Và có lẽ, cũng nhờ sự gần gũi đó cho nên những hoạt động của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp bước thế hệ cha anh, dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được hưởng lợi ích của quá trình đổi mới, phát triển đất nước. Đi theo mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, trong những năm, gần đây nông nghiệp Việt Nam đang có những bước tiến rất mạnh mẽ về phía nâng cao chất lượng, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Nói về dấu ấn của đồng chí Nguyễn Phú Trọng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phải nhắc đến Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5/8/2008 tại Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn đồng chí đang làm Chủ tịch Quốc hội (2006 - 2011). Có thể nói rằng, Nghị quyết 26-NQ/TW là bước đột phá để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ trong lĩnh vực tam nông mà dấu ấn nổi bật nhất chính là công cuộc xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Trong giai đoạn đồng chí Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo đất nước trên cương vị Tổng Bí thư, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn càng được quan tâm, đẩy mạnh. Rất nhiều chủ trương, chính sách trực tiếp hoặc liên quan đến lĩnh vực tam nông được ban hành, trong đó điển hình là ba Nghị quyết: Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Cả ba Nghị quyết này liên tiếp ra đời trong thời gian ngắn và đều do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành. Mỗi Nghị quyết đều nổi lên hai khía cạnh cốt lõi, thứ nhất là tư duy mới, thứ hai là các giải pháp mới.
Với Nghị quyết số 18, điểm nổi bật là nới cho nông dân khả năng chuyển đổi, điều chỉnh mục tiêu sử dụng đất, không còn giữ cứng đất lúa cho an ninh lương thực như giai đoạn trước mà đa dạng hóa sản xuất theo tín hiệu thị trường, tăng thu nhập cho nông dân và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tăng quy mô sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tích tụ đất đai cả về không gian, thời gian, đối tượng… Nguồn lực đất đai được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để đất nước phát triển.
Đến Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, những tác động của chủ trương, đường lối, chính sách vào thực tiễn càng trở nên rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn. Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng - dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục hướng đổi mới tư duy gắn nông nghiệp, nông dân, nông thôn thành một tổng thể quan hệ mật thiết, đóng vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hình thành cơ sở chính trị, xã hội, kinh tế đáng tin cậy để bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo quốc phòng an ninh, phát huy giá trị văn hóa, hội nhập quốc tế… Đây là tư duy, nhìn nhận hiện đại và hợp lý về vai trò tổng hợp của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nếu như trước đây chúng ta đã nhận thấy nông nghiệp là trụ đỡ, là tấm khiên bảo vệ đất nước trong những hoàn cảnh khó khăn thì đến Nghị quyết số 19-NQ/TW, thông qua quá trình tổng hợp lý luận và thực tiễn, Đảng ta đã đề ra những quan điểm có ý nghĩa to lớn: Một là, xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Hai là, lần đầu tiên xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia. Từ xưa đến nay, ít có ngành nào được đánh giá như vậy cả. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp nhằm phát huy lợi thế quốc gia là cách đặt vấn đề theo con mắt cơ chế thị trường hiện đại về vai trò động lực phát triển đất nước của nông nghiệp.
Các nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 19-NQ/TW đặt ra cho nông nghiệp Việt Nam rất cô đọng và hợp lý. Định hướng phát triển nông nghiệp hiệu quả, sinh thái, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng, phát huy lợi thế, ứng dụng khoa học công nghệ,... là mục tiêu toàn diện. Các nhiệm vụ tập trung cũng nhằm đột phá những điểm yếu nhất trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Từ phát triển giống cây trồng, vật nuôi; làm chủ thức ăn chăn nuôi; vacxin; thuốc thú y; phân bón; thuốc BVTV… tạo thế chủ động về những vật tư đầu vào xưa nay chúng ta còn yếu đến gắn kết nông nghiệp - công nghiệp và dịch vụ, tạo sự phối hợp giữa sản xuất và bảo quản, chế biến, tiêu thụ. Công nghiệp, dịch vụ phải tập trung phục vụ cho nông nghiệp nhiều hơn, cùng với đó là tổ chức lại sản xuất, phát triển mạnh kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, tạo đột phá quan trọng cả về thể chế lẫn tổ chức sản xuất.
