Ngành nông nghiệp đạt thành tựu đáng tự hào trong năm 2023

Trong năm 2023 vừa qua, Bộ NN-PTNT tự hào toàn ngành tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; Đồng thời, thiết lập hàng loạt kỷ lục mới trong bối cảnh thị trường toàn cầu suy thoái.
anh-lua-gao-17026335996011853409422-0-0-924-1478-crop-17026336044262115332795-1705025923.jpg

Nnăm vừa rồi VN xuất khẩu sản lượng cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn và nhiều thời điểm trong năm, giá gạo VN phá vỡ kỷ lục, cao nhất thế giới

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhận định rằng, "Đây là một sự cố gắng, quyết tâm lớn của cả ngành trong bối cảnh kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua, và đặc biệt là thiết lập hàng loạt kỷ lục mới".

Thực tế, năm 2023 có thể gọi là năm của kỷ lục xuất khẩu nông sản. Đầu tiên là gạo, năm vừa rồi VN xuất khẩu sản lượng cao kỷ lục gần 8,3 triệu tấn và nhiều thời điểm trong năm, giá gạo VN phá vỡ kỷ lục, cao nhất thế giới. Cùng với đó, xuất khẩu rau quả cũng lần đầu tiên đạt kim ngạch gần 5,7 tỉ USD, đáng nói hầu hết các loại cây ăn quả đều có giá bán cao, giúp nông dân làm giàu.

Hơn nữa, xuất siêu ngành nông nghiệp là một dấu ấn quan trọng được thực hiện trong năm 2023, đạt mức kỷ lục với 12,7 tỉ USD, tăng 43,7%. Có 6 nhóm mặt hàng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD gồm gạo, rau quả, cà phê, hạt điều, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ.

"Một điều quan trọng nữa là lực lượng doanh nghiệp nông nghiệp ngày càng lớn mạnh và đang trở thành nòng cốt trong chuỗi giá trị nông sản. Trong năm 2023 cả nước đã có 1.400 doanh nghiệp được thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp trong ngành lên trên 16.100, tăng 7,3% so với năm 2022. Bên cạnh sự đầu tư, phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn tiếp tục gia tăng đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Nafoods, TH, Dabaco, Masan, Lavifood, Công ty TPXK Đồng Giao, Thương mại và Đầu tư Biển Đông. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì con số tăng trưởng này là một thành tích rất đáng kể. Tăng trưởng GDP toàn ngành đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây, duy trì đà tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Nông nghiệp tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, một "lần đầu tiên" nữa, đó là tỷ lệ diện tích rừng trồng được kiểm soát chất lượng giống đạt gần 90%, lần đầu tiên bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, với đơn giá 5 USD/tấn, ngành lâm nghiệp đã thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.250 tỉ đồng)…

Chia sẻ niềm vui với thành tựu của lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan bộc bạch: "Năm 2024 dù ở ngành nào, lĩnh vực nào, chúng ta cũng cần làm tốt 2 nhiệm vụ: Thứ nhất là, thay đổi phương pháp làm việc gắn với chuyển đổi công nghệ. Ví dụ như viễn thám, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật, dữ liệu lớn sẽ được con người sử dụng để có được bản đồ rủi ro thiên tai, quy hoạch thủy lợi, vùng trồng… Thứ hai là, năm 2024 là năm của kết nối giảm phát thải với tăng trưởng xanh trong tất cả các nhiệm vụ của ngành từ trồng trọt, chăn nuôi, thú y… Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng năm 2024, ngành nông nghiệp sẽ đạt được những kết quả nổi bật hơn nữa".

Ngoài ra, theo Bộ NN-PTNT, mục tiêu ngành nông nghiệp trong năm 2024 bao gồm: tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản khoảng 54 - 55 tỉ USD; tăng 1 - 2 tỉ USD so với năm 2023. Được dự báo là vẫn còn nhiều khó khăn song với lợi thế của nhiều mặt hàng nông sản, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp năm nay hoàn toàn có khả năng đạt kế hoạch đề ra và chúng ta có thể kỳ vọng những kỷ lục mới của ngành này.