Theo chân ông Nguyễn Như Hảo, giám đốc HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, chúng tôi có mặt tại vườn bưởi đường Quế Dương (Hoài Đức) vào một ngày đầu tháng 5. Quả bưởi đang thời kỳ phát triển nên các thành viên HTX tập trung cắt, tỉa những cành khô héo, tạo tán cho cây, đồng thời tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả phát triển.
Kể về nguồn gốc của giống bưởi hiếm này, ông Hảo cho biết, giống bưởi Quế Dương xuất phát từ một cây bưởi hạt, được gia đình cụ Trần Thảo, ở xóm Tháp Thượng lưu giữ và nhân giống từ gần một thế kỷ trước. Giống bưởi này có đặc tính chín sớm, vị ngọt mát như đường, bảo quản được thời gian dài, cây trồng hàng chục năm vẫn có năng suất ổn định.
"Nhờ mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, ăn nhiều không thấy chán nên được người dân trong vùng nhân giống. Đặc biệt, thời gian thu hoạch của bưởi Quế Dương thường từ rằm tháng Tám âm lịch, sớm hơn bưởi Diễn khoảng 2 - 3 tháng nên người dân trồng xen kẽ để rải vụ", ông Hảo nói.
Theo ông Hảo, từ năm 2013, hội sản xuất kinh doanh bưởi Quế Dương thành lập đồng thời đã được Cục Đo lường và Chất lượng sản phẩm cấp giấy đạt tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng đến năm 2019 thì chỉ có ông cùng 9 thành viên khác thành lập HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương, trong đó có 3ha diện tích trồng theo hướng hữu cơ, VietGAP. Chỉ sau đó 1 năm, sản phẩm bưởi của HTX đã được công nhận OCOP 4 sao.
Trước đây ông Hảo là Chủ tịch Hội sản xuất-kinh doanh bưởi Quế Dương, nhưng nhận thấy Hội ngành nghề không hợp với cơ chế phát triển thị trường nên đã quyết định chuyển đổi thành HTX.
“Thực chất, nghề trồng bưởi đã phát triển ở Quế Dương nhiều năm nhưng chủ yếu theo hướng tự phát nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao. Từ khi HTX sản xuất bưởi an toàn Quế Dương ra đời và sản xuất, tiêu thụ theo liên kết chuỗi và tập trung phát triển loại cây trồng này đã giúp nhiều người dân địa phương đổi đời”, ông Hảo chia sẻ.
Điều thuận lợi là từ khi có HTX, người dân được hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón và đầu ra nên nhanh chóng nhận thấy giá trị của cây bưởi. Nhiều hộ cũng đẩy mạnh chuyên canh, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống khấm khá hơn rất nhiều và HTX đã liên kết tiêu thụ theo chuỗi sản phẩm cho các hộ trồng bưởi để có đầu ra ổn định.
Ở Cát Quế, hầu hết các gia đình đều có vườn trồng bưởi, trong đó tập trung chủ yếu vào hai giống bưởi Diễn và bưởi Quế Dương. Tuy nhiên, bưởi Diễn là bưởi từ nơi khác mang về, còn bưởi Quế Dương là bưởi đặc sản của chính vùng quê nơi đây.
Hiện nay, xã Cát Quế đã có 15 ha bưởi Quế Dương, trung bình mỗi năm cho thu hoạch 150 - 200 tấn, sản phẩm thu hoạch được bao nhiêu, thương lái đến tận vườn mua buôn bấy nhiêu, không đủ cung cấp cho thị trường.
Không chỉ vậy, giống bưởi Quế Dương có khả năng chống chịu úng và sâu bệnh tốt, nên người dân không phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh nhiều như các loại quả khác. Vì thế nên chất lượng bưởi tương đối sạch và an toàn.
Giống bưởi này quả chín khi hái xuống có thể để được lâu mà ít bị thối, không bị khô trong điều kiện bảo quản bình thường. Do đó, khi thu hoạch chính vụ vào đầu tháng 11 dương lịch hằng năm, người dân chỉ cần xếp quả dưới nền nhà nơi cao ráo cũng có thể để được đến tận tháng 5 và tháng 6 của năm sau.
