Minh hoạ. Nguồn:qdnd.vn
Không phải là "ý chí chủ quan" mà là tất yếu khách quan
Trên trang mạng tiếng Việt của một số cơ quan truyền thông nước ngoài, nhất là từ các thế lực thù địch, liên tục đưa tin, bài, hình ảnh, video trên youtube bôi nhọ, với luận điệu xuyên tạc rằng việc tinh gọn tổ chức bộ máy là do “ý chí chủ quan” của cá nhân, nhằm "ghi điểm, tạo dấu ấn" hoặc thậm chí "triệt hạ đối thủ"; hay “cơ cấu bộ máy nhà nước nói là tinh gọn nhưng không thay đổi mà chỉ chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác, chỉ gây tốn kém, phức tạp”. Tiếp đến là những giọng điệu: “Việc tinh giản biên chế ở Việt Nam chỉ là hình thức, mị dân”; “việc tinh giản biên chế sẽ khiến nhiều người mất việc, là thiếu tính nhân văn, gây ra mất ổn định xã hội”...
Một trong những luận điệu xuyên tạc khác là "Càng tinh gọn lại càng phình ra", khi một số cơ quan sau khi sáp nhập có số lượng cấp phó tăng cao hơn quy định. Chúng còn tung ra những lời lẽ sai trái rằng: Việt Nam không có tinh giản biên chế, không có tinh gọn bộ máy mà đây chỉ là “miếng bánh phân chia quyền lực”, chuyện của “các phe phái”...
Do đó, việc đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái này để bảo vệ chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước là cấp bách và rất cần thiết.
Trước hết, việc tăng số lượng cấp phó của một số ban, bộ, ngành vào thời điểm này chỉ là giải pháp tạm thời, không phải là hiện trạng lâu dài. Điều này là cần thiết để đảm bảo sự ổn định của các cơ quan sau khi sáp nhập, tránh làm lãng phí nguồn lực nhân sự và tận dụng được những cán bộ có năng lực, kinh nghiệm. Chính sách này đã được quy định trong nghị quyết của Quốc hội, với thời gian điều chỉnh và giảm cấp phó trong vòng 5 năm sau khi quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu lực và chắc chắn trong tương lai, số lượng cấp phó sẽ giảm theo đúng quy định.
Tinh gọn tổ chức bộ máy là yêu cầu khách quan, xuất phát từ thực tiễn Phát triển đất nước. Mặc dù việc thực hiện chủ trương này gặp phải không ít khó khăn, nhưng nếu không thực hiện sẽ gây ra sự cồng kềnh, tốn kém ngân sách và làm giảm khả năng phát triển của đất nước. Các nước phát triển đều đã thực hiện cải cách bộ máy nhà nước, và Việt Nam không thể đứng ngoài xu hướng đó.
Tinh gọn tổ chức bộ máy là một chủ trương xuyên suốt của Đảng ta, được thực hiện qua nhiều năm và không phải là một sáng kiến đột xuất chỉ vì có lãnh đạo mới. Từ Nghị quyết số 39-NQ/TW năm 2015 đến Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là những chủ trương, đường lối đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Đảng trong đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển đến năm 2030. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã vạch ra con đường phát triển rõ ràng, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trở thành một nước phát triển, thu nhập cao. Muốn đạt được mục tiêu này, cần phải sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, giảm thiểu chi phí không cần thiết.
Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi con số này ở nhiều nước chỉ khoảng 48-50%). Nếu không thực hiện “cách mạng” về tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, mạnh thì việc duy trì bộ máy cồng kềnh sẽ dẫn đến tốn kém ngân sách, không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển của đất nước.
