Phương pháp thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca

Là nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp với gần 30 năm kinh nghiệm, từng gặt hái nhiều thành công tại các cuộc thi toàn quốc trong và ngoài quân đội, Thạc sĩ, NSƯT Hương Giang (Nguyễn Thị Hương Giang) - Giảng viên Thanh nhạc Trường đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội được biết đến là người có nhiều kinh nghiệm trong việc khai thác các yếu tố kỹ thuật thanh nhạc hiện đại vào hoạt động giảng dạy và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Có thể nhận thấy sự dung hòa và mối quan hệ giữa hai yếu tố nghệ thuật Thanh nhạc trong âm nhạc mới với nghệ thuật ca hát truyền thống dân gian, đây là vấn đề cần thiết để tạo nên nghệ thuật Thanh nhạc chính quy của Việt Nam hội nhập với thế giới, đồng thời lại mang đậm những dấu ấn dân tộc. Để giúp bạn đọc rõ hơn về vấn đề này, xin giới thiệu tới bạn đọc bài nghiên cứu dưới đây của NSƯT Hương Giang.

46a0c9f0-6f1e-40d8-b4e6-5ad99df84fe7-1689817811.jpeg
NSƯT Hương Giang, Giảng viên Thanh nhạc Trường đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội 

Những làn điệu dân ca là sản phẩm tinh thần của tổ tiên từ thuở sơ khai, phản ánh phong tục tập quán, thói quem, cách cảm, cách nghĩ... của cha ông. Từ bao đời nay, dân ca là một phần đời sống tâm hồn gắn bó với mỗi người Việt ta. Để những làn điệu dân ca của dân tộc có sức sống lâu bền, có sức lan tỏa mạnh mẽ, lâu dài trong không gian văn hóa hiện đại thì việc đưa dân ca vào giảng dạy trong chương trình âm nhạc đang là việc làm đúng hướng và rất cần thiết.

Với mong muốn nâng cao hơn nữa  hiệu quả của việc dạy học hát  dân ca ở nhà trường, nhất là ở các trường chuyên nghiệp, trong bài viết này, chúng tôi xin bàn về phương pháp thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Cảm thụ về màu sắc dân ca trong ca khúc

Khi thể hiện ca khúc, đôi khi chúng ta lo để ý quá nhiều vào cao độ, tiết tấu, lời hát mà quên đi phần cốt lõi quan trọng nhất của hát ca khúc mang âm hưởng dân ca đó là cảm thụ và xử lý ca khúc.

Đề cập vấn đề này trong cuốn phương pháp sư phạm Thanh nhạc, tác giả Nguyễn Trung Kiên đã nêu: Mỗi thể loại tác phẩm Thanh nhạc có những đặc tính riêng biệt, đòi hỏi ở từng mức độ khác nhau về kỹ thuật cũng như nghệ thuật, mỗi loại mang lại lợi ích khác nhau trong chương trình học tập. Sử dụng các thể loại tác phẩm một cách hợp lý, tạo nên một hệ thống cho quy trình đào tạo, người thầy luôn phải bám sát các nguyên tắc sư phạm để tránh những sai lầm đáng tiếc trong giảng dạy” [14; tr.31].

Để việc dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca vừa đạt được về mặt học thuật (kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo) của thanh nhạc, vừa phát huy được màu sắc cũng như nét đặc trưng trong các làn điệu dân ca Việt Nam, thì việc giúp sinh viên (SV) tìm hiểu và cảm thụ âm nhạc dân gian Việt Nam cần phải được giáo viên (GV) lưu ý, bởi những yếu tố được rút ra từ kho tàng văn hóa dân gian và âm nhạc cổ truyền của dân tộc chính là những yếu tố biểu hiện bản sắc văn hóa trong ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam, bao gồm: âm điệu của các bài dân ca nhạc cổ, yếu tố ngũ cung, lối biến đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, các thủ pháp ca từ trong dân ca và các hình tượng ca từ được rút từ đời sống bình dị của người dân hoặc văn học cổ truyền của dân tộc. Đây cũng chính là những yếu tố góp phần quan trọng trong việc tạo nên sức sống và sức lôi cuốn của bản sắc văn hóa dân tộc trong ca khúc sáng tác mới mang âm hưởng dân ca Việt Nam.

