Ngày 8/7, Thông tin từ Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, đơn vị vừa kết nối với Công ty cổ phần R.Y.B (Hà Nội) lựa chọn 7 mặt hàng nông sản để xuất khẩu vào thị trường Anh quốc.
Trong số 7 sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu sang châu Âu có sản phẩm trà túi lọc đậu đen xanh lòng của HTX hữu cơ Hồng Phát (huyện Chiêm Hóa) với số lượng 480 hộp; sản phẩm trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong của HTX hữu cơ nông sản Bình Mình (huyện Yên Sơn), trong đó sản phẩm trà ổi số lượng 400 hộp, sản phẩm hoa đu đủ đực ngâm mật ong số lượng 240 lọ; sản phẩm chuối sấy dẻo của HTX chuối sạch Chiêu Yên (huyện Yên Sơn) với số lượng 600 hũ; sản phẩm siro chanh, siro tắc của HTX nông sản và dược liệu Minh Thảo (huyện Hàm Yên) với số lượng 480 chai.
Ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng - Chế biến và Phát triển thị trường (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang) cho biết, sau khi kiểm tra, phân tích mẫu, các sản phẩm nông sản của tỉnh Tuyên Quang đều đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đến nay, Công ty Cổ phần R.Y.B đã ký hợp đồng bao tiêu lần 1 cho 6 sản phẩm của 4 hợp tác xã. Dự kiến trong tháng 7/2024, Công ty sẽ xuất khẩu 6 sản phẩm này sang thị trường Anh.
Trong số 7 sản phẩm được lựa chọn xuất khẩu sang châu Âu còn có sản phẩm bưởi Soi Hà của xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn. Đối với sản phẩm bưởi Soi Hà Xuân Vân, cuối tháng 5/2024, Công ty Cổ phần R.Y.B đã có buổi làm việc tại UBND xã Xuân Vân.
Theo đó Công ty đã đặt 10.000 – 15.000 quả, tiểu chuẩn, chất lượng do Công ty đưa ra và thông qua ký hợp đồng với Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Xuân Vân. Đến nay đã có 13 hộ gia đình trên địa bàn xã Xuân Vân đồng ý tham gia và đang chăm sóc bưởi theo hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật của Công ty Cổ phần R.Y.B. Dự kiến tháng 10/2024 sẽ được kiểm tra và ký kết hợp đồng xuất khẩu
Trước đó, tháng 9/2021, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho bưởi Soi Hà. Đây được coi là bước ngoặt quan trọng với cây bưởi Soi Hà - giống bưởi ngon số một ở Tuyên Quang.
Tất cả các sản phẩm được xuất khẩu đợt này đều đã được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao. Được thị trường Anh lựa chọn vì có các chỉ tiêu đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm. Đây là lần đầu tiên các sản phẩm nông sản đạt sao OCOP của nông dân Tuyên Quang được xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Hiện, toàn tỉnh Tuyên Quang có 192 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó 1 sản phẩm chè Shan tuyết Hồng Thái đang chờ Hội đồng thẩm định quốc gia đánh giá bình chọn tiêu chuẩn 5 sao.
Chứng nhận sản phẩm OCOP, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp mã số cho 11 vùng cây trồng, trong đó 9 mã số gồm: bưởi, chè, thanh long... đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường EU, Singapore và thị trường chính ngạch của Trung Quốc.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ 17 nhiệm kỳ 2020-2025 xác định phát triển sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào những sản phẩm chủ lực, đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi liên kết gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 thị trường, trong đó, có các đối tác kinh tế lớn, như: Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Nga... Nắm bắt cơ hội này, tỉnh Tuyên Quang đã giao các cơ quan chức năng đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm kịp thời, đúng kế hoạch, đạt hiệu quả.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sẩn phẩm OCOP trong nước, hướng tới thị trường quốc tế, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, tuyên truyền, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn; chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản.
Phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết; tăng cường cập nhật thông tin thị trường; đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản; ứng dụng chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường tính liên kết vùng để phát triển các trung tâm dịch vụ logistics giảm chi phí vận chuyển, hỗ trợ các dịch vụ xuất khẩu.