văn Liên do NXB Hồng Đức ấn hành năm 2024.           

Kỳ 22.

Một ngày mùa đông năm 39. Thôn Cự Lai thuộc động Hoa Lư chìm trong ánh nắng nhạt nhòa. Gió mùa đông lạnh thổi hun hút như cắt da. Những núi đá cao chót vót xây thành đắp lũy, những dòng sông quanh co uốn khúc chảy theo bờ, đổ vào các hang động càng thêm huyền bí. Gió lay động muôn cây, gió lay động những rừng lau sậy xạc xào với những bông hoa lau hình bắp chuối màu trắng xám phất phơ như rừng cờ.

Thôn Cự Lai nay đã đổi khác, đã thành căn cứ của nghĩa quân mà chủ tướng là Vương Thị Tiên. Nghĩa binh chống giặc Hán Tô Định đã lên đến 2.000 người. Căn cứ ngày đêm nhộn nhịp tiếng nghĩa binh luyện tập võ nghệ, luyện bắn cung tên, cưỡi ngựa chiến. Tiếng vó ngựa ngày đêm dồn dập khua lốc cốc của bản nhạc thời loạn lạc. Tiếng của các lò rèn đập búa ngày đêm đúc rèn vũ khí. Những ngọn cờ vàng bay phấp phới ở trường giảng võ, ở đại bản doanh của chủ tướng Vương Thị Tiên.

Ngồi trong hành doanh là chủ tướng Vương Thị Tiên với sắc đẹp kiều diễm nhưng uy nghi lẫm liệt với võ nghệ lừng danh. Cha của Vương Thị Tiên là ông Vương Khôi. Hai ông bà mãi gần 50 tuổi mới sinh ra được tuyệt thế giai nhân Vương Thị Tiên. Khi nàng 16 tuổi thì cả thân phụ và mẫu thân đã qua đời.

 Vốn có tư tưởng căm thù giặc Hán và Tô Định, Vương Thị Tiên đã dựng cờ khởi nghĩa. Vương Thị Tiên đang ngồi trong bản doanh thì có lính vào báo:

-Dạ bẩm chủ tướng, có một nam kiếm khách muốn vào gặp.

-Cho vào ngay.

-Dạ.

Kiếm khách bước vào oai phong nhưng còn trẻ, khoanh tay cúi chào:

-Xin chào chủ tướng.

Vương Thị Tiên nói:

-Xin mời ngồi uống nước đi.

-Đa tạ chủ tướng

Trời mùa đông, hai người chậm rãi uống bát nước chè xanh nóng, thấy ấm cả người. Vương Thị Tiên hỏi:

-Tướng quân tên là gì.

-Dạ bẩm chủ tướng, mạt tướng tên là Đặng Văn Phúc. Mạt tướng muốn gia nhập nghĩa binh để giết giặc.

Sau khi hai người đặt bát xuống, Vương Thị Tiên nói:

-Tốt. Nay ta phong tướng quân làm phó tướng. Nay lực lượng và căn cứ của ta qua hai năm xây dựng phát triển, lực lượng đã lên đến 3.000 nghĩa binh. Nay ta định đánh phủ Trường Yên trừng trị bọn lính ở đây tàn ác, gây nhiều tội ác với cư dân quận Giao Chỉ và Hoa Lư, để phát triển thêm lực lượng. Tướng quân thấy thế nào?

Đăng Văn Phúc đáp:

-Tuân lệnh chủ tướng.

Vương Thị Tiên trải ra một chiếc khăn màu trắng, trên khăn vẽ một hình vuông và những mũi tên đen to xuyên vào hình vuông. Vương Thị Tiên chỉ vào bản vẽ và nói:

-Đây là trấn trị của phủ Trường Yên, chỉ là trấn trị nên không có thành cao hào sâu, chỉ có nhà xây lợp ngói, bên ngoài là tường gạch bao quanh, có một cổng chính, một cổng sau, lính ở đây chỉ khoảng 1 vạn. Nay tướng quân Đặng Văn Phúc nghe lệnh:

-Có mạt tướng.

-Tướng quân đem 2.000 quân tấn công phía sau phủ đường và khép vòng vây về bên trái.

-Mạt tướng tuân lệnh.

-Ta sẽ chỉ huy 1.000 quân tấn công cửa chính. Như vậy là quân giặc đã bị bao vây bốn phía. Tri phủ Trường Yên là tên Lâm Tắc rất tàn ác. Cũng đã đến lúc cho hắn và quân giặc đền tội. Thời gian tấn công là canh ba đêm nay. Phó tướng hãy về chuẩn bị.

-Dạ, tuân lệnh chủ tướng.

Đêm mùa đông rét giá, bóng tối bao trùm, núi non, cây cối, làng mạc chìm trong màn đêm rét mướt, một vài vì sao trên trời đen xa xăm nhấp nhánh. Đâu đó có tiếng chó sủa xa xa. Thủ phủ Trường Yên cũng ngủ lặng trong đêm đông. Ngoài phủ đường, thi thoảng có 10 tên lính tuần tra đi đi lại lại, sau đó thì ngủ gục xuống bên lùm cây ven tường. Lính canh cổng cũng ngồi dựa vào tường mà ngủ. Trong khi đó từ bốn hướng hàng nghìn bóng đen nhẹ nhàng đi vào cạnh phủ rồi nhanh chóng lao vào cổng chính, lao vào cổng sau tràn vào doanh trại quân Hán mà chém giết, mà đốt phá. Hàng trăm nghĩa binh lao vào nhà hành chính, dinh thự, gươm khua sáng loáng trong tay mà bổ xuống. Một vạn quân Hán bị lửa thiêu đốt, bị đâm chém trong lúc mơ màng hoảng loạn, tiếng chạm giữa gươm giao tóe lửa, thây đổ máu phun, tiếng rú man rợ của giặc trước khi chết. Đặng Văn Phúc tóm một tên lính Việt hỏi:

-Phòng của tri phủ Lâm Tắc đâu, nói sẽ tha mạng.

