CNH, HĐH góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn
CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn là quá trình xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại; gắn nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, phát huy có hiệu quả cao mọi nguồn lực và lợi thế nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội trong nông nghiệp, nông thôn; xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp; xây dựng nền nông nghiệp sinh thái hiện đại, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
CNH, HĐH giúp sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, hiện đại.
Hiện nay, tốc độ CNH, HĐH đang diễn ra khá nhanh ở nhiều địa phương, do vậy việc xây dựng nông thôn mới gắn với quá trình CNH, HĐH là tất yếu của quá trình phát triển. CNH, HĐH cũng là yêu cầu mới đặt ra đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phù hợp với thực tiễn theo hướng phát triển đô thị bền vững, đô thị xanh và đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. CNH, HĐH cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam.
Các tác động tích cực của CNH, HĐH đến nông nghiệp, nông thôn có thể kể đến như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu nhập và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy quá trình cơ giới hóa, tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng nguồn lực và vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn; tăng quy mô sản xuất, thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và các thể chế trong nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu. Theo kết quả tính toán năm 2020, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) trong giá trị gia tăng ngành nông lâm thủy sản có xu hướng gia tăng từ 23,87% giai đoạn 2000-2005 lên gần 50% giai đoạn 2010-2015 và đạt 75,92% trong giai đoạn 2015-2020.
Tuy nhiên, CNH, HĐH cũng có một số tác động tiêu cực đến nông nghiệp, nông thôn như: việc chuyển dịch lao động tự do sang công nghiệp và dịch vụ dẫn đến thiếu lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn; lao động chưa được đào tạo để bắt kịp với yêu cầu CNH, HĐH, dẫn đến năng suất lao động còn thấp; việc cơ giới hóa chưa đồng bộ từ sản xuất đến thị trường, nhiều tiêu chuẩn chưa được áp dụng đồng bộ; môi trường nông nghiệp, nông thôn ngày càng bị ô nhiễm...
Trước thực tiễn nêu trên, việc dự báo xu hướng chủ đạo của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn trong tương lai để có các giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình mới là rất quan trọng.
Dự báo một số xu hướng toàn cầu tác động đến CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn Việt Nam giai đoạn 2021-2030
Xu hướng chuyển đổi số và sản xuất thông minh
Xu hướng chuyển đổi số: chuyển đổi số là thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh và đời sống nhờ sử dụng dữ liệu và công nghệ số. Chuyển đổi số bao gồm 3 lĩnh vực là “Chính phủ số”, “kinh tế số” và “xã hội số”. Cả 3 lĩnh vực này đều sẽ có tác động rất lớn đến nông nghiệp, nông thôn. Đối với nông dân và người dân nông thôn, hạn chế lớn nhất là thiếu thông tin trong các lĩnh vực sản xuất và đời sống. Chính phủ số và xã hội số sẽ mang lại cơ hội tăng cường khả năng kết nối cho họ với thông tin, xoá nhoà một phần khoảng cách về địa lý, giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục hành chính nhiều cấp hiện nay để được sử dụng trực tiếp các dịch vụ công của Chính phủ. Vì vậy, người nông dân sẽ là khách hàng mục tiêu của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.
Xu hướng sản xuất thông minh ngày càng được áp dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp.
Xu hướng sản xuất thông minh: sản xuất thông minh là ứng dụng chuyên sâu công nghệ thông tin về dữ liệu ở cấp độ doanh nghiệp cho phép các hoạt động sản xuất được thực hiện thông minh, hiệu quả và linh hoạt. Trong đó, trước hết nông nghiệp cần thông minh với thị trường, sau đó là thông minh với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu và trình độ phát triển của đất nước (năng lực đầu tư, công nghệ) cũng như dân trí của người dân.
Xu hướng phát triển kinh tế xanh
Xu hướng tăng trưởng xanh: xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay không chỉ hướng đến mục tiêu kinh tế mà còn phải bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, sạch. Tăng trưởng xanh là quá trình sản xuất áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Tăng trưởng xanh cũng cần dựa trên 3 trụ cột là: tăng trưởng kinh tế bền vững, xây dựng xã hội bền vững và bảo vệ môi trường, tương tự như chuyển từ “nền nông nghiệp sản lượng cao, hiệu quả kinh tế cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững”.
Xu hướng nông nghiệp tuần hoàn: nông nghiệp tuần hoàn hay khái niệm về tuần hoàn trong hệ thống nông nghiệp bắt nguồn từ sinh thái công nghiệp. Mục tiêu là để hạn chế sử dụng tài nguyên và giảm phát thải nhà kính vào môi trường bằng việc tổ chức sản xuất theo vòng tuần hoàn khép kín. Nông nghiệp tuần hoàn cần hướng đến: tuần hoàn chất hữu cơ, chất dinh dưỡng, nước, năng lượng và vật liệu nhựa.
Xu hướng phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững
Xu hướng nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm: nông nghiệp trách nhiệm là khái niệm mà các quốc gia cam kết với nhau và với người dân của mình. Trong sản xuất, hiệu quả về kinh tế đồng thời phải an toàn về môi trường, có dinh dưỡng cao, sản xuất không chỉ phục vụ cho thế hệ hiện tại mà còn cho muôn đời sau. Trách nhiệm được đặt ra cho nền nông nghiệp là phải đảm bảo an ninh lương thực cho người dân trong mọi tình huống, mọi thời điểm. Người dân cần được cung cấp lương thực, thực phẩm đủ, an toàn và cân đối về dinh dưỡng. Sản xuất cần minh bạch thông tin về quy trình, có thể truy cập xuất xứ nông sản hàng hóa. Sản xuất hiện nay nhưng phải hài hòa lợi ích cho thế hệ mai sau.
