TỪ HÀNH TRÌNH LÀM "SỐNG LẠI" HÌNH ẢNH "CÔ EM ÚT" Ở NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Nhắc tới Đồng Lộc, lịch sử đã từng ghi lại những dòng “rướm máu” về sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong đúng 55 năm về trước: Vào cuối những năm 1960, ngã ba Đồng Lộc là mạch máu giao thông quan trọng để hậu phương chi viện sức người, sức của cho miền Nam.
“Chỉ tính từ tháng 4-10/1968, ngã ba Đồng Lộc đã phải hứng chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi mét vuông đất gánh trên 3 quả bom. Mặt đất bị biến dạng, đất đá bị cày đi xới lại nhiều lần” (Trích tài liệu tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc).
Trưa 24/7/1968, giống như mọi ngày, 10 nữ thanh niên xung phong thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 44 ra đường làm nhiệm vụ. Đến 16 giờ chiều, trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống. Một quả bom gần căn hầm chữ A nơi 10 chị đang trú đã phát nổ. Hầm sập xuống, tất cả 10 cô gái đều hy sinh. Người trẻ nhất mới 17 tuổi. Ba chị lớn nhất cùng 24 tuổi.
Lực lượng dân công hỏa tuyến lấp hố bom của địch, mở đường mới cho xe ra chiến trường tại khu vực ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). Ảnh: Văn Sắc/TTXVN |
Sự hy sinh của 10 cô gái trẻ măng tại Đồng Lộc đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được nhân dân Việt Nam đời đời khắc ghi. Hơn nửa thế kỷ qua, cứ mỗi dịp đến ngày thống nhất đất nước, và ngày giỗ 24/7 của các cô, đồng đội, đồng bào cả nước lại xem như đây là một lời “ước hẹn” để cùng trở về Ngã ba Đồng Lộc.
Tại Hà Nội, 3 chàng trai trẻ Nguyễn Công Cường, Nguyễn Văn Khánh và Lê Công Thành lại tìm một cách khác của riêng mình để tri ân 10 nữ liệt sĩ tại Đồng Lộc. Một ngày đầu tháng 3, họ cùng các cộng sự, vốn là những chuyên gia về công nghệ thông tin ngồi lại với nhau để cùng bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng “phục dựng” lại hình ảnh 10 cô gái anh hùng đất Hà Tĩnh bằng… công nghệ AI.
“Xuất phát từ ý tưởng của một đồng nghiệp hiện đang làm việc tại Đức, chúng tôi bắt đầu dự án với trường hợp của liệt sĩ Võ Thị Hà, người em út của Tiểu đội 4. Khi hy sinh, chị mới tròn 17 tuổi”, anh Khánh nhớ lại.
Từ trái qua phải là một vài bước AI xử lý và phục dựng lại ảnh chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà. (Ảnh: Thái Anh) |
Lý giải thêm về quyết định sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để phục dựng chân dung chị Võ Thị Hà, anh Nguyễn Công Cường, chuyên gia AI Art cho hay: Trước đây đã có rất nhiều dự án phục chế tương tự, nhưng đều sử dụng các công cụ vẽ hoặc chỉnh sửa ảnh. Trong khi đó, khi sử dụng AI, chân dung nhân vật có thể được dựng lại trên cơ sở các chi tiết sẵn có. Trải qua nhiều bước, trí tuệ nhân tạo sẽ khiến bức hình được làm tốt lên, đặc biệt vẫn giữ được thần thái và biểu cảm của nhân vật.
Nghĩ là làm, nhóm của Công Cường ngay lập tức bắt tay vào việc. Với tư liệu ít ỏi là một bức ảnh mờ nhòe được chụp và khắc trên bia mộ liệt sĩ, các chuyên gia đã quét lại và yêu cầu AI xử lý.
Chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà được trí tuệ nhân tạo AI phục dựng trong bối cảnh đi lấp hố bom, vá đường tại ngã ba huyết mạch Đồng Lộc. (Ảnh: Thái Anh) |
“AI sẽ thực hiện từng bước, từ lên dần khối, sau đó phác họa cơ bản các khối trắng/đen trước khi lên màu cho bức ảnh. Tại bản hoàn thiện cuối cùng, chúng tôi đã hết sức bất ngờ khi chị Hà hiện lên với đầy đủ thần thái, biểu cảm, đặc biệt là đôi mắt rất có hồn”, anh Nguyễn Văn Khánh chia sẻ.
Khi nhìn những bức ảnh được phục dựng lại, tất cả những người trong ekip thực hiện như lặng người đi. Trong phút chốc, họ dường như không phân biệt được giữa thật và ảo. Cô em út tại ngã ba Đồng Lộc năm xưa thậm chí được tái hiện một vô cùng sinh động khi đang đọc thư bên rừng cây, hay cùng các chị em trong Tiểu đội đi lấp hố bom trên con đường huyết mạch.
Chân dung liệt sĩ Võ Thị Hà được trí tuệ nhân tạo phục dựng trong bối cảnh chiến đấu. (Ảnh: Thái Anh) |
“AI, ngoài những ứng dụng trong sáng tạo nghệ thuật, tới thời điểm này đã và đang làm được một việc rất nhân văn. Những người chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc, dù còn tấm hình ở góc độ nào, mờ, ố ra sao, chúng tôi vẫn có khả năng phục dựng lại một cách sống động nhất có thể. Thậm chí, chỉ cần gia đình các liệt sĩ mô tả và có hình ảnh một ai đó giống với liệt sĩ, kết quả cho ra cũng sẽ rất tốt”, anh Khánh nhấn mạnh.
