Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) những điều khác biệt

Các định chế tài chính toàn cầu như Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) có cơ chế hoạt động thoạt nhìn gần như giống nhau đã gây khó khăn trong việc phân biệt. Cả 2 tổ chức này đều được gọi với cái tên của tổ chức Bretton Woods (Bretton Woods Institutions) lấy theo tên ngôi làng thuộc bang New Hampshire nước Mỹ, nơi đại điện 44 quốc gia trên thế giới đã thống nhất việc thành lập WB và IMF, là những tổ chức tái cấu trúc và lập lại trật tự của nền tài chính toàn cầu.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu cụ thể các định chế này lại có chức năng, nhiệm vụ riêng. Bài viết đề cập tới những khía cạnh khác nhau của những tổ chức này.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (tiếng Anh International Monetary Fund, viết tắt IMF) là một tổ chức quốc tế giám sát hệ thống tài chính toàn cầu, bằng cách theo dõi tỷ giá hối đoái và cán cân thanh toán, cũng như hỗ trợ kỹ thuật và giúp đỡ tài chính khi có yêu cầu.

tien-te-1-1678673796.jpg

Tiền tệ toàn cầu

IMF được mô tả như "Một tổ chức của 189 quốc gia" nuôi dưỡng các tập đoàn tiền tệ toàn cầu, nhằm thiết lập nền tài chính an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc  đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bớt đói nghèo. Tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc được tham gia trực tiếp vào IMF hoặc là đại diện của những nước thành viên...

Trong hoạt động kinh tế và tiền tệ, IMF đóng vai trò quan trọng. Theo đó, đây là công cụ để đo lường, đánh giá và cải thiện tình hình kinh tế vĩ mô, bao gồm chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như ổn định tài chính, tiền tệ và giá cả. IMF giúp tìm ra giải pháp tốt hơn để thực hiện các biện pháp trong các lĩnh vực tài chính;

Thông qua đối thoại, nghiên cứu, tư vấn, cùng hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, IMF sẽ giúp tạo ra một cộng đồng toàn cầu với những chuyên gia thực hành có hiểu biết. IMF đóng vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua một thiết chế thường trực, có trách nhiệm cung cấp bộ máy tư vấn và cộng tác nhằm giải quyết các vấn đề tiền tệ quốc tế.

IMF tạo điều kiện mở rộng, tăng trưởng cân đối hoạt động mậu dịch quốc tế, từ đó góp phần vào việc tăng cường và duy trì ở mức cao việc làm, thu nhập thực tế và việc phát triển nguồn lực sản xuất của tất cả các thành viên; tăng cường ổn định ngoại hối để duy trì có trật tự các hoạt động giao dịch ngoại hối. Từ đó tránh được việc phá giá tiền tệ để cạnh tranh giữa các quốc gia. Tổ chức này hỗ trợ việc thành lập hệ thống thanh toán đa phương giữa các nước thành viên cũng như xoá bỏ các hạn chế về ngoại hối có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng mậu dịch quốc tế. Bằng việc cung cấp các nguồn lực dự trữ, đảm bảo an toàn, tạo ra cơ hội cho sửa chữa mất cân đối cán cân thanh toán quốc tế, IMF tạo niềm tin thông qua rút ngắn thời gian và giảm bớt mức độ cân bằng trong cán cân thanh toán của các nước thành viên.

IMF xây dựng quỹ tài chính của mình thông qua phí thành viên, được gọi là hạn ngạch. Mỗi quốc gia thành viên đều phải trả tiền trên quy mô kinh tế của mình. Như vậy, nguồn vốn hoạt động chủ yếu của quỹ là do các nước thành viên đóng góp; số phiếu biểu quyết của mỗi quốc gia tùy thuộc vào mức đóng góp cho IMF.

Theo lý thuyết, tự do mậu dịch mang lại lợi ích nhưng sẽ có những ngành bị thiệt hại. Thương mại thế giới sẽ sa sút khi việc làm và mức sống ở nhiều nước bị suy giảm. IMF đi vào hoạt động từ ngày 27 tháng 12 năm 1945 với 29 nước đầu tiên ký kết các điều khoản phù hợp với luật chính thức năm 1944 và tiến hành cho vay khoản đầu tiên vào ngày 8 tháng 5 năm 1947.

tien-te-2-1678674029.jpg

Quỹ tiền tệ thế giới

Từ cuối đại chiến thế giới thứ 2 cho đến cuối năm 1972, thế giới đạt mức tăng trưởng thu nhập nhanh chưa từng thấy. Hầu hết các nước tư bản đều trở nên thịnh vượng, nhưng lợi ích thu được đã không được chia đều, trái với điều kiện trong thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau chiến tranh lần thứ hai, kinh tế và hệ thống tiền tệ thế giới thay đổi làm tăng nhanh tầm quan trọng và thích hợp trong việc đáp ứng mục tiêu của IMF. Những tiến bộ nhanh chóng trong kỹ thuật công nghệ và thông tin liên lạc đã gia tăng hội nhập quốc tế, làm cho các nền kinh tế gắn kết với nhau chặt chẽ hơn. Xu hướng này đòi hỏi phải mở rộng nhanh chóng số quốc gia trong IMF. Hiện nay IMF có trên 184 thành viên, nhiều hơn bốn lần so với con số khi mới thành lập. Vào năm1999, tổng vốn của IMF là 30 tỷ Dollar Mỹ, các nước thành viên có cổ phần lớn nhất là Mỹ (17,46%),  tiếp đó Nhật Bản (6,26%), Đức (6,11%), và AnhPháp (5,05%). Với tôn chỉ thúc đẩy sự hợp tác tiền tệ quốc tế, tăng cường ổn định ngoại hối, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cung cấp hỗ trợ tài chính cho các nước thành viên để giảm nhẹ mức độ mất cân bằng trong cán cân thanh toán quốc tế.

Với chức năng chính là giám sát tư vấn về chính sách kinh tế toàn cầu, cung cấp hỗ trợ tài chính ngắn, trung hạn cho các nước gặp khó khăn và trợ giúp kỹ thuật, từ năm 1976, CHXHCN Việt Nam chính thức kế tục quy chế thành viên tại IMF và được quyền hưởng các khoản vay. Việt Nam tham gia IMF thuộc nhóm Đông Nam Á, có cổ phần đóng góp chiếm 0,193% tổng khối lượng cổ phần và 0,212% tổng số quyền bỏ phiếu. Quan hệ giữa VN - IMF được duy trì thông qua đối thoại chính sách chủ yếu dưới hình thức tham khảo thường niên về kinh tế vĩ mô.

Nhằm hỗ trợ các quốc gia, đặc biệt là những nước thành viên tăng cường sự ổn định và phát triển tài chính, từ năm 1999, IMF đã khởi xướng và phối hợp với các nước hội viên thực hiện Chương trình Đánh giá Khu vực tài chính (FSAP) nhằm tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu để định hướng điều chỉnh chính sách phù hợp; đồng thời với xây dựng nhu cầu tăng cường năng lực nhằm đảm bảo xây dựng được một hệ thống tài chính đủ mạnh, từ ngày 14.3.2011, tại văn bản số 1492/VPCP-QHQT, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã đồng ý chủ trương việc triển khai FSAP với  Ngân hàng Nhà nước trong tư cách là cơ quan chủ trì thực hiện.

Nhóm Ngân hàng Thế giới

Ngân hàng Thế giới (World Bank W.B) là tổ chức tài chính quốc tế nơi cung cấp những khoản vay nhằm thúc đẩy kinh tế cho các nước đang phát triển thông qua các chương trình vay vốn. Mục tiêu chính của W.B là giảm thiểu đói nghèo. Tuy nhiên, trong Ngân hàng Thế giới, Hoa Kỳ luôn giữ vai trò quyết định nên tổ chức này cũng bị xem là một công cụ của Mỹ để chi phối chính sách kinh tế của các nước đang phát triển[2].

 

tien-te-3-1678674029.jpg

Trụ sở ngân hàng độc đáo

Khác với W.B,  Nhóm Ngân hàng Thế giới, trong đó có W.B bao gồm cơ quan Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hội Phát triển Quốc tế (IDA), Nhóm Ngân hàng Thế giới còn bao gồm thêm ba cơ quan khác, đó là[3] Công ty Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Quốc tế Giải quyết Tranh chấp Đầu tư (ICSID) và Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA).

