Trong khuôn khổ Dự án “Hợp tác chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã” do Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) Việt Nam điều phối, các nhà phân tích đã truyền đi thông điệp: Hãy dừng lại trước khi quá muộn, trước khi đẩy các loài hoang dã vào cái chết thảm thương, cũng như trước khi rừng lặng tiếng chim ca. Cần phải sống trong hệ sinh thái mà ở đó, mỗi loài đều là một mắt xích quan trọng không thể tách rời sự sống của muôn loài.
Thịt thú rừng tăng cường sức khỏe và thực trạng quản lý ở nước ta
Số đông người Việt tin rằng, thịt thú rừng bổ dưỡng cho sức khỏe, hỗ trợ chữa khỏi nhiều bệnh nan y; tiêu thụ thú rừng đã trở thành trào lưu cuộc sống. Thịt thú rừng ở nước ta có nguồn gốc từ những động vật hoang dã săn bắt từ rừng, trong cả những khu rừng bảo tồn và vườn quốc gia được coi là những nơi hành vi săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD) bị kiểm soát nghiêm ngặt. Mặt khác, phần đáng kể thịt thú rừng đã được nhập lậu từ nước ngoài. Trên thị trường, có thịt thú được nuôi nhốt trong các trang trại. Tuy nhiên, thực khách thường không mặn mà với các loại thịt không có tính “hoang dã” này.
Hiện tượng săn bắt tận diệt đã xảy ra ở nhiều nơi, dẫn đến nhiêu “tụ điểm” hoặc nhà hàng đặc sản thú rừng từng hoạt động sôi động đã phải đóng cửa, do nguồn thú cạn kiệt hoặc trước nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, sự suy giảm về số lượng loài còn gây mất cân bằng sinh thái tự nhiên; loài gây hại phát triển mạnh do không còn thiên địch. Số khác, đặc biệt là thú ăn thịt, trước nguy cơ chết đói vì không kiếm được thức ăn.
Không chỉ ở những nước kém phát triển Châu Phi, Nam Á hay Việt Nam ăn thịt thú rừng mà hàng năm, nhiều quốc gia có nền kinh tế, giáo dục, y tế phát triển như Mỹ, Canada, các nước châu Âu và Nhật Bản cũng từng tiêu thụ một lượng đáng kể thú rừng. Cho dù vậy, vẫn có sự khác biệt trong cách săn bắt và tiêu thụ thú rừng bao hàm cả về mục đích, loài được phép săn bắt và quan trọng là quy trình kiểm dịch, hạn chế tối đa khả năng lây bệnh cho người và cả cộng đồng.
Thịt thú rừng ở Việt Nam thường được thu gom từ nhiều nguồn. Người ta thường dùng hóa chất để chống thối rữa, đông lạnh; sau đó mới chuyển đến những nơi tiêu thụ. Khi đó, thú rừng không còn là đặc sản mà lại là loại thực phẩm chưa được kiểm dịch. Người ăn không tránh khỏi chất độc hoá học ngấm vào từng miếng thịt để giấu đi mùi thật. Nguy hiểm hơn là mối liên quan giữa ăn thịt thú theo kiểu sống-tái-nội tạng với nguy cơ lây nhiễm bệnh chưa từng biết, dễ dẫn đến đại dịch như Ebola, SARS và H5N1.
Thịt thú rừng bổ dưỡng và đẳng cấp xã hội (Ảnh minh họa: WWF)
Như vậy là, việc sử dụng thịt thú rừng bừa bãi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng mà còn mang nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng. Tăng cường thực thi pháp luật để hạn chế, tiến tới kiểm soát được tình trạng săn bắt, vận chuyển, mua bán, tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD, đặc biệt là những loài nguy cấp là một yêu cầu cấp thiết. Ngoài ra, khảo sát những người ăn thịt thú rừng còn cho thấy, các cơ quan chức năng, tổ chức truyền thông, các nhà giáo dục và hoạt động môi trường chưa đẩy mạnh giáo dục đầy đủ để nâng cao nhận thức toàn dân về môi trường, cảnh báo các nguy cơ gặp phải khi sử dụng sản phẩm ĐVHD không rõ nguồn gốc và chất lượng. Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, nhóm cán bộ nhà nước là những đối tượng cần được nâng cao nhận thức và phải làm gương. Các cơ quan nhà nước cần quy định và có hình thức kỷ luật thích đáng đối với số người vi phạm.
