Chuyện làng - Chuyện phố: “Nuốt” đất làm trang trại... kiếm chác 30 tỷ đồng ? - Kỳ 6

Những ngày giữa hạ nóng bức, cựu chiến binh, nhà thơ họ Hàn vừa bật ti vi xem chương trình đầu giờ buổi tối bắt gặp ngay tin “hot” cả Bộ trưởng và một loạt thuộc cấp của Bộ chuyên “lo việc làm và các vấn đề xã hội” đã vi phạm nghiêm trọng liên quan đến các gói thầu do Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc tế (AIC) và các doanh nghiệp trong hệ sinh thái AIC thực hiện, trong đó đáng chú ý có vị Thạch Phí, nguyên Thứ trưởng là người làng quê này.

dt5datcong-1721838512.jpg

Tranh biếm họa của họa sĩ Lê Phương (LEO). Nguồn: congan.com.vn

 

Cựu chiến binh họ Hàn liền dùng máy ĐT thông minh ghi âm giọng đọc của biên tập viên VTV1: Những vi phạm đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chiến lược phát triển dạy nghề, gây hậu quả nghiêm trọng, khó khắc phục; nguy cơ thiệt hại, lãng phí rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước và nguồn nhân lực xã hội; dư luận bức xúc, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Thông tin chấn động này làm cả làng xã Lạc Y bàn tán hỉ hả. Thạch Phí “chứng nào tật ấy” là tên lưu mạnh, không chỉ tham lam khi công tác ở tỉnh mà về trên gần “mặt trời” vẫn tái phát căn bệnh hám lợi, tham tàn.

Ngay sáng sớm hôm sau, các Cựu chiến binh đã tụ hội tại “lều” thơ nhà họ Hàn vừa thưởng thức đặc sản chè San Tuyết (Hà Giang) vừa đàm đạo thế sự. Có vị  Đại tá từng công tác ở Tỉnh đội lên tiếng: Thằng cha Thạch Phí này “chứng nào tật ấy”. Hắn cũng là cựu chiến binh, sau khi giải ngũ đi học cao đẳng kiểm sát. Học xong, Thạch Phí được tuyển về công tác ở viện kiểm sát nhân dân tỉnh lớn. Bố vợ Thạch Phí khi đó là Trưởng ban tổ chức tỉnh, là chỗ dựa để tiến thân. Khi chưa tách tỉnh, Thạch Phí đã là Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tỉnh, từng “nổi tiếng” là người “làm kinh tế giỏi”. Hắn ta đã có nhiều đất đai, tài sản, tham gia cổ phần ở một số công ty, là người “nhạy bén” với kinh tế thị trường.

Khi tách tỉnh, Thạch Phí làm Phó chủ tịch thường trực, rồi lên làm Chủ tịch tỉnh, thay Trần Bố lên làm Bí thư Tỉnh uỷ. Cả hai nhân vật này tuy có công thu hút đầu tư nước ngoài, tạo bước đột phá về công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh thoát khỏi cảnh “thuần nông” nhưng cũng đã để lại nhiều hậu quả xã hội về tiêu cực, tham nhũng đến bây giờ mới bung bét ra, chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.

Là người từng trải, Thạch Phí đương nhiên hiểu biết pháp luật hơn ai hết. Không rõ do ông ta quẫn trí tự nghĩ ra hay do vợ con xui khiến, hay cả tin nghe lời xu nịnh, bày đặt kéo cả mẹ vợ ở tuổi “gần đất xa trời” vào cuộc “nuốt” đất đai làm trang trại đầy tai tiếng.

Có quyền trong tay, Thạch Phí đã phù phép cho nhạc mẫu làm bìa đỏ đứng tên quyền sử dụng gần 10 ha đất đồi nay thuộc thành phố trực thuộc tỉnh theo hình thức làm trang trại trồng cây ăn quả. Trong khi đó, nhạc mẫu ông ta không thuộc đối tượng giao đất theo Nghị định 64/CP ngày 27-9-1993 của Chính phủ, vì không phải là nhân khẩu thường trú tại địa phương này mà quê ở huyện khác.