Ngân hàng Thế giới được thành lập tại hội nghị Bretton Woods năm 1944 cùng 3 tổ chức khác trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Cả WB và IMF đều có trụ sở tại Washington DC và có mối quan hệ gần với nhau.

Mặc dù có nhiều nước tham dự Hội nghị Bretton Woods Conference, nhưng Hoa Kỳ và Liên Hiệp Anh là những nước có quyền lực nhất và chiếm ưu thế trong các cuộc đàm phán. Thông thường, người đứng đầu WB là một người Mỹ trong khi đó đứng đầu IMF là một người châu Âu.

Nhóm Ngân hàng Thế giới (tiếng Anh: World Bank Group, viết tắt WBG) là một tổ chức tài chính đa phương có mục đích trung tâm là thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội ở các nước đang phát triển bằng cách nâng cao năng suất lao động ở các nước này. Nhóm Ngân hàng Thế giới bao gồm năm tổ chức tài chính thành viên, đó là Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển, Hội Phát triển Quốc tế, Công ty Tài chính Quốc tế, Trung tâm Quốc tế Giải quyết Mâu thuẫn Đầu tư, và Cơ quan Đảm bảo Đa phương.

Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD): được chính thức thành lập ngày 27/12/1945 với trách nhiệm chính là cấp tài chính cho các nước Tây Âu để tái thiết kinh tế sau Chiến tranh thế giới II và sau này là cho phát triển kinh tế ở các nước nghèo. Sau khi các nước này khôi phục được nền kinh tế, IBRD cấp tài chính cho các nước đang phát triển không nghèo.

Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA) thành lập năm 1960 chuyên cấp tài chính cho các nước nghèo.

Tổng công ty Tài chính Quốc tế (IFC): thành lập năm 1956 hướng vào thúc đẩy đầu tư tư nhân ở các nước nghèo.

Trung tâm Quốc tế Giải quyết Mâu thuẫn Đầu tư (ICSID): thành lập năm 1966 như một diễn đàn phân xử, làm trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa nhà đầu tư nước ngoài với nước nhận đầu tư.

Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA): ra đời năm 1988 nhằm thúc đẩy FDI vào các nước đang phát triển.

Riêng thuật ngữ "Ngân hàng Thế giới" (WB) thường đề cập đến Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển Hiệp hội Phát triển Quốc tế.

tien-te-4-1678674030.jpg

Ngân hàng London nổi tiếng

Chức năng của WB được phân công cho các tổ chức thành viên thực hiện như sau:

IBRD và IDA đi vay hoặc phát hành trái phiếu và cho các nước thành viên vay lại Chính phủ  những nước đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người trên 1305 USD/năm được vay của IBRD. Các khoản vay này có lãi suất cao hơn lãi suất mà WB đã đi vay một chút. Chính phủ của các nước nghèo, có thu nhập đầu người dưới 1305 USD/năm  được vay của IDA, không đòi lãi suất và có thời hạn lên tới 35-40 năm.

Trong hai thập kỷ đầu kể từ khi được thành lập, IBRD đã dành hơn 2/3 tổng giá trị các khoản cho các dự án phát triển năng lượng và giao thông vận tải vay. Vào thập niên 1960 và 1970, các dự án phát triển cơ sở hạ tầng là quan trọng nhất, song hoạt động của IBRD và IDA lại rất đa dạng, từ hỗ trợ giáo dụcy tếdinh dưỡngkế hoạch hóa gia đình, đến hỗ trợ phát triển nông thôn và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Các hoạt động của IBRD và IDA đều trực tiếp liên quan đến giúp đỡ người nghèo và mang hình thức hỗ trợ tài chính lẫn kỹ thuật. Thập niên 1980, ngoài đầu tư vào vốn vật chất và vốn con người, IBRD và IDA bắt đầu cho vay để cải cách cơ cấu kinh tế và điều chỉnh chính sách ở các nước đang phát triển chú trọng xóa nghèo là các mục tiêu hiện nay của IBRD và IDA.