Mặt khác, một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại “cơ chế xin - cho”, dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng. Công tác tinh giản biên chế gắn với vị trí việc làm, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu triệt để. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến cản trở phát triển, tăng thủ tục hành chính, lãng phí thời gian, công sức của doanh nghiệp, công dân, làm lỡ thời cơ phát triển đất nước.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm “Tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả” đã trở thành kim chỉ nam quan trọng cho việc xây dựng một bộ máy nhà nước phù hợp yêu cầu phát triển của thời đại. Đây không chỉ là một định hướng cải cách hành chính, mà còn là trọng điểm chiến lược để tạo dựng một hệ thống quản lý nhà nước khoa học, minh bạch, tập trung vào giá trị thực chất nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất xã hội, tăng cường sức sống cho hệ thống quản lý điều hành đất nước, tiền đề cho việc phát triển hơn nữa lao động, tri thức, kỹ thuật, công nghệ, nguồn vốn để không ngừng tạo ra của cải phục vụ xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Vì vậy, việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả vào thời điểm này là tất yếu khách quan, hoàn toàn không phải là “ý chí chủ quan”, được xác định là một cuộc cách mạng quyết liệt, mà cả hệ thống chính trị đang quyết tâm thực hiện, tạo tiền đề vững chắc để chúng ta bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Kết quả thực chất bước đầu không thể phủ nhận, bác bỏ luận điệu xuyên tạc
Tổng Bí thư Tô Lâm khi tiếp xúc cử tri Hà Nội đã nhấn mạnh: Sắp xếp tinh gọn bộ máy lần này sẽ làm từ trên xuống với phương châm “Trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng," làm với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”.
Quá trình sắp xếp bộ máy tiến hành khẩn trương, bước đầu đạt được những kết quả đáng kể. Đến thời điểm gần giữa tháng 3/2025 đã giảm 4 cơ quan Đảng trực thuộc Trung ương; 25 ban cán sự đảng; 16 đảng đoàn trực thuộc Trung ương; 5 cơ quan Quốc hội; 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; 30 đầu mối cấp tổng cục; 1.025 đơn vị cấp cục, vụ và tương đương; 4.413 đầu mối cấp chi cục, phòng và tương đương; 240 đơn vị sự nghiệp.
Ở các địa phương, cũng đã giảm 466 sở, ngành và cấp tương đương; 644 đoàn, đảng đoàn và ban cán sự đảng; 3.984 đơn vị cấp phòng và tương đương; 27 đảng bộ cấp trên trực tiếp và các tổ chức cơ sở đảng. Ở địa phương, con số giảm cũng ấn tượng, thể hiện quyết tâm cao độ của hệ thống chính trị.
Dư luận xã hội và bạn bè quốc tế đều ủng hộ chủ trương này, coi đây là cơ hội lịch sử để phát triển đất nước. Bởi sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì chính địa phương của mình, vì yêu cầu nhiệm vụ để phát triển cho nhân dân nơi ấy. Việc sáp nhập không chỉ nhằm tinh gọn bộ máy mà còn tạo ra không gian phát triển mới, phát huy lợi thế so sánh và nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Ngay sau việc sắp xếp tinh gọn xong các cơ quan Trung ương lập tức triển khai sáp nhập các tỉnh cần được thực hiện trên cơ sở khoa học, toàn diện, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, đồng thời xem xét các yếu tố đặc thù của từng địa phương, sẽ công bố vào đầu tháng 4/2025. Theo dự thảo Đề án, sau sắp xếp, chính quyền địa phương sẽ có 2 cấp là cấp tỉnh và cấp cơ sở (xã, phường), bỏ cấp huyện (cả nước có hơn 700 quận, huyện, thị xã). Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm gần 50% từ 63 tỉnh, thành phố chỉ còn 34 tỉnh, thành phố; đơn vị hành chính cấp cơ sở giảm khoảng hơn 70% so với hiện nay. Dự kiến sẽ sáp nhập hơn 10.035 đơn vị cấp xã sẽ giảm xuống còn khoảng 5.000 đơn vị, mỗi xã “gần như là một huyện nhỏ”. Bí thư xã có thể là Tỉnh ủy viên, thậm chí là Thường vụ Tỉnh uỷ. Lộ trình chúng ta phải hoàn tất xây dựng hệ thống cấp xã, phường trong tháng 6. Và nửa cuối tháng 6, tháng 7 phải xong đại hội cấp xã.
