Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam (30/4/1975 - 30/4/2025): Phóng viên GP 10 góp phần làm rạng danh truyền thống vẻ vang của TTXVN: Thăm lại Dinh Độc Lập (Thống nhất) (Bài 7)

Đã có một số lần đến thăm, chỉ xem đại khái qua loa nhưng lần này đi theo đoàn cựu phóng viên GP10 TTXVN, trong đó có những phóng viên từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã được hướng dẫn viên di tích lịch sử Dinh Độc Lập (nay gọi là Hội trường thống nhất TP Hồ Chí Minh) Vũ Nhật Tân giới thiệu cặn kẽ. 

Đúng dịp kỷ niệm chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, du khách trong và ngoài nước đến thăm di tích lịch sử Dinh Độc Lập rất đông.
 

dt1-hcm1-1745248792.jpgĐoàn cựu phóng viên GP10 TTXVN thăm quan Dinh Độc Lập nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước


Chúng tôi chăm chú lắng nghe thuyết minh điểm qua lịch sử tòa lâu đài xây từ năm 1871 dưới thời Pháp thuộc trên khuôn viên rộng 12 ha gọi là Dinh Thống đốc Nam Kỳ. Ngày 27/2/1962, hai phi công thuộc phe đảo chính của quân đội Sài Gòn dội bom sập toàn bộ cánh trái dinh, không thể khôi phục lại được. Đến tháng 7/1962, nguy quyền Sài Gòn bắt đầu xây dựng mới trên nền dinh cũ 4.500 m2, diện tích sử dụng là 20.000 m2, gồm 3 tầng chính,  hai gác lửng, một sân thượng (Tứ phương vô sự lâu), theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ,  đến 30/10/1966 thì khánh thành đặt tên là Dinh Độc Lập.
 

dt2hcm2-1745249543.jpgHướng dẫn viên di tích lịch sử Dinh Độc Lập Vũ Nhật Tân (áo trắng thứ hai từ phải sang) thuyết minh giới thiệu tại tầng hầm phòng trang thiết bị đài phát thanh dự phòng


Dinh Độc Lập có 100 phòng, bao gồm phòng khánh tiết, phòng họp Nội các, phòng làm việc của Tổng thống, Phó Tổng thống, phòng trình ủy nhiệm thư, phòng đại yến... Mỗi phòng đều được trang trí theo phong cách khác nhau, tùy theo mục đích sử dụng. Ngoài ra còn có những công trình trang trí đẹp như hồ sen bán nguyệt ở hai bên thềm đi vào chính điện, bao lơn, hành lang... Đây là nơi ở và làm việc của Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu, nên được gọi là Dinh Tổng thống.
 

dt3hcm3-1745249634.jpgKhu vực phòng ở của gia đình Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu ở ngay trong Dinh Độc Lập


Dinh Độc Lập cao 26m, tọa lạc trong khuôn viên nhiều cây xanh cổ thụ. Các công trình phụ trợ trong Dinh thuộc diện hiện đại gồm hệ thống điều hòa không khí, thông tin liên lạc... Tầng hầm rất vững chắc là trung tâm điều hành quân sự, trong đó đáng chú ý có các phòng tham mưu tác chiến, phòng trực chiến của Tổng thống còn lưu bản đồ điều động binh lực đối phó với Quân Giải Phóng và phòng trang thiết bị đài phát thanh dự phòng cùng nơi trú ẩn an toàn khi có chiến sự ác liệt xảy ra. Nơi sâu nhất cách mặt đất 2,5m, tường đúc bê tông 1,6m, sức chịu bom 2.000 kg...

dt4hcm4-1745249761.jpgNhững sản vật tặng biếu Tổng thống còn giữ nguyên trong khu vực ở của gia đình Nguyễn Văn Thiệu trong Dinh Độc Lập.


Sau đi thăm các phòng ốc của Dinh Độc Lập, các bạn đồng nghiệp lớp phóng viên GP10 đều có chung nhận xét vào thời điểm các đây hơn 40 năm, ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn được Mỹ trang bị hiện đại trong khi đó chúng ta ở rừng gặp muôn vàn khó khăn, trang bị rất thô sơ nhưng chúng vẫn bị thua, sụp đổ. Thế mới biết lòng yêu nước,  ý chí kiên cường vì độc lập tự do, thống nhất đất nước của cả một dân tộc đoàn kết đã chiến đấu, chiến thắng Mỹ- ngụy dù được trang bị hiện đại.

Biết chúng tôi quan tâm chi tiết xe tăng nào húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975, hướng dẫn viên Vũ Nhật Tân thuyết minh khẳng định  Xe tăng T54 mang số hiệu 390 do Trung úy Vũ Đăng Toàn chỉ huy cùng kíp xe chiến đấu gồm Nguyễn văn Tập, Lê Văn Phượng, Ngô Sỹ Nguyên thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn  1, Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 đã húc đổ cổng sắt chính Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Nữ Nhà báo Pháp Francois Demulder là người duy nhất chụp được khoảnh khắc lịch sử cảnh xe tăng 390 hùng dũng  húc đổ cổng Dinh Độc Lập từ phía bên trong của Dinh chứ không phải là xe tăng mang số hiệu 843 như lâu nay đăng tải, gây ra những hiểu nhầm đáng tiếc.

Chiếc xe tăng đầu tiên mang số hiệu 390 (phía bên trái) của Quân giải phóng húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập lúc 11 giờ 30’ trưa 30/4/1975 của nữ Nhà báo Pháp Francoise Demulder.

Bức ảnh do nữ Nhà báo Pháp Francois Demulder chụp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập được đăng tại trang 56-57 trong quyển sách ảnh “ DINH ĐỘC LẬP- XƯA VÀ NAY” do hai nhiếp ảnh gia Trần Mạnh Thường và Trần Tuấn biên soạn, Nhà xuất bản văn hóa Thông tin ấn hành năm 2013, được Ban quản lý di tích Dinh Độc Lập cung ứng cho những du khách có nhu cầu tham khảo.

dt6hcm6-1745250104.jpgTừ trái qua phải Lữ Văn Hỏa lái xe tăng 843, nữ Nhà báo Pháp  Francoise Demulder và Nguyễn Văn Tập lái xe tăng 390 (Chụp năm 1995 kỷ niệm 20 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước)


Tò mò về nghề nghiệp, chúng tôi hỏi thêm về tác giả chụp được bức ảnh xe tăng 390 húc đổ cổng cổng sắt Dinh Độc Lập, cánh cửa cuối cùng của cuộc chiến, trở thành biểu tượng Chiến thắng 30/4/1975, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chúng tôi đã được đồng nghiệp cung cấp tư liệu về nữ phóng viên  Francoise Demulder từng thuật lại bối cảnh chụp đươc bức ảnh đó như sau:

8h sáng ngày 30/4/1975, từ khách sạn nơi bà đang ở gần cảng Nhà Rồng, Francoise Demulder đi bộ đến văn phòng của AFP nằm phía sau Dinh Độc Lập. Vừa đặt chân tới nơi, ông Trưởng phân xã AFP chỉ nói mấy câu ngắn gọn: “Chính phủ Sài Gòn sắp thất thủ và bộ đội giải phóng sắp vào đây”.

dt7hcm7-1745250244.jpgẢnh Cựu phóng viên chiến trường GP10 của TTXVN kỷ niệm bên xe tăng mang số hiệu 390 là bảo vật Quốc gia hiện trưng bày bên phải phía trong cổng chính Dinh Độc Lập.


Ngay lập tức Francoise Demulder quay về khách sạn lấy đồ nghề và cùng hai đồng nghiệp quay phim người Anh và Úc lên một chiếc xe jeed phóng như bay đến Dinh Độc Lập. Xe vừa tới nơi, họ nhận ra dinh không có người gác. Một lúc sau, một thanh niên ra gặp cả ba và giới thiệu là người liên lạc giữa quân giải phóng và chính quyền Dương Văn Minh. Bà được cho biết chỉ 10 phút nữa quân giải phóng sẽ vào đây.

Thế là bà hối hả ra bậc thềm chuẩn bị máy. Bỗng một trái đạn được phóng ra từ xe tăng, rít lên trong sân trước dinh. Hoảng quá, bà không dám đứng ở chỗ cũ nữa và đi xuống bãi cỏ.

Đúng lúc ấy chiếc xe tăng đầu tiên mang biển số 843 (dừng lại ở cổng phụ bên phải – nhìn từ trong dinh ra) và tiếp theo là chiếc xe tăng mang biển số 390 hùng dũng đâm đổ cổng chính Dinh Độc Lập và tiến vào trong sân. Chiếc máy ảnh với ống kính tele 200 trong tay liên tục bấm máy ghi lại những phút giây có một không hai của lịch sử. Những chiếc xe tăng quân giải phóng đang tràn vào Dinh Độc Lập… Tất cả chỉ diễn ra trong 15 phút và cả hai máy ảnh trong tay bà đã hoạt động hết công suất.

Bức ảnh do nữ Nhà báo Pháp Francoise Demulder chụp về xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập từ phía bên trong của Dinh vào thời khắc 11 giờ 30 phút trưa 30/4/1975 đã góp phần làm sáng tỏ một chi tiết sự thật lịch sử xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập mang số hiệu 390 sau nhiều năm và nhiều lần tranh luận. Năm 1995, trở lại Việt Nam, là khách được mời dự kỷ niệm 20 năm chiến thắng 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, nữ nhiếp ảnh gia Francoise Demulder đã tặng bảo tàng Lich sử quân sự Việt Nam bức ảnh chụp chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập.

Được biết, năm 1976, bà Francoise Demulder là người phụ nữ đầu tiên giành Giải ảnh báo chí thế giới (WPPA). Ngày 3/9/2008, Francoise Demulder - một trong những phóng viên ảnh chiến tranh nổi tiếng nhất thế giới - đã qua đời do bị trụy tim tại một bệnh viện ở Paris (Pháp), thọ 61 tuổi (9/6/1947 - 3/9/2008).

Hiện nay,  bên phải phía trong cổng chính Dinh Độc Lập có trưng bày xe tăng mang số hiệu 843 và xe tăng 390, là hai xe tăng đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập, trong đó xe tăng 390 húc đổ cổng sắt cửa chính của Dinh là “Biểu tượng của chiến thắng lịch sử 30/4/1975”,  đã trở thành bảo vật Quốc gia để du khách đến tham quan chiêm ngưỡng.  Đây là hiện vật đặc biệt quý hiếm, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng đối với các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, là minh chứng hùng hồn cho chiến thắng của cuộc chiến tranh chính nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

(Còn nữa)

V.X.B

Đón đọc Bài 8: Ấn tượng Phú Quốc - Đảo Ngọc