Nhìn chung, để giải quyết vấn đề cho phương pháp dạy cảm thụ và xử lý màu sắc dân ca ca khúc mang âm hưởng dân ca, GV cần phải là  người hướng dẫn sinh viên  nghiên cứu, tìm hiểu để nhận diện đúng ca khúc sử dụng làn điệu dân ca như sử dụng  yếu tố ngũ cung trong âm nhạc dân tộc, sử dụng lối chuyển đổi giai điệu giữa không và có tiết nhịp, sử dụng thủ pháp ca từ trong dân ca...

 Nhận diện được màu sắc, âm hưởng dân ca trong ca khúc chính la cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất để áp dụng các phương pháo thể hiện các ca khúc này.

Phương pháp thể hiện màu sắc của ca khúc mang âm hưởng dân ca

Mỗi thể loại ca khúc có một lối thể hiện khác nhau, đó là một thực tế, ca khúc mang âm hưởng dân ca cũng không ngoại lệ. Để thể hiện sắc thái của ca khúc mang âm hưởng dân ca thì trước hết người hát phải được trạng bị và hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam nói chung và những làn điệu dân ca nói riêng, đó chính là lối hát sử dụng hư từ (từ không có nghĩa) trong hát dân ca, chúng thay cho tiếng nói của tâm tư, tình cảm cũng như tư tưởng của con người Việt. Vì vậy trong phần này chúng tôi xin đề xuất phương pháp cho thể hiện sắc thái đặc trưng phong cách hát dân gian và cách luyện tập cho một số nguyên âm, phụ âm chính trong Thanh nhạc được đề cập sau đây:

Việc sử dụng hư từ và ngữ điệu trong các làn điệu dân ca

GV có thể giảng giải, hướng dẫn giúp SV tìm hiểu và tự nghiên cứu rằng, Chúng ta có thể thấy trong các làn điệu dân ca Việt Nam có những hư từ (từ không có nghĩa) như: à, i, í, a, chăng, ư, hự, hội, ối a, ư, tang tình, uẩy, oả... những hư từ không có nghĩa đó lại rất cần thiết đối với những làn điệu dân ca, bằng ngữ điệu, những hư từ đã trở thành thực từ (từ có nghĩa) để biểu đạt sắc thái tình cảm. Chính từ cách biểu hiện nội dung ngữ nghĩa từ giọng điệu, ngữ điệu ấy, với suốt chiều dài lịch sử, từng bước, từng bước, loài người nâng cao dần lên, phát triển thêm, xây dựng thành những quy ước với một hệ thống những phương tiện diễn tả của loại hình dân ca như ngày nay.

Với việc áp dụng lối hát các hư từ cùng ngữ điệu vào ca khúc mang âm hưởng dân ca cần chú ý những điểm sau:

 Việc phát ca từ phải theo ngữ điệu của từng phương ngữ khi hát các ca khúc mang âm hưởng dân ca với những giọng điệu, thanh điệu… cần phải làm nổi bật được sự khác nhau giữa các vùng, miền, các địa phương mà ta vẫn quen gọi là giọng bắc, giọng nghệ tĩnh, giọng huế, giọng khu năm (cũ), giọng nam bộ...

 Lối hát kèm với các hư từ trong những ca khúc mang âm hưởng dân ca là yêu cầu tiên quyết, nhưng mỗi vùng miền lại có cách sử dụng hư từ rất khác nhau, do đó để làm nổi bật những sắc thái phong phú, đa dạng của mỗi vùng miền thì việc sử dụng hư từ đúng thì nó sẽ trở thành tiếng nói của tình cảm, là sự biểu hiện một dạng tình cảm của người nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống.

 Đảm bảo sự liên hệ mật thiết giữa hư từ với lối hát, cách luyến láy, ngân nga trên cơ sở phương ngữ và nhờ có hư từ mới hình thành lên màu sắc của mỗi làn điệu dân ca mỗi vùng miền như: giọng Nghệ Tĩnh là gắn liền với các làn điệu dân ca Ví, Giặm, hát Phường vải... giữa giọng Huế với các điệu hò mái Nhì, mái Đẩy... hoặc giữa giọng nam bộ với các làn điệu ca Vọng cổ, Lý, Hò...

