Thái Nguyên: Người dân nghèo tìm được sinh kế bền vững từ Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói"

Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" Chính phủ Việt Nam cam kết với Tổ chức Liên hợp quốc sau hơn 3 năm triển khai đã đạt được những thành tựu nhất định. Tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, nhờ vào chương trình dần đổi mới cách nghĩ cách làm cho bà con nơi đây.

Thái Nguyên là một trong 16/28 tỉnh xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động Quốc gia “Không còn nạn đói". Theo kế hoạch của giai đoạn 2018 - 2020 thực hiện tại 28 tỉnh có huyện nghèo, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến thực hiện tại 40 tỉnh có xã đặc biệt khó khăn, huyện nghèo. Các địa phương đã phối hợp với các cơ quan có liên quan ở Trung ương đào tạo 51 lớp, 29 tỉnh với số lượng gần 2.000 người cho lực lượng cán bộ và người dân tham gia thực hiện Chương trình…

Tại xã Liên Minh, huyện Võ Nhai, trong năm 2022 đã thực hiện dự án xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại tỉnh Thái Nguyên - mô hình chăn nuôi gà thương phẩm được thực hiện Dự án do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên triển khai thực hiện gắn với Chương trình hành động quốc gia "Không còn nạn đói" ở Việt Nam đến năm 2025.

Xã Liên Minh có 1.160 hộ gia đình, trong đó tỷ lệ hộ gia đình thuộc hộ nghèo cao 308 hộ (26,55%), hộ gia đình cận nghèo là 85 hộ (7,3%). Do thu nhập chủ yếu dựa vào làm chè, chăn nuôi quy mô nhỏ hoặc làm thuê nên đời sống của các hộ dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do vậy khi dự án hỗ trợ gà cho các hộ nghèo và cận nghèo được triển khai là cơ hội để bà con có thêm kế sinh nhai.

Hộ gia đình bà Nguyễn Thị Duyệt ở xóm Nhâu, xã Liên Minh là một trong những hộ được thụ hưởng từ dự án hỗ trợ gà, vật tư, thức ăn cho mô hình Nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại Tỉnh Thái Nguyên. Với sự hỗ trợ của cán bộ thú y, đàn gà của gia đình bà Duyệt lớn mỗi ngày

Gia đình bà Duyệt thuộc diện hộ nghèo của xóm. Chồng bà là ông Sơn bị bệnh nặng từ chục năm nay. Một mình bà sớm tối lo toan chuyện gia đình. Cuộc sống của gia đình trông cả vào mấy sào ruộng. Nhiều lúc bà cũng muốn mở rộng chăn nuôi, nhưng nhà nghèo không có vốn. Mong ước đó của bà mãi chưa thành hiện thực. Từ hôm biết tin, gia đình bà có trong danh sách nhận hỗ trợ của dự án bà vui lắm. Bà coi đây là cơ hội để bà có thêm khoản thu nhập.

r4-1670757856.jpg

Mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tại tỉnh Thái Nguyên.

Cũng giống như gia đình bà Duyệt, nhiều hộ dân khác của xã Liên Minh tham gia dự án cũng đang nỗ lực chăm sóc đàn gà thật tốt. Đến giam gia đình anh Nguyễn Văn Thao ở xóm Thâm mới cảm nhận hết ý nghĩa thiết thực mà chương trình mang lại. Nhà anh Thao ở giữa đồng. Vợ anh đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Anh Thao ở nhà nuôi con và làm mấy sào ruộng. Giờ anh lại có thêm một việc nữa là chăm sóc đàn gà cả trăm con. 

Những người dân nghèo của tỉnh Thái Nguyên được thụ hưởng từ dự án đã được cán bộ thú y hướng dẫn chăm sóc gà theo phương pháp khoa học. Nhờ đó, đàn gà phát triển nhanh và phát triển mỗi ngày. Từ những đàn gà phát triển, người dân có thêm niềm tin vào việc ổn định cuộc sống từ chính việc chăn nuôi ngay trong gia đình. Từ nguồn gà nuôi do dự án hỗ trợ người dân có thêm kiến thức, kinh nghiệm, có nguồn dinh dưỡng bổ sung và có cả sinh kế phát triển bền vững. 

