Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh: Những điểm chú ý trong kỳ thi năng lực chuyên biệt năm 2025

Để giúp thí sinh hiểu biết và có kết quả tốt hơn vững bước trên con đường mình đã chọn khi bước vào kỳ thi năng lực chuyên biệt năm 2025, PV Tạp chí Nông thôn và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu Trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về “Những điểm chú ý trong kỳ thi năng lực chuyên biệt năm 2025”.

PV: Thưa GS.TS Huỳnh Văn Sơn, được biết sau ba năm triển khai thành công, kỳ thi đã tiếp tục khẳng định vai trò là phương thức tuyển sinh quan trọng và hiệu quả, góp phần tìm được những thí sinh tài năng, có năng lực phù hợp với các ngành học của Trường và một số trường đại học khác. Vừa qua, nhà Trường đã công bố kế hoạch tổ chức Kỳ thi năm 2025 gồm 3 đợt thi vào tháng 4, 5 và tháng 7 với 2 điểm thi ở Thành phố Hồ Chí Minh và 6 điểm thi ở: Long An, Gia Lai, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng và Đắk Lắk.

Vậy xin ông cho biết những điểm đáng chú ý trong Kỳ thi Đánh giá Năng lực Chuyên biệt - H-SCA (HCMUE - Specialized Competency Assessment) năm 2025?

1-gsts-huynh-van-son-hieu-truong-cua-truong-dai-hoc-su-pham-thanh-pho-ho-chi-minh-1740136397.jpeg
GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu Trưởng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu Trưởng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh: Xin cảm ơn PV Tạp chí nông thôn và Phát triển đã quan tâm và đặt câu hỏi về vấn đề này, nhằm giúp các thí sinh hiểu biết thêm những điểm đáng chú ý trong Kỳ thi Đánh giá Năng lực Chuyên biệt năm 2025 để có kết quả tốt hơn.

Năm 2025 thí sinh sẽ có nhiều cơ hội bởi 5 điểm đặc biệt:

1. Thí sinh chỉ cần thi 01 môn chính trong tổ hợp xét tuyển

Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục sử dụng phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi với điểm học tập THPT tương tự như năm 2024. Cụ thể, thí sinh sẽ chọn và thi 1 môn chính trong các tổ hợp xét tuyển; 2 môn còn lại sẽ sử dụng điểm trung bình 6 học kỳ trong 3 năm lớp 10, 11 và 12. Tuy nhiên, tỉ lệ điểm giữa môn chính và 2 môn còn lại có thể sẽ thay đổi theo hướng nâng cao trọng số của môn chính.

2. Các môn thi đa dạng, phù hợp với nhiều ngành học

Kỳ thi H-SCA năm 2025 gồm 06 môn thi: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh. Thí sinh có thể lựa chọn một hoặc nhiều môn thi phù hợp với nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào các ngành học tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và các trường đại học đối tác của kỳ thi này. Nếu năm 2024, Trường có 31 ngành học xét tuyển theo phương thức này thì dự kiến năm 2025 sẽ áp dụng thêm một số ngành học: Sư phạm Lịch sử - Địa lý, Sư phạm Địa lý, Địa lý học, Du lịch, Quốc tế học để rộng mở cơ hội cho các thí sinh.

3. Mở rộng cơ hội trúng tuyển tại nhiều trường đại học

Kết quả kỳ thi H-SCA 2025 không chỉ sử dụng để xét tuyển vào các ngành học tại Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mà còn được nhiều trường đại học uy tín khác chấp nhận, bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

2-thi-sinh-trong-phong-thi-1740136472.jpeg
Thí sinh vào phòng thi

(Danh sách các Trường có thể được cập nhật, bổ sung. Thí sinh nên theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường đại học mình quan tâm.)

4. Hơn 30.000 thí sinh có thể tham gia kỳ thi

Với dự kiến tổ chức 03 đợt thi theo quy mô lớn, sẽ đáp ứng khoảng hơn 30.000 lượt thí sinh tham gia (gấp 3 lần so với năm 2024). Kỳ thi được tổ chức tại 8 địa điểm ở 3 khu vực miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh ở nhiều tỉnh thành có thể tham gia. Các địa điểm tổ chức thi gồm: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở chính tại TPHCM cùng với 02 Phân hiệu tại tỉnh Long An và Gia Lai), Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, Trường Đại học Tây Nguyên.

5. Đề thi minh họa đã được công bố, bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Đề thi năm 2025 được thiết kế với nhiều điểm cải tiến trong cấu trúc câu hỏi, nội dung kiến thức trên tinh thần bám sát Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đảm bảo đánh giá năng lực của thí sinh một cách toàn diện. Trong đó, phần nội dung kiến thức của chương trình lớp 12 chiếm 70-80%, phần còn lại là nội dung kiến thức của chương trình lớp 10 và 11.

Đặc biệt, bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh sẽ tiếp cận theo định dạng bài thi đánh giá năng lực từ bậc 3 đến bậc 5 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. 1  Điều này cho thấy sự chú trọng của trường trong việc đánh giá năng lực tiếng Anh của thí sinh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

GS.TS. Huỳnh Văn Sơn chia sẻ thêm với các thí sinh: “Trường đã nghiên cứu chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ nhiều năm qua với sự vào cuộc của các chuyên gia về chương trình, các tổng chủ biên, chủ biên chương trình cũng như sách giáo khoa và nhiều chuyên gia giáo dục phổ thông nhất là các chuyên gia đánh giá. Những chuẩn bị và điều chỉnh về kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt đảm bảo định hướng của Trường cũng như thích ứng với thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là sự đầu tư và tâm huyết của Trường với phương châm tạo điều kiện tối đa cho học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giảm tải các áp lực thi cử trên tinh thần nhân văn, tôn trọng…  Các thí sinh khi đăng ký cũng nên lựa chọn môn thi, thời gian - địa điểm thi phù hợp. Thí sinh có thể đăng ký nhiều đợt thi để gia tăng cơ hội xét tuyển nhưng cũng cần giữ gìn sức khỏe, tránh tạo nên nhiều áp lực trong quá trình ôn tập là bí quyết cần thực hiện để đảm bảo phong độ và điểm rơi thi cử cho chính mình.

3-niem-vui-cua-thi-sinh-1740136472.jpeg
Niềm vui của thí sinh

PV: Xin cảm ơn GS.TS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu Trưởng của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Người thực hiện:  LÊ QUANG