Đôi điều ngẫm nghĩ từ một diễn đàn

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 thu hút hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đại biểu gồm những nhà lãnh đạo quốc gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp nổi tiếng, giới chuyên gia, học giả hàng đầu về nhiều lĩnh vực,…

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2024 thu hút hơn 1.700 đại biểu đến từ 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đại biểu gồm những nhà lãnh đạo quốc gia, giám đốc điều hành doanh nghiệp nổi tiếng, giới chuyên gia, học giả hàng đầu về nhiều lĩnh vực,…

Với chủ đề “Chân trời tăng trưởng mới”, diễn đàn tập hợp những tinh hoa, cùng nhau thảo luận, vẽ ra tầm nhìn tương lai nhân loại. Đặc biệt, chủ đề Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm nhiều nhất và xuyên suốt.

Các diễn giả chia sẻ những góc nhìn về một thế giới với nhiều thách thức: biến đổi khí hậu, bất ổn từ những cuộc xung đột, dịch bệnh, ô nhiểm môi trường,...

Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cơ hội vô cùng to lớn: khoa học công nghệ phát triển vượt bậc, sức mạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, cách tiếp cận mới về giáo dục đào tạo,…. 

Con đường đi đến Chân trời tăng trưởng mới bằng Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ tạo xung lực mới cho mỗi đất nước, doanh nghiệp, tổ chức, ngành nghề,…

Tiếp cận xu thế thế giới, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” với khát vọng về một Việt Nam khởi nghiệp đã trải qua hành trình 8 năm. Đã có thành công đây đó, nhưng cũng không ít thất bại nơi này, nơi kia. Thành công hay thất bại trong khởi nghiệp là thực trạng chung trên thế giới. Quan trọng hơn là nhìn lại những gì đã làm tốt để làm tốt hơn, đồng thời cũng cần dũng cảm nhận ra những gì chưa tốt, chưa thực chất để tránh rơi vào cái bẫy phong trào.

Thời gian qua, trên khắp đất nước có nhiều diễn đàn “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong trường học” trở thành những sự kiện quan trọng với những tâm huyết với những góc nhìn đầy trách nhiệm. Thật ấm lòng khi nhận được nhiều chia sẻ từ các chuyên gia đang thầm lặng cấy nền, tư vấn, huấn luyện khởi nghiệp. Một số trường đã tạo lập “Vườn ươm khởi nghiệp” với biết bao kỳ vọng.

Các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ NN-PTNT cũng đã có nhiều hoạt động tích cực thực hiện Đề án của Chính phủ. Gần đây, các thầy cô đã cùng tham gia sự kiện: Hội nghị Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo. Thật thú vị khi cảm nhận được biết bao khát vọng qua những gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp.

Thật cảm xúc khi tiếp xúc thế hệ trẻ đang khởi tạo tương lai cho mình và đất nước. Thật tự hào khi biết chặng đường khởi nghiệp dù luôn trắc trở, nhưng có những ý chí thật mạnh mẽ: “Còn thở là còn gỡ!”.

Khởi nghiệp là câu chuyện nghiêm túc, là một hành trình không có điểm dừng, không có đích đến; không phải thành tích ngắn hạn mà là chiến lược dài hạn. Khởi nghiệp không chỉ là câu chuyện của một cá nhân, một đội nhóm, một ngôi trường mà xa hơn, rộng hơn, cao hơn, là câu chuyện đất nước.

Khởi nghiệp không chỉ là những ý tưởng, mô hình, sản phẩm, hay những cuộc thi, mà là tạo dựng thế hệ doanh nhân trong tương lai.

Không phải tất cả ý tưởng tốt đều có thể thị trường hóa thành công. Không phải những người đoạt giải sau này đều trở thành doanh nhân. Nhưng nếu nhận thức đầy đủ, hành động đúng, tỷ lệ thành công sẽ cao hơn. Khi ấy sẽ có nhiều người học trở thành người chủ, chứ không chỉ là người làm thuê, hoặc dù có làm thuê vẫn sẵn sàng làm chủ.

