Đây là sự kiện nằm trong chuỗi Đối thoại chính sách được Bộ NN& PTNT phối hợp với các đối tác thông qua Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG), nhằm triển khai hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững, chuyển đổi sang mô hình phát triển theo hướng xanh, thân thiện với môi trường, ít phát thải thích ứng với khí hậu; gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đã được đề ra trong chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và các Chiến lược, khác đã được Chính phủ ban hành.
Mục tiêu của Đối thoại chính sách kỳ này là chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình đồng quản lý hiệu quả được triển khai tại Việt Nam; những khó khăn thách thức,rào cản về thể chế và những kiến nghị về hợp tác đồng quản lý . Đối thoại đã thu hút được sự tham gia của đông đảo đại diện đến từ các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước; của các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác, đại diện khu vực tư nhân, hội nông dân tại Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế.
Tại Đối thoại, đại biểu dã được chia sẻ những kiến thức về đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình do đối tác phối hợp cùng BộNN&PTNT và các địa phương thực hiện hiệu quả . Trao đổi trong đối thoại,nhiều đại biểu đã đưa ra những khuyến nghị nhằm đẩy mạnh, nhân rộng mô hình đồng quản lý ra các địa phương. Trên cơ sở kiến thức và ý kiến của các đại biểu, Lãnh đạo Bộ NN & PTNT, các Bộ, ban ngành ở TW và nhiều Địa phương đã thấy rõ tính cần thiết và nhu cầu cải cách lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó sẽ đưa ra các quyết sách trong chuyển đổi, phát triển nông nghiệp ở cấp TW và địa phương. Bài viết đề cập đến những nội dung liên quan đến chủ đề này.
Rừng ngập mặn Thanh Hóa một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng ven biển đối với biến đổi khí hậu và hỗ trợ sinh kế bền vững. Ảnh UNDP Viet Nam
Đồng quản lý là cách tiếp cận đa bên trong quản lý TNTN. Theo đó, các bên tham gia với vai trò khác nhau trên quan điểm quản lý là một quá trình hoàn thiện thông qua trải nghiệm. Là một hình thái quản trị có chia sẻ, các thể chế và cá nhân có thể đưa ra và cùng thực hiện các quyết định liên quan đến TNTN.
Đồng quản lý được thực hiện với nhiều loại tài nguyên khác nhau như rừng và đất rừng, đất nông nghiệp, thuỷ lợi và quản lý nước, đất chăn thả gia súc, tài nguyên biển và thuỷ sản… theo các hình thái quản lý hợp tác, hợp tác thích ứng nhấn mạnh quá trình học hỏi; lâm nghiệp xã hội mà cộng đồng là chủ thể trong quản lý; quản lý rừng chung với sự hợp tác giữa cơ quan lâm nghiệp nhà nước và cộng đồng dịa phương trong quản lý rừng nhà nước hoặc nông lâm nghiệp gia đình
Các mục tiêu của công ước Đa dạng sinh học và khung hoạt động khí hậu 2020 đã tập trung vào bảo tồn, sử dụng bền vững và chia sẻ lợi ích từ TNTN, Mục tiêu thiên niên kỷ (SDGs) và công ước khung về BĐKH(UNFCC) đã công nhận sự đóng góp của thiên nhiên vào kết quả phát triển, bao gồm cả sức khoẻ, cải thiện dinh dưỡng, tiếp cận nước sạch và thích ứng với thiên tai, BĐKH.
Thành công từ cơ chế đồng quản lý Rừng ngập mặn tại vùng ĐB sông Hồng và sông Mê kông cho thấy, vai trò hỗ chính trị của chính quyền địa phương; lòng tin, cam kết và sự tham gia của các cộng đồng;phương pháp tiếp cận ra quyết định; năng lực của các bên đưa ra quyết định và sự sự công nhận trong khuôn khổ pháp lý quốc gia về các mô hình đồng quản lý là những nhân tố cơ bản. Kinh nghiệm rút ra từ các kế hoạch quản lý rừng bền vững tại Viêt Nam còn cho thấy đầu vào và kiến thức của cộng đồng địa phương là quan trọng trong xây dựng các kế hoạch quản lý; năng lực của các bên tham gia và quản lý sau quá trình lập kế hoạch là nhân tố quyết định để tổ chức quá trình có sự tham gia. Ngoài ra, nguồn lực tài chính cùng với chia sẻ hiểu biết và trách nhiêm là những yếu tố không thể thiếu trong tổ chức quy trình có sự tham gia.