Với nông thôn, Nghị quyết số 19-NQ/TW nêu rõ quan điểm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa công nghiệp và nông nghiệp trong bối cảnh đất nước chúng ta đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, kịp thời xác lập tư duy chỉ đạo và hành động của các ngành, các cấp để đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ phát triển phù hợp. Nghị quyết số 19-NQ/TW cũng tập trung vào giải pháp trọng tâm để nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, thông qua phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” để thiết thực tạo sinh kế, thu nhập, việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, gắn kết giữa phát triển công nghiệp dịch vụ với nông nghiệp, đưa công nghiệp về nông thôn, phát triển nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa…
Nghị quyết số 20-NQ/TW, nhắm vào kinh tế tập thể - mắt xích còn yếu nhất trong năm thành phần kinh tế chủ lực hiện nay là kinh tế hộ, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân, kinh tế Nhà nước và kinh tế có đầu tư của nước ngoài. Nghị quyết số 20-NQ/TW cũng khởi đầu với những điểm mới trong tư duy. Thứ nhất, nhìn nhận vai trò kinh tế tập thể dưới góc độ đa dạng, không chỉ đề cao lợi ích kinh tế mà còn hướng đến các giá trị xã hội, nhân đạo, nhân văn; nhằm đảm bảo an ninh chính trị, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường. Thứ hai, là nhấn mạnh sự hợp tác, trợ giúp lẫn nhau hướng đến làm giàu cho từng thành viên và cho cả cộng đồng trên địa bàn. Thứ ba, các vai trò tổng hợp của kinh tế tập thể tạo ra sức mạnh khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, đưa sức mạnh hợp tác khơi dậy được ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước.
Từ cách tiếp cận mới, Nghị quyết số 20-NQ/TW đã chỉ đạo một số chính sách mang tính đột phá. Đầu tiên là về đất đai, đây là vấn đề nan giải nhất của kinh tế tập thể từ trước đến nay. Nghị quyết chủ trương bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể thuê với giá ưu đãi và hợp lý về thời gian cho thuê để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp quy mô lớn. Thứ hai, hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, giúp tổ chức kinh tế tập thể phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, của thành viên hoặc trở thành nơi tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của nhà nước vì mục tiêu phát triển cộng đồng. Thứ ba, tạo điều kiện để kinh tế tập thể hoạt động tín dụng nội bộ, nghiên cứu ủy thác một số dịch vụ công, thí điểm hình thành một số liên đoàn hợp tác xã chuyên môn hóa cao ở một số ngành, lĩnh vực nhằm tạo thành những mũi nhọn đột phá về kinh tế.
Với tư duy và giải pháp mới nêu trên, Nghị quyết số 20-NQ/TW đang góp phần xây dựng kinh tế tập thể thành cánh cổng cho kinh tế hộ nhỏ đi lên. Đây sẽ là lối mở để hàng chục triệu hộ nông dân Việt Nam tiến vào con đường sản xuất hàng hóa, để phần lớn dân số Việt Nam đang là cư dân nông thôn sẽ có cơ hội lột xác thành thị dân. Đã có nhiều bài học thành công trên thế giới nhờ thay đổi tư duy và đột phá chính sách nhưng Việt Nam chính là điển hình rõ ràng nhất về những phát triển thần kỳ trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp, trong phát triển nông thôn nhờ thay đổi cơ chế, chính sách, bắt đầu từ đổi mới tư duy. Đây là quá trình cộng hưởng qua lại giữa ý chí, tinh thần, năng lực của nông dân, doanh nhân Việt Nam và tư duy sáng tạo và quyết tâm hành động của Đảng, Nhà nước.
Những tư duy mới, giải pháp mới trong đường lối của Đảng như Nghị quyết số 18, Nghị quyết số 19, Nghị quyết số 20,… thể hiện lòng yêu mến người nông dân, sự tin tưởng ở nông thôn của Trung ương, của Bộ Chính trị và tập thể lãnh đạo Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ngược lại, cư dân nông thôn, doanh nhân, cán bộ ngành nông nghiệp cũng không phụ lòng nhân dân cả nước, cũng đáp ứng mong đợi của lãnh đạo.
Thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây, muôn vàn khó khăn của biến đổi khí hậu, biến động thị trường thế giới, đại dịch Covid -19 càng đã làm nổi bật lên tinh thần dẻo dai, kiên cường của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam. Đặc biệt khi kinh tế thế giới bắt đầu chuyển biến khởi sắc thì chúng ta tiếp tục tiến ra thế giới, đẩy mạnh xuất khẩu, tỏa sáng sức mạnh bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường của Việt Nam.
Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn chính là nơi ý Đảng - lòng Dân gặp nhau và phối hợp để tư duy tinh thần nhân lên thành sức mạnh vật chất. Nông dân, doanh nhân, cán bộ chủ động ngành nông nghiệp chủ động phát huy nội lực, sáng tạo đổi mới, đổi mới cơ chế để mở đường đi lên.
Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội nhìn thấy sức mạnh của Việt Nam và tin cậy ở nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, để từ niềm tin đó đưa ra các chủ trương chính sách đúng đắn cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Sự cộng hưởng, thể hiện sự đúng đắn chủ trương đường lối của Đảng và sức mạnh nhân dân như đã từng thể hiện ở “Khoán 10”, “Chỉ thị 100” được tiếp tục trong tương lai sẽ ghi sâu trong lòng dân niềm tin ở Đảng và các nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Trong đó có hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng!