Chùa Ba Vàng lại “lao xao” chuyện cúng dường?

Mấy ngày nay, Chùa Ba Vàng lại “lao xao” chuyện nhà chùa nhận cúng dường của người dân bằng tiền mặt.

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người tìm chốn lao xao”

Chùa Ba Vàng mấy ngày nay lại “lao xao” bởi việc chư tăng ni nhận cúng dường bằng tiền mặt của người dân trong mùa vu lan báo hiếu! 

Trước hình ảnh chư tăng chùa Ba Vàng tổ chức cúng dường gây nhiều ý kiến trái chiều, chính quyền địa phương yêu cầu chùa rút kinh nghiệm, gỡ bỏ clip trên mạng xã hội về lễ sớt bát cúng dường trong ngày lễ Vu Lan, thực hiện các quy định về hoạt động tôn giáo.

64d77801-e144-44c1-8ed5-19d131f06339-1660728399.jpeg
Ảnh trên trang của Chùa Ba Vàng

Thiết nghĩ chốn Phật đường tôn nghiêm phải là nơi khai sáng trí tuệ cho phận tử, giúp họ bớt “Tham - Sân - Si”, từng bước giác ngộ điều lành, xa rời điều ác. Và hơn hết là giúp họ có một niềm tin tâm linh trong sáng để vững vàng bước trên đôi chân của chính mình. Hơn là việc khiến cho những kiếp người đã quá khổ (một phần do lẫm lỡ hay dại dột vô minh) trong đời sống, muốn tìm đến chốn thanh tịnh để cân bằng cuộc sống, tìm về chốn chân như bản ngã của chính mình, lại một lần nữa bị vướng vào vòng u mê thiếu tỉnh thức. Nếu họ thực hiện hành vi cúng dường bằng tiền, bằng hiện vật để cầu vọng được an lành, được phước báu, chuộc được mọi lỗi lầm đã gây ra hay "báo hiếu" được cho cha mẹ, ông bà, tổ tiên thì đó là sự u mê. 

Trong lễ Vu lan hay hoạt động hành trì "báo hiếu", các bậc tu hành chân chính thường khuyên răn đệ tử, chúng sinh thực hiện đúng tinh thần báo ân - báo hiếu: làm người phải thực hiện bốn ơn nặng (tứ trọng ân) như lời Phật dạy. Đối với cha mẹ, ông bà còn sống con cháu phải sống hiếu thảo, chăm non về vật chất, tinh thần, tình cảm, an ủi, động viên bố mẹ cả 365 ngày trong năm chứ không phải đến ngày lễ Vu Lan báo hiếu mang tiền đi cúng dường là xong. Đó chính là thực hiện trọn vẹn tinh thần báo ân - báo hiếu: “tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Người hạnh phúc nhất chính là còn cha, còn mẹ “phụ mẫu tại đường như Phật tại thế” (cha mẹ còn sống trong nhà giống như Phật tại thế vậy).

Dẫu biết rằng cuộc sống nơi nào cũng có những người “khôn” - kẻ dại, nhưng có lẽ Phật Tổ sẽ chẳng thể vui nếu biết đệ tử của mình dù đúng dù sai cứ gây chuyện “lao xao”, tạo ý kiến trái chiều, gây điều thị phi trong dư luận. 

Nên nhớ, khi khôn hơn người khác hãy nghĩ người khác là con người, khi dại hơn người khác hãy nhớ mình cũng chính là con người.

Câu chuyện người phụ nữ nghèo Ấn Độ trong tác phẩm nổi tiếng của thi hào R. Tagoge đã cúng dường chư Phật "chiếc váy chằng đụp" là tài sản quý giá nhất của bà đã gây nhiều xúc động sâu lắng nhất cho vị khất sĩ và phải thốt lên "Thưa mẹ, đây quả thực là thứ quý giá nhất của mẹ dâng lên đức Phật". 

Điều đó chứng tỏ, cái quý giá nhất mà mỗi chúng ta thành kính dâng lên đức Phật chính là "tấm lòng thiện lương" chân thành của mình, chứ không phải là tiền tài vật chất được tùy tiện dâng nạp cho chư tăng nhân danh Phật pháp một cách phô chương phản cảm.

Bài viết này không có ý bàn luận điều “khôn - dại” trong bài thơ Nhàn của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, càng không bàn đến việc đúng sai tại Chùa Ba Vàng, chỉ thấy buồn khi đọc được câu bình luận “Cúi đầu là bông lúa. Ngẩng đầu là cỏ dại” cho một số hình ảnh đang được lan truyền trên MXH về nhuwngđiều “khôn - dại” hiện hữu trong cuộc sống!

A Di Đà Phật!

* Bài viết thể hiện văn phong, quan điểm, góc nhìn riêng của tác giả.