Việc tinh giản biên chế và giảm bớt các đầu mối, tầng nấc trung gian đã đem lại hiệu quả rõ rệt. Chỉ riêng đối với Bộ Công an, từ năm 2018 đến nay, qua hai lần kiện toàn tổ chức bộ máy, Bộ Công an đã giảm 7 tổng cục và tương đương, 55 đơn vị cấp cục, 7 trường Công an nhân dân, 20 sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy cấp tỉnh, gần 1.200 đơn vị cấp phòng, trên 3.500 đơn vị cấp đội.
Từ 1/3/2025, bộ máy Công an địa phương được sắp xếp, tinh gọn từ 3 cấp thành 2 cấp (Công an cấp tỉnh và Công an cấp xã, phường). Trong lần sắp xếp, tinh gọn này, tổ chức bộ máy của lực lượng CAND sẽ tiếp tục giảm 1 cục trực thuộc Bộ Công an (hợp nhất Cục Công nghiệp an ninh và Viện khoa học và công nghệ), 7 phòng, 694 Công an cấp huyện (tương đương cấp phòng); giảm 5.916 đội thuộc Công an cấp huyện.
Sau sắp xếp, kiện toàn bộ máy, Bộ Công an vẫn hoạt động hiệu quả, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự với nhiều dấu ấn nổi bật, đóng góp rất quan trọng vào những thành tựu, kết quả chung của đất nước.
Ngay sau khi cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được phát động, toàn bộ các cơ quan của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã vào cuộc xây dựng đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy theo đúng lộ trình đặt ra. Đây là những hành động và kết quả thực chất của việc tinh gọn bộ máy, từ đó phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch cho rằng, “cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy chỉ mang tính hình thức, không thực chất, không đủ quyết tâm”.
Thực tiễn cho thấy, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng và Nhà nước ta với mục đích rõ ràng, hoàn toàn không có chuyện “làm cho có”, “chỉ là hình thức”, “tranh giành quyền lực” hay “đấu đá nội bộ”… như các thế lực thù địch xuyên tạc, rêu rao, bóp méo sự thật.
Trong bối cảnh thực hiện tinh gọn bộ máy, một trong những điều cần đặc biệt lưu ý là việc lan truyền thông tin giả, xuyên tạc về quá trình sắp xếp, sáp nhập các tỉnh, thành. Mới đây, một số thông tin giả về việc sáp nhập các tỉnh, thành phố đã được phát tán trên các trang mạng xã hội, gây hoang mang cho cán bộ, đảng viên và người dân. Thông tin sai lệch này được các đối tượng thù địch tung ra nhằm gây rối, tạo sự bất ổn trong xã hội. Vì vậy, mỗi người dân, mỗi cán bộ và đảng viên cần tỉnh táo, cảnh giác, không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, nhằm không tiếp tay cho các âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước.
Nhưng cũng cần thấy rằng, việc tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là việc làm không hề dễ dàng, liên quan nhiều vấn đề nhạy cảm, phức tạp. Do đó, để công tác quan trọng này đi tới thành công đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải có tinh thần mạnh mẽ hơn, với quyết tâm chính trị cao, thống nhất về tư tưởng, hành động quyết liệt, tiến hành nhanh, gọn nhưng phải hiệu quả và không để kéo dài.
Tuy nhiên, cần phải công khai, minh bạch trong các bước thực hiện, tránh để các thế lực thù địch lợi dụng thông tin mơ hồ, gây hoang mang; tăng cường đối thoại, giải thích trực tiếp, lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong suốt quá trình thực hiện. Đồng thời, cần đẩy mạnh vai trò của báo chí và truyền thông trong đấu tranh, phản bác trực diện các luận điệu xuyên tạc, bóp méo của các thế lực thù địch về cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang quyết liệt thực hiện.
Làm tốt được các yêu cầu trên, công cuộc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhất định sẽ thành công, qua đó tạo tiền đề vững chắc khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Tóm lại, chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy hiệu năng, hiệu lực, là một bước đi cần thiết, đúng đắn, là tất yếu khách quan để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, Nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai lệch về chủ trương này không có cơ sở và không phản ánh đúng thực tế. Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo trước những thông tin sai trái, đồng thời ủng hộ và tham gia tích cực vào việc thực hiện cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy tinh gọn, mạnh là không thể chậm trễ, nhằm kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, để Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.