Vĩnh Phúc: Thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở hoạt động  hiệu quả, thường xuyên, liên tục

Chiều 28/9, tại Trường tiểu học Liên Minh, Liên Bảo, Tp Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), đã diễn ra Hội thảo “Giải pháp phát triển thư viện các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả, thường xuyên, liên tục”.
img-9374-1727511817.jpeg
Quang cảnh Hội thảo

Đến dự Hội thảo có đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc; Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc; Các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên và đại diện các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

img-9382-1727516089.jpeg

Bà Nguyễn Thị Kim Chung (đứng phát biểu), Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Tp Vĩnh Yên, được  giao Chủ nhiệm Đề tài, nêu rõ: Thực hiện nhiệm vụ khoa học năm 2024; Căn cứ Quyết định số: 2456/QĐ-UBND ngày 13 tháng 11 năm 2023 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc về việc phê duyệt kết quả tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, bắt đầu từ năm 2023 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc – Đợt 3, 4. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Yên là cơ quan được tỉnh lựa chọn để thực hiện đề tài “Giải pháp phát triển thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả thường xuyên, liên tục”.

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên, giáo viên và các cán bộ quản lý chia sẻ, trao đổi tri thức mới, những giải pháp cần thiết để xây dựng, phát triển thư viện nhà trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Qua đó đề xuất những giải pháp tối ưu nhất để phát triển thư viện trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả thường xuyên liên tục.

img-9381-1727512727.jpeg
Đại biểu thảo luận tại Hội thảo

Các nhà khoa học, chuyên gia đã trình bày các tham luận và thảo luận đều đưa ra các giải pháp cần thiết để xây dựng, phát triển thư viện các nhà trường ở hai khối tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn góp phần nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Tổng kết hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Chung nhấn mạnh, bên cạnh các báo cáo khoa học có chất lượng, ngành Giáo dục thành phố đã giới thiệu về thư viện số đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc. Mô hình Xã hội học tập trong kỷ nguyên số. Đây cũng tiêu chí phải có đối với các trường tiểu học, trung học cơ sở khi xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Sau hội thảo  này, cơ quan đang thực hiện đề tài của Sở Khoa học và Công nghệ là phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vĩnh Yên sẽ hoàn thành để báo cáo và giới thiệu tới các nhà trường trong toàn tỉnh Giải pháp phát triển thư viện các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động hiệu quả, thường xuyên, liên tục với mục tiêu: sản phẩm của đề tài là sự kết hợp các loại hình thư viện hiện có như thư viện số, thư viện truyền thống, thư viện xanh, thư viện mở, thư viện di động... và giải pháp tối ưu để hoạt động hiệu quả, thường xuyên, liên tục.

Trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, Trường Tiểu học Khai Quang, là một trong những trường học đầu tiên của tỉnh xây dựng mô hình thư viện xanh. Đến nay, thư viện của nhà trường có hơn 2.000 đầu sách, chủ yếu là sách thiếu nhi, sách tham khảo, báo, truyện tranh, gần gũi với cuộc sống và lứa tuổi học trò. Hay,  ở Trường tiểu học thị trấn Vĩnh Tường, huyện Vĩnh Tường, mô hình thư viện trên cây mới đưa vào hoạt động đã tạo hứng thú, thu hút nhiều học sinh tham gia đọc sách. 
Trong thời gian tới, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên sẽ xây dựng và thực nghiệm 2 mô hình thư viện nhà trường trên địa bàn. Sau đó, mô hình được áp dụng trên địa bàn tỉnh đối với cấp Tiểu học và THCS.