Với quy trình sản xuất an toàn, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng, từ nhiều năm nay, các thành viên Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên đã quen với việc sử dụng phân bón hữu cơ thay cho phân vô cơ và dùng các nguyên liệu sẵn có như: Tỏi, ớt, gừng, rượu… chế biến thành thuốc bảo vệ thực vật dùng trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ việc áp dụng tốt quy trình sản xuất rau hữu cơ, hợp tác xã đã trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh và là đơn vị đầu tiên trong tỉnh được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn nông nghiệp hữu cơ từ cuối năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hương Hồi, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Định Trung cho biết: Với diện tích hơn 3 ha, trung bình mỗi ngày, hợp tác xã cung ứng ra thị trường khoảng 700 - 800kg rau các loại. Trong đó, 70% sản lượng rau được tiêu thụ qua các hợp đồng liên kết với các trường học, nhà hàng, khách sạn, siêu thị với giá cả ổn định, cao hơn 1,5 lần so với rau thông thường.
Còn gia đình ông Lăng Văn Mười, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, từ năm 2020, gia đình ông tham gia mô hình sản xuất cây ba kích hữu cơ và được tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Hằng năm, gia đình ông còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phân công cán bộ trực tiếp hướng dẫn gieo trồng, chăm sóc, ghi chép nhật ký sản xuất theo quy định. Đến nay, mô hình sản xuất cây ba kích hữu cơ của gia đình ông cho kết quả khả quan; đã có một số đơn vị thu mua đến tìm hiểu và đề xuất bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Theo ông Mười, trước đây, việc trồng cây ba kích của gia đình chủ yếu theo kinh nghiệm, thói quen nên giá trị kinh tế thấp. Từ khi được cán bộ ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tư vấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc hữu cơ, gia đình ông đã tiết kiệm được tối đa chi phí sản xuất. Sau gần 3 năm, vườn cây ba kích của gia đình sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.
Theo tính toán của ông Mười, giá trị kinh tế của cây ba kích mang lại khá cao, thị trường tiêu thụ lớn. Với diện tích 1ha trồng 20.000 gốc ba kích, mỗi gốc cho khoảng từ 3 - 4 củ, trọng lượng từ 1,5 - 2 kg, giá bán dao động từ 120.000 -140.000 đồng/kg hiện nay thì 1 ha ba kích thu về khoảng hơn 3,6 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận thu được 1,5 tỷ đồng cho chu kỳ 4,5 đến 5 năm, cao hơn nhiều lần so với trồng cây sắn, keo, bạch đàn trên cùng một diện tích.
Với việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 mô hình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ; trong đó có 3 mô hình sản xuất rau quả hữu cơ, gồm: Hợp tác xã Sản xuất và Thương mại Định Trung, thành phố Vĩnh Yên, Công ty TNHH sản xuất và phân phối nông sản sạch OFT, huyện Yên Lạc, trang trại nông nghiệp hữu cơ Darwin, thành phố Phúc Yên và 1 mô hình sản xuất ba kích hữu cơ của hộ ông Lăng Văn Mười, thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang triển khai 6 mô hình sản xuất cây ăn quả hữu cơ quy mô 2 ha/mô hình và 4 mô hình sản xuất dược liệu hữu cơ có quy mô 1ha/mô hình. Dự kiến đến hết năm 2025, các mô hình này sẽ được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ.
Hằng năm, tỉnh cũng hỗ trợ triển khai hàng nghìn héc-ta rau quả các loại, hàng trăm héc-ta lúa sản xuất theo hướng hữu cơ tại các huyện trên địa bàn. Đồng thời, phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy xuất nguồn gốc, trong đó sản xuất rau hướng vào nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hữu cơ, theo hướng hữu cơ, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm; xây dựng các vùng sản xuất rau chuyên canh ở các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô.
Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành hơn 4.800ha vùng sản xuất rau an toàn tại 71 xã, phường, thị trấn; 12 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả... Giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh đã hỗ trợ 1 cơ sở áp dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ trong trồng trọt; 92 cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, trong đó có 19 cơ sở sản xuất rau, quả. Riêng năm 2023, tỉnh đã kiểm tra và cấp 47 mã số vùng trồng nội địa tại các huyện, thành phố với tổng diện tích 215 ha; giám sát, duy trì 25 mã số vùng trồng, trong đó có 2 mã số cơ sở phục vụ xuất khẩu sản xuất đóng gói thạch đen và ớt.
Tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn, đa giá trị, thời gian tới, tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tập trung xây dựng các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp hữu cơ để đánh giá, phát triển, nhân rộng; lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, có năng suất, chất lượng, kháng sâu bệnh, phù hợp với sản xuất hữu cơ. Đồng thời, ứng dụng công nghệ cao, quy trình canh tác thân thiện với cây trồng, vật nuôi và môi trường; thực hiện quản lý dịch hại tổng hợp, quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp, quy trình canh tác tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, cung ứng vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Cùng với đó, tập trung phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu, và doanh nghiệp giữ vai trò chủ đạo, nòng cốt, dẫn dắt, đưa khoa học công nghệ, trình độ quản trị và kinh tế số vào chuỗi giá trị. Xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản hiện đại; cập nhật thông tin về chính sách thương mại của các quốc gia và của từng thị trường về thị phần, thị hiếu, giá cả, rào cản kỹ thuật, thuế quan... làm căn cứ cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp hoạch định chính sách, định hướng phát triển. Quan tâm chú trọng đào tạo kỹ năng quản trị, kỹ thuật trồng trọt, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm an toàn thực phẩm cho nông dân thông qua các chương trình dạy nghề, hoạt động khuyến nông; xây dựng và quảng bá nhân rộng các mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình tổ chức sản xuất mới, mô hình sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu, sản xuất liên kết theo chuỗi; mô hình nông nghiệp thông minh, tuần hoàn; sản xuất kết hợp du lịch sinh thái...
Hồng Yến