Thương tiếc Nhà báo Lão thành Vũ Đảo về cõi người hiền

   Đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khép lại cuộc đời ngót trăm năm, Nhà báo Vũ Đảo mãi mãi là tấm gương về một người tận tuỵ, tâm huyết với nghề nghiêp, một người phụ trách ân nghĩa.                                                                     
dt2vd2-1744803810.jpg
 

Nhà báo Lão thành, Nhà báo chiến sĩ Vũ Đảo (ảnh trên) của Ban biên tập Tin Trong nước và cũng là của Thông tấn xã Giải phóng, TTXVN đã về cõi người hiền. Ông đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 4giờ 10 phút ngày 18/4/2025 (tức là ngày 19/3 năm Ất Tỵ), hưởng thọ 97 tuổi để lại trong lòng chúng ta nỗi tiếc thương một Nhà báo Lão thành từng trải, bản lĩnh, khiêm nhường, giầu lòng nhân ái bao dung, một lòng tâm huyết với nghề báo đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp Thông tấn, sự nghiệp báo chí Cách mạng Việt Nam.  

Nhà báo Vũ Đảo, tên khai sinh là Nguyễn Văn Đảo sinh ngày 06 tháng 12 năm 1929 tại xã Nam Triều huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (Hà Tây cũ), nay thuộc TP. Hà Nội. Thời gian trước và sau cách mạng tháng 8/1945 (thời kỳ kháng chiến chống Pháp) với con tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, chàng trai 16 tuổi – Vũ Đảo đã hăng hái tham gia hoạt động thanh niên Cứu quốc của xã, thông tin tuyên truyền tại quê nhà và là một Bí thư Thanh niên Cứu quốc sổi nổi, sốc vác. Từ một nhân viên thông tin Xã, thư ký xã bộ Việt Minh, Văn phòng huyện ủy Phú Xuyên, ông đã sớm thoát ly đi công tác trên huyện, trên tỉnh. Sự nghiệp công tác truyền thông cũng đã gắn bó với ông từ thuở mới vào Đời, vào Đảng. Trong giai đoạn hoạt động cách mạng kháng chiến chống Pháp, nhiều lần được về công tác ngay gần nhà mà chỉ dám đứng xa nhìn bố mẹ, không dám đến gần vì sợ lộ bí mật.

dt-11-vd-1744804452.jpg

Nhà báo Vũ Đảo (đứng hàng đầu thứ hai từ trái sang) tại chiến trường khu V năm 1972. Ảnh: Tư liệu.

 

       Được khai sáng tư tưởng của Đảng và việc giác ngộ của bản thân nên mới 19 tuổi - năm 1948, ông Vũ Đảo đã trở thành Đảng viên tại quê nhà. 21 tuổi, ông được tín nhiệm bầu làm Chánh Văn phòng huyện ủy Phú Xuyên. Đến năm 23 tuổi ông tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Thông tin huyện Phú Xuyên. Năm 24 tuổi, với sức trẻ của mình, không ngại khó khăn, gian khổ, ông tham gia đoàn phục vụ quân tình nguyện Việt Nam tại chiến dịch Thượng Lào ở Sầm Nưa, của chiến dịch Điện Biên Phủ với vai trò là một Chính trị viên phó một đơn vị vận tải; tiếp đến ông tiếp tục được điều động sang Hội đồng E48 thuộc Đại đoàn 320 của kế hoạch Đông Xuân 1953 - 1954. Sau khi từ mặt trận trở về ông làm cán bộ kiểm tra tại Hội đồng Cung cấp mặt trận Liên khu 3. Sau đó ông tiếp tục được phân công Phụ trách bộ phận Thông tin thuộc ty Tuyên truyền Văn nghệ thành phố Nam Định.

dt1vd1ab-1744805468.jpg

Ban liên lạc hưu trí Ban biên tập Tin trong nước TTXVN đến thăm Nhà báo lão thành Vũ Đảo tại nhà riêng ở thôn Nam Quất, xã Nam Triệu, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

 

       Năm 1955, cuộc đời ông Vũ Đảo sang trang mới khi được điều động về Việt Nam Thông tấn xã, để từ đây ông gắn bó với sự nghiệp Thông tấn đến trên 30 năm trong cuộc đời. Ông vừa làm, vừa học, nghiên cứu tài liệu, thu xếp công việc của cơ quan, gia đình để hoàn thành xong khóa bổ túc Đại học Văn.

