Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao đến năm 2050

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 4/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đông Nam bộ hướng đến phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, hữu cơ là một trong những phương hướng phát triển về nông, lâm nghiệp, thủy sản được đặt ra
nncnc-1714987306.jpeg

Việc phát triển nông nghiệp hữu cơ được coi là nhiệm vụ đột phá trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Ảnh: Báo Kinh tế nông thôn

Phạm vi ranh giới quy hoạch Vùng này bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TP Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh. 

Mục tiêu quy hoạch đến năm 2030, Đông Nam bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực. Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. 

Đồng thời, Đông Nam bộ là đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.

Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể: Về kinh tế, vùng Đông Nam bộ phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8 - 9%/năm. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 380 - 420 triệu đồng, tương đương 14.500 - 16.000 USD.

Về xã hội, chỉ số phát triển con người (HDI) đạt trên 0,8. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 40 - 45%; tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 3%...

Mục tiêu đến năm 2050, Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao; có tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu kinh tế hiện đại; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế thuộc nhóm hàng đầu của khu vực và thế giới; có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2031 - 2050 đạt khoảng 7,5%/năm, GRDP/người đến năm 2050 đạt khoảng 54.000 USD.

Với nông, lâm, nghiệp thủy sản, Quy hoạch đặt ra phương hướng đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, thông minh, tuần hoàn, sinh thái, bền vững; sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; sản xuất theo chuỗi từ khâu nuôi trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức lại phương thức sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, tăng cường liên kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng nuôi trồng sản phẩm; gắn phát triển nông nghiệp với du lịch, bảo tồn đa đạng sinh học.

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao sinh thái và hữu cơ, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ở khu vực Tây Bắc và phía Bắc vùng, bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương; tập trung vào các sản phẩm cây công nghiệp lợi thế như cao su, điều, hồ tiêu và các loại cây ăn quả, ứng dụng công nghệ cao kết hợp du lịch sinh thái. Phát triển vùng chăn nuôi tập trung theo hình thức trang trại, doanh nghiệp cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh với các sản phẩm chủ lực là chăn nuôi lợn, gia cầm, bò sữa.

Nâng cao hiệu quả và tính bền vững của khai thác hải sản, chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản. Đầu tư Trung tâm nghề cá lớn Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với ngư trường Đông Nam bộ; khu Trung tâm thủy sản TP Hồ Chí Minh tại huyện Cần Giờ phục vụ cho chế biến sâu kết hợp cảng cá. Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp ở các vùng biển có điều kiện thuận lợi, ưu tiên các vùng biển xa bờ.

Xây dựng các trung tâm sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao cung cấp cho các địa phương trong và ngoài vùng. Hình thành trung tâm logistics nông sản trên địa bàn vùng phục vụ kiểm soát chất lượng, chế biến, xuất khẩu hàng nông sản của vùng và các vùng lân cận.

Ngoài ra, phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn, ven biển, rừng đặc dụng. Phát triển lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng biệu quả tài nguyên rừng. Phát triển nông - lâm kết hợp, lâm sản ngoài gỗ, lâm nghiệp đô thị, cảnh quan và các loại hình du lịch bền vững gắn với rừng. Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ bán tín chỉ carbon, phát triển kinh tế đưới tán rừng.