Tăng cường liên kết và sản xuất nông nghiệp bắt nhịp xu thế công nghệ số

Bắt nhịp với xu thế công nghệ số, nông dân đã thay đổi tư duy, cách làm mới để tiếp cận, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất. Qua đó, từng bước tối ưu hóa quy trình sản xuất, tạo đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường (BVMT), cải thiện đời sống và làm giàu.

Gia đình anh Đặng Văn Quân, thôn An Lão Xuôi, Vĩnh Thịnh, Vĩnh Tường nuôi 10 con bò sữa, tạo thu nhập ổn định. (Ảnh Báo Vĩnh Phúc)

Vĩnh Phúc: Xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số

Từ những vùng đất khô cằn chỉ trồng bạch đàn hiệu quả thấp, nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt thị trường và trợ giúp của công nghệ số, hơn 1ha đất đồi của gia đình anh Trần Kim Tùng, xã Đồng Thịnh (Sông Lô) đã được phủ xanh bởi hơn 450 gốc bưởi đang cho thu hoạch.

Dẫn chúng tôi thăm quan vườn bưởi với những quả bưởi chín vàng, anh Tùng cho biết: Được Trạm Khuyến nông huyện Sông Lô hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, gia đình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng bạch đàn sang trồng bưởi Diễn, bưởi Tân Lạc; chủ động áp dụng các tiến bộ KHKT vào trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây bưởi cho những trái ngọt.

Đặc biệt, năm nay, gia đình đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và các phương thức bán hàng trực tuyến nên đầu ra tiêu thụ ổn định. Dự kiến vườn bưởi của gia đình sẽ cho thu hơn 80 triệu đồng.

Chỉ với thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, ông Đào Xuân Hải, xã Thanh Vân huyện Tam Dương có thể quan sát toàn bộ quy trình chăn nuôi gà theo công nghệ cao của gia đình mà không cần trực tiếp đến trang trại.

Nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, ông Hải đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi gà công nghệ cao với quy trình khép kín gồm: 2 khu lò ấp, 27 chuồng chăn nuôi gà từ 1 ngày tuổi đến gà đang đẻ trứng; lắp đặt máy pha thuốc, hệ thống quạt gió, giàn mát chủ động điều chỉnh nhiệt độ chuồng; một xưởng sản xuất cám với công suất 14 tấn/ngày, 2 khu nhà lạnh bảo quản trứng, vắc xin...

Ngoài ra, các máy tiêm tự động bằng cảm ứng từ, dụng cụ thụ tinh nhân tạo, trạm biến áp, máy phát điện và nhiều máy móc hiện đại khác cũng được được trang bị phục vụ công tác chăn nuôi.

Nhờ ứng dụng công nghệ số vào chăn nuôi đã tiết kiệm tối đa chi phí nhân công, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống. Hiện, quy mô trang trại gà của gia đình có hơn 200.000 con. Mỗi tháng doanh thu đạt khoảng 5 – 6 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí thu lãi 500 – 700 triệu/tháng.

Để bắt nhịp với các tiến bộ khoa học công nghệ (KHCN) và chủ động ứng dụng vào hoạt động sản xuất, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương và nông dân triển khai nhiều mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất như trồng rau, hoa trong nhà lưới, nhà kính bằng kỹ thuật thủy canh, canh tác trên giá thể không đất; nuôi cấy mô cho hoa lan, cây cảnh, cây lâm nghiệp.

Ứng dụng ghép cà chua lên gốc cà tím; triển khai chương trình quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý cây trồng tổng hợp trên cây rau, lúa, ngô, cây ăn quả; ứng dụng phần mềm tra cứu thuốc bảo vệ thực vật trên điện thoại thông minh; số hóa quy trình cấp mã số vùng trồng trực tuyến; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Hiện, toàn tỉnh có hơn 16.000 hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử (TMĐT); hơn 300 mô hình chăn nuôi quy mô lớn áp dụng công nghệ số trong sản xuất; trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn.

Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng kinh tế số vào sản xuất, phát triển chuỗi giá trị của nông dân vẫn còn sơ khai; cơ sở hạ tầng cho phát triển, ứng dụng các công nghệ mới chưa đồng bộ, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao về sản xuất, chế biến nông sản, biết sử dụng, vận hành các thiết bị công nghệ rất ít.

Để bắt nhịp với xu hướng sử dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là việc chủ động đưa sản phẩm lên sàn TMĐT để quảng bá, giới thiệu, nâng cao giá trị nông sản, Sở NN&PTNT đã và đang tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân.

Xây dựng các mô hình nông nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số; phát triển quản lý chuỗi cung ứng nông sản từ quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phát triển khuyến nông điện tử, thương mại điện tử; xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu về nông nghiệp làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác.

Hà Nội: Sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao

Xác định sản xuất rau là sinh kế của hàng chục nghìn nông dân và là thực phẩm thiết yếu của người tiêu dùng nên ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển vùng rau an toàn đạt chất lượng cao. Đến nay, thành phố đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên).

Rau cần là loại cây trồng ưa các loại phân bón hữu cơ (phân chuồng ủ hoai mục), đặc biệt loại rau này hầu như không có sâu bệnh nên nông dân không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Từ khi thành lập, Hợp tác xã rau cần Khai Thái (huyện Phú Xuyên) luôn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân nắm vững quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn với mục đích khẳng định uy tín bằng chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã quy định rất rõ về việc sử dụng thuốc, phân bón cho rau phù hợp từ việc chăm sóc tới khâu thu hoạch. Để hỗ trợ nông dân phát triển rau cần đặc sản, huyện Phú Xuyên đã hỗ trợ các hộ trồng rau cần xây dựng 160 lều và bể nước sơ chế rau ngay tại ruộng, nhờ vậy, chất lượng rau được bảo đảm và mẫu mã đẹp hơn. Địa phương cũng đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, giao thông bên cạnh khu vực trồng rau nhằm thu hút du khách tham quan, phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới.

Tương tự, tại huyện Đông Anh - một trong những vùng nổi tiếng về trồng rau sạch của Hà Nội - Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Anh Dũng thông tin, Đông Anh đã quy hoạch vùng sản xuất rau với diện tích 1.180ha; trong đó có hơn 500ha sản xuất rau an toàn tập trung, quy mô lớn. Để kiểm soát chất lượng sản phẩm rau an toàn tại các vùng sản xuất tập trung, huyện đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ vậy, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm khoảng 15% so với các năm trước. Nông dân đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, vi sinh, thảo mộc, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, thành phố Hà Nội đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao.

Để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con các địa phương chăm sóc, bổ sung chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn sinh trưởng để cây trồng khỏe mạnh, kháng sâu bệnh. Nhờ đó, lượng thuốc bảo vệ thực vật mà nông dân Hà Nội sử dụng những năm qua luôn đứng ở nhóm thấp nhất so với các tỉnh, thành phố của cả nước.

Nhằm thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh, thời gian tới, Hà Nội đầu tư chuyên sâu cho các vùng rau chuyên canh theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; đồng thời tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm rau có lợi thế; xây dựng các vùng rau chuyên canh tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn và yêu cầu của thị trường; xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị; thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo đó, Hà Nội sẽ mở rộng diện tích rau an toàn đạt khoảng 8.000-9.000ha, diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 400-500ha; diện tích rau ứng dụng công nghệ cao khoảng 300-500ha; đẩy mạnh phát triển các vùng chuyên canh với từng nhóm rau, áp dụng công nghệ cao, quy trình sản xuất tốt, hữu cơ, bảo đảm an toàn thực phẩm gắn với các cơ sở sơ chế, chế biến; tổ chức quản lý và hướng dẫn diện tích sản xuất rau không chuyên canh, nhỏ lẻ, manh mún, xen kẹt đúng quy trình sản xuất an toàn; phấn đấu kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng quy định cho 90% diện tích sản xuất rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thanh Hóa: Năng động kết nối và tạo chuỗi liên kết hiệu quả

Khởi nghiệp từ mô hình nuôi gà bản địa thả đồi theo hướng hữu cơ từ 10 năm trước, sau nhiều thất bại và các lần đúc rút kinh nghiệm, từ năm 2015 anh Hoàng Ngọc Năm ở thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ (Như Xuân) đã gặt hái nhiều thành công. Từ đó, những lứa gà bản địa cả nghìn con được cho ăn những thức ăn tự nhiên, hạn chế thức ăn công nghiệp, nên chất lượng thịt thơm ngon. Thị trường đầu ra của gà thương phẩm được nuôi tại đồi rừng của gia đình theo đó cũng ngày càng rộng mở.

Tuy nhiên, để trở thành chuỗi cung ứng gà thịt bền vững cho thị trường trong và ngoài tỉnh với nguồn cung liên tục, anh Năm phải động viên và truyền đạt kỹ thuật cho những hộ nuôi gà trong vùng triển khai theo đúng quy trình sản xuất của mình. Xác định phải liên kết các chủ thể sản xuất để tương trợ nhau trong sản xuất cũng như phát triển thị trường, anh Năm kêu gọi ngày càng nhiều hộ dân và chủ trang trại cùng tham gia chuỗi sản xuất.

20 hộ ở xã Bình Sơn (Triệu Sơn) cùng liên kết và là thành viên của HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn để triển khai trồng và sơ chế chè, phát triển thị trường sản phẩm.

Tháng 5-2018, chủ trang trại đồi rừng sinh năm 1974 này cùng 10 thành viên là các chủ trang trại, hộ sản xuất lớn trong vùng thành lập Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân. Từ sự hoạt động hiệu quả, đến nay công ty đã kết nạp thêm 50 hộ gia đình và chủ trang trại nuôi gà đồi rừng ở các xã trong vùng cùng tham gia.

Hơn 4 năm qua, công ty ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi gà bản địa thả vườn theo chuỗi giá trị tại huyện Như Xuân. Trong quá trình hoạt động, công ty còn liên kết với các công ty giống gia cầm, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, các đơn vị thu mua trong và ngoài tỉnh để bán con giống, cung ứng gà thịt cũng như hướng dẫn quy trình kỹ thuật.

Sự liên kết với các chủ thể sản xuất, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã đưa đến nhiều thành công cho cá nhân anh Hoàng Ngọc Năm cũng như Công ty CP Nông nghiệp sạch Như Xuân. Sản phẩm gà đồi ở đây đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Thanh Hóa vào tháng 11-2021. Từ đó đến nay sản phẩm gà đồi ở đây không những xuất bán qua các chuỗi thực phẩm an toàn trong tỉnh, mà còn được bán tại thị trường các tỉnh, thành phố như Bình Định, Đà Nẵng, Hà Nội... thông qua sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp tỉnh ngoài.

Những năm gần đây, măng rừng muối chua lấy tên Piềng Cú của đồng bào Thái ở xã miền núi Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa đã trở thành sản phẩm thương mại được bán ra thị trường. Giai đoạn cuối năm 2021, xã Phú Nghiêm cũng như huyện Quan Hóa đã gửi hồ sơ để măng muối ở đây tham gia xét chọn sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất theo từng hộ khá nhỏ lẻ, không bảo đảm nguồn hàng liên tục nếu có khách đặt. Với sự định hướng của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, chủ cơ sở sản xuất lớn nhất ở xã là anh Phạm Bá Tân đã đứng ra đăng ký thành lập “Tổ hợp tác măng chua Tân Thành, xã Phú Nghiêm” để kết nối, kêu gọi thêm 8 chủ cơ sở măng muối ở địa phương cùng tham gia làm thành viên. Từ sự liên kết đó, các hộ có sự tương trợ, tính toán đầu ra, đầu vào sản phẩm hợp lý hơn. Việc sản xuất cũng theo hướng tập thể, quy mô sản lượng lớn hơn, xuất bán sản phẩm theo kênh các chuỗi cung ứng thực phẩm cũng như các cửa hàng bán sản phẩm OCOP trong tỉnh. Tháng 3-2022 vừa qua, việc tập hợp nhiều hộ vào một tổ chức sản xuất được đánh giá cao, sản phẩm măng chua Piềng Cú được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Từ đó, lượng sản phẩm bán ra tăng đột biến, ở địa phương có thêm một số hộ xin tham gia vào chuỗi sản xuất theo tổ chức chung.

