Thanh long đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua. Ảnh: Thanh Bình
Rau quả sớm hồi phục, thủy sản tăng trưởng mạnh
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, việc nước này mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các DN, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, cao su,…
Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên chia sẻ, DN đón chờ động thái mở của Trung Quốc, từ đó thúc đẩy thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, cảng biển nhanh hơn, lượng hàng hóa xuất khẩu sẽ gia tăng. Nhất là đối với hàng loạt sản phẩm đã có “visa” xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường Trung Quốc như: Thanh long, chanh leo, chuối, sầu riêng.
Trước đó, việc Trung Quốc siết chặt phòng, chống Covid-19 ở khu vực cửa khẩu đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Cụ thể, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu rau quả sang thị trường này chỉ đạt 1,4 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Tăng trưởng mạnh nhất được dự báo phải kể đến là ngành thủy sản xuất khẩu Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Lê Bá Ánh cho biết, dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023. Trong đó, sản phẩm được dự báo tăng mạnh gồm: Tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú, cua...
Năm 2022, nhiều sản phẩm thủy sản giá trị cao như: Cua, tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú... bị tắc ở đường biển, phần lớn chuyển qua vận chuyển theo đường bộ. Theo đó, khi Trung Quốc mở cửa trở lại các cửa khẩu đường bộ, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ rất thuận lợi, rút ngắn được thời gian, chi phí.
Bên cạnh đó, Trung Quốc là thị trường có sức tiêu thụ rất lớn. Dự báo sau khi gỡ bỏ các biện pháp chống dịch Covid-19, hệ thống nhà hàng, cơ sở cung cấp dịch vụ ăn uống ở Trung Quốc hoạt động trở lại, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hải sản tươi sống cao cấp như tôm hùm, tôm thẻ, cua... sẽ tăng rất cao.
Dự báo các sản phẩm như tôm hùm, cua sẽ tăng rất cao.
Đáng chú ý, thời gian qua dù chịu tác động của chính sách "Zero Covid-19", Trung Quốc và Việt Nam vẫn duy trì việc đăng ký, cấp phép cho các DN hai nước được xuất nhập khẩu thủy sản. Đến nay, Trung Quốc đã công nhận, cấp phép cho 802 DN Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng công nhận, cấp phép cho 780 DN Trung Quốc.
Thương mại 2 chiều Việt Nam – Trung Quốc cải thiện tích cực
Trong 11 tháng của năm 2022, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt 162 tỷ USD, gần bằng con số của cả năm 2021 (165 tỷ USD). Ở chiều xuất khẩu, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, còn ở chiều nhập khẩu, đây là thị trường cung cấp máy móc thiết bị, nguyên vật liệu hàng đầu (11 tháng, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc là 109 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021).
Nhận định về triển vọng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải dự báo, ngay trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ cải thiện mạnh mẽ. Đơn cử, xuất khẩu rau quả, thủy sản, gạo… của Việt Nam sang Trung Quốc tăng cao nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán, và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc tăng dần.
“Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2022, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống Covid-19 và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Về tổng thể, điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của nhiều DN Việt Nam” – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Mới đây (ngày 30/11), Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có thông báo cập nhật thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đến các DN Việt Nam đang xuất khẩu vào nước này.
Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, bắt đầu từ 8/1/2023, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng, chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, bao gồm hàng hóa đông lạnh.
Doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã giúp thanh long xuất khẩu sang thị trường này thuận lợi hơn trước.
Giá thanh long Tiền Giang hiện được thương lái mua ở mức cao gấp 3 lần so với thời điểm cách đây một tháng, giúp người trồng phấn khởi vì thu được lợi nhuận cao.
Được biết, các vựa thanh long ở các huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, đang thu mua thanh long ruột đỏ loại 1 với giá trên 34.000 đồng/kg, loại 2 với giá 28.000 - 30.000 đồng/kg và loại 3 là từ 23.000 - 25.000 đồng.
Với giá mua như trên, nhà vườn trồng thanh long phấn khởi, yên tâm đầu tư vào cây thanh long sau thời gian giảm giá mạnh.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, giá thanh long cũng tăng mạnh. Cụ thể, thanh long ruột trắng loại 1 có giá 13.000 - 15.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ giá 35.000 - 37.000 đồng/kg.
So với thời điểm cuối năm 2021, giá thanh long ruột trắng hiện tăng mạnh nhưng chưa thể phục hồi về mức giá năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19. Tuy nhiên, người trồng thanh long bắt đầu có lời.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, giá thanh long hiện đang ở mức cao nhờ thị trường Trung Quốc hút hàng. Thanh long ruột trắng loại 1 giá 20.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ loại 1 giá 40.000 đồng/kg, là mức nông dân đang có lãi. Nông dân đang đẩy mạnh chong đèn trồng thanh long nghịch vụ. Chỉ cần thanh long được giá, nông dân sẽ tăng sản lượng trở lại.
Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết, thị trường Trung Quốc đang chiếm khoảng 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty. Ngoài ra, hàng xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, Australia, EU... cũng tốt hơn bởi giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt. Do đó, giá thanh long đang dần phục hồi.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, không chỉ quả thanh long khi tình hình thông quan tại các cửa khẩu thông suốt, năm nay, Việt Nam có thêm loại quả tỷ đô là sầu riêng nên giá trị xuất khẩu dịp Tết sẽ rất cao.
Ngoài ra, việc thông qua thuận lợi với thị trường Trung Quốc, giá các mặt hàng trái cây khác cũng được dự báo tăng lên, và tăng mạnh với những mặt hàng xuất khẩu truyền thống.
Với những yếu tố trên, ông Nguyên dự báo năm 2023 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20 - 30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Trong đó sầu riêng, thanh long có kim ngạch cao nhất. Dự kiến năm 2023, hai mặt hàng này sẽ đứng vào nhóm mặt hàng tỷ USD, nhờ đó kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả sẽ tăng mạnh.
Dù vậy, ông Nguyên cũng khuyến cáo, Trung Quốc hiện đã là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe nên bà con nông dân, doanh nghiệp cần tuân thủ quy định thị trường để xuất khẩu suôn sẻ, tránh vi phạm.
Trong 1 cơ sở chế biến thanh long. Ảnh: K.Q
Hiện, Việt Nam có 5 sản phẩm nguồn gốc thực vật xuất khẩu sang Trung Quốc theo hình thức ký kết nghị định thư gồm: măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang. Đồng thời, có 7 mặt hàng trái cây xuất khẩu dạng truyền thống được cho phép là: xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm và mít.
Việt Nam cũng đang xuất khẩu tạm thời chanh leo và ớt tươi sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường như, bưởi, mãng cầu, dừa, mận, chanh...