Phát triển chuỗi giá trị nông sản tại TP. Hà Nội

Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản là nhân tố quan trọng giúp nông nghiệp Hà Nội phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân. Hiện nay, mô hình sản xuất này ngày càng được áp dụng rộng rãi, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát huy được những tiềm năng vốn có, để nông nghiệp thực sự là “bệ đỡ” của nền kinh tế Thủ đô.

Khái quát thực trạng phát triển chuỗi giá trị nông sản ở TP. Hà Nội

Năm 2008, Thủ đô Hà Nội sau khi được mở rộng có diện tích tự nhiên 334.470,02 ha, lớn gấp hơn 3 lần trước đây và đứng vào hàng 17 Thủ đô trên thế giới có diện tích rộng nhất; gồm 30 đơn vị hành chính cấp quận, huyện, thị xã, 577 xã, phường, thị trấn. Hà Nội được hình thành từ châu thổ sông Hồng, với nét đặc trưng là “Thành phố sông hồ” hay “Thành phố trong sông”. Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, khí hậu Hà Nội có đặc trưng nổi bật là gió mùa ẩm, nóng và mưa nhiều về mùa hè, lạnh và ít mưa về mùa đông; được chia thành 4 mùa rõ rệt trong năm. Tất cả những điều kiện tự nhiên trên cho phép Hà Nội phát triển nông nghiệp với nhiều mặt hàng nông sản phong phú.

UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 390/QĐ-UBND ngày 17/01/2019 về việc ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp thành phố; các ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm của TP. Hà Nội. Trong đó, danh mục các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Thành phố bao gồm: Giống cây trồng; giống vật nuôi; giống thủy sản; sản phẩm chăn nuôi - thuỷ sản; sản phẩm trồng trọt; các sản phẩm sơ chế, chế biến. Sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt là những nông sản chủ lực đặc trưng cho sản xuất nông nghiệp ở Hà Nội.

chuoi44-1702764888.jpg
Phát triển chuỗi giá trị nông sản tại TP. Hà Nội

Hiện nay, Hà Nội đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, trong đó có 59 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật, 82 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Phát triển chuỗi giá trị nông sản ở Thành phố thời gian qua đã tạo ra nhiều mô hình đầu tầu trong sản xuất nông nghiệp như: Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm), Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý (huyện Đan Phượng), Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam (quận Nam Từ Liêm), Hợp tác xã Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai)… với phần lớn sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống siêu thị lớn (Coop Mart, Metro, AEON…), các chợ đầu mối và xuất khẩu. Các chuỗi này đảm bảo cho các chủ thể tham gia (doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân) chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần thiết thực vào xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội.

TP. Hà Nội cũng đã tổ chức đánh giá, xếp hạng đối với 1.649 sản phẩm theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó có 20 sản phẩm tiềm năng 5 sao xuất khẩu, 1.098 sản phẩm đạt 4 sao, 534 sản phẩm đạt 3 sao; 1.071 sản phẩm thực phẩm được công nhận OCOP. Trong 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Hà Nội đạt 102 triệu USD, tăng 61% so với cùng kỳ, bao gồm nhóm gỗ và sản phẩm gỗ đạt 79 triệu USD, nhóm nông sản thực phẩm đạt 23 triệu USD. Một số sản phẩm nông sản mũi nhọn của Hà Nội có chất lượng cao như: Nhãn muộn Đại Thành, Quốc Oai xuất khẩu đi Mỹ; rau Văn Đức xuất khẩu sang Hàn Quốc; chuối tiêu hồng xuất khẩu sang Trung Quốc...

Đặc biệt, thành phố cũng xây dựng và duy trì 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica thông qua phát triển chuỗi giá trị giữa Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam, Công ty Bảo Minh; Hay Hợp tác xã Sản xuất và kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ)…

Tuy nhiên, cơ bản các chuỗi liên kết này có quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là liên kết theo hình thức "thuận mua-vừa bán" giữa các chủ thể sản xuất với doanh nghiệp và thương lái tiêu thụ sản phẩm; giá cả thiếu ổn định, dễ xảy ra tình trạng đứt gãy và phá vỡ hợp đồng liên kết đã ký kết. Nhiều liên kết chỉ là sự khớp nối thông qua các sự kiện, chương trình kết nối giao thương sản phẩm nông nghiệp giữa người sản xuất và người tiêu thụ, ít có sự hỗ trợ của cơ quan quản nhà nước trong việc ký kết hợp đồng liên kết cũng như đầu tư nguồn lực cho các điểm yếu trong liên kết chuỗi nên tính bền vững không cao, dễ bị tan vỡ; khi gặp khó khăn, vướng mắc nông dân có xu hướng quay lại sản xuất và tiêu thụ theo phương pháp truyền thống... Sự phát triển không đều giữa các chuỗi giá trị, quy hoạch vùng sản xuất còn lỏng lẻo, sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có nhiều vùng sản xuất bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đã hạn chế lợi thế so sánh của các quận, huyện, thị xã.