Giới nghiên cứu đã gửi đến người sử dụng động vật hoang dã 2 thông điệp quan trọng đó là: Đừng biến rừng thành “nơi chết lặng”; hãy để rừng phục hồi sự sống. Thứ hai là, người có thói quen sử dụng ĐVHD, chưa sẵn sàng nghĩ đến lợi ích thiên nhiên, thì ít nhất cũng phải nghĩ đến sức khỏe của bản thân và những người ở xung quanh mình.
Hiện nay, địa bàn miền núi một số tỉnh vẫn còn tình trạng lén lút kinh doanh, buôn bán thịt thú rừng. Tại nhiều huyện, sự ráo riết vào cuộc của lực lượng chức năng khiến hành vi phạm pháp có trầm lắng. Nhưng gần đây, đâu lại vào đấy! Với lời tự giới thiệu là đầu nậu về thịt ĐVHD và sản phẩm; nhiều người đã khẳng định mặt hàng họ bán là thịt thú rừng 100%. Qua điều tra, tại thị trấn Bắc Trà My, nhiều cửa hàng trang sức, cá nhân còn bán các sản phẩm ĐVHD. Ở đây, có gấu nuôi lấy mật và xẻ thịt; giá thịt thú thông thường rẻ nhất là 300 nghìn đồng và đắt lên trên 600 nghìn đồng/kg. Nhiều người khẳng định, các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đều có móng gấu, giá ngang bằng nhau và chỉ chênh nhau về việc bọc vàng có thẩm mỹ hay không. Khi bày tỏ nhu cầu mua hàng để gửi biếu bạn bè ở Hà Nội, người bán quả quyết có thể gửi xe khách hoặc qua các đường bưu điện, chỉ với điều kiện là khách phải đặt cọc tiền trước.
Từ cuối năm 2020 đến tháng 6/2023, trên toàn địa bàn tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và xử lý 92 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD, xử lý 83 vụ vi phạm mua bán, vận chuyển trái pháp luật, thu giữ 1.576 cá thể và số tiền xử phạt lên trên 331,95 triệu đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã thả lại môi trường tự nhiên trên 1.229 ĐVHD và tiến hành tiêu hủy những cá thể chết hoặc bị bệnh và tịch thu hơn 9.920 bẫy săn bắt (Theo ĐôngYên, báo Quảng Nam).
Nhiều năm trước, các nhà bảo tồn toàn cầu đã nhắc đến khái niệm “rừng lặng” (silent forest). Rừng Việt Nam đang đứng trước nguy cơ này. Nhu cầu gia tăng về thịt thú rừng đã thúc đẩy người dân vùng rừng núi khai thác tận diệt thú rừng bằng nhiều loại bẫy. Theo Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (WWF), số lượng bẫy thú rừng ước tính tại Việt Nam vào bất kỳ thời điểm nào cũng có trên 5 triệu chiếc và hơn 700 loài thú; trong đó có nhiều loài đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì những chiếc bẫy này.
Bẫy thú khiến rừng vắng lặng
Thú rừng sập bẫy (Ảnh WWF)
Từ những con thú nhỏ đến những loài thú lớn quý hiếm, chúng đều không thể tránh khỏi hiểm nguy khi sập bẫy được giăng ở khắp mọi nơi. Thú rừng phải chịu đau đớn đến chết khi mắc bẫy hoặc nếu thoát được cũng khó tránh khỏi cái chết thảm thương bởi các vết nhiễm trùng. Kể cả khi đã được cứu hộ, nhiều cá thể cũng khó trở lại với rừng già, vì đã mất đi bản năng sinh tồn vốn có.
