
Trạm Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thanh Tương có 4 chốt bảo vệ rừng với tổng số 4 công chức kiểm lâm và 8 nhân viên tuần rừng, trong đó chốt bảo vệ rừng Bản Bung có 1 công chức kiểm lâm cùng 2 nhân viên tuần rừng. Trạm được giao quản lý tổng diện tích trên 1.430 ha rừng đặc dụng.
Ông Lục Văn Thiên - Trưởng Trạm Kiểm lâm Thanh Tương cho hay, Bản Bung nằm trong lõi rừng già Khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ - Bản Bung nằm cách thị trấn Na Hang khoảng 7km. Trên thực tế đây là một thôn bản nằm trong lõi rừng nguyên sinh Khu bảo tồn thiên thiên Tát Kẻ - Bản Bung đang được bảo vệ rất nghiêm ngặt.
Công việc bảo vệ rừng ở đây chưa bao giờ là dễ dàng. Mùa mưa nên đường tuần tra rất khó đi, phải vượt qua nhiều địa hình hiểm trở, lại rất nhiều muỗi, vắt, rắn, rết... Công việc của người giữ rừng chưa bao giờ vơi bớt khó khăn, bởi cuộc sống nơi rừng sâu luôn vất vả, thiếu thốn, hiểm nguy. Song với tình yêu thiên nhiên, quyết tâm bảo vệ rừng, các anh đã xem rừng là mái nhà thứ hai để cùng góp sức giữ gìn.
Nhiều năm qua, Bản Bung là “điểm sáng” trong những điểm sáng bảo vệ rừng của huyện miền núi Na Hang. Theo ông Thiên, người dân Bản Bung chủ yếu là đồng bào Tày và Dao, chung sống hoà hợp và đề cao trách nhiệm giữ rừng. Vì lực lượng bảo vệ rừng mỏng, nên nếu không có người dân giúp sức thì rừng xanh dễ bị xâm hại. Đối với người dân, rừng là tài sản vô giá không chỉ của Bản Bung mà của cả Na Hang.
Ông Triệu Thế Hải - Bí thư Chi bộ thôn Bản Bung cho biết: Với những lợi thế như truyền thống văn hoá đặc sắc của người Tày, người Dao cùng thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ, khí hậu trong lành trong lõi rừng già Khu bảo tồn Tát Kẻ - Bản Bung, nơi đây đang mang trong mình tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và nâng cao thu nhập cho đồng bào. Vì là trong lõi khu bảo tồn nên cuộc sống của con người nơi đây rất gần gũi và gắn bó mật thiết với rừng.
Có một điều mà người dân ở Bản Bung vẫn truyền tai và dạy bảo con cháu qua nhiều đời đó là tuyệt đối không xâm phạm đến rừng.

“Rừng ở đây sát đến chân nhà sàn, thậm chí những chiếc cây trong vườn nhà người dân cũng không chặt bởi họ hiểu chung sống được với rừng thì cũng chính là bảo vệ cho cuộc sống của thế hệ tương lai”, ông Hải cho biết thêm.
Khu bảo tồn thiên thiên Tát Kẻ - Bản Bung không chỉ được xem là lá phổi xanh của Tuyên Quang, đó còn là nơi bảo tồn các nguồn gen quý hiếm hệ động - thực vật, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, phát triển du lịch sinh thái.
Những năm qua, Khu bảo tồn thiên thiên Tát Kẻ - Bản Bung được quản lý, bảo vệ tốt, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Chính tình yêu rừng đã giúp họ vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm canh giữ, bảo vệ rừng. Họ cũng chính là những đại sứ du lịch để phục vụ các đoàn khách đến tham quan Khu bảo tồn thiên thiên Tát Kẻ - Bản Bung.