Muốn vậy, không nên xem học sinh sinh viên chỉ cần biết “học”, còn “hành” là chuyện bước ra cuộc đời sau này. Học và hành luôn đi đôi với nhau, cũng giống như lập thân và lập nghiệp không thể tách rời nhau.

Trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trường học có tầm quan trọng đặc biệt. Trường học có các bộ môn hỗ trợ hoàn thiện ý tưởng, mô hình, sản phảm khởi nghiệp. Trường học có phòng thí nghiệm, vườn thực nghiệm, thư viện tra cứu thông tin, tìm kiếm tri thức.

Trường học có thị trường tiêu dùng là hàng ngàn học sinh sinh viên. Đặc biệt, nơi đây có những chương trình hợp tác với doanh nghiệp, những người sẵn sàng tư vấn khởi nghiệp và giúp thị trường hóa sản phẩm khởi nghiệp.

Từ hướng nghiệp đến giáo dục nghề nghiệp là một sự thay đổi quan trọng. Hướng nghiệp giúp người học xác định nghề nghiệp trong tương lai.

Giáo dục nghề nghiệp trang bị kiến thức, kỹ năng, tố chất làm chủ để có thể khởi nghiệp ngay khi rời khỏi ghế nhà trường. Hướng nghiệp như một hoạt động ngoại khóa, cung cấp định hướng cho người học. Giáo dục nghề nghiệp thực hiện phương châm thực học, thực nghiệp nên cần xem như môn học chính khóa.

Khi khởi nghiệp trở thành môn học chính khóa, các giáo viên sẽ tích hợp kiến thức nhiều bộ môn giúp hoàn thiện các ý tưởng. Không gian khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nhà trường sẽ là nơi diễn ra những hoạt động giúp học sinh sinh viên phát triển bản thân, tạo ra không gian tương tác để xuất hiện những ý tưởng sáng tạo trong nhiều những lĩnh vực khác nhau.

Đây cũng là nơi thúc đẩy “văn hóa đọc”, nền tảng khơi thông dòng suối cho các ý tưởng sáng tạo tuôn trào. Không thể có ý tưởng sáng tạo nếu thiếu kiến thức, lòng đam mê, niềm tin vào bản thân và thế giới quan mở rộng.

Khởi nghiệp không phải là con đường thẳng tắp, càng không phải là xa lộ hay đường cao tốc, mà là con đường quanh co, nhiều đồi dốc. Để có thể cạnh tranh trên thương trường, các chủ thể khởi nghiệp cần có kiến thức tổng hợp, liên ngành, đa ngành.

Học sinh sinh viên khởi nghiệp cần được truyền cảm hứng, hun đúc tinh thần, được tư vấn về cách giao tiếp xã hội. Với những đòi hỏi như vậy, nhà trường cần hợp tác với những chuyên gia giàu kinh nghiệm, những doanh nhân từng là cựu học sinh để tư vấn, huấn luyện khởi nghiệp.

Đất nước đi vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần lực lượng làm thuê để thu hút đầu tư. Nhưng đất nước cũng cần có nhiều người trẻ có tư duy làm chủ và khát vọng trở thành doanh nhân, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Nền nông nghiệp cần những doanh nông, giám đốc HTX trẻ, chủ nông trại tuổi đôi mươi có khát vọng làm giàu cho quê hương. Nền nông nghiệp cần những người trẻ biến nông sản từ thực phẩm thành dược phẩm, mỹ phẩm và những sản phẩm mang giá trị dinh dưỡng cao.

Sáng tạo là những ý tưởng khác biệt đến từ cách tư duy mở, tư duy ngược, tư duy phi tuyến tính. Trong quyển sách Nghĩ ngược lại, làm khác đi có một đúc kết “Một ý tưởng hay là một ý tưởng được thực hiện. Nếu không, nó được coi là ý tưởng không hay.”

Có một câu trích dẫn đáng suy ngẫm: “Giáo dục không phải đổ đầy cái bình rỗng, mà là thắp lên một ngọn lửa”. Ngọn lửa soi đường một thế hệ khởi nghiệp đi đến “Chân trời tăng trưởng mới”. Hiểu đúng và hành động đúng, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sẽ là cách tạo dựng thương hiệu cho những ngôi trường hạnh phúc!