Chuyển hoá tư tưởng Hồ Chí Minh về nền dân chủ cộng hoà vào đời sống

Trong phạm vi bài viết, tác giả nêu khái quát Cộng hòa là gì? Nhà nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa ở Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác lập, lãnh đạo, vượt qua bao trở lực, hy sinh, gian khổ để hiện thực hóa các gía trị cốt lõi của nền dân chủ vào đời sống xã hội như thế nào? Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, phản bác với những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với nền dân chủ ở nước ta.

Nền cộng hòa là gì?

Khảo cứu sự phát triển của các nền cộng hòa trên thế giới (hay còn gọi là hình thức chính thể cộng hòa) có thể thấy rằng, đây là là kiểu tổ chức nhà nước dân chủ, văn minh của nhân loại. Trong đó, cốt lõi là chính quyền do dân thành lập nên, quyền lực tối cao của nhà nước thuộc về một cơ quan do dân bầu ra trong một thời gian nhất định gọi là nhiệm kỳ.

Chính thể cộng hòa sơ khai được hình thành từ thời cổ đại ở phương Tây với các nền cộng hòa dân chủ ở Aten, cộng hòa quý tộc Xpac, La Mã… Thể chế cộng hòa là sự khởi nguồn những giá trị cốt lõi của đời sống xã hội, vừa mang tính chính trị, vừa mang tính nhân văn được loài người sáng tạo ra. Các công dân tự do được tham gia vào đời sống chính trị, bầu chọn người cai trị mình. Tuy nhiên, lúc bấy giờ quyền lực chỉ tập trung vào tay giai cấp chủ nô; quyền dân chủ, bình đẳng của người dân bị hạn chế, chỉ những người có tài sản mới được được quyền bầu cử, giai cấp nô lệ bị tước đoạt mọi quyền công dân. Các chính thể cộng hòa này phát triển, tồn tại cho đến thời trung cổ, Phục hưng… quyền lực tiếp tục bị thâu tóm vào tay một số ít người giàu có hay do một nhóm người, một giai cấp nắm giữ, mặc dù trên danh nghĩa vẫn do Nhân dân bầu ra [1].

“Dân chủ” là một phạm trù chính trị, có ý nghĩa rộng, có giá trị nền tảng của cả chính thể quốc gia, được định nghĩa hiểu khái quát là chế độ dân chủ, một hình thức chính trị - Nhà nước. Trong đó, quyền lực tối cao thuộc về Nhân dân; Nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia vào việc ra quyết định, thường bằng cách bỏ phiếu để bầu người đại diện trong cơ quan Quốc hội và Hội đồng địa phương, Hội đồng nhân dân hoặc thể chế tương tự. 

Chính thể cộng hòa dân chủ đúng nghĩa chỉ ra đời khi cách mạng tư sản, cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng XHCN thành công tại nhiều nước. Ở đó, người dân được trực tiếp bầu ra người thay mặt mình để quản lý xã hội, quyền lực Nhà nước được tuyên bố thuộc về Nhân dân. Tuy vậy, nhà nước của các quốc gia theo chính thể cộng hòa được thiết kế tổ chức với các mô hình khác nhau, phù hợp với giá trị văn hóa và con người mỗi nước, không rập khuôn. Mô hình phổ biến ở các nước cộng hòa tư sản là Cộng hòa đại nghị, Cộng hòa tổng thống và cộng hòa hỗn hợp, phân lập quyền lực lập pháp, hành pháp, tư pháp. Mô hình ở các nước cộng hòa dân chủ nhân dân ở các quốc gia theo đường lối chính trị định hướng XHCN như nước ta thì Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, HĐND và các cơ quan khác của nhà nước, bằng dân chủ trực tiếp thông qua việc thực hiện quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trong đó có trưng cầu ý dân về Hiến pháp.

Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quyền lực Nhân dân (tức quyền lực Nhà nước) là thống nhất có sự phân công phối hợp giữa 3 quyền: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Thông qua quyền lập hiến, Nhân dân giao quyền lực của mình cho Quốc hội, cho Chính phủ và cho cơ quan tư pháp. Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính cao nhất. Hệ thống tư pháp có Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân. Đảng Cộng sản lãnh đạo bộ máy nhà nước.

Như vậy, để thiết lập và từng bước xây dựng hoàn thiện nền dân chủ cộng hòa, mỗi công dân có quyền chính trị cơ bản về bầu cử, ứng cử; tham gia quản lý nhà nước và xã hội như ngày nay, nhân loại đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh không ngừng nghỉ vì mục tiêu mọi người sinh ra bình đẳng và luôn được hưởng tự do và bình đẳng về quyền lợi – quyền con người - Đó cũng chính là giá trị cốt lõi của nền cộng hòa dân chủ.

Nền dân chủ cộng hòa ở nước ta.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã lật đổ và xóa bỏ hoàn toàn chế độ chính trị và hệ thống chính quyền thực dân phong kiến tồn tại hàng nghìn năm, giành chính quyền về tay Nhân dân, thiết lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 trước quốc dân đồng bào và công luận thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dân ta đã đánh đổ xiềng xích thực dân gần 100 năm để xây dựng nên Nhà nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hòa”, lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Từ đó, mọi công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền chính trị cơ bản của công dân: quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp. Công dân từ 21 tuổi trở lên, không phân biệt nam, nữ đều được hưởng quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND – cơ quan quyền lực nhà nước, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.