Lẽ ra, ông ta làm động tác kỹ thuật chuyển hộ khẩu của mẹ vợ về nơi định xin đất làm trang trại, sau đó một thời gian rồi mới làm thủ tục xin cấp đất thì không sai. Là người đang nắm quyền trong tay, am hiểu về pháp luật đất đai mà lại mắc sai phạm sơ đẳng như vậy, suy cho cùng chỉ vì tham sân si. Sai lầm này như là vận hạn kéo dài suốt cuộc đời Thạch Phí.

Suốt nhiều năm qua, Thạch Phí luôn bị kiện cáo về “nuốt” đất. Các cơ quan kiểm tra, thanh tra cấp trên đều về tỉnh làm việc về vụ việc này, phải tiếp đón, hầu tra mệt mỏi. Đi kèm theo đó, báo chí trong Nam, ngoài Bắc đồng loạt lên tiếng phanh phui bêu riếu cả ảnh sổ đỏ đứng tên nhạc mẫu của vị Thạch Phí “nuốt” đất làm trang trại, làm cho hình ảnh vị này từng được coi là người tận tâm đóng góp xây dựng tỉnh bỗng chốc đổ xuống sông, xuống biển.

Tuy vậy, sau khi thanh, kiểm tra, cấp có thẩm quyền vẫn đồng ý cho Thạch Phí thuê gần 10 ha đất 49 năm tính từ nửa cuối năm 2009 với giá thuê khi đó rẻ như bèo, chỉ 275 đồng/m2. Tuy là đất cho thuê để duy trì dự án trồng cây ăn quả nhưng sau khi về nghỉ hưu, Thạch Phí đã bán cho đại gia Công ty tư nhân Lạc Hương mà dư luận xì xầm kiếm chác 30 tỷ đồng, buôn bán gì để có số tiền lớn như vậy? Xuất phát từ lòng tham, hắn bất chấp dư luận, mà không nghĩ rằng bị mất lòng tin là mất tất cả !

Cay cú, thù tức với Ngô Quyên khi làm lãnh đạo thành phố tỉnh lỵ đã ký quyết định thanh tra đất trang trại nêu trên, Thạch Phí đã cấu kết với Phụng Tiên khi đó là Giám đốc Sở Thức thi pháp luật dựng lên vụ án “Trang trại Đồng Cam” gây ra oan trái cho Ngô Quyên, Hữu Lai cùng một số cán bộ phải vào tù. Người bị oan vẫn đang kiện tụng, gây bức xúc dư luận xã hội kéo dài từ năm 2011 đến nay. Vì vụ án này không có cơ sở chắc chắn xác định thiệt hại về “Lợi dụng chức quyền trong khi thi hành công vụ”, đang đợi giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Việc làm thất nhân tâm của Thạch Phí, Phụng Tiên “hình sự hóa” quá mức vụ án “Trang trại Đồng Cam” đều đang bị quả báo. Từ khi về nghỉ hưu cả Thạch Phí và Phụng Tiên bị mọi người tẩy chay, không dám đi đâu như bị giam lỏng tại gia, sống cô độc coi như “chết rồi”. Nay Thạch Phí  chính thức bị réo tên mắc sai phạm khi làm “Thứ trưởng” bị kỷ luật cảnh cáo. Không những vậy, cả Thạch Phí và Phụng Tiên hiện như đang ngồi trên đống lửa, lo sốt vó không biết thằng “Đại gia Tiền Nổ” đã bị bắt cuối tháng 2/2024 có khai ra lót tay bao nhiêu khi hai vị này làm Chủ tịch tỉnh và Giám đốc sở ? “Còng số 8 đang treo lơ lửng trên đầu Thạch Phí và Phụng Tiên.

Khi còn đương nhiệm là Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ, Nguyễn Chút là người thẳng tính, kiên quyết ngăn chặn không để Thạch Phí từ Phó bí thư, Chủ tịch tỉnh lên làm Bí thư Tỉnh uỷ khi Trần Bố luân chuyển về trên, đã nhiều lần bộc bạch nhận xét:

- Lão Thạch Phí mặt dơi, tai chuột, cổ cò có 4 đứa con, hai trai, hai gái. Hai thằng con trai thì một thằng nghiện, một thằng bị liệt. Thằng con trai đầu nhà nó mấy lần sốc thuốc suýt chết.

(Còn nữa)

Q.Y