Thách thức và điều kiện cần thiết để đồng quản lý thành công
Đồng quản lý không phải lúc nào cũng phù hợp hoặc khả thi. Trong một số trường hợp nó có thể ảnh hưởng đến tiến trình phân quyền trong quản lý TNTN. Quyết định thực hiện đồng quản lý không chỉ mang tính quản lý mà mang tính quản trị, thậm chí là chính trị
Để thực hiện đồng quản lý cần có sự tham gia của các bên, sự thừa nhận vai trò và năng lực của cộng đồng địa phương trong quản lý TNTN. Năng lực cần thiết đó là những hiểu biết để thúc đẩy tiến trình thương thảo, xây dựng kế hoạch và thoả thuận đồng quản lý. Ngoài ra, chi phí giao dịch cũng là một thách thức. Thách thức này đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực cho xây dựng quan hệ đối tác và thương lượng thoả thuận đồng quản lý
Muốn đồng quản lý thành công phải tạo những điều kiện cần thiết. Theo giới nghiên cứu, cần tập trung hướng vào sự hiện diện của các nguồn tài nguyên; giải pháp hỗ trợ hiệu quả về chính sách và pháp lý; quyền hưởng dụng rõ ràng; quản trị và sự tham gia hiệu quả; năng lực của các bên tham gia; đáp ứng nhu cầu địa phương và điều quan trọng là việc quản lý và học hỏi để thích nghi và điều hoà được lợi ích của các bên tham gia.
Khó khăn và thách thức trong quản lý rừng ở Việt Nam
Theo PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi, Phó chủ tịch Hội VIFORA, Việt Nam có 14.745. 201 ha rừng. Trong đó, rừng tự nhiên chiếm 69%(10.171.757ha)và rừng sản xuất 53,4% (7.853.962ha); tỷ lệ rừng che phủ đạt 42,02%. Cả nước hiện còn 3.337.770 ha rừng nghèo kiệt, đất chưa có rừng do UBND cấp xã quản lý.
Luật đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017 quy định Nhà nước giao không thu tiền cho cộng đồng dân cứ rừng tín ngưỡng đang quản lý và sử dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, chắn gió chống cát bay, phòng hộ chắn sóng,lấn biển, bảo vệ nguồn nước …và rừng sản xuất. Đến nay, văn bản pháp luật đã quy định, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư quyền tiếp cận, tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển sản xuất kinh doanh trên diện tích được giao, tạo sinh kế gắn với bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học
Pháp luật hiện hành quy định cho cộng đồng nói chung và cộng đồng dân cư nói riêng được bảo hộ như một chủ thể đặc biệt, được giao một số loại đất, rừng với tư cách của người sử dụng đất là chủ rừng. Tuy nhiên, cộng đồng không phải là pháp nhân nên đã phát sinh vướng mắc trong quan hệ hành chính và pháp luật.
Do cộng đồng không phải là một pháp nhân nên khó giải quyết quan hệ dân sự trong quản lý, khó xử lý các tranh chấp phát sinh; càng không có cơ hội hoặc đủ điều kiện đê tiếp cận nguồn tài chính cho quản lý và phát triển.
Pháp luật chỉ quy định cộng đồng dân cư dược giao rừng đặc dụng là các khu rừng tín ngưỡng đang quản lý và sử dụng theo truyền thống đã hạn chế khả năng xây dựng và phát triển các khu bảo tồn của người dân và cộng đồng ở các địa phương.
Cộng đồng dân cư thôn, bản được giao rừng sản xuất nhưng không dược quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thế chấp hoặc góp vốn kinh doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất được giao; hệ luỵ dẫn đến là cộng đồng chưa thiết tha nhận đất, việc giao đât, giao rừng bị chậm lại và đất chưa giao còn nhiều
Đến nay, theo ước tính khoảng 247.000 ha rừng và đất rừng do cộng đồng tự quản lý từ lâu đời chưa được pháp luật công nhận. Nhiều Ban Quản lý muốn chuyển về địa phương để giao lại cho các cộng đồng nhưng thiếu thủ tục để chuyển đổi mục đích và quyền sử dụng diện tích rừng này.
