Ông Vũ Đức Nhuần - phó chủ tịch UBND huyện Di Linh cho biết, địa phương chọn chủ đề xuyên suốt là "Di Linh - Bản sắc và Hội nhập”. Theo đó, các sự kiện nhằm tạo điều kiện, cơ hội quảng bá hình ảnh Di Linh đến với du khách cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thương mại; góp phần kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
“Đặc biệt, chiều 15/12, tại Trung tâm Hội nghị huyện Di Linh sẽ diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư kết hợp thông tin về quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, với sự tham gia của nhiều tập đoàn, nhà đầu tư”, ông Nhuần nhấn mạnh.
“Di Linh - Bản sắc và Hội nhập” với nhiều chương trình đặc sắc
Huyện Di Linh sẽ có 12 hoạt động sẽ được tổ chức trên địa bàn huyện trong thời gian tới, tập trung diễn ra trong 2 ngày 14 và 15-12.
Cụ thể gồm: Lễ khai mạc, bế mạc chương trình; Lễ hội giới thiệu, trưng bày sản phẩm đặc trưng của địa phương với chủ đề "Hương sắc Cà phê, Lan và Gỗ"; Hội nghị xúc tiến đầu tư trên địa bàn huyện Di Linh - kết hợp thông tin về Quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Phục dựng Lễ Mừng lúa mới của dân tộc K'Ho; Ra mắt và trình diễn các hoạt động mô hình du lịch cộng đồng thôn K'long Trao 1; Triển lãm ảnh với chủ đề Di Linh - xưa và nay; Đêm hội cồng chiêng…
Cùng với đó, địa phương sẽ lồng ghép tổ chức hoạt động Ngày hội văn hóa Quân - Dân nhằm kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 - 22-12-2024)...
Hiện nay, UBND huyện Di Linh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp chặt chẽ trong công tác tổ chức, đảm bảo an ninh trật tự, công tác hậu cần, y tế, chỉnh trang đô thị… nhằm phục vụ tốt nhất cho các sự kiện. Ngoài ra, huyện Di Linh cũng tiến hành vận động xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức các hoạt động cũng như thu hút sự tham gia, hưởng ứng tích cực của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện.
Nhiều dự án mời gọi nhà đầu tư
Di Linh là huyện cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng, cách thành phố Đà Lạt 80km về phía Nam và cách TP Bảo Lộc 40km về phía Đông. Nằm ngay trên trục Quốc lộ 20 từ Đà Lạt đi TP Hồ Chí Minh; trục Quốc lộ 28 đi TP Phan Thiết và tỉnh Đắk Nông. Huyện có lợi thế trong giao lưu kinh tế và hội đủ điều kiện phát triển thành điểm phân phối, lưu thông hàng hóa, đầu mối kinh tế Phan Thiết - Di Linh - Đắk Nông; Hồ Chí Minh - Di Linh - Đà Lạt.
Là khu vực khí hậu ôn hòa quanh năm, huyện Di Linh có nhiều tiềm năng phát triển đô thị sinh thái vùng cao nguyên. Huyện đang triển khai các dự án Khu du lịch Thác Bobla, xã Liên Đầm với tổng số vốn đầu tư 475 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp với quản lý, bảo vệ rừng tại Tiểu khu 661A, 685, khu vực thác Liliang, xã Gung Ré; mô hình Làng Văn hoá truyền thống dân tộc K’Ho tại thôn K’Long Trao 1, xã Gung Ré; danh lam thắng cảnh hồ KaLa… Ngoài ra, huyện Di Linh đang thu hút những khách du thuyền trên sông Đồng Nai ở xã Đinh Trang Thượng; Giải Việt dã Brăh Yàng Trail ở xã Bảo Thuận; tham quan, dã ngoại tại các thác nước Phú Xuân (xã Gia Hiệp), thác nước 7 tầng (xã Tam Bố, xã Hòa Bắc), thác Liliang (xã Gung Ré), thác Liên Brong (xã Tân Thượng, thác Đạ K’ròn Noành (xã Gia Bắc)…
Mục tiêu trở thành khu vực vệ tinh của khu kinh tế trọng điểm phía Nam
Theo ông Trần Đức Công – Chủ tịch UBND huyện Di Linh, với chủ đề “Di Linh - Bản sắc và Hội nhập”, các sự kiện nhằm tạo điều kiện, cơ hội quảng bá hình ảnh Di Linh đến với du khách cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư thương mại; góp phần kích cầu du lịch, nâng cao chất lượng đời sống, văn hóa tinh thần cho người dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Xa hơn trong tương lai, khi chất lượng giao thông được cải thiện, Di Linh sẽ trở thành khu vực vệ tinh của khu kinh tế trọng điểm phía Nam, không những trở thành điểm dừng mà còn là trung tâm giao dịch, buôn bán trên tuyến Phan Thiết - Di Linh - Đắk Nông - Đà Lạt - Hồ Chí Minh.
Theo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Di Linh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, vùng huyện Di Linh sẽ trở thành vùng kinh tế động lực, trung tâm của tiểu vùng II tỉnh Lâm Đồng (bao gồm huyện Di Linh, Đam Rông và phía Tây huyện Lâm Hà).
Xây dựng đô thị Di Linh là trung tâm hành chính - chính trị của huyện Di Linh, trung tâm thương mại dịch vụ cấp vùng, trung chuyển hàng hóa trong tỉnh và vùng Tây Nguyên, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Xây dựng tầm nhìn và các mục tiêu chiến lược, phát triển vùng huyện Di Linh gắn với đa ngành, phát triển toàn diện và cân bằng. Phát triển không gian vùng huyện phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng và huyện Di Linh; đồng bộ, thống nhất với định hướng phát triển của các ngành; phát huy các lợi thế vị trí, tiềm năng và nguồn lực của huyện.
Phát triển hệ thống đô thị - nông thôn theo hướng tăng trưởng xanh, khả thi và phù hợp với xu thế hội nhập, sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu. Phát triển các không gian đô thị, không gian sản xuất nông nghiệp hài hòa với không gian cảnh quan rừng đặc trưng và không gian bảo tồn đa dạng sinh học của vùng cao nguyên.
Phát triển nông nghiệp theo mô hình tiên tiến, ưu tiên phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao… hình thức trang trại quy mô lớn. Phát triển các cụm công nghiệp khai thác lợi thế về nguồn nguyên liệu, các ngành nghề truyền thống, phát triển các ngành nghề mới để tạo nhiều việc làm cho người lao động.
Phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch canh nông, du lịch văn hóa cộng đồng… theo hướng du lịch chất lượng cao. Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, bảo đảm cho việc kết nối nội vùng và ngoại vùng.
Thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-TU ngày 3/6/2022 của Tỉnh ủy Lâm Đồng về đầu tư, phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo động lực cho Di Linh phát triển toàn diện đến năm 2025 định hướng đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, huyện Di Linh đang kêu gọi đầu tư vào hàng loạt dự án trọng điểm.