Để khắc phục cách làm tự phát với quy mô manh mún nhỏ lẻ, đồng thời tránh việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể sản xuất ngay trong thôn hay khu vực nhỏ, cần tập hợp các hộ thành một tổ chức để liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm. Việc xét chọn sản phẩm OCOP là nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian vừa qua cũng được khuyến khích sự hợp tác, liên kết giữa các chủ thể sản xuất. Theo ông Bùi Công Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa: Trong quá trình khảo sát, kiểm tra để định hướng các nông sản, sản phẩm đặc trưng ở các vùng miền trong tỉnh thành sản phẩm OCOP, chúng tôi đã tư vấn cho các địa phương cũng như các chủ hộ sản xuất phải thành lập HTX hoặc các tổ hợp tác để tập hợp, tạo được mối liên kết giữa các chủ thể sản xuất địa phương. Gần đây nhất là trước đợt xét chọn sản phẩm OCOP lần 2 năm 2022, một hộ dân ở xã Thành Long, huyện Thạch Thành đề xuất bánh lá răng bừa truyền thống thành sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, ở địa phương có nhiều hộ cũng sản xuất sản phẩm này nên chúng tôi đã yêu cầu địa phương và chủ thể sản xuất phải tổ chức thành lập tổ hợp tác mới xét chấm điểm. Sau khi được vận động, các chủ hộ sản xuất đồng tình trở thành thành viên tổ hợp tác để triển khai sản xuất, kinh doanh theo mô hình chung theo một đầu mối.

Có thể dẫn ra rất nhiều ví dụ khác về sự liên kết giữa các chủ thể sản xuất để tạo nguồn cung bền vững cho nông sản trong những năm gần đây. Tại xã Nga Thạch (Nga Sơn), nông trại Vạn Hoa ở thôn Phương Phú chuyên canh dưa vàng trong nhà lưới với diện tích lớn. Tuy nhiên, dưa vàng phải thu hoạch theo lứa vào những thời điểm nhất định nên không thể có nguồn cung liên tục theo yêu cầu của các chuỗi cung ứng thực phẩm trong và ngoài tỉnh. Chủ nông trại là anh Nguyễn Văn Nam đã liên kết với khoảng 10 cơ sở nhà lưới trồng dưa vàng trong huyện để tổ chức sản xuất, bố trí các lứa dưa lệch thời gian giữa các trại.

Quá trình liên kết, các chủ thể còn tương trợ nhau, chia sẻ kinh nghiệm nên việc sản xuất được thuận lợi hơn. Tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn), nghề trồng chè phát triển từ lâu với khoảng 300ha. Tuy nhiên nhiều năm trước, hàng trăm hộ dân mỗi nhà sản xuất một kiểu, tự tìm đầu ra nên rất bấp bênh. Hơn 5 năm qua, HTX dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn đã đứng ra liên kết với 20 hộ trồng chè trong xã với tổng diện tích hơn 30ha. Các hộ được tập huấn kỹ thuật trồng và sao chè, phải tuân thủ sản xuất theo quy trình an toàn. Từ đó, sản phẩm trà búp được phát triển, thị trường rộng mở nhờ sự năng động kết nối của HTX.