Vì thế, việc tranh cãi một giống gạo cụ thể đạt giải ngon nhất thế giới có thực sự cần thiết, hay cần nhìn rộng ra hơn nữa.
Xung quanh tranh cãi về việc gạo ST25 hay gạo Việt Nam ngon nhất thế giới vừa qua, thông tin mới nhất của Ban Tổ chức cho biết, kỹ sư Hồ Quang Cua nhận cúp cho giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 vào ngày 30/11/2023 tại Philippines, nhưng The Rice Trader hôm nay mới tiết lộ gạo ST25 của ông là gạo chiến thắng.
Tham dự giải lần này, Việt Nam có 6 loại gạo do The Rice Trader tổ chức tại Cebu (Philippines). Hình ảnh trao cúp chụp ngày 30/11 cho thấy cúp vô địch được trao cho ông Cua nhưng The Rice Trader không công bố tên gạo chiến thắng, chỉ nói "gạo Việt Nam" là ngon nhất.
Do đó, tranh cãi đã nổ ra với 2 luồng ý kiến: Chỉ có ST25 đoạt giải nhất và cả 6 loại gạo dự thi cùng đoạt giải ngon nhất thế giới? The Rice Trader hôm nay cho biết không thể có chuyện tất cả đoạt giải nhất.
Trong một thông cáo tiếng Anh do ông Jeremy Zwinger, Tổng Giám đốc (CEO) của The Ricer Trader gửi đến báo chí Việt Nam, ông cho biết Ban tổ chức đã có kế hoạch công bố tên cụ thể sau 6 tháng nhưng bị buộc phải làm rõ hôm nay.
Ông viết: "Việc nói tất cả giống gạo đến từ Việt Nam đều là gạo ngon nhất thế giới là phi logics và đi ngược lại tôn chỉ vinh danh những nỗ lực hướng đến thành công của chúng tôi".
Bên cạnh việc làm rõ ST25 đoạt giải quán quân, Zwinger cũng cho biết cuộc thi năm nay có sự tham dự của 30 mẫu giống đến từ nhiều nước. Một số nước gửi nhiều hơn một mẫu giống. Chỉ có ba giống gạo vào được top 3 chung cuộc. Đó là một giống từ Campuchia, một giống từ Ấn Độ và một giống từ Việt Nam.
"Giống gạo nhận được giải gạo ngon nhất thế giới năm 2023 là gạo ST25 từ Việt Nam, được phát triển bởi doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí. Ngoài ST25, không giống gạo Việt Nam nào lọt vào top 3 chung cuộc và cũng không giống gạo nào ảnh hưởng đến kết quả hội thi", thông cáo trên viết.
Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất độc quyền tất cả các sản phẩm gạo do ông Cua tạo ra.
Như vậy, gạo ST25 đã 2 lần vô địch thế giới. Lần đầu là năm 2019, cũng tại giải do The Ricer Trader tổ chức.
Theo ông Cua, mẫu gạo dự thi năm 2023 được trồng trên quy mô 2,6 ha thuộc ấp Tiên Cường, xã Thạnh Thới An (huyện Trần Đề, Sóc Trăng), nằm trong số hàng trăm mẫu ruộng thực nghiệm các chế phẩm sinh học để phòng ngừa bệnh tật và côn trùng trên cây lúa.
Ông Cua, cha đẻ của gạo ST25 đã được vinh danh nhờ thành tựu cống hiến trọn đời cho cộng đồng gạo thế giới của Ban tổ chức (The Rice Trader) trong năm 2022 vì những đóng góp to lớn cho ngành lúa gạo Việt Nam và thế giới. Giải được trao cho người có tầm ảnh hưởng lớn đối với ngành gạo quốc gia hoặc khu vực hoặc thế giới, thuộc 3 lĩnh vực chính gồm: nghiên cứu, sản xuất hoặc về thương mại gạo.
Trở lại câu chuyện về tranh cãi gạo ST25 hay gạo Việt Nam ngon nhất thế giới, có thể thấy, câu chuyện lần này do chính truyền thông trong nước đẩy lên một cách không cần thiết. Theo như lý giải của Ban Tổ chức, 6 tháng sau họ sẽ công bố tên gạo cụ thể đạt giải, nhưng vì áp lực của chính báo chí Việt Nam, mà họ buộc phải công bố tên gạo cụ thể,
Thực tế cho thấy, dù là gạo ST25 hay bất kỳ thương hiệu gạo nào đoạt giải, xét một cách tổng thể cũng là gạo của Việt Nam cả, vì nó xuất phát từ đồng đất Việt Nam, được người Việt Nam chúng ta làm ra. Trong bối cảnh xuất khẩu gạo đang thuận lợi như hiện nay, việc gọi "gạo Việt Nam" ngon nhất thế giới càng có lợi về tổng thể. Bởi trong kim ngạch gần 8 triệu tấn gạo đã xuất khẩu, còn có rất nhiều loại gạo khác nhau.
Vì thế, theo một số chuyên gia, việc Ban Tổ chức họ công bố tên "gạo Việt Nam" ngon nhất thế giới, càng chứng tỏ thương hiệu nói chung của hạt gạo Việt và điều đáng tiếc, nếu dư luận trong nước không đẩy sự việc lên quá cao, theo quy trình 6 tháng sau họ công bố tên cụ thể cũng sẽ vẹn cả đôi đường.