Ông Nguyễn Văn Diễn, cán bộ thú y xã Liên Minh, huyện Võ Nhai chia sẻ: "Mỗi sự giúp đỡ dù nhỏ nhoi, nhưng là động lực để bà con người dân tộc nơi đây vươn lên. Suốt mấy tháng chuẩn bị cho chương trình này, điều mà tôi cảm nhận được là sự trân trọng của bà con với từng đồng vốn nhỏ. Cứ nhìn họ làm chuồng trại, chăm sóc đàn gà phát triển tốt là thấy được sự nỗ lực vươn lên của bà con".

Ông Diễn cũng là người hỗ trợ bà con về kỹ thuật mỗi khi đàn gà cần điệu trị hay phòng bệnh. Ngoài thời gian phụ trách chuyên môn, anh cũng thường xuyên đến thăm hỏi động viên bà con sản xuất. Hiện đàn gà của 30 hộ dân ở xã Liên Minh đang phát triển rất tốt. Dự kiến, 2 tháng nữa bà con có thể xuất chuồng. Những hộ nuôi sẽ có thêm một khoản thu nhập không nhỏ. Thông qua chương trình này, bà con nơi đây đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong việc chăn nuôi.

Về hiệu quả kinh tế của mô hình, theo tính toán của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, bên cạnh việc bổ sung nguồn thực phẩm đảm bảo dinh dưỡng cho bữa ăn hằng ngày, các hộ dân tham gia dự án có thể có thêm nguồn thu nhập từ việc bán gà thịt.

Với kỹ thuật nuôi nhốt kết hợp với thả vườn và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp có sẵn tại gia đình như chuối, ngô, sắn, lúa, rau… nên chi phí đầu tư thấp, chuồng trại đơn giản, thời gian nuôi ngắn, trọng lượng bình quân khoảng 2,2 kg/con sau 4 tháng nuôi. 

r5-1670757862.jpg

Mô hình chăn nuôi gà thương phẩm được thực hiện Dự án do Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên.

Với giá thịt gà hiện nay là 110.000/kg, trung bình một con gà 2,2 kg người dân thu về 220.000 đồng/con; trung bình 1 con gà thịt người dân thu về 84.000 đồng/con sau khi đã trừ chi phí. Đây là một nguồn thu không nhỏ đối hộ gia đình khi tham gia mô hình.

Trước đó, trong năm 2021, Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (Bộ NNPTNT) đã phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên thực hiện Dự án Xây dựng mô hình nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng tỉnh Thái Nguyên tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa. Tham gia mô hình, 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Linh Thông được hỗ trợ 120 con gà mái giống ri lai L1HB/hộ (tổng số gà giống là 3.000 con). 

Ông Triệu Văn Cương, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên đánh giá, các dự án nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng triển khai trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã góp phần quan trọng vào mục tiêu chung xóa đói giảm nghèo và nâng cao dinh dưỡng cho mỗi gia đình nơi đây. Ngoài ra, các hộ tham gia dự án còn đối ứng bằng sản xuất thêm các loại rau xanh, củ,quả … để bổ sung thêm nguồn dinh dưỡng, vitamin cho bữa ăn cho gia đình và bổ sung nguồn thức ăn trong chăn nuôi

"Các hộ tham gia dự án nắm được kiển thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và kiến thức về dinh dưỡng để áp dụng trong sản xuất và chế độ dinh dưỡng cần bổ sung hàng ngày. Tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có như ngô, sắn, lúa làm thức ăn cho chăn nuôi, giảm chi phí mua thức ăn chăn nuôi và nguồn vật liệu tre nứa, gỗ sẵn có của địa phương để giảm chi phí chuồng trại. Tạo công ăn việc làm cho các hộ tham gia dự án và góp phần giảm tỷ lệ hộ  nghèo trên địa bàn xã" - ông Cương cho biết.