Xu hướng nông nghiệp gia đình làm trọng tâm: ở các nước phát triển và đang phát triển, nông nghiệp gia đình đại diện cho hình thức sản xuất nông nghiệp chủ yếu cũng như nguồn lương thực, thực phẩm chính. Đây là hình thức lao động khai thác đất đai trực tiếp và được coi là hiệu quả và bền vững nhất. Nhiều kinh nghiệm trên thế giới đã khẳng định, nông nghiệp gia đình có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững về kinh tế, môi trường, xã hội và văn hóa của nông nghiệp, nông thôn. Nông dân trong nền nông nghiệp hiện đại sẽ là chủ thể, hướng đến xây dựng các trang trại gia đình, ứng dụng công nghệ, nông dân được đào tạo chuyên nghiệp và trở thành người làm nông nghiệp như mọi nghề nghiệp trong xã hội chứ không phải là người nông dân tự cung tự cấp như trước kia.
Giải pháp đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030
Trong thời gian tới, mục tiêu của quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030 là tập trung vào nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyên nghiệp. Quá trình CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn phải gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phục vụ có hiệu quả chiến lược tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyên nghiệp của CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn cần tính đến việc cải cách thể chế tổ chức sản xuất và chuỗi giá trị, kết hợp với ứng dụng KH&CN, chuyển đổi số nhằm sử dụng hiệu quả cao hơn nguồn lực, tăng năng suất lao động. Số lượng lao động nông nghiệp sẽ giảm nhưng cần đào tạo hình thành tầng lớp nông dân trẻ chuyên nghiệp với các chính sách cụ thể.
Cần có chiến lược phát triển kinh tế phi nông nghiệp trong nông thôn để đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng thông qua chiến lược CNH phân tán dựa vào công nghiệp chế biến nông sản và phát triển dịch vụ, du lịch nông thôn cũng như đa dạng các sản phẩm địa phương OCOP.
Đầu tư công cho nông nghiệp, đặc biệt cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo cần được ưu tiên. Vấn đề văn hoá nông thôn, kiến thức bản địa cần được coi trọng bên cạnh các vấn đề môi trường nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từng bước chuyển từ đầu tư hạ tầng sang đầu tư kinh tế tri thức và trao quyền làm chủ mạnh mẽ hơn cho cộng đồng nông thôn.
Để thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, nông thôn không chỉ là bệ đỡ mà còn là động lực mới cho phát triển kinh tế và CNH, HĐH đất nước trong giai đoạn đến năm 2045. Làm rõ mô hình tăng trưởng mới trong điều kiện hậu đại dịch Covid-19, trong đó có vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo nhằm tăng năng suất lao động cũng như chất lượng tăng trưởng gắn với kinh tế nông nghiệp và xã hội nông thôn, phát huy được lợi thế để CNH, HĐH.
Hai là, đổi mới quan điểm về vai trò công bằng của các thành phần kinh tế trong quá trình CNH, HĐH, đặc biệt chú ý vai trò chủ thể của hộ nông dân chuyên nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cộng đồng trong quá trình phát triển, chú trọng vai trò của các hiệp hội ngành hàng.
Ba là, thúc đẩy phát triển nền kinh tế phi nông nghiệp, nông thôn (chế biến nông sản, cụm làng nghề, du lịch nông thôn…) để giải quyết bằng được việc rút lao động nông thôn ra khỏi sản xuất nông nghiệp và tạo công ăn việc làm phi nông nghiệp trong nông thôn nhằm giảm bớt sức ép dân số lên các đô thị lớn, thích ứng với điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu.
Bốn là, tạo đột phá về tổ chức thể chế và đào tạo nghề theo hướng chuyên nghiệp hóa nông dân, đẩy mạnh kinh tế hợp tác, phát triển chuỗi giá trị. Nới lỏng chính sách hạn điền đất nông nghiệp, ưu tiên trực canh trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, hỗ trợ hộ nông dân hình thành các trang trại gia đình và các hợp tác xã nông nghiệp hiện đại như ở các nước phát triển.
Năm là, tiếp tục tăng đầu tư công cho nông nghiệp, phân cấp quản lý đầu tư công, các dịch vụ công, quản lý công trình, tài nguyên công cộng cho các tổ chức cộng đồng; thử nghiệm hình thức quỹ phát triển nông thôn hỗ trợ cho các cộng đồng dựa trên các dự án do cộng đồng đề xuất và làm chủ.
Sáu là, định hướng ổn định dài hạn về cam kết lâu dài thu hút đầu tư nước ngoài vào hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm và bền vững, thúc đẩy nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng và thực hiện Chương trình không còn nạn đói ở các vùng khó khăn, dân tộc.
Bảy là, Nhà nước cần tăng cường đầu tư công về kinh phí cho hệ thống các đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam, ít nhất đạt mức tương đương với xu hướng các nước trong khu vực là mức 0,84% GDP nông nghiệp để đảm bảo CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn thành công, không bị tụt hậu về KH&CN. Nhà nước cần nâng tỷ lệ chi cho KH&CN từ ngân sách trong những năm tới lên mức 2,8-3% tổng chi ngân sách nhà nước, tương ứng với tổng chi nghiên cứu và phát triển đạt mức 2% GDP.
Tám là, xây dựng đề án chuyển đổi số, nền tảng số tập trung của ngành nông nghiệp, nông thôn nhằm cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công cho nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần tham gia điều phối Chương trình Đổi mới sáng tạo quốc gia để hướng đến các doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp, nông thôn nâng cao năng suất lao động. Ưu tiên các lĩnh vực chuyển đổi nông nghiệp sinh thái, chế biến thực phẩm, quản lý thất thoát sau thu hoạch, nông nghiệp tuần hoàn và chuyển đổi số nông nghiệp, nông thôn.