Nhờ chất lượng tốt nên bưởi Quế Dương mang lại giá trị kinh tế cao, giá bán trung bình 40.000-50.000 đồng/quả, giống bưởi Quế Dương cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/sào, tương đương 500 - 600 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Người dân địa phương cho rằng, bưởi Quế Dương là cây siêu lợi nhuận, bởi chỉ cần đầu tư một lần có thể cho thu hoạch 50 - 70 năm.
“HTX có nhiệm vụ bao tiêu liên kết sản xuất theo chuỗi cho bà con ở trong xã và ngoài xã. Việc bao tiêu ấy chủ yếu do tôi và anh Phó giám đốc lo liệu, còn những hộ thành viên khác trong Hợp tác xã và các hộ dân liên kết chỉ cần chú tâm vào làm vườn, chăm sóc cây”, ông Hảo nói.
Đáng chú ý, nếu so với trồng lúa hoặc nhiều rau màu khác trong địa phương thì bưởi đang đem lại kinh tế khá cao. Quan trọng nhất là HTX chính là đơn vị bao tiêu chính cho người dân địa phương, tạo ra nguồn thu nhập ổn định. Cũng nhờ trồng bưởi mà nhiều hộ dân trong HTX đã thoát nghèo và làm giàu.
Ông Nguyễn Như Hảo cũng cho biết, dự báo niên vụ năm nay, sản lượng bưởi toàn xã ước tính đạt trên 50.000 quả. Nhiều hộ đã áp dụng quy trình VietGAP, đảm bảo tạo ra sản phẩm chất lượng bưởi ngon, an toàn cho người tiêu dùng.
Nhận thấy rõ tiềm năng, lợi thế từ việc phát triển cây bưởi, xã Cát Quế đang tích cực tuyên truyền vận động nhân dân liên kết sản xuất theo chuỗi trồng bưởi. Ban đầu chỉ manh nha một vài hộ gia đình, đến nay toàn xã có hàng chục hộ tham gia HTX với diện tích 15ha.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể, việc tăng cường sự liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân thông qua mô hình HTX, tổ chức sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị cũng là một nhu cầu mang tính tất yếu và luôn được chính quyền địa phương quan tâm.
Trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Hảo đã định hướng cho HTX tham gia vào chuỗi liên kết các doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào siêu thị và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử để nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng bưởi. Các thành viên trong HTX cũng nhờ chuỗi liên kết đó mà tổ chức sản xuất theo tín hiệu của thị trường.
Ông Hảo chia sẻ, hiện tại dù thị trường tiêu thụ bưởi tương đối tốt, giá trị kinh tế đem lại từ trồng bưởi vẫn đang dẫn đầu trong cơ cấu cây trồng tại địa phương, chưa xảy ra tình trạng cung vượt cầu. Tuy nhiên, điều làm ông vẫn đau đáu là chuyện liên kết giữa HTX và doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn lỏng lẻo nên giá trị quả bưởi Quế Dương vẫn chưa được tận dụng hết.
Mặt khác, phần lớn các HTX trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu, công nghệ và thiết bị lạc hậu, các công đoạn sử dụng lao động thủ công chiếm phần lớn. Việc ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn rất hạn chế nên tình trạng sản phẩm nông nghiệp sau khi thu hoạch dễ bị hư hỏng, không bảo quản được lâu dài dẫn đến tổn thất về kinh tế cho người dân.
“Để cải thiện được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cải thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi cho bà con, kết hợp với cơ quan chuyên môn mở nhiều lớp tập huấn, làm các mô hình, đầu tư theo trọng tâm. Mục tiêu cao nhất là những vườn bưởi của các thành viên phải đạt chuẩn về kỹ thuật, từ đó lan tỏa ra chứ HTX không tham vọng diện tích lớn”, ông Hảo cho hay.
Ông Nguyễn Danh Ngọ, Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết, để định hướng phát triển vùng bưởi, huyện và xã đang quy hoạch vùng trồng mới bưởi tập trung theo liên kết chuỗi, phát triển sản xuất giống bưởi đường Quế Dương và các giống bưởi đường khác. Theo đó, huyện Hoài Đức phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích trồng bưởi đường đạt trên 400ha tại các xã: Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đông La.
Đồng thời, huyện Hoài Đức cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nông dân các vùng trồng bưởi theo liên kết chuỗi về quản lý, tổ chức sản xuất an toàn, hữu cơ, tạo sản phẩm đồng đều, chất lượng tốt phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, tiến tới xuất khẩu.