Quảng Bình: Tăng cường chứng nhận VietGAP và phát triển sản xuất hữu cơ

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình, đến nay toàn tỉnh có 11 cơ sở được cấp mã số vùng trồng; 70 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGAP (trong đó, 51 cơ sở trồng trọt, 13 cơ sở chăn nuôi, 6 cơ sở nuôi trồng thủy sản); có 13 điểm kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn với 20 sản phẩm được chứng nhận.

Sản xuất sâm Bố Chính theo tiêu chuẩn VietGAP ở Quảng Bình

Trên địa bàn tỉnh chưa có vùng sản xuất được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ, mà chỉ sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Năm 2023, diện tích canh tác theo hướng nông nghiệp hữu cơ khoảng 5.446 ha, trong đó, diện tích lúa SRI 5.012 ha, lúa theo hướng hữu cơ 100 ha, rau các loại 112 ha, cây ăn quả 10 ha, số còn lại là diện tích chăn nuôi theo hướng hữu cơ và nuôi trồng thủy sản.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình cho biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình sản xuất theo VietGAP, đánh giá các điều kiện liên quan (khí hậu, đất đai, cây trồng…) để khoanh vùng sản xuất hữu cơ cho từng loại cây trồng, vật nuôi hợp lý; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực hành nông nghiệp hữu cơ; thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ…