Theo Hội Nông dân thành phố, sản phẩm nông nghiệp do nông dân Đà Nẵng sản xuất để cung cấp ra thị trường còn thấp, bình quân chỉ chiếm 20-30% nhu cầu tiêu dùng của người dân và phục vụ du lịch. Việc đẩy mạnh phát triển nông nghiệp đô thị gặp nhiều khó khăn, thách thức, tập trung vào các vấn đề như: quá trình quy hoạch các vùng, địa bàn sản xuất nông nghiệp không ổn định, thường xuyên điều chỉnh; lao động nông nghiệp có thu nhập thấp so với các hoạt động kinh tế khác ở đô thị; sản phẩm nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, sản xuất không thường xuyên nên chưa thể xây dựng được nhãn hiệu, khó khăn trong liên kết tiêu thụ; việc ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái chủ yếu dừng ở việc xây dựng mô hình, chưa được nhân rộng và phát triển toàn diện, bền vững… Mặt khác, Đà Nẵng tập trung phát triển ngành mũi nhọn là du lịch nên nông nghiệp đô thị bị hạn chế về không gian.
Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Thanh Hòa cho biết, thành phố đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng một số đề án, khuyến nông, mô hình nông nghiệp như Chương trình số 42-Ctr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới”; Đề án Phát triển nông nghiệp theo hướng đô thị và bền vững, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030… Tuy nhiên, việc phát triển nông nghiệp đô thị tại Đà Nẵng còn gặp nhiều tồn tại, thách thức, do đó sở đề xuất các cấp, ngành cần có giải pháp về quy hoạch, đầu tư hạ tầng; phát triển các mô hình nông nghiệp nội đô; những cơ chế, chính sách phát trển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các giải pháp về khoa học công nghệ, môi trường, tổ chức sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất hữu cơ; đào tạo và thu hút nguồn nhân lực; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng nông sản; xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu…
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Vũ Thị Bích Hậu, nông nghiệp Đà Nẵng không phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa đại trà mà phải có tính đặc thù, gắn với sản phẩm du lịch của thành phố. Trong những năm qua, ngành khoa học và công nghệ đã nghiên cứu và chuyển giao nhiều mô hình cho nông dân địa phương; thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có các dự án về nông nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung vào các chính sách: ứng dụng công nghệ sinh học, tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tài sản trí tuệ… thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tăng năng suất, tạo việc làm tại chỗ. Sở sẽ tiếp tục ưu tiên những chương trình, ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp đô thị; đồng thời đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ có những chương trình, chính sách ưu tiên để thúc đẩy nông nghiệp ở khu vực miền Trung. Thời gian đến, sở sẽ tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với Hội Nông dân; thúc đẩy mô hình điểm, phổ biến đến nông dân; xây dựng các mô hình mới, tạo việc làm, an sinh xã hội cho người dân.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Đinh Khắc Đính ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến của đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị; đây là tư liệu quan trọng để Trung ương hội nghiên cứu, tổng hợp, đáp ứng trong việc xây dựng đề tài “Nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị ở các thành phố trực thuộc Trung ương”, từ đó, có những chính sách hỗ trợ phù hợp để phát triển bền vững. Những vấn đề trong phát triển nông nghiệp đô thị của Đà Nẵng đang gặp phải cũng là tình hình chung của các thành phố, địa phương khác. Cụ thể như vấn đề quy hoạch quỹ đất cho sản xuất nông nghiệp đô thị, đầu tư hạ tầng, kiến trúc; chất lượng nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ; xây dựng, nhân rộng các mô hình, sản phẩm nông nghiệp đô thị bảo đảm chất lượng, quảng bá thương hiệu, sản xuất theo chuỗi liên kết…