Khác biệt giữa Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đôi điều ghi nhận

Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cùng được thành lập tại Bretton Woods vào năm 1944 nhằm hỗ trợ nền kinh tế thế giới với những vai trò khác nhau. IMF bảo vệ hệ thống tiền tệ; trong khi W.B thực hiện vai trò phát triển kinh tế. Cả hai tổ chức đều ở Washington, D.C. Tuy nhiên, mục đích, tổ chức, quan hệ tương tác, khả năng tài trợ và mô hình hoạt động đều có sự khác biệt. Dưới đây là những nét nổi bật:

Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) có cơ chế hoạt động thoạt nhìn gần giống nhau đã gây khó khăn trong việc phân biệt. Được gọi chung với cái tên “Các tổ chức Bretton Woods” (Bretton Woods Institutions) là những trụ cột chống đỡ cấu trúc của trật tự kinh tế và tài chính thế giới. WB và IMF đều có Ban bệ được quản lý bởi chính phủ các nước thành viên. Cả hai tổ chức đều chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan kinh tế và tập trung vào việc củng cố cũng như phát triển nền kinh tế của các nước thành viên. Viên chức của những tổ chức luôn cùng xuất hiện tại các cuộc hội thảo về kinh tế, phát biểu bằng thứ ngôn ngữ kinh tế và tài chính giống nhau. Trụ sở của cả hai cũng đều ở Washington DC, nằm đối diện trên cùng một con đường tại vị trí cách Nhà Trắng không xa.

Tuy nhiên, theo chiều sâu cơ chế hoạt động,W.B và IMF lại có những khác biệt rõ ràng mà điểm cơ bản là WB là tổ chức phát triển, trong khi IMF lại là tổ chức hợp tác với nhiệm vụ duy trì một cách trật tự cho hệ thống chi trả giữa các quốc gia. Mỗi tổ chức đều có cấu trúc riêng, mục đích riêng, có kho quỹ từ các nguồn lực và cách hỗ trợ khác nhau cũng như phương thức hoạt động cũng chẳng giống nhau.

Về mục tiêu hoạt động

Với chức năng quy định, IMF thực hiện việc giám sát kinh tế các thành viên và trao đổi tiền tệ tự do trong hệ thống tỷ giá cố định. Để duy trì trật tự tài chính IMF cũng hoạt động như một nhà cung cấp các khoản vay khẩn cấp cho thành viên gặp khó khăn. Đổi lại, các thành viên sẽ nỗ lực cải cách chính sách kinh tế của họ. Còn Ngân hàng Thế giới (W.B) hỗ trợ phát triển các quốc gia nghèo bằng cách tài trợ cho các dự án cụ thể nhằm giúp nâng cao năng suất. W.B gồm Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA). IBRD giúp các quốc gia đang phát triển vay với lãi suất ưu đãi, còn IDA cho các nước nghèo nhất vay và không tính lãi suất.

Tổng công ty tài chính quốc tế IFC tập trung cho các dự án tư nhân ở các nước đang phát triển vay theo giá thị trường vay dài hạn. Sự tham gia của tổ chức này như một sự bảo đảm đối với các nhà đầu tư quan tâm và khuyến khích họ đầu tư vào các dự án. Cơ quan bảo lãnh đầu tư đa phương (MIGA) cung cấp những bảo đảm rủi ro chính trị để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư trực tiếp vào các nước đang phát triển.

Về tổ chức bộ máy

Cấu trúc nhân sự của  IMF gồm 2.600 người và không có chi nhánh ở các quốc gia; hầu hết nhân viên IMF làm việc tại Washington DC và số còn lại làm việc tại ba văn phòng nhỏ ở Paris, Geneva và Liên Hiệp Quốc. Nhân sự IMF thường là tinh hoa của giới kinh tế học.

