Tại Hội nghị, hơn 200 chuyên gia đã thảo luận nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phát triển thương hiệu quốc tế, cải tiến mẫu mã bao bì, đa dạng hoá sản phẩm, đổi mới công nghệ bảo quản chế biến nhằm đảm bảo mỗi sản phẩm mang đến sự trải nghiệm ấn tượng về trà Việt.
Đồng thời nhấn mạnh, việc thấu hiểu và tôn trọng những giá trị văn hóa trong quá trình chế biến và phong cách thưởng thức trà không chỉ làm cho sản phẩm gần gũi với nguồn gốc mà còn tạo ra sự độc đáo để thu hút người tiêu dùng toàn cầu.
Nhân dịp này, Viện Văn hóa và Kinh tế Việt Nam - Asean đã ký kết hợp tác với Trường đại học Khoa học và công nghệ Hà Nội về việc triển khai đề tài nghiên cứu khoa học “Phân tích dược tính của trà San Tuyết cấp phân tử” và ký kết hợp tác với Công ty cổ phần trà dược Núi Đèn về việc xuất bản cuốn sách “Trà Dược - Nghệ thuật uống trà của người Việt”.
Theo TS. Phạm Xuân Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa và Kinh tế Việt Nam - ASEAN, trong thời gian tới, Viện Văn hóa và Kinh tế Việt Nam - ASEAN sẽ tập trung vào một số hoạt động: Giới thiệu trà Shan tuyết cổ thụ Việt Nam; Hợp tác viết sách trà dược - nghệ thuật uống trà của người Việt; Hợp tác làm đề tài nghiên cứu dược tính của trà với thể trạng người Việt; Giới thiệu nghệ thuật uống trà và Tiệc trà cửa người Việt; Đào tạo nghệ thuật trà thông qua trà Việt kết nối kinh tế khối ASEAN...
Được biết, tại Festival Sinh Vật Cảnh Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 30/8 - 18/9/2024 tới đây, Viện Văn hóa và Kinh tế Việt Nam - ASEAN sẽ tổ chức Không gian Trà Việt nhằm mang đến những trải nghiệm thú vị về văn hóa thưởng trà của người Việt cho công chúng Thủ đô và du khách Quốc tế tham dự Festival giàu ý nghĩa nói trên nhân kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).