       Trước khi là phóng viên chiến trường năm 1968, ông là Trưởng phân xã TTXVN tại Liên Khu 3, phóng viên thường trú tại Hồng Quảng (nay Quảng Ninh), Trưởng phân xã đầu tiên của TTXVN tại Hà Nội. Năm 1968, được sự tín nhiệm của Bộ Biên tập TTXVN ông được phân công nhiệm vụ đi chiến trường B ở Khu 5,  ông làm Trưởng đoàn công tác TTX Giải phóng tại khu vực Phú Khánh (Phú Yên – Khánh Hòa) sau đó ông được điều động làm Trưởng đoàn công tác của Thông tấn xã Giải phóng Trung - Trung bộ (khu 5) thuộc Ban Tuyên huấn Khu ủy khu 5. Đây là thời kỳ đất nước đang đấu tranh chống lại cuộc xâm lược của Đế quốc Mỹ vô cùng ác liệt, nhưng ông vẫn vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cơ quan Việt Nam Thông tấn xã giao phó.

       Năm 1973, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở chiến trường B, ông trở lại Tổng xã, công tác tại Ban Biên tập tin Trong nước, TTXVN, được giao nhiệm vụ Quyền trưởng Tiểu ban Công Thương, Ủy viên Ban biên tập Tin miền Bắc rồi Phó trưởng ban Ban biên tập Tin Trong nước. Tại Đại hội Đảng bộ TTXVN nhiệm kỳ thứ 13 (1978 – 1980) ông được tín nhiệm bầu làm Đảng ủy viên Đảng bộ TTXVN. Có thời gian ông được điều động làm Phó Giám đốc Trường nghiệp vụ Thông tấn (nay là Trung tâm Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Thông tấn) sau đó trở lại làm Phó trưởng ban Ban biên tập Tin Trong nước, chuyên viên Cao cấp cho đến khi nghỉ hưu.

       Hưu mà không nghỉ, ông còn làm “tỉnh táo viên” đọc dò rà soát bản “bông” báo Tuần tin tức của Thông tấn xã Việt Nam mới ra đời. Vậy là ông vẫn được gắn bó với nghề báo thêm nhiều năm tháng cho đến khi sức khỏe không cho phép.

       Sinh thời, ông có 05 người con: 2 trai, 3 gái nhưng  chỉ có 3 người là yên bề gia thất, còn lại 2 con bị ảnh hưởng sức khỏe từ nhỏ. Sau khi sang tuổi 80, ông buồn lắm vì con trai út đã mất, vợ ông cũng rời xa ông mãi mãi; nhưng ông vẫn không suy sụp. Ông sống thanh thản tuổi già, khi ở Hà Nội, khi về nơi chôn nhau cắt rốn, nêu gương đức độ cần kiệm, làm phúc đức cho xóm giềng con cháu.

       Các thế hệ phóng viên, biên tập tin Trong nước luôn kính trọng ông Vũ Đảo không chỉ vì tuổi tác của người anh cả, bác cả… mà vì nể ở đức tính khiêm nhường, bao dung nhân hậu của ông. Hầu như không bao giờ ông bẳn gắt, to tiếng, lên lớp hoặc đòi hỏi lợi quyền. Ông cũng không công thần, địa vị gì dù rằng ông là người thuộc thế hệ tiền bối của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam. Nhắc lại những kỷ niệm của ông trong thời gian công tác, trong một lần đơn vị điều động một Biên tập viên cứng tuổi “bất đắc dĩ” đi Tây Bắc, không quản ngại khó khăn gian khổ, nhà báo Vũ Đảo đã thân chinh trao đổi, dặn dò và đưa lên tỉnh Sơn La giao tận nơi cho lãnh đạo địa phương nhờ giúp đỡ. Bên cạnh đó, ông cũng đóng góp công sức không nhỏ cho việc gây dựng, mở rộng thêm địa bàn của cơ quan Thường trú, TTXVN ở những nơi khó khăn, phức tạp trên địa bàn cả nước. Các anh, các chị phóng viên khóa GP 8, GP 10 và các khóa sau đều có nhiều tình cảm sâu sắc đối với Ông.

