Di Linh - Lâm Đồng: Tưng bừng Lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào dân tộc K’Ho cho một mùa màng bội thu

Sáng ngày 15/12, UBND Huyện Di Linh (Lâm Đồng) đã tổ chức phục dựng Lễ Nhô Lir Bong (Mừng lúa mới) của người K’Ho S’re tại Huyện Di Linh.

Lễ Mừng lúa mới tái hiện trong sự hân hoan của hàng trăm người đến từ các dân tộc anh em chung sống thuận hòa trên cao nguyên Di Linh, nhân dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ 10 năm 2024. Dưới không gian của làng truyền thống dân tộc K’Ho, thôn Klong Trao 1, xã Gung Ré, lễ mừng lúa mới đã được các cộng đồng người K’Ho S’re tái hiện sinh động. Với cư dân bản địa, đây là nghi thức truyền thống, gắn liền với hoạt động canh tác lúa nước được truyền qua nhiều đời.

dsc-3995-1734242273198-1734266734.jpgGià làng thổi tù và mở đầu nghi thức cúng lúa mới.

Theo phong tục của người K’Ho ở Di Linh, sau một năm làm việc vất vả, khi vụ mùa đã thu hoạch xong, lúa chất đầy kho, các Bon Làng người Cơ Ho lại tổ chức Lễ hội Mừng lúa mới. Lễ hội này nhằm tạ ơn các thần linh (Yàng) đã phù hộ cho buôn làng có vụ mùa bội thu.

dsc-4006-1734242308516-1734266768.jpgCắt tiết gà lấy máu cúng Yàng và các vị thần linh.

Lễ vật chuẩn bị cho Lễ Mừng lúa mới gồm: 2 cây nêu, một bàn thờ chính và một bàn thờ nhỏ nằm bên dưới chân 2 cây nêu; các nghi lễ được dân làng chuẩn bị chu đáo trước đó nhiều ngày.

screenshot-2024-12-15-193944-1734266840.pngCác già làng thực hiện nghi thức cần thiết để mở màn lễ Mừng lúa mới.

Đây là lễ nghi mang đậm tín ngưỡng vạn vật hữu linh, là bản sắc văn hóa độc đáo. Ý nghĩa của lễ hội là theo chu kỳ canh tác của cây lúa, sau khi thu hoạch xong, đồng bào Tây nguyên thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới, vừa để tạ ơn Giàng (Yàng - thần linh) đã ban cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống no đủ; đồng thời cũng là dịp bà con dân làng chung vui, hưởng thành quả công sức lao động, cầu cho một mùa màng no đủ trong vụ mùa năm sau.

 

dsc-4050-1734242369178-1734266881.jpgNgười Cơ Ho thực hiện nghi thức khui rượu cần.

Lễ Mừng lúa mới gồm phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ do các già làng có uy tín trong cộng đồng trực tiếp thực hiện. Tại cây nêu trung tâm, già làng sẽ khấn Yàng (thần linh) để bày tỏ lòng thành kính và xin cho "lũ làng" cùng về mở hội mừng cho mùa màng bội thu. 

Mở đầu nghi thức cúng mừng lúa mới, già làng cầm tù và đứng dưới chân cây nêu, hướng về bốn phía thổi lên những hồi dài nhằm mục đích báo hiệu cho người dân buôn gần, bản xa biết sự kiện trọng đại đang diễn ra. Tiếng tù và cũng là biểu tượng để kết nối, mời gọi Yàng và các vị thần linh về chung vui, chứng kiến, nhận ơn, đáp lễ của buôn làng sau một năm vất vả với cái nương, cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché.

Sau các nghi thức khấn Yàng, làm lễ hiến sinh, nghi thức đâm trâu (hiện nay chỉ thực hiện thao tác mô phỏng), thủ tục khai chóe là phần mời rượu thần linh, quan khách và biểu diễn âm nhạc cồng chiêng bài Gung Me, Gung Ma (Chào mừng quan khách) và bài Nhu Tơ Nơm (Uống rượu cần).

 

dam-trau-1734242432576-1734267077.jpgTái hiện nghi thức đâm trâu trong lễ cúng lúa mới của người K’Ho.

Cùng lúc, con trâu cột ở cạnh đó cũng được một chàng trai khỏe mạnh thực hiện các thao tác mô phỏng hình thức đâm trâu truyền thống để hiến tế các vị thần linh. Những chàng trai, cô gái với trang phục thổ cẩm truyền thống nhảy múa, tôn vinh các vũ điệu, tái hiện nghi thức trồng và thu hoạch lúa nước dưới tiếng cồng chiêng vang vọng, thôi thúc. Rượu cần được ủ bằng gạo mới, lên men từ lá cây rừng cũng được già làng khai ché, dâng lên Yàng và các vị thần linh trong ngày Nhô Lir Bong.

 

screenshot-2024-12-15-193848-1734267189.pngTiết mục trình diễn múa xoang của các sơn nữ K’Ho sau khi kết thúc phần nghi lễ truyền thống. 

Là ngày vui của cộng đồng, khi các nghi thức truyền thống kết thúc, không phân biệt giàu sang, địa vị xã hội, mọi người cùng nhau uống rượu cần, say sưa nắm tay nhau nhảy múa quanh cây nêu dưới tiếng rộn rã, tưng bừng của vũ điệu cồng chiêng.