Năng lượng tái tạo con đường ngắn nhất đến phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) ở Việt Nam

Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch (DEPP) là một chương trình hợp tác giữa Cục Năng lượng Đan Mạch và Bộ Công Thương Việt Nam, tiến hành từ năm 2013 giai đoạn một của chương trình thực hiện đến năm 2017 đã tập trung vào phát triển carbon thấp trong công nghiệp và toà nhà; giai đoạn hai triển khai từ năm 2017 đến năm 2020 hướng vào tiết kiệm năng lượng và tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện nhằm thiết lập mô hình dài hạn cho ngành năng lượng. Giai đoạn ba hiện tại của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Đan Mạch (DEPP III) được triển khai từ năm 2021 đến 2025 bao gồm hoạt động thúc đẩy điện gió ngoài khơi và hoạt động xây dựng các cơ chế khuyến khích nhằm tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp tại Việt Nam. DEPP III tiếp tục tập trung vào mô hình hóa các kịch bản năng lượng dài hạn với việc hình thành ấn phẩm Báo cáo Triển vọng Năng lượng được xuất bản định kỳ hai năm một lần.
nang-luong-tai-tao-1718886129.png

Năng lượng tái tạo, có thể khai thác rộng rãi ở mọi khu vực trên trái đất (Ảnh minh họa internet)

Nguồn tin từ Hà Nội, ngày 19 tháng 6 năm 2024 cho biết, Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam đã phối hợp cùng Cục Năng lượng Đan Mạch (DEA) và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội đã công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến Phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) do Việt Nam và Đan Mạch cùng hợp tác xây dựng. Đây là chương trình hợp tác đối tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh với những kịch bản phát triển năng lượng đến năm 2050 và hướng vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Thông điệp của báo cáo rất rõ ràng với những lựa chọn tốt và hiệu quả nhất về chi phí nhằm hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Đó là việc mở rộng quy mô điện mặt trời và điện gió, cũng như điện khí hóa ngành giao thông vận tải và công nghiệp.

Những phát hiện chính của báo cáo cho thấy: Việt Nam sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Điều này không chỉ khả thi về kỹ thuật mà còn là kịch bản hiệu quả nhất về chi phí. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, phát thải CO2 của Việt Nam cần đạt đỉnh vào năm 2030 và quá trình chuyển đổi năng lượng xanh cần được thực hiện khẩn trương với tốc độ nhanh hơn so với trước đây để tránh những chi phí không cần thiết. Theo đó, báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể về cách Việt Nam có thể đạt được mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2050 và đảm bảo đạt đỉnh phát thải CO2 vào năm 2030.

Lễ công bố Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam - Đường đến phát thải ròng bằng không (EOR-NZ) đã diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương Viêt Nam, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam và Cục Năng lượng Đan Mạch. Báo cáo lần này là ấn phẩm thứ tư trong chuỗi các Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam được xây dựng trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam - Đan Mạch là chương trình hợp tác lâu dài giữa Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh. Báo cáo đã trình bày các kịch bản phát triển của hệ thống năng lượng Việt Nam đến năm 2050, tập trung vào việc phân tích các lộ trình thực tế để Việt Nam đạt được cam kết phát ròng bằng 0.

Việt Nam và Đan Mạch có chung mục tiêu khí hậu đầy tham vọng. Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam – Đường đến phát thải ròng bằng không thể hiện nỗ lực hợp tác của cả hai nước trong quá trình chuyển đổi xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Việt Nam có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào và chuyển đổi xanh sẽ là động lực cho tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững cho toàn xã hội. Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, Kristoffer Böttzauw, đồng chủ trì buổi lễ công bố, cho biết. Kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây, dẫn đến tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon gia tăng đáng kể. Là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, để đảm bảo phát triển bền vững Việt Nam cần làm rõ tăng trưởng kinh tế và tiêu thụ năng lượng, đồng thời xây dựng một hệ thống năng lượng xanh và bền vững hơn thông qua đầu tư vào năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam, Nguyễn Hoàng Long cho biết: “Các dự án của chương trình hợp tác với Đan Mạch trong thời gian qua đã hỗ trợ tích cựcc mục tiêu đảm bảo nguồn cung năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và phát triển ngành năng lượng theo hướng xanh và bền vững. Việt Nam luôn đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Đan Mạch và hy vọng, trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả hơn các chương trình hợp tác năng lượng”.

nang-luong-tai-tao-1-1718886129.png
Lâu đài Krongbor Di sản văn hóa thế giới nhiều đời vua chúa Đan Mạch sinh sống

Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz nhấn mạnh: “Báo cáo Triển vọng Năng lượng - Đường đến phát thải ròng bằng không là một kết quả quan trọng của Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng lâu dài giữa Đan Mạch và Việt Nam; đây cũng là lĩnh vực hợp tác chủ chốt trong Quan hệ Đối tác Chiến lược Xanh giữa Việt Nam và Đan Mạch. Ông hy vọng, báo cáo sẽ là một nguồn tài liệu tham khảo có giá trị cho các đối tác Việt Nam trong quá trình ra quyết định cũng như hỗ trợ Việt Nam trong việc định hình quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của mình. Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không, khi việc tiếp cận năng lượng tái tạo ngày càng trở nên quan trọng trong quyết định đầu tư; Đan Mạch cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này.”

Theo các chuyên gia Đan Mạch, với tiềm năng to lớn về điện mặt trời, điện gió trên bờ và ngoài khơi, Việt Nam có điều kiện để chuyển đổi ngành năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo và tận dụng các nguồn tài nguyên quốc gia. Báo cáo EOR-NZ cho thấy Việt Nam có thể chuyển đổi xanh hiệu quả về chi phí và đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050 thông qua mở rộng quy mô năng lượng tái tạo, điện khí hóa các ngành công nghiệp và giao thông vận tải, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu. Từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, để phát thải đạt đỉnh vào năm 2030 và trung hòa khí hậu vào năm 2050 thì cần phải có thêm 56 gigawatt điện tái tạo (17 GW điện gió trên bờ và 39 GW điện mặt trời) vào năm 2030. Bất kỳ sự chậm trễ nào trong quá trình chuyển đổi đều sẽ gây ra các chi phí tốn kém không cần thiết do những tác động ngày một gia tăng của BĐKH. Việc tích hợp lượng lớn các nguồn điện tái tạo vào lưới điện đòi hỏi các hành động phải kiên quyết. Trong thời gian tới, các nhà máy điện than cần linh hoạt hơn để khi cần có thể giảm công suất điện than nhằm ưu tiên cho các nguồn điện xanh phát lên lưới, đồng thời vẫn đảm bảo được nguồn dự phòng cần thiết cho đến khi các giải pháp lưu trữ và các giải pháp khác có thể được triển khai. Để thực hiện tham vọng xây dựng 84 GW năng lượng gió ngoài khơi vào năm 2050, Việt Nam cần có cam kết mạnh mẽ và hành động ngay. Đặc biệt, việc sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, có thể dự đoán được; việc loam này đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút các khoản đầu tư lớn vào ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Theo đó, báo cáo đã khuyến nghị Việt Nam nên bắt tay ngay vào việc xác định các địa điểm cho phát triển điện gió ngoài khơi, chuẩn bị cơ sở hạ tầng cảng và củng cố hệ thống lưới điện truyền tải. Chuyển đổi năng lượng xanh hiện đang là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự chuyển đổi xanh của Việt Nam. Tiếp theo lễ công bố báo cáo, một tọa đàm với sự tham gia của đại diện các cơ quan hoạch định chính sách Việt Nam đã được tổ chức cùng ngày dưới sự chủ trì của lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng Tái tạo Việt Nam, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz và Cục trưởng Cục Năng lượng Đan Mạch, Kristoffer Böttzauw.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận về những phát hiện chính và những tác động chính sách của báo cáo, bao gồm các rào cản đối với việc mở rộng đầu tư vào năng lượng xanh, tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế xanh và vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình chuyển đổi xanh./.