Áp dụng kỹ thuật thanh nhạc cho một số nguyên âm, phụ âm

Đối với việc dạy hát phong cách dân gian nói chung và ca khúc mang âm hưởng dân ca nói riêng, GV cần chú ý tới luyện hát các nguyên âm cho hát phong cách dân gian theo tiêu chuẩn của kỹ thuật thanh nhạc,  giúp SV có được một khẩu hình mở đẹp, đúng và khi hát âm thanh sẽ mềm mại và rõ, đồng thời nhằm giảm bớt sự phụ thuộc một cách máy móc, cứng, gò bó khi áp dụng kỹ thuật thanh nhạc vào việc thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Để đảm bảo cho việc dạy hát ca khúc mang âm hưởng dân ca thì chúng ta không thể không nhớ đến tiêu trí “tròng vành rõ chữ” mà trong dân gian cũng như nhiều thế hệ thầy giáo thanh nhạc, những lớp ca sĩ chuyên nghiệp đi trước đã luôn lấy đó làm thước đo chuẩn trong việc thể hiện ca khúc mang âm hưởng dân ca.

Một số nguyên âm sử dụng cho hát ca khúc mang âm hưởng dân ca

Nguyên cứu về vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo phương pháp sử dụng kỹ thuật thanh nhạc vào việc phát âm lời trong ca khúc từ các cuốn: Structure of singing của tác giả R. Miller; Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát của tác giả Trần Ngọc Lan và cuốn Phương pháp dạy Thanh nhạc của tác giả hồ Mộ La.

Bên cạnh đó, tiếp thu kinh nghiệm thực tiễn giảng dạy của những thế hệ GV đi trước đã cho thấy, do trong cấu trúc âm tiết tiếng Việt gồm 3 bộ phận chính: Thanh điệu, Phần đầu và Phần sau. Phần đầu của âm tiết được xác định là Âm đầu; phần sau của âm tiết gọi là Vần. Vì vậy, chúng tôi cần lưu ý GV, trước khi cho SV thực hiện câu hát trong bài, GV cũng cần giải thích và yêu cầu học sinh nắm rõ các yếu tố tạo thành âm tiết như: Âm đầu, âm đệm (bán nguyên âm), nguyên âm, âm cuối và thanh điệu. Trong đó nguyên âm giữ vai trò chính để “khuếch đại” âm thanh theo cách sau:

Nguyên âm mở khẩu hình ngang:

- Nguyên âm I/Y: Khẩu hình hẹp nhất, khi hát nguyên âm này hai mép hơi nhành ra như khi cười, tạo điều kiện cho chiều ngang được mở rộng hơn, răng lộ ra đôi chút, thân lưỡi nâng lên phía trước gần vòm miệng, răng sát nhau mà không chạm nhau. 

- Nguyên âm E: Khẩu hình mở như nguyên âm I nhưng rộng hơn. Khi hát mép vẫn mở ngang ra hai bên, lưỡi hơi đưa ra phía trước, răng trên hơi lộ ra, hai hàm răng không chạm vào nhau.

- Nguyên âm Ê: Như khẩu hình nguyên âm E nhưng mép gọn lại hơn nguyên âm E, lưỡi nâng lên hơn một chút.

- Nguyên âm Ư: Trên cơ sở mở khẩu hình của âm Ê, nhưng khẩu hình mở rộng hơn Ê cằm hơi hạ xuống.

- Nguyên âm A: khẩu hình mở rộng, mép hơi nhành ra, cằm hạ xuống tự nhiên, tạo thành hình dáng khẩu hình hơi bẹt. Hàm răng cửa phía trên có thể lộ ra đôi chút. Mặt lưỡi bằng, đầu lưỡi tiếp giáp nhẹ với răng dưới. Khi hát A nét mặt vui như cười (như tiếng A reo vui).

Nguyên âm khẩu hình mở dọc:

- Nguyên âm U: toàn bộ môi chúm lại, nhô ra như khi ta muốn huýt sáo. Khẩu hình nguyên âm này thu nhỏ nhất.

