Rằm tháng Giêng - Ngày nhà thơ Việt Nam: Mối giao duyên không thể tách rời
Thời điểm cuối năm 2002, ý tưởng về việc thành lập Nhà thơ Việt Nam đã được nhen nhóm sau cuộc trao đổi của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo với nhà thơ Hữu Thỉnh để chuẩn bị ra mắt tờ báo Thơ. Trong dịp đó, các nhà thơ thường nhắc đến ngày hội Thơ ở các nước khác và mong muốn rằng Việt Nam cũng sẽ có một ngày kỉ niệm đặc biệt cho thơ ca.
Trước đó, Ngày thơ Quảng Ninh lần đầu tiên đã được tổ chức vào ngày 29-3-1988, nhân kỷ niệm 520 năm (1468-1988) ngày Hoàng đế-thi sĩ Lê Thánh Tông cho khắc bài thơ nổi tiếng của ông lên vách núi Truyền Đăng (núi Bài Thơ ở TP Hạ Long ngày nay). Từ đó đến nay, Ngày thơ Quảng Ninh dần trở thành nét đẹp văn hóa của văn nghệ sĩ nơi đất mỏ. Cùng với “Đêm thơ Nguyên tiêu” trên núi Nhạn (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), Ngày thơ Quảng Ninh chính là gợi ý quan trọng để Hội Nhà văn Việt Nam chọn ngày rằm tháng Giêng (Tết Nguyên tiêu) hằng năm là Ngày Thơ Việt Nam.
Ngày thơ ở nước ta được ra đời không chỉ nhờ cảm hứng từ phong trào thi ca sôi nổi ở một số địa phương. Sở dĩ chọn rằm tháng Giêng hằng năm là Ngày Thơ Việt Nam là bởi xuất phát từ bài thơ “Nguyên tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những tác phẩm xuất sắc của Người, đỉnh cao của thi ca dân tộc. Vì vậy, Ngày Thơ Việt Nam được đem ra bàn bạc tại cuộc họp Hội đồng Thơ và cuộc họp BCH Hội Nhà văn, và đều được nhất trí là Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức Ngày Thơ Việt Nam lần thứ nhất trên toàn quốc vào tết Nguyên tiêu 2003, đồng thời ra báo Thơ vào dịp đó.
Theo lịch sử ghi nhận, năm 2003 là cột mốc quan trọng đánh dấu nhiều điểm sáng trong phong trào thơ ca Việt Nam. Năm 2003 là lần đầu tiên thơ ca Việt Nam có một ngày của riêng mình, và đồng thời cũng là lần đầu tiên “cờ thơ” được ra đời. Cha đẻ của lá cờ đặc biệt là nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo, đã đóng góp công sức và trí tuệ vào hai sự kiện quan trọng là việc tham gia tạo ra lá cờ thơ và phát hành Báo Thơ. Ông đã chia sẻ về việc tham gia vào việc này rằng khi nghe nhà thơ Hữu Thỉnh thông báo rằng cấp trên đã đồng ý tổ chức Ngày Thơ Việt Nam và yêu cầu có Lá cờ thơ, ông rất vui mừng. Mặc dù nhiều họa sĩ đã tham gia vẽ mẫu cho Lá cờ thơ, mẫu của Nguyễn Trọng Tạo đã được chọn. Ông nhấn mạnh rằng Lá cờ thơ không chỉ là biểu tượng gọi mời, tập hợp những người yêu và làm thơ mà còn phản ánh văn hóa và lễ hội Việt Nam, phải mang tính thơ mộng. Trong dịp ấy, số báo Thơ đầu tiên cũng được phát hành.