-Dạ, xin tha mạng, tại hạ xin dẫn đường.

Đến trước cửa phòng Lâm Tắc, tên lính run rẩy chỉ:

-Dạ, đây ạ.

Đặng Văn Phúc đạp cửa xông vào, ngọn nến trên bàn cháy lờ mờ leo lét. Lâm Tắc thức giấc vùng dậy. Đặng Văn Phúc và vài nghĩa binh dí gươm vào cổ hắn. Lâm Tắc kêu xin:

-Xin  tướng quân tha mạng.

-Tha cho mày thì biết bao dân lành ở Cửu Chân và Hoa Lư bị mày giết hại có đồng ý không?

-Xin tha mạng, mạt tướng biết tội.

Đặng Văn Phúc bảo mấy nghĩa binh:

-Xuống gươm đi.

-Dạ, phó tướng.

Bốn lưỡi gươm của bốn nghĩa binh cùng xuyên vào cổ Lâm Tắc. Tri phủ tàn ác khét tiếng hự lên một tiếng, máu phun như vòi nước, đổ gục xuống giường.

Gần sáng trận đánh kết thúc. Phủ đường Trường Yên và doanh trại giặc cháy thành than đen, 1 vạn quân giặc đền tội chết đủ kiểu, cháy đen thui, mất đầu, thủng ngực, thủng cổ, thủng bụng… Đúng là một bãi chiến trường rùng rợn.

Sau lễ ăn mừng chiến thắng, Vương Thị Tiên nhận được lời mời của nữ chúa Trưng Trắc đem quân về Mê Linh chuẩn bị tấn công Luy Lâu. Trước 3.000 nghĩa binh, Vương Thị Tiên nói:

-Nay nhận lời mời của nữ chúa Trưng Trắc, ta đem quân về hội quân ở Mê Linh để tấn công Luy Lâu, bắt thằng giặc Tô Định đền tội ác. Phó tướng Đăng Văn Phúc:

-Có mạt tướng.

-Ta giao cho phó tướng 1.000 quân để cai quản bảo vệ Trường Yên, khi Mê Linh tấn công thì phải phối hợp giải phóng hết Trường Yên và Hoa Lư. Rõ chưa?

-Mạt tướng tuân lệnh.

--Ta sẽ đi trung quân. Toàn quân xuất phát.

-Tuân lệnh chủ tướng.

Toàn quân rùng rùng chuyển động, bụi cuốn cờ bay. Bách tính ra đứng chật đường đưa tiễn. Họ vừa vẫy tay vừa gạt nước mắt nhìn con em của họ đi về hướng tây còn chói lọi ánh mặt trời.

*

*     *

Trời mùa hạ, nắng rải xuống khắp miền Giao Thủy, làng xóm cây cối xanh tươi chìm trong nắng. Trời trong veo, vài làn mây trắng đi lang thang tạo nên những hình thù kỳ quái. Nắng rải xuống phủ đường huyện Giao Thủy. Trong phủ đường, huyện lệnh Đạm Chính đang ngồi uống rượu bàn công việc với huyện úy Ngô Tông, nom mặt mũi rất ranh ma và tàn ác. Sau khi cạn bát đặt bát xuống, huyện úy Ngô Tông hỏi:

-Mạt tướng không hiểu sao dạo này ở khắp Giao Chỉ và Cửu Chân, Nhật Nam, thậm chí ở phía bắc Lĩnh Nam, giáp bờ sông Trường Giang, rất nhiều phụ nữ xinh đẹp nhưng võ nghệ cao cường đã liên tục chiêu binh mãi mã để chống lại Thái thú Tô Định. Ngay ở ta người đàn bà quốc sắc thiên hương Trịnh Cực Nương cũng lập căn cứ, đặt tên là Điền Quy Cực ở làng Quan Nhì, huyện Giao Thủy, chiêu mộ hàng nghìn nghĩa binh chuẩn bị đánh chúng ta. Ngài có biết lý do vì sao không?

Huyện lệnh Đạm Chính tu một bát rượu không biết là thứ mấy, đặt bát xuống và nói:

-Chỉ tại ngài Thái thú Tô Định rất tham lam và háo sắc, cứ thấy nhà ai có con gái đẹp thì bắt phải đưa về Luy Lâu, nếu người ta không đồng ý thì giết cả nhà, giết chồng của họ. Trịnh Cực Nương là con ông Trịnh Mẫn và bà Phạm Thị Đạt. Đến 50 tuổi họ mới sinh ra Trịnh Cực Nương nhưng nàng rất tài giỏi võ nghệ, lại sắc nước hương trời, mười phần giỏi giang xinh đẹp.

(Còn nữa)

CVL