- Nguyên âm Ô: Môi nhô ra và hai mép chúm lại, khẩu hình phía ngoài mở rộng hơn U. Hạ lưỡi và nâng hàm ếch mềm.

- Nguyên âm O: Khẩu hình mở khá rộng tròn, phần giữa của môi hơi nhô ra trước. Lưỡi rụt vào phía sau, mặt lưỡi cong lên gần che lấp lưỡi gà.

- Nguyên âm Ơ: Cũng giống như nguyên âm A, nhưng khẩu hình gọn hơn. Khi hát, hai mép thu gọn một chút, nhấc tếp hàm trên nhưng cằm giữ nguyên.

Bên cạnh đó còn có các nguyên âm đôi như: ƠI, EO, AO, UI, OA, AI… và nguyên âm ba OAI, YÊU, ƯƠI, UÔI. Khi luyện tập với các nguyên âm đôi và ba, vị trí âm thanh của nguyên âm phải vang, sáng và hướng ra phía trước. Cần lưu ý, với loại nguyên âm kép đôi và ba, môi phải đổi vị trí từ hai đến ba lần. Do đó, GV phải chú ý tới hoạt động của môi và hàm ếch khi SV hát các ca khúc với những loại nguyên âm kép trên, để tạo sự đồng nhất về mở khẩu hình và áp dụng vào lời hát trong ca khúc.

Một số phụ âm sử dụng cho hát ca khúc mang âm hưởng dân ca

Cũng như các nguyên âm, phụ âm cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát âm (nhả chữ) trong hát ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam.

Các phụ âm chúng tôi cũng chia thành 2 loại đơn và kép.

Phụ âm đơn: S, X, V, P, N, C, T, L, R…

Phụ âm kép: KH, NG, NH, CH, TR, NGH, PH…

Do lối hát dân ca của Việt Nam có nhiều vần đóng mà hầu hết là rơi vào các phụ âm, cùng với việc vị trí của phụ âm đứng trước hay sau nguyên âm thì việc cảm nhận và vận dụng cách phát âm tiếng Việt đi liền với hơi thở khi dạy học cũng như biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca là vấn đề mà GV cần nhắc SV luôn lưu ý. Khi hát việc phát âm (nhả chữ) cần chú ý đặt mềm, nhẹ các phụ âm đầu, khép âm cuối phù hợp với từng từ để đảm bảo các âm không bị biến dạng bởi ngôn ngữ Việt mà vẫn giữ được âm thanh, cao độ chuẩn mực nhưng hết sức tự nhiên.

Khai thác và đưa các ca khúc mang âm hưởng dân ca vào trong giảng dạy, ngoài việc góp phần hoàn thiện hơn về kỹ thuật thanh nhạc còn làm phát triển về nét tinh hoa của âm nhạc dân tộc Việt Nam, cũng như lối tư duy, cách thức xử lý các ca khúc mang âm hưởng dân ca Việt Nam khác với ca khúc nước ngoài cho SV. Đây là một trong những việc làm cần thiết, mang tính thực tiễn cao trong công tác giảng dạy Thanh nhạc.

Hiệu quả dạy học chính là nằm ở việc vận dụng các phương phương pháp một cách linh hoạt, khéo léo khi dạy học ca khúc mang âm hưởng dân ca. Bên cạnh đó, việc áp dụng kỹ thuật thanh nhạc phương Tây sẽ góp phần cho xử lý ca khúc mang âm hưởng dân ca thêm phong phú vừa giữ được nét tinh hoa của dân ca vừa đạt yêu cầu về mặt học thuật của thanh nhạc.

Tài liệu tham khảo

- Phạm Lê Hòa (2013), Phân tích tác phẩm âm nhạc, Nxb Âm nhạc, HN;
- Đào Việt Hưng (1999), Tìm hiểu điệu thức dân ca người Việt Bắc Trung Bộ, Viện Âm nhạc - Nxb Âm nhạc, HN;
- Nguyễn Trung Kiên (2001), Phương pháp sư phạm thanh nhạc, Viện Âm nhạc, HN;
- Phan Minh (2012), Bàn về chất liệu dân ca trong ca khúc, Tạp chí Hồn Việt, (số 2, tr.17).