Ngày thơ Việt Nam: Chặng đường hơn 20 năm hình thành và phát triển
Từ khi thành lập đến hiện nay, mỗi năm tổ chức lại để lại nhiều kỷ niệm khó phai đối với các nhà thơ Việt Nam. Theo lời kể của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, lần đầu tiên tổ chức Ngày kỉ niệm còn chưa có nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên Ban Tổ Chức đã cố gắng tạo ra một ngày lễ kỷ niệm thật công phu và ý nghĩa. Trước Ngày Thơ, các đoàn đã thăm mộ các nhà thơ lớn như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, và nhiều nhà thơ khác, cũng như thăm viếng lăng Bác. Đồng thời, các nhà thơ trong Hội đồng Thơ được phân công tham gia vào Ngày Thơ ở các tỉnh, thành phố trọng điểm. Nhiều nhà thơ nổi tiếng đã được mời gặp gỡ, đọc thơ và thảo luận với công chúng và đồng nghiệp. Sau khi tham gia Ngày Thơ ở Hà Nội, nhiều nhà thơ đã đi tiếp tục tổ chức Ngày Thơ ở các tỉnh, thành phố khác. Không khí ngày lễ kỷ niệm Ngày Thơ lần đầu tiên diễn ra rất sôi nổi với nhiều hoạt động như đọc thơ, thảo luận, hát thơ, múa thơ diễn ra ở nhiều nơi khác nhau.
Sau hơn một năm, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức tại Văn Miếu được đổi mới với nhiều hình thức sáng tạo và phong phú hơn, trong đó có nhiều tiết mục đặc sắc như thả 50 quả bóng bay mang dải lụa đề thơ của 50 nhà thơ nổi tiếng, như một thông điệp về Ngày Thơ gửi tới mọi người. Nhiều người nô nức đến xin thơ, mua sách thơ như trẩy hội. Đặc biệt là “Đêm Thơ - Nhạc” tổ chức tại Đại học Quốc gia Hà Nội gây ấn tượng mạnh đối với công chúng yêu thơ với sự tham gia trình diễn của 20 nhà thơ và 3 đoàn nghệ thuật tại Hà Nội.
Bước sang lần thứ 22 tổ chức Ngày Thơ Việt Nam, sự kiện năm nay được tổ chức kết hợp giữa những nét đẹp truyền thống và hiện đại, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Ngày thơ Việt Nam năm 2024 có chủ đề "Bản hòa âm đất nước" được tổ chức vào ngày 23 và 24-2 (14-15 tháng giêng), tại Hoàng Thành Thăng Long. Theo thông tin từ Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Ngày thơ Việt Nam đuộc tổ chức lần thứ 22 với chủ đề về sức mạnh đoàn kết của toàn thể dân tộc. Ban Tổ Chức đã chọn 12 nhà thơ tiêu biểu đại diện cho những tác phẩm thơ ca của các anh em dân tộc từ mọi miền Tổ quốc, bao gồm những di sản thi ca quý báu trong kho tàng thi ca 54 dân tộc Việt Nam; những tác phẩm tiêu biểu của nhà thơ hoặc tác phẩm viết về các thiên nhiên, vùng đất, con người các dân tộc Việt Nam trên mảnh đất hình chữ S.
Ngày Thơ Việt Nam năm 2024 được diễn ra trong hai ngày, trong ngày 14 tháng Giêng, công chúng được trải nghiệm nhiều hoạt động như tham quan Nhà ký ức, Đường thơ, và tham gia trò chơi Đố thơ, giao lưu giới thiệu tác giả và tác phẩm của các nhà thơ trẻ, các nhà thơ đã thành danh. Đáng chú ý, các thiết kế và trang trí mô hình, nhà, rạp đều thể hiện đúng tinh thần đại đoàn kết, giao lưu văn hóa các dân tộc. Ngày 15 tháng Giêng là ngày diễn ra các sự kiện chính, bao gồm buổi sáng có Toạ đàm với chủ đề "Từ bản lĩnh đến bản sắc của nhà thơ" được chủ trì bởi nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Đêm thơ với các tiết mục biểu diễn hấp dẫn đến từ đoàn nghệ thuật của các dân tộc Tày, Mường, Thái, kết hợp với giao lưu và đọc thơ của các nhà thơ quốc tế, tất cả đã tạo nên tổng thể Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 22 sôi động và đầy ý nghĩa.