Các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng rừng đặc dụng theo hướng bảo tồn chặt chẽ, hạn chế tối đa tác động hoặc khai thác. Quy định của Luật Lâm nghiệp không cho phép cộng đồng hợp tác, liên kết gây trồng lâm sản ngoài gỗ khiến một số chương trình như dự án mở rộng vùng trồng dược liệu quý khó thực hiện tại các khu rừng đặc dụng.
Những kết quả nghiên cứu tổng kết về giao rừng, khoán cho cộng đồng cho thấy, những khu rừng giao cho cộng đồng thường là rừng nghèo và nghèo kiệt. Tổng điều tra, kiểm kê rừng năm 2016 cho thấy trong giai đoạn 2010-2016 chỉ có 36% tổng diện tích đất rừng (368.337 ha ) được giao cho cộng đồng và hộ gia đình đồng bào dân tộc, phần lớn là đất xấu ở vị trí xa khó tiếp cận
Cùng với những hạn chế trên đây, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sử dụng rừng cho cộng đồng cũng là thách thức lớn. Theo Bội NN&PTNT năm 2014 cả nước mới cấp giấy chứng nhận được cho 3,67% tổng diện tích đất rừng. Cộng đồng được cấp giấy chứng nhận sử dụng rừng chỉ là những nơi có dự án đủ kỹ thuật và nguồn lực cho điều tra, lập hồ sơ hỗ trợ cho tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
Đối với 3.337.770 ha rừng nghèo, nghèo kiệt và đất chưa có rừng ở vùng sâu vùng xa do UBND cấp xã quản lý nhiều diện tích đang để hoang hoặc sử dụng vào mục đích không theo quy định, nhiều nơi có tranh chấp, xung đột . Hầu hết các địa phương chưa có phương án hoặc chưa có kế hoạch sử dụng. Quản lý, sử dụng những diện tích này gặp nhiều khó khăn thách thức liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành.
Đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản
Trong trao đổi về đồng quản lý nguồn lợi thuỷ sản (ĐQLNLTS), đại diện cho viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản Việt Nam, Nguyễn Thanh Bình cho biết, các mô hinh ĐQLNLTS bắt đầu xuất hiện vào những năm 1960. Sau khi công ước đa dạng sinh học (ĐDSH) được thông qua và có hiệu lực từ tháng 12 năm 1994, nhiều mô hình ĐQLNLTS đã phát triển ở các nước châu Á châu Phi và Mỹ La tinh.
Dựa trên chế độ sở hữu tập thể về nguồn tài nguyên của cộng đồng ngư dân là NLTS, đổng quản lý là việc cùng thảo luận, thương lượng để từ bỏ một số lợi ích riêng để đảm bảo NLTS sẽ được sử dụng công bằng và bền vững. ĐQLNLTS được tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (UNFAO) và nhiều tổ chức quốc tế khuyến cáo áp dụng rộng rãi, nhất là với nghề cá quy mô nhỏ
Đồng quản lý trong ngành Thuỷ sản ở VN đã được triển khai thử nghiệm từ những năm 1988-1990. Quy định pháp lý về ĐQLNLTS được chính thức đưa vào hệ thống luật pháp từ năm 2017. Đây là phương thức nhà nước chia sẻ quyền hạn và trách nhiệm với tổ chức cộng đồng tham gia quản lý trong bảo vệ NLTS.
Từ xa xưa các vương triều nước ta đã thực hiện phương thức quản lý NLTS dựa vào các vạn chài
Trong giai đoạn 1990-2000, quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng và đồng quản lý đã được nghiên cứu thử nghiệm với những mô hình quy mô nhỏ. Những năm 1995-2010 dã hình thành hơn 30 mô hình ĐQL ở 7 vùng sinh thái trong cả nước. Với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thé giới trong thực hiện dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” thời kỳ 2012-2018 cả nước đã xay dựng được 97 mô hình ĐQL tại 8 tỉnh ven biển. Phát huy, mở rộng mô hình hình này các tỉnh Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hoà, Quảng Nam và Bình Thuận dã xây dựng hàng trăm mô hình ĐQL trên các đầm phá và vùng ven biển trong giai đoạn 2003-2021.
Các mô hình ĐQL đã mang lại kết quả tích cực trong bảo vệ và phát triển NLTS; giảm thiểu phương thức khai thác tận. huỷ diệt nguồn lợi; nâng cao thu nhập, cải thiện sinh kế hướng đến phát triển bền vững và nhất là khả năng tự quản lý, làm chủ tài nguyên của người dân.
Mặc dù có nhiều tác động tích cực, song nhìn lại quá trình ĐQL cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục.Nét nổi bật là công tác xây dựng chính sách hỗ trợ và thúc đẩy ĐQL còn chậm, chưa hình thành dược cơ cáu tổ chức và bộ máy quản lý để triển khai các mô hình trên diện rộng; chưa có một cơ chế tài chính bền vững hỗ trợ cho quá trình triển khai ĐQL, đầu tư từ ngân sách cho hoạt động này chưa có hoặc không dáng kể; chưa khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng; nguồn nhân lực hiểu biết về ĐQL còn thiếu và yếu
Trong hoạt động quản lý còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban ngành, thiếu sự liên kết của các bên tham gia, nhiều dịa phương thiếu quan tâm đến việc thực hiện ĐQL
Sau 30 năm triển khai phương thức ĐQL nghề cá, nhiều mô hình thực hiện tại các tỉnh, thành phố đã góp phần tích cực bảo vệ NLTS, phát triển sinh kế ổn định, đóng góp hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo trật tự an ninh trên địa bàn. Tuy nhiên , trong thực hiên ĐQLNLTS vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại do nhiều nguyên nhân. Trong dó, thiếu nguồn tài chính thực hiện và thể chế chính sách hỗ trợ đồng bộ để khai thông các nguồn lực thực hiện ĐQL là vấn đề nổi bật.
Tiếng nói từ chính khách tại diễn đàn Đối thoại cấp cao
Phát biểu tại Diễn đàn đối thoại, Bộ trưởng Bộ N&PTNT Lê Minh Hoan đã khẳng định Tài nguyên thiên nhiên có chiều hướng suy thoái, trong khi đó các cộng đồng địa phương, những người phụ thuộc nguồn sinh kế vào tài nguyên thiên nhiên,bị hạn chế tiếp cận và sử dụng những tài nguyên này. Do vậy, cần xem xét có những giải pháp tổ chức thực hiện khác như “hợp tác quản lý”, “đồng quản lý”, “Quản lý cộng đồng” để nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng trong việc giám sát, quản lý và chia sẻ các giá trị tài nguyên thiên nhiên.
Trên cơ sở kiến thức và ý kiến của nhiều đại biểu, Lãnh đạo Bộ NN & PTNT, các Bộ, ban ngành TW và các Địa phương dã thấy rõ tính cần thiết và nhu cầu cải cách trong lĩnh vực nông nghiệp, từ đó đưa ra các quyết sách trong chuyển đổi, phát triển nông nghiệp ở cấp TW và địa phương.
Chia sẻ tại Đối thoại, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, Caitlin Wiesen cho biết “Để duy trì tăng trưởng lâu dài, Việt Nam cần hướng tới đầu tư, duy trì, và tái tạo nguồn lực tự nhiên mà người dân, cộng đồng và nền kinh tế đang phụ thuộc. Chính phủ cần tham gia và hỗ trợ của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân. Để đạt được mục tiêu này, cần trao quyền và tăng cường hơn nữa vai trò của cộng đồng địa phương và khu vực tư nhân trong đồng quản lý nguồn lực tự nhiên và chia sẻ lợi ích, cũng như lồng ghép cách tiếp cận này trong trong các kế hoạch phát triển và quy trình lập và phân bổ ngân sách để từ đó có thể đặt nền móng cho việc nhân rộng hiệu quả các mô hình đồng quản lý tài nguyên thành công cho sản xuất nông nghiệp và sinh kế bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, và thu giữ carbon.”
Đối thoại đã thu hút đông đảo sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của đại diện các Bộ, ban, ngành ở Trung ương và 63 tỉnh, thành, các viện nghiên cứu, hiệp hội, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác, đại diện khu vực tư nhân, hội nông dân tại Việt Nam, các chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế. Hy vọng thành công của diễn đàn sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên của ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn./.