Những tồn tại trên đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp toàn diện phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản để góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản ở TP. Hà Nội

Với thực trạng nêu trên, tác giả đề xuất một số giải pháp phát triển chuỗi giá trị nông sản tại Hà Nội gồm:

Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển chuỗi giá trị hàng nông sản.

Đây là giải pháp tiên quyết để phát triển chuỗi giá trị nông sản. Về vấn đề này, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 2085/QĐ-UBND ngày 11/5/2021 ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp theo chuỗi giai đoạn 2021-2025, xác định tập trung vào một số nội dung cơ chế chính sách sau:

- Tạo cơ chế thuận lợi để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, người tham gia sản xuất nông nghiệp, người tiêu dùng về vị trí, vai trò, tính tất yếu phát triển nông nghiệp theo chuỗi và các tác động tích cực tới đời sống kinh tế, xã hội. Đồng thời, tạo sự thống nhất về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ quản lý và các chủ thể kinh tế đối với phát triển chuỗi giá trị nông sản.

- Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Rà soát quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung hàng năm và điều chỉnh kịp thời đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương trên toàn Thành phố. Đẩy mạnh đăng ký và quản lý mã số vùng sản xuất để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu.

- Thực hiện nguyên tắc ưu đãi, hỗ trợ: Tổ chức thẩm định đối với từng Dự án/kế hoạch liên kết để có phương án hỗ trợ phù hợp. Cụ thể:

+ Hỗ trợ tư vấn lập xây dựng liên kết, hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết, hỗ trợ tập huấn, đào tạo kỹ thuật sản xuất, nâng cao nghiệp vụ quản lý; Hỗ trợ chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới; Hỗ trợ các mô hình vay vốn ưu đãi, giới thiệu doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm…

+ Các cơ quan chức năng hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các chủ thể kinh tế vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Hai là, đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến hàng nông sản.

Đây là giải pháp cấp thiết bởi công nghệ sản xuất và chế biên nông sản có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá trị nông sản. Do đó, cần mạnh dạn đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của nông sản. Cụ thể:

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cần phối hợp với các trung tâm nghiên cứu, nhà khoa học... lựa chọn giống cây trồng tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phục tráng, lai tạo các giống cây, con chất lượng bảo đảm đưa vào sản xuất.

- Tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nông sản ổn định...

- Đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao. Ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình sản xuất, sơ chế, đóng gói, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nhằm tăng giá trị sản xuất.

- Xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường xuất khẩu để có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp theo khung tiêu chuẩn cho các mặt hàng nông sản.

- Doanh nghiệp cần xác định vai trò đầu tàu trong chuỗi liên kết để bảo đảm đời sống ổn định của người sản xuất bằng ưu thế xây dựng vùng nguyên liệu, cung cấp kỹ thuật, hướng dẫn quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến và đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng trong chuỗi giá trị.

Ba là, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng nông sản

Đây là giải pháp quyết định trực tiếp đến hiệu quả của phát triển chuỗi giá trị nông sản. Có chiếm lĩnh được thị trường trong và ngoài nước thì nông sản Thủ đô mới khẳng định được chất lượng và tiếp tục duy trì hoạt động toàn chuỗi. Để thực hiện được điều đó, cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp:

- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan chuyên trách phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn cho nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản quy định bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm soát thực phẩm xuất nhập khẩu.

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thương mại tạo điều kiện thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất và kinh doanh nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp Hà Nội với thị trường vùng đồng bằng sông Hồng, cả nước và quốc tế.

- Thường xuyên rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nhằm định hướng xây dựng chuỗi liên kết đáp ứng yêu cầu mới. Bên cạnh những hỗ trợ từ Nhà nước, Thành phố, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và đóng góp xứng đáng vào chuỗi liên kết để tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản hiệu quả, bền vững.

- Phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp xúc tiến mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước và nước ngoài. Ứng dụng công nghệ số trong cập nhật và thực thi các hiệp định thương mại, kết nối nông phẩm vào chuỗi giá trị thương mại toàn cầu thông qua xây dựng thương hiệu, hình ảnh và kết nối mạng lưới kiểm định, tiêu thụ sản phẩm.

- Thiết lập mối liên kết giữa nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học trong chuỗi sản xuất - tiêu thụ; bổ sung thêm những đối tác để đưa sản phẩm tới tay người dùng như nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ thương mại, kiểm định, tiêu chuẩn… Đồng thời, xây dựng cơ chế hợp đồng trách nhiệm, giải quyết tranh chấp và nâng cao vai trò nhà nước đối với hiệu lực của cơ chế này.

Kết luận

Phát triển chuỗi giá trị nông sản là hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với xu thế phát triển bền vững. Hà Nội với những mặt hàng nông sản chủ lực thế mạnh cần có cơ chế chính sách phù hợp, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến hàng nông sản, đồng thời, quan tâm duy trì và tìm kiếm mở rộng thị trường đầu ra cho nông sản. Thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần thúc ngành nông nghiệp Thành phố phát triển, xứng đáng với tiềm năng hiện có, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

---

Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội