Thấm thía 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Vĩnh Phúc

Đã tròn 55 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa nhưng Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị. Đó là một áng văn tuyệt vời minh chứng cho lòng yêu nước, thương dân thiết tha, vô bờ bến, tinh thần lạc quan và lòng tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào sức mạnh đoàn kết cuả toàn dân tộc, một tấm gương đạo đức ngời sáng mãi mãi soi rọi con đường chân lý cho nhân dân ta vượt qua bao khó khăn, thử thách để có cơ đồ ngày hôm nay.

Bản Di chúc là kết tinh những quan điểm cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng của Người về đạo đức cách mạng: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Lời căn dặn này đã tác động tích cực đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân, giúp cho mỗi người nhận thức đúng hơn những giá trị cao đẹp trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

dt4vp4-1724346550.jpg

Mít tinh đón Bác Hồ về thăm tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963. (Ảnh tư liệu).

Liên hệ với thực tiễn ở Vĩnh Phúc thì thấy rõ một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có biểu hiện sa sút, biến chất, tha hoá không nghiêm chỉnh thực hiện lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng là phải “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Lẽ ra, mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng “tự soi”, “tự sửa”, thường xuyên tự phê bình và phê bình gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chuyển từ nhận thức sang hành động thực hành tiết kiệm, chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, sửa đổi lề lối làm việc gắn với cải cách hành chính, nói đi đôi với làm. Nhưng đầu tháng 3/2024, cả Bí thư, Chủ tịch, Phó chủ tịch tỉnh cùng nhiều thuộc hạ vướng vào vòng lao lý về tội “nhận hối lộ”. Cùng với đó là hơn một trăm cán bộ lãnh đạo tỉnh này đã bị kỷ luật về Đảng, chính quyền với các mức cảnh cáo, khiển trách, xoá tên đảng viên, buộc phải giáng chức hàng loạt. Điều này đã làm hoen ố hình ảnh của quan chức đứng đầu tỉnh trước mặt mọi người và xã hội, cũng một lần nữa nhắc nhở về những hiểm họa của tham nhũng cho những ai còn đang đương chức hãy xem những sai phạm của những cán bộ lãnh đạo chủ chốt tỉnh Vĩnh Phúc dính líu đến tiêu cực, tham nhũng là bài học lớn cho quan lộ, nhất là đối với người đứng đầu. Chọn con đường thanh liêm hay chọn con đường vào trại giam ? Đây là bài học thấm thía, đau xót về công tác cán bộ đối với Vĩnh Phúc, kể từ khi tái lập tỉnh từ 1997 đến nay.

dt1-vinh-yen-nhin-tu-tren-cao-1724344438.png

Một góc TP Vĩnh Yên tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Internet.

 

Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần phải nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có giải pháp tăng cường công tác giáo dục liêm chính, trước hết là đối với cán bộ, đảng viên, những người đang nắm giữ quyền lực để phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ sớm, từ xa, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, liêm khiết, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đồng thời chúng ta cần thực hiện những biện pháp cụ thể để ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, nhất là nạn quan chức “không vượt qua được chính mình” nhận hối lộ bị gục ngã đau đớn không chỉ ở Vĩnh Phúc mà còn ở không ít tỉnh, thành phố, kể cả ở cấp cao. Tức là cuộc phòng chống tiêu cực, tham nhũng “không có vùng cấm” và “ngoại lệ”, gây dựng lại lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước trong công cuộc CNH, HĐH đất nước. Do đó, điều cấp thiết là phải tăng cường, củng cố hệ thống kiểm soát và giám sát quyền lực, tăng cường giáo dục về đạo đức nghề nghiệp, và thực thi pháp luật một cách nghiêm ngặt đối với những kẻ phạm tội. Cần phải  tạo ra một môi trường lành mạnh cho các doanh nghiệp và tổ chức xã hội có thể giúp giảm thiểu cơ hội cho sự tham nhũng và hối lộ.

Để sớm ổn định tình hình sau cú “sốc” nói trên, Trung ương đã điều động, phân công, chỉ định Bí thư, Phó bí thư Tỉnh uỷ mới cho Vĩnh Phúc. HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã bầu tân Chủ tịch tỉnh, kiện toàn lãnh đạo bộ máy của tỉnh này. Điều đáng mừng tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đi vào thế ổn định, giữ được nhịp độ phát triển kinh tế xã hội. Từ một tỉnh thuần nông, khi mới tái lập tỉnh, nông nghiệp chiếm hơn một nửa trong cơ cấu kinh tế, thu ngân sách chỉ được gần 100 tỷ đồng, phụ thuộc rất lớn vào trợ cấp từ ngân sách trung ương. Sau 27 năm tái lập, cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, dịch vụ đến năm 2023 đạt trên 93%, nông nghiệp giảm xuống chỉ còn gần 7%, thu ngân sách từ nhiều năm nay đều đạt trên 30.000 tỷ đồng/năm, trong đó có năm đạt cao nhất trên 40.000 tỷ đồng, là tỉnh thu ngân sách gấp hơn 300 lần so với khi mới tái lập, không những tự túc được ngân sách mà gần hai chục năm nay còn đóng góp cho ngân sách trung ương.

dt3-vp3-1724344975.png

Khu công nghiệp Bình Xuyên I là KCN ra đời sớm nhất tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập từ giữa năm 2003. Nguồn Internet.

 

Thu nhập bình quân đầu người của Vĩnh Phúc cao hơn mức bình quân chung của cả nước gần gấp 2 lần, giải quyết cơ bản tình trạng đói nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện, nâng cao rõ rệt. Diện mạo của tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ ở đô thị mà cả khu vực nông thôn đã có những đổi thay sâu sắc. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp các tuyến đường giao thông chính, hạ tầng đô thị và nông thôn đi lại thuận lợi. Hiện nay, tỉnh Vĩnh Phúc được biết đến là một trong các trung tâm phát triển công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy của cả nước.

Tuy có những “con sâu làm rầu nồi canh” được loại bỏ nhưng nhiều vấn đề nan giải đang đặt ra cho tân Bí thư, Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc phải khẩn trương khắc phục sự “sụp đổ” chưa từng có của Ban lãnh đạo cũ của tỉnh để lại hậu quả rất nặng nề chưa biết đến bao giờ mới khắc phục hết được. Cơ hội và thách thức đan xen đang đặt ra đối với tân Bí thư Tỉnh uỷ và Ban lãnh đạo mới của Vĩnh Phúc trong gần nửa cuối nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo. Dù là tỉnh trung tâm công nghiệp sản xuất ô tô - xe máy của cả nước nhưng bắt đầu mòn mỏi. Hai con gà lâu nay “đẻ trứng vàng” là Honda và TOYOTA cung cấp nguồn thu ngân sách chủ lực của tỉnh Vinh Phúc đã có dấu hiệu mệt mỏi, bắt đầu thu hẹp sản xuất. Với đà hội nhập ngày càng sâu rộng, hàng hoá các nước xâm nhập thị trường trong nước ngày càng nhiều, cạnh tranh quyết liệt và theo quy luật, “hai con gà” đó sẽ già cỗi không đẻ “trứng vàng” nữa mà tỉnh chưa tìm “nuôi” con gì thay thế thì cũng cạn kiệt nguồn thu, rất có thể trở lại thời kỳ cạn kiệt nguồn thu, rất có thể trở lại ngân sách ăn đong từng bữa như thuở trước.

Trong bối cảnh hiện nay, đội ngũ cán bộ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc càng thấm thía nỗ lực thực hiện nghiêm chỉnh Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” với tinh thần phải “vượt qua chính mình” gỡ rối đống tơ vò tích tụ từ những người tiền nhiệm để lại, tránh nguy cơ “tụt hậu”, tạo được bước đột phá mới phát triển kinh tế xã hội  bền vững, đồng thời thực hiện thật tốt lời căn dặn của Người khi lên thăm Vĩnh Phúc lần thứ 7 (ngày 2/3/1963): “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

V.X.B