Trong 3 năm gần đây, riêng lượng bẫy thu được tại Vườn quốc gia Pù Mát đã lên khoảng 10.000 chiếc. Trước đây, người dân đặt bẫy theo cách truyền thống, ngày nay, họ đặt từng cái bẫy đơn lẻ nên khó thu hồi. Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam cho biết: "người ta chặt cây để làm hàng rào, có hàng nghìn dây bẫy được đặt trên các hàng rào này, khiến nhiều cá thể (đến hàng trăm, hàng nghìn con) chết, bị thối rữa trên các hàng bẫy do người dân chưa kịp lấy đi. Đây là lý do vì sao các khu rừng thường được gọi là “rừng lặng”.
Thay cho lời kết
Bảo tồn Đa dạng sinh học ở Viêt Nam đã được chính thức khởi động từ tháng 12 năm 2022, Chiến dịch truyền thông của Chương trình nhằm giảm nhu cầu tiêu thụ thịt ĐVHD và nâng cao nhận thức cộng đồng về các nguy cơ liên quan tới vấn nạn tiêu thụ thịt thú rừng.
Thịt thú rừng với nguy cơ thường trực là thông điệp chính của chiến dịch. Các nhà phân tích đã làm rõ ba nguy cơ gắn liền với hành vi tiêu thụ thịt ĐVHD đó là sức khỏe cộng đồng, nguy cơ lao lý và những tác động tiêu cực đối với thiên nhiên.
Là một trong những quốc gia đa dạng sinh học bậc nhất thế giới, Việt Nam đã qua những chặng đường sụt giảm về ĐVHD. Sự tham gia của cộng đồng có vai trò. sống còn nhằm giảm nhu cầu về mua bán sản phẩm ĐVHD.
Để đạt được mục tiêu mong muốn, phải có sự thay đổi trong hành vi của từng cá nhân, chuẩn mực và quan niệm xã hội. Hành vi tiêu thụ thịt thú rừng và sản phẩm ĐVHD là không thể chấp nhận được. Điều cần là tất cả mọi người cần chấm dứt hành động bất lợi để ngăn ngừa nguy cơ và rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, phải đảm bảo cơ hội sinh tồn cho các quần thể động vật sống trong tự nhiên.
Giám đốc Bảo tồn Đa dạng sinh học WWF-Hoa Kỳ cho biết. Trong các dự án lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn VN cần phối hợp chặt chẽ với các đối tác trong và ngoài nước, nhằm duy trì và tăng cường chất lượng của 21 vùng rừng đặc dụng và phòng hộ, bảo vệ và duy trì ổn định quần thể ĐVHD tại những tỉnh có giá trị đa dạng sinh học cao.
Hệ thống rừng trồng ở Việt Nam (Ảnh minh họa)
Tổ chức Liên hợp quốc đã chọn ngày 21 tháng 3 hàng năm là Ngày Quốc tế về Rừng (International Day of Forests- IDF-), nhằm chung tay phục hồi lại những cánh rừng đã mất; nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của rừng và đưa ra các giải pháp bảo vệ, phát triển rừng bền vững.
Rừng là nơi sinh sống của đa dạng sinh học trên cạn, đóng vai trò hấp thụ khí CO2, trả lại oxy cho sinh giới và giảm hiệu ứng nhà kính. Trên toàn cầu có 1,6 tỷ người sống phụ thuộc trực tiếp vào rừng; trên 1/8 loài động, thực vật trước nguy cơ tuyệt chủng với gần 2 tỷ ha diện tích đất bị suy thoái
Từ vai trò nuôi dưỡng đất, lưu trữ các-bon, cung cấp thực phẩm cho hàng tỷ người, điều tiết nước và là nơi ở của các loài sống trên cạn; sử dụng hợp lý tài nguyên rừng là cách tốt nhất để chống lại BĐKH và đóng góp vào sự thịnh vượng của các thế hệ hiện tại và tương lai./.