Dẫu biết lần đầu dự World, người hâm mộ bóng đá nữ Việt Nam không kỳ vọng gì nhiều ở đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, nhưng việc có đại diện đua tài ở tầm thế giới cũng làm vẻ vang vị thế của quốc gia trên đấu trường quốc tế.
Với riêng các cô gái đá bóng, được mang sắc áo của quốc gia, được chào cờ Tổ quốc trên đấu trường thế giới là một vinh hạnh lớn lao, không dễ có được trong đời cầu thủ.
Xin chúc mừng các cầu thủ nữ và Ban huấn luyện cùng những người làm bóng đá Việt Nam.
Phút thứ 7': Nữ Việt Nam có bàn thắng đầu tiên Bàn thắng đến từ tình huống phạt góc của đội tuyển Việt Nam. Tuyết Dung có tình huống đá phạt góc như đặt vào vị trí của Chương Thị Kiều. Trung vệ nữ mang áo số 3 này đã hoàn thành xuất sắc tình huống bằng pha đánh đầu rất căng, phá lưới khung thành của tuyển nữ Đài Bắc Trung Hoa. Bàn thắng của Chương Thị Kiều giúp Việt Nam vươn lên dẫn trước Đài Bắc Trung Hoa trong hiệp đấu đầu tiên. Nếu tỷ số này được giữ nguyên, Việt Nam sẽ giành vé dự World Cup 2023. Trong hiệp 1, Việt Nam cầm bóng đến 72%. Phút thứ 50': Nữ Việt Nam bị thủng lưới Cầu thủ số 19 Su Yu-Hsuan bên phía Đài Bắc Trung Hoa đã có tình huống dứt điểm quyết đoán vào lưới thủ môn Kim Thanh để gỡ hòa. Đây là tình huống mà hàng thủ Việt Nam chưa quyết liệt. Phút thứ 56': Nữ Việt Nam có bàn thắng thứ hai Bích Thùy sút tung lưới Đài Bắc Trung Hoa, tái lập thế dẫn bàn của Việt Nam. Trọng tài đã công nhận bàn thắng sau khi tham khảo VAR. Đây là tình huống là cầu thủ mang số 23 của chúng ta khống chế bóng rất tốt trước khi tung ra cú dứt điểm trái phá. Trận đấu kết thúc với chiến thắng 2 – 1 thuộc về đội tuyển nữ Việt Nam. Tham khảo: https://vnexpress.net/viet-nam-vs-dai-loan-4424412.html |
Nhân đây, chúng ta ôn lại những ngày gian khó và vượt lên của các cô gái Vàng Việt Nam.
Phải trải qua 90 năm, kể từ khi bóng đá nữ du nhập Việt Nam, bóng đá nữ Việt Nam bây giờ mới được góp mặt tại đấu trường thế giới. Vì vậy, chiến thắng này còn dành tri ân người hâm mộ và những người phát triển môn bóng đá nữ tại Việt Nam từ thủa ban đầu.
Năm 1932 ông kỹ sư canh nông Phan Khắc Sửu – Người sau đó làm Tổng thống Việt Nam Cộng hòa giai đoạn 1964 – 1965 - thành lập đội bóng đá nữ đầu tiên của Việt Nam. Đội mang tên Cái Vồn (Equipe Feminine de Cai-Von), tên gọi dân dã như chính xuất thân từ miệt vườn của các cầu thủ. Những chị nông dân, phu khuân vác, phu kéo xe tại miệt vườn Cần Thơ là cầu thủ của đội. Sau có thêm đội Bà Trưng ở miệt Rạch Giá – Long Xuyên rồi tiếp đến là các đội Huỳnh Ký, Thủ Dầu Một...
Năm 1933 tại sân Mayer, đội nữ Cái Vồn thi đấu ngang ngửa với đội nam Paul Bert với kết quả hòa 2-2. Sân Mayer xưa nằm trong khu tứ giác : Hiền Vương, (Võ Thị Sáu) - Đoàn Thị Điểm (Trương Định) - Bà Huyện Thanh Quan và Yên Đổ (Lý Chính Thắng) có sức chứa 6000 người, lớn gấp đôi sân Tao Đàn lúc ấy chỉ chứa 3000 người. Mãi về sau, nhiều người cao tuổi ở Sài Gòn vẫn kể cho con cháu nghe trận cầu lịch sử đầy cảm xúc này.
Cũng tại miền Nam, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương tiên phong trong việc phục hồi bóng đá nữ.
Năm 1984, khi đấy ngành thể thao Việt Nam chưa chấp nhận môn bóng đá nữ trong hệ thống thi đấu quốc gia. Ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ nhiệm CLB bóng đá Lam Sơn, về sau làm Trưởng phòng TDTT quận 5, rồi ông Trần Thanh Ngữ, Trưởng phòng TDTT quận 1 thành phố Hồ Chí Minh là những người đầu tiên nghĩ đến việc đưa chị em phụ nữ đến với bóng đá.
Các vận động viên điền kinh, các chị bán bánh mỳ, đạp xe ba gác, bán đồ ăn dạo…rủ nhau đến tập. Trụ cột của lứa này là Đỗ Thị Mỹ Oanh, sau trở thành tuyển thủ quốc gia.
Thời điểm đấy ngành thể thao Việt Nam chưa chấp nhận bóng đá nữ trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Những người làm bóng đá nữ phải vượt qua định kiến và cả cấm cản của ngành để thi đấu.
Khi đó cả nước chỉ có 3 đội bóng nữ.
Tại TP Hồ Chí Minh, đội tập ở sân Tao Đàn do anh Phú, Chủ nhiệm sân kiêm HLV.
Tại Quảng Ninh, ông Đoàn Sơn, cựu HLV đội CAHN, cựu Trưởng bộ môn bóng đá CAND là HLV.
Tại Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang cho đội bóng đá nữ khoác tên Hoa học trò để giảm nhẹ áp lực và mời ông Trần Đình Du, cựu HLV đội CAHN làm HLV trưởng.
Với các vị HLV đẳng cấp và oai phong như vậy nên việc tập luyện của các cầu thủ nữ ở 3 địa phương trên ít bị lãnh đạo săm soi.
Mười năm sau. Tháng 5 năm 1994 có giải đua xe kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đường đua từ Hà Nội, theo từng chặng rồi kết thúc ở Điện Biên. Ông Tư Ngữ bay ra tìm gặp ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic quốc gia. Hai ông bàn cách “lách luật”, đề nghị cho 3 đội bóng đá nữ thi đấu phục vụ đồng bào dọc hành trình của giải đua xe.
Từ Hòa Bình, Sơn La lên tới Điện Biên, các trận thi đấu của 3 đội bóng đá nữ Quảng Ninh, Hoa học trò, Quận 1 TP HCM được bà con các dân tộc miền Tây Bắc và các phương tiện truyền thông đi theo giải đua xe đưa tin và hưởng ứng nhiệt liệt.
Năm tiếp theo, bóng đá nữ tiếp tục được ông Tư Ngữ maketting tại cuộc đua xe đạp Về nguồn. Bà con Cao Bằng và cả vùng Việt Bắc lại có dịp xem các cầu thủ nữ thi đấu.
Những dịp diện kiến lãnh đạo cấp cao, ông Tư Ngữ đều khoe khéo: “Báo cáo các anh. Cả trăm đội bóng đá nam mà có đội nào đi phục vụ nhiệm vụ chính trị được đồng bào Tây Bắc, Đông Bắc chào đón nồng nhiệt như các đội bóng đá nữ đâu !”.
Chiến công của phụ nữ Việt Nam
Bóng đá nữ Việt Nam hiện tại trải nhiều đời Huấn luyện viên : Trần Thanh Ngữ (1997), Steve Darby (2001), Mai Đức Chung (2003-2005), Giả Quảng Thác (2006), Trần Ngọc Thái Tuấn (2006), Ngô Lê Bằng (2007), Vũ Bá Đông (2010), Trần Vân Phát (2007- 2010) và hiện nay, HLV Mai Đức Chung lại đảm nhiệm cương vị cầm quân.
Từ những ngày phải trốn chui trốn lủi để tập luyện, đá bóng bằng những đôi chân trần, tiêu chuẩn bồi dưỡng không có, đến nay bóng đá nữ đã được Nhà nước vinh danh, các cầu thủ nữ đã được xã hội quan tâm chăm sóc.
Với việc đoạt vé tham dự Giải vô địch Bóng đá nữ thế giới, với 5 lần Vô địch SEA Games, 2 lần Vô địch AFF Cup, đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam đang đứng thứ nhất khu vực Đông Nam Á, thứ 6 châu Á và thứ 31 trên thế giới.
Những Cô gái Vàng Việt Nam đã đoạt nhiều thành tích hơn các đồng nghiệp nam trên đấu trường châu lục và khu vực. Đó là niềm tự hào của đồng bào cả nước chứ không riêng những hậu duệ của các Bà Trưng, Bà Triệu.
Chiến thắng của các Cô gái Vàng Việt Nam đã tiếp thêm động lực cho đồng bào mình bước vào năm 2022 đầy tự tin và hy vọng. Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid-19 và hồi phục kinh tế, phát triển xã hội từ những trận thắng đầu Xuân của các tuyển thủ bóng đá nam nữ mang về cho đồng bào mình.
Xin cảm ơn các cầu thủ, các huấn luyện viên và những người làm bóng đá nước nhà!