Để có được nền dân chủ cộng hòa của dân, do dân, vì dân; dân tộc ta đã phải trải qua quá trình đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ, phải trả bằng xương máu và mồ hôi, nước mắt của biết bao thế hệ, của lớp lớp các bậc cách mạng tiền bối đi trước.

Những giá trị của nền dân chủ thường được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng dân chủ thể hiện trên lĩnh vực chính trị là quan trọng nhất. Trong đó, biểu hiện rõ và tập trung nhất là trong tổ chức và hoạt động của chính quyền từ địa phương đến trung ương. Quan điểm và thể chế quyền dân chủ chính trị thuộc về Nhân dân, phục vụ cho lợi ích của Nhân dân được Đảng và nhà nước ta không ngừng phát triển, xây dựng hoàn thiện theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là : “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra các hội đồng nhân dân, ủy ban kháng chiến hành chính địa phương, và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương ... Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”[2].

Để thể chế hóa và chuyển hóa các giá trị cốt lõi của nền dân chủ cộng hòa vào đời sống xã hội nước ta, chỉ 1 ngày sau ngày Tuyên ngôn độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu 6 nhiệm vụ cấp bách, trong đó có nhiệm vụ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu và soạn thảo Hiến pháp dân chủ.

Ngày 8-9-1945, Chủ tịch Chính phủ ra Sắc lệnh số 14-SL quy định sẽ mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội, Điều 2 của Sắc lệnh ghi rõ: “Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”.

Vượt qua bao khó khăn, trở lực trong bối cảnh thù trong, giặc ngoài lúc bấy giờ đang âm mưu xóa bỏ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới thành lập, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta theo những nguyên tắc dân chủ, tiến bộ nhất: Phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín đã diễn ra ngày 6-1-1946 thành công trên toàn cõi đất nước Việt Nam, kể cả các vùng đang có chiến sự ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Hơn 89% cử tri cả nước đã đi bỏ phiếu, bầu ra 333 đại biểu vào Quốc hội Khóa I – Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 là mốc son chói lọi, mở lối tiên phong cho con đường phát triển nền Dân chủ Cộng hòa của nước Việt Nam sau hàng nghìn năm bị thống trị bởi chế độ phong kiến và gần 100 năm xiềng xích thực dân. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thể hiện khát vọng dân chủ tự do và tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; là minh chứng cho quyết tâm chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn Đảng một lòng vì nước, vì dân, hiện thực hóa các giá trị cốt lõi của nền dân chủ cộng hòa vào đời sống, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự cường, dân chủ, giàu mạnh.

“Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”

Kể từ bản Hiến pháp đầu tiên ra đời năm 1946 đến nay, trải qua hơn 70 năm xây dựng và hoàn thiện nhà nước của dân, do dân, vì dân; lịch sử lập Hiến, lập pháp, nước ta có 05 bản Hiến pháp (Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013), 06 Luật Tổ chức Quốc hội, 07 Luật tổ chức Chính quyền địa phương được ban hành gắn liền với mỗi giai đoạn phát triển của dân tộc. Dù mô hình tổ chức bộ máy chính quyền và tên gọi có khác nhau nhưng địa vị pháp lý của cơ quan quyền lực Nhân dân và giá trị cốt lõi của nền dân chủ cộng hòa luôn được khẳng định trong tinh thần Hiến pháp, pháp luật và trên thực tế như một chân lý khách quan. Các cơ quan quyền lực nhà nước từ trung ương đến địa phương đều do dân bầu ra, là những người đại biểu của Nhân dân, thi hành mệnh lệnh, ý chí của Nhân dân, sự ủy quyền của Nhân dân. Khi hết nhiệm kỳ, Nhân dân thu hồi lại quyền của mình và trao quyền ấy cho những người đại biểu Nhân dân ở nhiệm kỳ mới do dân bầu. Cơ chế ấy đã vượt qua nhiều thử thách, không ngừng được đổi mới, hoàn thiện, chứa đựng sâu sắc bản chất của một nhà nước pháp quyền kiểu mới, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, vận hành thực thi quyền dân chủ sinh hoạt chính trị toàn dân trong suốt chiều dài lịch sử hoạt động của nhà nước Việt Nam từ khi ra đời cho đến nay, tô thắm và làm sâu sắc thêm giá trị tốt đẹp của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta. Đó là minh chứng thực tiễn sinh động mà mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch không thể phủ nhận, không thể làm lung lay niềm tin của Nhân dân đối với chế độ chính trị do Đảng ta lãnh đạo.

Hiện nay, cả hệ thống chính trị và toàn dân đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII của Đảng. Với tinh thần “Nhiệm vụ của Đảng ta ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác”[3], mọi tổ chức của nhà nước, mỗi cán bộ, đảng viên trên các cương vị công tác – tùy theo nhiệm vụ được Đảng phân công, Nhân dân tín nhiệm – phải là những nhân tố gương mẫu cao nhất bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; hành động tích cực, góp phần bảo vệ và không ngừng chuyển hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về các giá trị của nền dân chủ cộng hòa vào đời sống, hun đúc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và chế độ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

 [1]- TLTK: PGS.TS Nguyễn Đăng Dung, Nguyễn Chu Dương - Lược giải tổ chức bộ máy nhà nước của các Quốc gia - NXB Tư pháp, HN. 2007.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.261.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9,Nxb CTQG, Hà Nội, 2011,  tr. 31.