Cấu trúc của WB có phần phức tạp hơn do bản thân WB đã chứa đựng các tổ chức chính là: Ngân hàng Kiến thiết và Phát triển quốc tế (IBRD), Hiệp hội Phát triển quốc tế (International Development Association - IDA). Ngoài ra, WB còn có Công ty Tài chính thế giới, cung cấp vốn cho các công ty tư nhân ở các nước đang phát triển; Trung tâm ổn định và giải quyết mâu thuẫn đầu tư quốc tế và Cơ quan bảo vệ đa phương. Nhân sự WB có hơn 10.000 người, làm việc ở 40 văn phòng trên khắp thế giới, phần lớn tại trụ sở chính ở Washington DC. Đội ngũ này gồm các chuyên gia lão luyện thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế học, kỹ sư, nhà hoạch định chương trình phát triển đô thị, nông nghiệp, thống kê, luật gia, chuyên viên dự án và chuyên viên trong lĩnh vực giao thông, phát triển nông thôn, giáo dục, năng lượng, dân số, y tế, truyền thông, cung cấp nước và cả kỹ sư cầu cống...

Như một thông lệ, các tổng giám đốc của WB đều do đương kim tổng thống Hoa Kỳ chỉ định, và sau đó thường được Đại hội đồng bầu chọn; ngược với các giám đốc của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) luôn là người châu Âu.

Trong quan hệ tương tác

Mặc dù IMF là cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc nhưng tổ chức này lại có điều lệ, cơ cấu và những thỏa thuận tài chính riêng. IMF không chỉ làm việc với 187 thành viên của mình mà còn hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới và các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Để trở thành thành viên của IMF, các quốc gia phải làm thủ tục xin phép và được chấp nhận bởi các thành viên khác. 

Ngân hàng Thế giới cũng có 187 thành viên, những thành viên này chi phối Ngân hàng Thế giới thông qua Hội đồng Thống đốc. Ngoài việc hợp tác với các nước đang phát triển, Ngân hàng Thế giới còn làm việc với các tổ chức quốc tế khác cũng như với cơ quan chuyên môn và học thuật. Cho đến nay, W.B đã cho các nước đang phát triển vay khoảng 330 tỉ USD. còn IMF ra đời với mục đích khác của sự biến động, không tiên liệu nổi về giá trị hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia.

Trên toàn cầu, IMF được ví như một "bác sĩ" chuyên chữa trị các ung nhọt nhức nhối trong hệ thống kinh tế - tài chính. Một trong những điều quan trọng là buộc các nước thành viên phải để đồng tiền được trao đổi tự do với các đơn vị tiền tệ nước ngoài; và mọi thay đổi chính sách tài chính - kinh tế của nước thành viên đều phải báo cáo, nhằm tránh gây ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế của thành viên khác. Thêm nữa, các thành viên đều phải hiệu chỉnh chính sách liên quan đến tài chính - kinh tế để phù hợp với nhu cầu chung của toàn bộ tổ chức.

Để hỗ trợ các nước thành viên tuân thủ nguyên tắc đề ra, IMF cho vay khi thành viên gặp khó khăn, rắc rối về tài chính. IMF luôn can thiệp vào nền kinh tế của nước cần hỗ trợ nhằm duy trì sự ổn định. Theo IMF, muốn ổn định phải có trật tự, muốn lập lại trật tự từ mớ hỗn độn buộc phải đánh đổi một số mất mát.

Thông qua đối thoại, nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, IMF giúp tạo ra một cộng đồng toàn cầu với các chuyên gia thực hành. Tổ chức này đóng vai trò thúc đẩy hợp tác quốc tế thông qua thiết chế thường trực có trách nhiệm để giải quyết các vấn đề tiền tệ quốc tế; Tăng cường ổn định ngoại hối để duy trì một cách có trật tự các hoạt động giao dịch giữa các thành viên, tránh việc phá giá tiền tệ để cạnh tranh giữa các quốc gia.

Về cấu trúc và nguồn vốn

WB là ngân hàng đầu tư, đứng trung gian giữa nhà đầu tư và người vay, nghĩa là vay của người này để cho kẻ khác mượn. Ông chủ của WB là các quốc gia thành viên với tiền góp vốn như nhau. Quỹ của IBRD thu từ việc phát hành trái phiếu ở hơn 100 quốc gia, còn Quỹ IDA có được từ sự đóng góp của các nước tham gia. WB còn thu tiền từ việc bán trái phiếu trực tiếp cho các chính phủ, tổ chức và ngân hàng trung ương của các nước. Sau đó, WB dùng đồng vốn này cho các nước đang phát triển vay với mức lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các dự án tài chính cũng như chính sách cải tổ có triển vọng thành công. 

IMF không phải là ngân hàng và không đứng trung gian giữa nhà đầu tư và người vay. Nguồn vốn của IMF thu được từ tiền đăng ký quota , giống như phí thành viên của các quốc gia thành viên. Nước đóng góp nhiều nhất cho IMF hiện nay là Mỹ (chiếm 18,25%), kế đến là Đức (5,67%), Nhật (5,67%), Pháp (5,10%) và Anh (5,10%). Khoản đóng góp này dựa theo nguyên tắc nước giàu đóng nhiều, nước nghèo đóng ít, 5 năm thì tính sổ lại một lần.

Điều kiện vay tiền

WB thường chỉ cho vay với đối tượng các nước đang phát triển. Nước càng nghèo càng dễ vay. Những nước đang phát triển bình quân GNP/đầu người từ 1.305 USD thì có thể xin vay ở IBRD và phải hoàn trả trong 12-15 năm. Các nước nghèo GNP/đầu người dưới 1.305 USD có thể vay IDA và trả sau 35-40 năm. Khác với W.B, với nhiệm vụ duy trì trật tự và ổn định, IMF cho phép mọi nước thành viên, bất luận giàu nghèo, đều có thể nhận được sự hỗ trợ tài chính. Khi chính sách kinh tế lệch hướng hay hệ thống tiền tệ trong nước gặp biến động, nước thành viên có quyền nhờ IMF hỗ trợ và can thiệp. Tiền nhận được từ IMF phải hoàn trả trong thời gian 3-5 năm hoặc chậm nhất là 10 năm với lãi suất thấp hơn tỉ giá thị trường.

Thay cho lời kết

Ngay từ những ngày đầu, WB đã thể hiện yếu tố chính trị khi cho vay. Một viên chức thuộc Bộ Tài chính Mỹ giúp thành lập WB từng nói với những khách hàng đầu tiên rằng “Không gì thúc đẩy nhanh hơn các quốc gia theo đuổi một kiểu chủ nghĩa nào đó tiến đến dân chủ, khi họ đối mặt với tình trạng nguồn vốn quốc gia thiếu”. Vào Thập niên 80 và 90, WB luôn thôi thúc các nước đang phát triển hạ hàng rào thuế nhập khẩu, mở cửa cho đầu tư nước ngoài, như điều kiện bắt buộc để được nhận tiền vay. Đã có quá nhiều chỉ trích lối “bắt chẹt” của WB. Tuy nhiên,  Mỹ với tư cách cổ đông lớn nhất luôn giành quyền bổ nhiệm chủ tịch trong suốt lịch sử WB và đương nhiên khống chế cả tổ chức này. Financial Times từng bình luận “thế giới sẽ xem ngân hàng dưới sự điều hành chẳng gì hơn là một công cụ của sức mạnh và quyền lực của Hoa Kỳ”.

Khi mở rộng chương trình tín dụng tại những nơi Mỹ có hoạt động can thiệp chính trị thật sự đã trở thành gam màu chủ đạo, ngay trước thời điểm họp WB bàn về vấn đề cho vay, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của WB đã bị chi phối không ít bởi thứ chính trị theo quan điểm của Washington. Với IMF, tổ chức được người châu Âu cầm chịch nhưng lại khó có thể thoát khỏi ảnh hưởng cuả Hoa Kỳ. Tờ báo Der Spiegel từng viết: “Cục dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, những ngân hàng lớn tại Wall Street và Nhà Trắng đều xem IMF như một công cụ của chính sách của Mỹ. Thời Chiến tranh lạnh, các khoản cho vay của IMF đều phải đồng thuận với nghị sự chính trị của Washington”. Dù ghế Tổng giám đốc IMF là người châu Âu nhưng vị trí Phó giám đốc thứ nhất nhất thiết phải là người Mỹ. Viễn tưởng một người không thuộc châu Âu ngồi ghế điều hành IMF vẫn còn xa vời. Tuy có sự khác biệt,song về thực chất,W.B và IMF đều là những công cụ kinh tế cần thiết của Hoa Kỳ./.