Dự kiến, ekip sẽ phục dựng toàn bộ chân dung 10 nữ thanh niên xung phong đã hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc, trước khi tiếp tục tái hiện lại hình ảnh của các anh hùng, liệt sĩ nổi tiếng tiếp theo.
DỰ ÁN CỘNG ĐỒNG PHỤC DỰNG DI SẢN SỐ DÀNH CHO LIỆT SĨ
Lê Công Thành cho biết, việc tái hiện lại chân dung 10 cô gái anh hùng tại Hà Tĩnh là bước đầu tiên thuộc giai đoạn 2 của dự án xây dựng website lietsi.com - dự án số hóa thông tin về liệt sĩ lớn nhất nhì Việt Nam mà anh và các cộng sự đã bắt tay thực hiện 11 năm về trước.
Chia sẻ với phóng viên, anh cho biết, ý tưởng xây dựng website lietsi.com bắt đầu từ việc gia đình anh có người nằm xuống trong chiến tranh, nhưng không tìm được mộ. Xuất phát từ day dứt cá nhân, năm 2011, Lê Công Thành đã bắt tay vào xây dựng trang web chuyên về tìm kiếm mộ liệt sĩ. Khác với các trang web khác đã có, lietsi.com hoạt động dựa trên sức mạnh của cộng đồng trên các mạng xã hội, các tình nguyện viên.
Trong giai đoạn đầu, các tình nguyện viên sẽ đi chụp lại ảnh bia mộ ở các nghĩa trang liệt sĩ và đưa lên hệ thống để xây dựng ngân hàng dữ liệu chính xác về vị trí hiện tại của các liệt sĩ. Giai đoạn này càng có ý nghĩa khi hệ thống hỗ trợ tìm kiếm online được đưa vào hoạt động. Thông qua công cụ tìm kiếm, người thân liệt sĩ có thể tìm kiếm dễ dàng và được trả về kết quả nếu có.
Anh Lê Công Thành, người sáng lập ra dự án số hóa mộ liệt sĩ (website lietsi.com). |
Sau 11 năm, 95% số bia mộ liệt sĩ trên toàn quốc đã được hoàn thành số hóa tại website lietsi.com. Khi lượng dữ liệu không còn khả năng tăng trưởng, Lê Công Thành bắt đầu chuyển sang giai đoạn tiếp theo: Phục dựng di sản số về các anh hùng, liệt sĩ. Đó cũng chính là lý do để bắt đầu từ tháng 7/2023, dự án lietsi.com chính thức hợp tác với AIcomic để hướng dẫn tình nguyện viên viết văn, viết hồi ký (với ChatGPT, Bard...), vẽ tranh, vẽ truyền thần (với Midjourney, Stable Diffusion...) và giúp các gia đình thân nhân phục dựng, bảo tồn "Di sản số" của các liệt sĩ.
“Nếu giai đoạn 1 đơn thuần chỉ là số hóa, trong giai đoạn này, chúng tôi muốn dựa trên thông tin để khôi phục thông tin, từ đó tạo ra các giá trị tinh thần lớn hơn. Rất may mắn, đúng vào thời điểm này, công nghệ AI lại bùng nổ, tạo điều kiện hơn nữa cho ý tưởng này trở thành hiện thực”, người sáng lập dự án số hóa mộ liệt sĩ chia sẻ.
“Di sản số hóa của liệt sĩ, ban đầu có thể chỉ là dòng tên, tiểu sử, vị trí chôn cất… nhưng nhờ sự đột phá về công nghệ, chúng ta có thể dựng lại để lưu giữ những thứ quý giá hơn: Đó là di sản về ký ức, là các tấm hình hay câu chuyện của các liệt sĩ. Đặc biệt, chúng tôi sẽ không làm công việc này một mình. Dự kiến, trong thời gian tới đây, chúng tôi sẽ mở các lớp đào tạo để mọi người đều có thể là tình nguyện viên của dự án và học các kĩ thuật để hỗ trợ các gia đình thân nhân. Mọi gia đình liệt sĩ đều có thể nhờ các tình nguyện viên hỗ trợ, chỉ từ những bức ảnh hoặc câu chuyện còn lại về liệt sĩ. Chúng ta sẽ thực hiện việc này dưới sự trợ giúp của các công nghệ AI hiện đại”, Lê Công Thành tiếp tục.
Bức ảnh người thân là liệt sĩ được anh Nguyễn Công Cường sử dụng công nghệ AI phục dựng lại. Anh viết: "Bên trái là bác tôi và bên phải là bố tôi, Bố tôi chưa bao giờ chụp chung với bác 1 tấm ảnh nào thì giờ đây công nghệ có thể cho người thân có thể ngồi cạnh nhau và nhớ về nhau". |
Là người trực tiếp “phục dựng” nhiều tác phẩm số liên quan đến liệt sĩ, anh Nguyễn Công Cường kỳ vọng vào một tương lại không xa, khi cả cộng đồng có thể chung tay góp sức vào di sản số đặc biệt này.
“Bản thân tôi cũng đã phục chế một tấm ảnh cũ của người bác ruột hy sinh tại chiến trường Tây Nam bằng trí tuệ nhân tạo. Trong sản phẩm của mình, tôi đã để bác ngồi cạnh, khoác vai bố. Cả hai cùng cười và nhìn thẳng về phía trước. Khi nhận món quà đặc biệt này, bố tôi đã rất xúc động. Và tôi nghĩ, việc làm sống lại dù chỉ một phần nào hình ảnh các liệt sĩ là công việc không chỉ thuộc về riêng ai”, anh Cường nhấn mạnh.