Đình làng So thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội) được biết đến là “danh lam đệ nhất xứ Đoài”. Đình mang một kiến trúc đình chùa tiêu biểu của đồng bằng Bắc Bộ. Ngôi đình tọa lạc trên một mảnh đất rộng, phía trước có hồ bán nguyệt. Đình được xây dựng năm 1673 thờ Tam vị Đại Vương là tướng nhà Đinh có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng - Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân.
Cổng tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên là hai lối cửa nhỏ để ra vào. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vẫn còn nguyên vẹn, đẹp và tinh xảo.
Ông Vương Đắc Tâm (69 tuổi, thủ từ đình làng So) cho biết, toàn bộ hình tượng rồng, cá chép hóa rồng ở cổng tam quan đều được đục kênh bong (đục bằng tay) rất tinh xảo.
Chạm khắc đề tài phong phú nhưng tại đây hình tượng rồng là đề tài chính. Trong bộ tứ linh này, trung tâm là hai con rồng lớn đang trong tư thế quay đầu vào nhau.
Đình bao gồm các hạng mục: Đại bái, Hậu cung, hai dãy Tả - Hữu vu, Nghi môn, Khu đình chính được đặt ở vị trí trung tâm. Đại bái gồm 7 gian 2 dĩ, chiều rộng 14m, chiều dài 34m; xung quanh là hệ thống cửa bức bàn, sàn gỗ chạy dọc hai bên.
Bên trong đình, không gian cao, rộng, thoáng đãng gồm 7 gian hai chái, gian Đại điện nằm ở chính giữa trũng hơn hẳn so với các gian ở hai bên. Đây là nơi đặt án hương thờ nhà Thánh, cũng là nơi diễn ra các nghi lễ quan trọng trong dịp hội hè lễ Tết.
“Tổng cộng các tòa ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ bằng gỗ lim. Đình chính có 32 cột gỗ lim lớn nhỏ xếp thành 6 hàng ngang”, ông Tâm cho hay.
Mặt sàn trong đình cũng được làm bằng gỗ lim.
Các mảng chạm khắc kết hợp nhiều phong cách khác nhau tạo ra sự đa dạng trong trang trí từ chạm nổi hoa lá cách điệu (tùng – cúc – trúc – mai) đến chạm “tứ linh” tạo nên những mảng không gian đa chiều của kiến trúc.
Đình còn lưu giữ được nhiều đạo sắc phong từ thời Đinh đến thời Nguyễn. Đình làng So được xếp hạng di tích Lịch sử – Văn hóa ngày 10/7/1980 và được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia Đặc biệt vào năm 2018.
Hội làng So diễn ra trong 3 ngày từ mùng 8 tháng 2 đến mùng 10 tháng 2 âm lịch với nhiều hoạt động tế lễ, rước kiệu, bịt mắt bắt dê, hát, thể thao …