       Ham học hỏi, quyết tâm cao, cẩn trọng, điềm tĩnh và thực tiễn sôi động của đời Nhà báo – Chiến sĩ đã rèn luyện ông trở một phóng viên, một người phụ trách tin cậy của cơ quan thường trú tại những địa bàn trọng điểm.

       Cuộc đời của nhà báo Vũ Đảo diễn ra trong khó khăn thiếu thốn. Ít ai biết rằng ông chỉ có một căn hộ nhỏ trên tầng cao nhất của khối nhà tập thể của Thông tấn xã Việt Nam. Giờ đây, khi về quê ông sinh sống những năm cuối đời, ông vẫn chỉ sinh hoạt tại ngôi nhà cấp 4 của bố mẹ để lại. Một vài anh em thân thiết nhất mới biết ông chỉ có 43 đô la mà ông giữ mãi là tiền mừng tuổi của mấy anh em đồng nghiệp đi công tác nước ngoài về chúc Tết ông bà. Một nhà báo đàn em (đã mất) gọi ông là Nhà báo “Bạc tóc không bạc lòng” quả là chí nghĩa, chí tình, chí lý!

       Về hưu đã hơn 30 năm nhưng ông vẫn luôn để lại trong lòng những đồng nghiệp cùng ông có nhiều năm gắn bó và các anh chị em lớp trẻ sự quý trọng thân thiết.

       Đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ khép lại cuộc đời ngót trăm năm, Nhà báo Vũ Đảo mãi mãi là tấm gương về một người tận tuỵ, tâm huyết với nghề nghiêp, một người phụ trách ân nghĩa. Về già, cụ càng là người sống thẳng thắn, mẫu mực, nghĩa tình, nhân hậu với mọi người, được anh em đồng nghiệp, bạn bè kính, nể, trọng, vì như một cây đại thụ của những người làm Tin Trong nước Thông tấn xã Việt Nam. Hình ảnh cụ Đảo cao dẹp mà bình dị, gần gũi mà sâu sắc.

       Cả cuộc đời vì sự nghiệp thông tin báo chí, Cụ đã được trao tặng Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng, Huân chương lao động hạng 2, hạng 3, Huân chương kháng chiến hạng 3, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huy chương vì sự nghiệp Báo chí, Huy chương Vì sự nghiệp Thông tấn và rất nhiều phần thương cao quý khác của Đảng và Nhà nước. Mọi người sẽ nhớ mãi hình ảnh Cụ ông tóc bạc da mồi, hàng ngày vẫn xem ti vi, đọc báo để nắm bắt tin thức thời sự trong nước và trên thế giới.

Với 97 năm tuổi đời và hơn 75 năm tuổi Đảng cụ đã để lại biết bao tình cảm với gia đình, bà con lối xóm. Tiễn đưa Cụ Vũ Đảo về Thế giới Người Hiền, trong bối cảnh sắp đến ngày kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), 80 năm thành lập TTXVN (15/9/1945 – 15/9/2025), chúng ta nhớ mãi về một Con Người chân chính , một người thuộc lớp anh Cả , cha chú của nhiều thế hệ cán bộ, biên tập viên, phóng viên Tin Trong nước TTXVN, một đồng đội, đồng nghiêp vô cùng quý mến, rất được kính trọng.

       Cụ Vũ Đảo không còn nữa, nhưng hình ảnh, cùng những cống hiến của Cụ vẫn còn sống mãi trong niềm kính trọng và tiếc thương vô hạn của gia đình, đồng chí và bạn bè gần xa.

       Xin được chia sẻ nỗi đau, sự mất mát lớn lao không gì có thể bù đắp đượcvới toàn thể gia quyến, các con, cháu, chắt Cụ cùng xóm giềng họ mạc thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.

       Xin kính cẩn, nghiêng mình trước linh hồn Cụ. Vĩnh biệt và cầu mong Cụ Vũ Đảo an nghỉ thảnh thơi ở cõi vĩnh hằng!